'Loạn' dầu cá omega-3
Thúy, nhân viên một hiệu thuốc ở quận 4, TPHCM cho biết ở đây có bán dầu cá viên nang của 7 hãng khác nhau. Tất cả đều được niêm yết dòng chữ "chiết xuất 100% từ cá tươi". Mỗi hộp 100 viên có giá dao động từ 250.000 đến 850.000 đồng, nếu mua lẻ thì đắt hơn khoảng vài trăm đồng mỗi viên.
Lấy ra một hộp dầu cá omega-3 1.000 mg, Thúy cho biết hàng xuất xứ Australia, hiện bán rất chạy với giá 260.000 đồng và nhiều công dụng như làm sáng mắt, đẹp da, bảo vệ tim mạch. "Mỗi viên có 2.600 đồng, chỉ cần uống 3 hộp như thế này sẽ thấy hiệu quả ngay", nữ nhân viên thuyết phục khi thấy khách hàng dè chừng về giá thành sản phẩm.
Ảnh minh họa: fitnessedgemedia |
Trên thị trường hiện có hàng trăm nhãn hiệu dầu cá dưới dạng viên nang thực phẩm chức năng được quảng cáo như "thần dược" có công dụng bảo vệ mắt, khỏe tim và tránh đột quỵ, chống lão hóa, cải thiện các rối loạn tâm thần như bệnh trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt...
Dầu cá được bán tràn lan trên các trang mạng với nhiều mức giá khác nhau. Chỉ cần gõ từ khóa "dầu cá omega" trên công cụ tìm kiếm Google sẽ cho ra hàng trăm kết quả về hàng trăm website khác nhau.
Hầu hết các sản phẩm này đều được quảng cáo là nhập từ Australia, Mỹ, Nhật, giảm giá từ 30 đến 50%, rẻ nhất khoảng 130.000 đồng, đắt nhất lên đến hơn một triệu đồng. Một số trang còn quảng cáo là hàng xách tay do "người quen" đưa về. Người mua chỉ cần đặt hàng online sẽ có nhân viên giao đến tận nhà mà không được hướng dẫn thêm về cách sử dụng sao cho an toàn.
Phó giáo sư, dược sĩ Nguyễn Hữu Đức cho biết, dầu cá là thuốc hoặc thực phẩm chức năng có công dụng tốt với sức khỏe. Dầu cá hiện được chia làm 2 loại là loại dầu cá chứa vitamin tan trong dầu gồm vitamin A, D và loại chứa acid béo omega-3, omega-6.
Omega-3 có 3 loại chủ yếu được hấp thu từ thức ăn là acid alpha linoleic (ALA), acid eicosapentaenoic (EPA) và acid docosahexaenoic (DHA). Khi vào cơ thể, ALA chuyển thành EPA và DHA, tiêu thụ nhanh chóng. Omega 3 có thể được hình thành từ triglyceride có trong tự nhiên và ethyl ester dạng tổng hợp.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm, dầu cá tự nhiên có các chất béo không ester hóa, song nếu không ester thì dầu cá dễ bị phân hủy, biến chất. Vì thế để đảm bảo độ ổn định, các loại dầu cá đã được nhà sản xuất ester hóa. Với bản chất này, tất cả các loại dầu cá đều có tác dụng làm tan xốp (thành phần là polystyrene), thời gian hòa tan nhanh hay chậm tùy thuộc vào từng loại sản phẩm khác nhau.
Cơ thể con người không có polystyrene như xốp nên khi sử dụng dầu cá sẽ không bào mòn ruột, không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Khi vào cơ thể con người, dầu cá qua quá trình hấp thu và phân hủy sẽ tạo ra các chất có lợi cho sức khỏe. Dầu cá không ăn mòn xốp thì có thể không được ester hóa, song như vậy thì thời gian bảo quản sẽ ít hơn.
Theo bác sĩ Lê Thị Ngọc Vân, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhân dân 115 dầu cá có chứa các acid béo omega-3 có khả năng mang lại nhiều lợi ích với tim mạch, giảm lượng cholesterol và triglycerid trong máu, giảm nguy cơ tăng huyết áp, tác dụng hỗ trợ mắt...
Theo bác sĩ Vân, khẩu phần ăn cần cân đối omega 3 và omega 6 để cơ thể khỏe mạnh. Trong dầu ăn hàng ngày chỉ chứa omega-6 là chủ yếu. Cơ thể không tự sản xuất omega-3 mà cần được cung cấp từ thức ăn. Omega-3 có nhiều trong cá biển, gan cá biển, một vài loại rau, đậu, tảo... Các chuyên gia dinh dưỡng thường khuyên một tuần nên ăn cá tối thiểu 3 lần để tăng cường omega-3.
“Những người mắc bệnh dễ chảy máu, cơ địa thiếu vitamin K khi dùng omega-3 liều cao, kéo dài nhiều ngày có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe”, bác sĩ Vân chia sẻ.
Theo phó giáo sư Đức, khẩu phần ăn uống cân đối đầy đủ dưỡng chất thì không cần thiết phải sử dụng dầu cá. Dù là thực phẩm chức năng nhưng nếu sử dụng thì phải tuân thủ đúng liều lượng theo hướng dẫn. Khi lựa chọn dầu cá omega-3 cần xem xét hàm lượng, thành phần bên trong, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Dược sĩ Phạm Thị Mỹ Linh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn chia sẻ, cách để phân loại dầu cá có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng là omega-3 nhập khẩu sẽ có chữ “VISA: số đăng ký sản phẩm”. Nếu là omega-3 tại Việt Nam sản xuất có nguồn gốc và kiểm định rõ ràng sẽ có “SĐK: số đăng ký sản phẩm”. Đối với các sản phẩm chức năng nhập khẩu hoặc trong nước sản xuất đã đăng ký sản phẩm sẽ có “CNTP: số đăng ký sản phẩm”
Các chuyên gia khuyên cũng không nên quá tin vào thực phẩm chức năng đã đăng ký. Vì khi đăng ký sản phẩm là thuốc thì sở y tế sẽ kiểm tra quy trình gắt gao hơn, nhưng nếu doanh nghiệp đăng ký sản phẩm là thực phẩm chức năng thì công đoạn kiểm tra sẽ đơn giản rất nhiều.
Hiện thực phẩm chức năng được quản lý chưa tốt, hàm lượng omega-3 trên bao bì đôi khi không thể hiện đúng lượng omega-3 có thật trong sản phẩm. Các doanh nghiệp thường chỉ kiểm tra định tính các chất vitamin A, D, E, K trong dầu cá nhưng vitamin tan được trong nhiều dung môi.
Và doanh nghiệp có thể thay đổi một phần lớn dầu cá thành các loại dung môi khác rẻ tiền hơn để chế tạo dầu cá làm ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe người dùng.
Theo Lê Phương - Trần Ngoan - VnExpress
Bài viết có hữu ích với bạn?
- Trang chủ
- Tin y tế
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình