Ai không nên dùng thuốc chống nấm griseofulvin?
Griseofulvin là kháng sinh chống nấm lấy từ penicillium griseofulvum hoặc từ các penicillium khác. Griseofulvin là loại thuốc chống nấm dưới dạng vi tinh thể.
Tác dụng chống nấm của griseofulvin trước hết là do phá vỡ cấu trúc thoi gián phân tế bào, nên làm ngừng pha giữa của phân bào. Một cơ chế tác dụng khác cũng được đề cập đến là griseofulvin tạo ra DNA khiếm khuyết không có khả năng sao chép.
Thuốc được chỉ định dùng để điều trị các bệnh nấm da, nấm tóc và móng, bao gồm nấm da thân, nấm da chân, nấm da đùi, nấm râu, nấm da đầu và nấm móng do các loài Trichophyton, Microsporum hoặc Epidermophyton nhạy cảm gây ra. Không nên dùng thuốc này để điều trị các bệnh do nhiễm nấm nhẹ hoặc thông thường đáp ứng với các thuốc chống nấm bôi tại chỗ.
Người bệnh bị rối loạn chuyển hóa porphyrin, suy tế bào gan và những người có tiền sử mẫn cảm với thuốc tuyệt đối không dùng thuốc.
Griseofulvin có khả năng gây độc nặng, do đó người bệnh điều trị dài ngày phải kiểm tra thường
kỳ chức năng thận, gan và máu. Cần ngừng thuốc nếu có hiện tượng giảm bạch cầu hạt. Một số hiếm
trường hợp có thể xảy ra các tác dụng phụ nguy hiểm, thường do dùng liều cao và/hoặc điều trị kéo
dài.
Vì griseofulvin đôi khi gây phản ứng mẫn cảm với ánh sáng, nên trong thời gian dùng thuốc, người bệnh cần tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Phản ứng mẫn cảm với ánh sáng có thể làm nặng thêm bệnh lupus ban đỏ.
Thuốc có nguồn gốc từ các loài penicillium, nên có khả năng dị ứng chéo với penicilin. Thời kỳ mang thai không dùng griseofulvin cho người mang thai hoặc dự định mang thai, vì có thể gây quái thai hay sẩy thai.
Đối với phụ nữ thời kỳ cho con bú tuy chưa có số liệu công bố, nhưng cần thận trọng.
Tác dụng phụ thường gặp như nhức đầu (khoảng 50% người bệnh), biếng ăn, hơi buồn nôn, nổi mày đay, phát ban do mẫn cảm với ánh sáng, ban đỏ đa dạng, ban dạng mụn nước hoặc dạng sởi.
Theo BS Hoàng Thanh Sơn - Sức khỏe và Đời sống
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
093844****
Nếu không có gãy xương, không có vết thương hở và em cũng tích cực chăm sóc chỗ bị thương thì khoảng 7-10 ngày...
Xem toàn bộ090790****
Triệu chứng đau mông 1 bên có thể gặp trong giai đoạn đầu của nhọt mông, viêm mô tế bào...
Xem toàn bộ- Trang chủ
- Tin y tế
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình