Hotline 24/7
08983-08983

Trào ngược dạ dày thực quản "ẩn mình" dưới nhiều bệnh nên khó trị

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể gây ảnh hưởng đến mũi họng và hô hấp, trở thành một trong những nguyên nhân khiến cho bệnh nhân bị ho kéo dài.

Hội thảo “Hình thái lâm sàng đa dạng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản” quy tụ các bác sĩ của 3 chuyên khoa: tiêu hóa, tai mũi họng và hô hấp
Hội thảo “Hình thái lâm sàng đa dạng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản” diễn ra vào cuối tuần qua tại TPHCM, với sự tham dự của 3 báo cáo viên: TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Nội tiêu hóa, BV Nhân dân 115, GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu - Trưởng khoa Tai mũi họng, BV Đại học Y dược TPHCM, PGS.TS.BS Lê Tiến Dũng - Trưởng khoa Hô hấp, BV Đại học Y dược TPHCM và đông đảo các bác sĩ đến từ các bệnh viện tại TPHCM và các tỉnh lân cận.



PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng - Trưởng khoa Tiêu hóa Gan mật BV Đại học Y Dược TPHCM, chủ tọa hội thảo khoa học "Hình thái lâm sàng đa dạng của bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản"


GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu - Trưởng khoa Tai mũi họng BV Đại học Y Dược TPHCM

PGS.TS BS Lê Tiến Dũng - Trưởng khoa Hô hấp BV Đại học Y Dược TPHCM


TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng, trưởng khoa Nội tiêu hóa BV Nhân dân 115

Báo cáo đầu tiên của TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng giới thiệu về “Cách tiếp cận bệnh nhân trào ngược dạ dày - thực quản (GERD)”, đưa ra một trường hợp lâm sàng là bệnh nhân 52 tuổi, béo phì. Bệnh nhân bị ợ nóng, nóng rát trước ngực khoảng 2 năm, triệu chứng tăng lên vào 2 tuần gần nhất cùng với cảm giác ngộp thở, nuốt vướng. Ngoài những triệu chứng cơ năng này thì không ghi nhận điều gì bất thường.

Các triệu chứng trên gợi ‎ý đến 2 nhóm bệnh ở: thực quản (GERD, viêm loét thực quản, thoát vị hoành), ngoài thực quản (cơn đau thắt ngực không điển hình, tai mũi họng, hô hấp).

Theo BS Phượng, khi bệnh nhân bị GERD thì chỉ có 20% có biểu hiện ở đường tiêu hóa, 80% có triệu chứng ở ngoài đường tiêu hóa. Đôi khi những triệu chứng ở ngoài dạ dày - thực quản lại chiếm ưu thế: nuốt vướng, nuốt khó, khàn giọng…

Chẩn đoán GERD 80% dựa trên biểu hiện lâm sàng và có một số thang điểm ứng dụng để làm tăng thêm độ chính xác của chẩn đoán: GERD Q, San Diego Ris, Bernstein test, PPI test…

Trong bài báo cáo của mình, TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trình bày về các loại thuốc dùng cho bệnh nhân GERD, trường hợp kháng trị phải làm sao, khi nào cần phẫu thuật… và những lưu ý trong sinh hoạt để giúp bệnh mau khỏi.


GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu báo cáo đề tài: "GERD và các biểu hiện trào ngược ngoài thực quản là 1 hay 2 bệnh?"

Đến từ BV Đại học Y dược TPHCM, GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu - Trưởng khoa Tai mũi họng đặt vấn đề: “GERD và các biểu hiện trào ngược ngoài thực quản là một hay 2 bệnh?”. Để làm sáng tỏ vấn đề này, BS Hữu đề cập tới thuật ngữ trào ngược họng - thanh quản (Laryngo Pharyngeal Reflux - LPR), chỉ tình trạng trào ngược chất chứa trong dạ dày - tá tràng lên vùng hầu họng.

BS Hữu cho biết 4-10% bệnh nhân đến khám bệnh tai mũi họng vì bị viêm thanh quản mạn, viêm họng có tình trạng trào ngược họng - thanh quản, 60% liên quan đến GERD. Triệu chứng thường gặp của bệnh nhân là khàn tiếng, đau họng, nuốt khó, nóng/rát họng, ho mạn tính, khó thở…

BS Hữu đưa ra nhiều hình ảnh nội soi cho thấy dịch từ dạ dày - tá tràng đưa lên có thể khiến thanh quản bị tổn thương: xung huyết - phù nề dây thanh; xung huyết - phù nề lan tỏa; dây thanh giả; xóa băng thanh thất; niêm dịch dày, nhầy; u hạt…

Theo BS Phạm Kiên Hữu, GERD có liên quan đến LPR, tuy nhiên cho đến nay, mối liên hệ này vẫn chưa được làm rõ. Cần thiết phải cải thiện độ tin cậy của nội soi thanh quản chẩn đoán. BS Hữu nhấn mạnh: LPR có thể liên quan đến GERD nhưng GERD không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra LPR.


PGS.TS.BS Lê Tiến Dũng trình bày: "Mối liên quan cùa bệnh l‎ý hô hấp và trào ngược"

Bài báo cáo cuối cùng của hội thảo: “Mối liên quan cùa bệnh l‎ý hô hấp và trào ngược” do PGS.TS.BS Lê Tiến Dũng trình bày. Ông đưa ra một trường hợp bệnh nhân nữ được chẩn đoán bị hen, tuy nhiên, sau liệu trình điều trị bằng thuốc xịt và thuốc uống, các cơn hen vẫn không được kiểm soát. Câu hỏi đặt ra: có đúng bệnh nhân này bị hen không?

Nếu không phải là hen, thì có thể là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), giãn phế quản, GERD, khối u trung tâm, dị vật, tăng thông khí.

Còn nếu đúng là hen thì bệnh nhân đang có các bệnh đi kèm: giãn phế quản, bệnh đường hô hấp trên, GERD, bệnh phế quản phổi dị ứng, bệnh hen nghề nghiệp, NSAIDs và hen, hội chứng u hạt bạch cầu ái toan, tăng thông khí.

Theo BS Lê Tiến Dũng, bệnh hen có thể liên quan đến GERD nếu: triệu chứng hen xuất hiện khi: bắt đầu ở tuổi trưởng thành, trở nên tồi tệ hơn sau một bữa ăn lớn hoặc tập thể dục, khi đang uống rượu bia, vào ban đêm hay khi nằm xuống, thuốc hen ít hiệu quả hơn bình thường.

Chẩn đoán GERD ở bệnh nhân hen chủ yếu dựa trên bệnh sử và thăm khám kỹ càng, điều trị thử với PPI và giảm nhu động, nếu không giảm triệu chứng, xem xét việc theo dõi pH trong 24 giờ hay nội soi dạ dày thực quản.

BS Dũng kết luận: GERD là bệnh l‎ý đi kèm thường gặp ở bệnh nhân hen, GERD có thể là căn nguyên hoặc hậu quả trong nhiều bệnh phổi.

Tham dự chương trình, BS Huỳnh Khắc Cường, Chủ tịch Hội Tai mũi họng TPHCM cho rằng cần chú ‎trọng công tác‎ tư vấn cho bệnh nhân tăng cường vận động để giảm cân nặng và một số lưu‎ ý khác trong việc ăn uống, tư thế nằm ngủ… bởi việc thay đổi lối sống quyết định 50% hiệu quả điều trị.


Hội thảo là cơ hội giao lưu giữa các chuyên khoa với nhau trên cùng một bệnh l‎ý

BS Huỳnh Khắc Cường, Chủ tịch Hội Tai mũi họng TPHCM cho rằng cần chú ‎trọng công tác‎ tư vấn cho bệnh nhân tăng cường vận động để giảm cân nặng và một số lưu‎ ý khác trong việc ăn uống, tư thế nằm ngủ… bởi việc thay đổi lối sống quyết định 50% hiệu quả điều trị

Cuối buổi hội thảo, PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng, trưởng khoa Tiêu hóa BV ĐH Y dược TPHCM - chủ tọa của buổi hội thảo đúc kết: “Chủ đề hình thái lâm sàng đa dạng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản nói lên mối liên quan của bệnh lý này đến nhiều chuyên khoa, do đó việc điều trị nên có sự phối hợp giữa các đồng nghiệp sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.

Để chẩn đoán bệnh GERD, hiện nay chưa có một “tiêu chuẩn vàng” mà phải là sự kết hợp việc khai thác bệnh sử, các bài test để đánh giá tình trạng bệnh nhân. Bệnh này cần điều trị đa mô thức, kết hợp giữa dùng thuốc và không dùng thuốc (giảm cân, bỏ thuốc lá, chọn lựa thực phẩm…). Điều trị bằng thuốc thì PPI là lựa chọn cơ bản để ức chế axít, nhưng khi điều trị không có đáp ứng thì cần có sự phối hợp với các biện pháp hỗ trợ khác, đồng thời xem xét lại chẩn đoán có thật sự chính xác chưa…

Chương trình diễn ra trong 3 giờ, kết thúc vào quá trưa nhưng hội trường vẫn kín chỗ. Đây được xem là cơ hội giao lưu giữa các chuyên khoa với nhau trên cùng một bệnh l‎ý, đem lại nhiều kiến thức bổ ích về bệnh GERD và góp phần đẩy mạnh việc liên kết các bác sĩ của nhiều chuyên khoa trong việc điều trị bệnh.

Hồng Nhung
Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X