Hotline 24/7
08983-08983

PGS. TS Lê Văn Trường: “Bàn tay vàng” của ngành tim mạch - can thiệp đột quỵ Việt Nam

Viện Tim mạch (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108) là một trong những trung tâm hàng đầu về lĩnh vực tim mạch Việt Nam, được bệnh nhân, ngành y học và xã hội ghi nhận, đặt trọn niềm tin. Có được thành công ấy, bên cạnh năng lực của các thế hệ y, bác sĩ, có sự truyền cảm hứng, dẫn dắt, tổ chức của Đại tá, PGS. TS Lê Văn Trường, Viện trưởng Viện Tim mạch.

PGS. TS Lê Văn Trường, Bàn tay vàng, ngành tim mạch Việt Nam

PGS. TS Lê Văn Trường (bên phải) và các y, bác sĩ Viện Tim mạch chia tay bệnh nhân trước khi xuất viện.

Thành công từ những kỹ thuật khó

Sinh ra, lớn lên ở thị trấn Vôi (Lạng Giang), những năm 1980 chàng trai trẻ Lê Văn Trường thi đỗ và tốt nghiệp Học viện Quân y, sau đó nhận công tác tại Bệnh viện T.Ư quân đội 108 (gọi tắt là Bệnh viện 108). Sự nghiệp của PGS. TS Lê Văn Trường gắn liền với quá trình phát triển của chuyên ngành tim mạch tại Bệnh viện.

Là bệnh viện tuyến cuối nên bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện 108 hầu hết là bệnh nhân nặng, “ranh giới sinh tử” rất mong manh và thường phải xử lý can thiệp, phẫu thuật để giành giật sự sống. Do vậy, đội ngũ y, bác sĩ của Viện luôn phải chạy đua với thời gian được tính bằng phút. 

Dưới sự tổ chức hiệp đồng và tham gia trực tiếp vào các hoạt động chuyên khoa, Bác sĩ Trường đã triển khai hàng loạt kỹ thuật, phương pháp điều trị tiên tiến như thăm dò điện sinh lý các rối loạn nhịp tim và cấy máy tạo nhịp, phá rung tự động, cắt đốt các đường/ổ gây loạn nhịp bằng sóng RF, sinh thiết cơ tim, phẫu thuật Maze điều trị rung nhĩ kết hợp trong thay van tim, phẫu thuật bắc cầu chủ- vành, kỹ thuật nong và đặt stent động mạch vành, kỹ thuật bít phồng/thông động tĩnh mạch não bằng coil, kỹ thuật tạo shunt phân lưu cửa chủ (TIPS) trong điều trị tăng áp lực tĩnh mạch cửa do xơ gan...

Với vai trò Viện trưởng, BS Lê Văn Trường không thể nhớ ông đã tổ chức khám, điều trị, phẫu thuật cho bao nhiêu bệnh nhân liên quan đến đến bệnh tim, mạch.

Đặc biệt là những bệnh nhân tim và đột quỵ - hai bệnh rất nguy hiểm, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và thứ ba (thứ hai là ung thư) cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người mỗi năm tại Việt Nam.

Để cứu sống bệnh nhân đột quỵ não là cuộc chạy đua với thời gian của các bác sĩ và người nhà bệnh nhân. Sau nhiều năm nghiên cứu những tiến bộ của y khoa trên thế giới, BS Trường và ê kíp cộng sự tại Viện đã nghiên cứu, áp dụng thành công lần đầu tiên ở Việt Nam phương pháp “Lấy huyết khối bằng phương pháp cơ học” và đến nay phương pháp này được áp dụng phổ biến trong điều trị bệnh nhân đột quỵ não hay do bệnh tim làm tắc mạch.

Đây là phương pháp cực kỳ phức tạp bởi để thành công, đòi hỏi sự tổ chức hiệp đồng của đội ngũ bác sĩ liên tuyến, nhiều chuyên khoa, như: Cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, đột quỵ, can thiệp mạch và thực hiện kỹ thuật để lấy khối huyết thông mạch.

Trong số những bệnh nhân đến viện, BS Trường nhớ rất rõ bệnh nhân Nguyễn Thị N. 45 tuổi (Hải Dương) bị bệnh van tim đột ngột liệt nửa người trái, ý thức chậm chạp và kích thích vật vã do thiếu oxy não.

Ngay lập tức gia đình đưa bệnh nhân đến Bệnh viện 108 cấp cứu, đồng thời gọi điện thông báo tình hình bệnh nhân. Sau 2 giờ di chuyển tới nơi, bệnh nhân được nhóm cấp cứu xử lý cấp tốc. Bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não cấp giai đoạn sớm do cục máu đông di chuyển từ tim lên não làm tắc động mạch cảnh bên phải và được can thiệp nội mạch kịp thời sau 30 phút nhập viện và sau 45 phút cục máu đông trong lòng động mạch não được hút ra, các dấu hiệu liệt và tê bì nửa người trái biến mất ngay trên bàn can thiệp mạch, vận động và cảm giác phục hồi hoàn toàn sau 6 giờ.

BS Trường lưu ý, đối với bệnh nhân dạng này thì “thời gian là vàng”, trong một tiếng đầu tiên được xử lý kịp thời bệnh nhân có thể được phục hồi hoàn toàn, đây là thành tựu kỳ diệu từ phương pháp này mang lại.

PGS. TS Lê Văn Trường, Bàn tay vàng, ngành tim mạch Việt Nam

BS Lê Văn Trường chuyển giao kỹ thuật nút mạch trong điều trị bệnh nhân u gan lần đầu tiên được thực hiện thành công tại BV Đa khoa Bắc Giang.

Sáng y đức, sâu y lý, giỏi y thuật

Trong cuốn sổ lưu bút, ghi lại những tình cảm của bệnh nhân tại Việt tim mạch, tôi ấn tượng với bài thơ có nét bút nghiêng run:  “... Niềm tin mãnh liệt trong tôi/ Lương y từ mẫu là người hồi sinh/ “Cháu con” phụng dưỡng tận tình/ Vạn sự tốt lành, ca mổ thành công/ Xua tan băng giá, bão giông/ Bình minh tỏa sáng, xuân hồng rực tươi...”.

Đó là bài thơ dường như vẫn còn cảm xúc nguyên vẹn để lại của ông Bạch Tiến Minh, 79 tuổi, ở xã Phi Mô (Lạng Giang) tặng BS Lê Văn Trường và đội ngũ thầy thuốc tại Viện. BS Tuấn Anh chia sẻ: “Theo lẽ thường, bệnh nhân nằm viện chữa bệnh thường mong sớm được khỏe mạnh, ra viện càng nhanh, càng tốt. Thế nhưng bác Minh thì khác. Khi ra viện, dường như bác lại có nỗi buồn kỳ lạ, khó tả, không muốn chia tay đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng Khoa”. 

Được biết bác Minh nhập viện với tình trạng tâm lý bất ổn, sức khỏe suy sụp do bị phình động mạch chủ bụng với đường kính 5,8cm, dài 9,7cm. Ca mổ nhanh chóng được thực hiện và diễn ra thành công. Chỉ sau một tuần, ông Minh ổn định sức khỏe và ra viện.

BS Lê Văn Trường ví von: “Đối với nghề y, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa sâu về tim, mạch cần đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng, đồng thời lại phải quyết đoán, chính xác, chạy đua với thời gian để cứu chữa, giành giật sự sống cho người bệnh. Nói cách khác, bác sĩ tim mạch phải đặt cả “trái tim” vào công việc. Đối với chúng tôi là những người lính - bác sĩ càng phải yêu cầu cao hơn trong thực hiện phương châm “sáng về y đức, sâu về y lý và giỏi về y thuật”.

PGS. TS Lê Văn Trường, Bàn tay vàng, ngành tim mạch Việt Nam

PGS. TS Lê Văn Trường.

Với quê hương Bắc Giang, BS Lê Văn Trường luôn giành tình cảm đặc biệt. Ông luôn sẵn lòng hợp tác, chuyển giao những phương pháp tiên tiến hiện đại, kỹ thuật mới nhất có thể, để có thể giúp bệnh viện tuyến tỉnh tiếp nhận, làm chủ một số phương pháp trong điều trị bệnh nhân tim mạch.

Bên cạnh tham gia khám, chữa bệnh, BS Trường còn tham gia đào đạo, giảng dạy trình độ tiến sĩ y khoa, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho đội ngũ y bác sĩ kế cận của Viện; tham gia giảng dạy chuyên ngành tim mạch các trường đại học lớn.

Trong quá trình công tác, ông còn thực hiện, tham gia nhiều đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp bộ và viện có tính ứng dụng thực tiễn cao trong khám, điều trị tim mạch. Với những cống hiến trong hoạt động chuyên môn hơn 30 năm qua, Đại tá, PGS. TS Lê Văn Trường đã được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng tặng thưởng nhiều huân, huy chương.

Trường hợp khẩn cấp bất kể lúc nào ngay khi phát hiện bệnh nhân bị đột quỵ, có thể gọi điện thoại tới số 093 165 66 88 hoặc số 024 6278 4139  để có thể được tư vấn về chẩn đoán sơ bộ, nên  điều trị ở đâu, như thế nào...

Theo Lê Thế Cương - Báo Bắc Giang

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X