Hotline 24/7
08983-08983

Lặng thầm bác sĩ gây mê

Sự cố y khoa khiến 2 bệnh nhân tử vong trong lúc gây mê tại BVĐK Trí Đức xảy ra năm ngoái khiến nhiều người băn khoăn, lo ngại mỗi khi có người thân phải phẫu thuật.

Và, phía sau đó, ít ai biết được công việc lặng thầm của những bác sĩ gây mê sau cánh cửa phòng mổ.

Người đi trước, về sau

Hơn 33 năm làm nghề trong ngành gây mê hồi sức (GMHS), BS.CK1 Phan Bá Hải - phụ trách khoa GMHS, BVĐK Đống Đa cũng không khỏi ngỡ ngàng trước vụ việc này. Không biết bao nhiêu lần BS Hải giúp người bệnh có được “giấc ngủ ngon” trong mỗi ca phẫu thuật, nhưng mỗi khi nghe đến các sự cố y khoa do gây mê, ông vẫn giật mình thon thót.

“Cũng may là đến giờ này khi đã ngót đến tuổi về hưu, tôi chưa gây ra một “án tử” nào cho bệnh nhân trong khi thực hiện chuyên môn. Nhưng làm trong ngành y thì chẳng thể vỗ ngực tự khen, chẳng ai biết được ngày mai sẽ thế nào…” - BS Hải ngậm ngùi.

Bác sĩ gây mê có vai trò quan trọng trong sự thành công của một ca phẫu thuật. Ảnh: Hà Ngân


Trong căn phòng hành chính chật hẹp của Khoa, BS Hải với giọng nói ôn tồn, ấm áp, say sưa kể cho chúng tôi về nghề: Ngày theo học chuyên ngành GMHS tại Đại học Y Hà Nội những năm 1970, các thầy cô trong trường đã phân tích rõ cho sinh viên thấu và hiểu được những cái khó, cái khổ của ngành.

Thậm chí, nhiều thầy cô còn đùa rằng, nếu ai sợ có thể viết đơn xin chuyển khoa. Thế nhưng, với cái “máu” nghề nghiệp, 7 học viên cùng ông ngày ấy giờ đều đã thành danh, có người còn làm giám đốc bệnh viện lớn.

“Người đời vẫn bảo, cái nghề bác sĩ gây mê là đi trước về sau trong mỗi cuộc phẫu thuật, là bước thang để phẫu thuật viên bước lên đài danh vọng “bàn tay vàng” cũng chẳng sai” - ông nói. Bởi lẽ, trong mỗi cuộc phẫu thuật, ekip gây mê phải vào trước ít nhất 40 phút để làm các công tác chuẩn bị cho ca phẫu thuật như đánh giá tình trạng bệnh nhân, chuẩn bị phòng mổ và các bước tiền mê, khởi mê cho bệnh nhân.

Xong xuôi, khi bệnh nhân đã có được “giấc ngủ ngon” thì lúc đó mới đến phiên của bác sĩ phẫu thuật. Thế nhưng, đằng sau tấm vải xanh, đằng sau những thao tác của bác sĩ phẫu thuật, cả ekip gây mê vẫn miệt mài làm việc.

Họ vẫn phải tiêm thuốc, truyền dịch, dõi theo máy đo các chỉ số dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân. Nhiệm vụ của họ thầm lặng nhưng đóng vai trò quyết định trong thành công của ca mổ, đó là duy trì chức năng hô hấp của người bệnh, ứng phó với những trường hợp xấu xảy có thể ra như: Chảy máu, rối loạn huyết động, rối loạn đông máu, hạ nhiệt độ...

Sau ca mổ, ekip phẫu thuật có thể tháo găng, cởi đồ nhưng ekip gây mê vẫn tiếp tục nhiệm vụ của mình, giúp bệnh nhân thoát mê và có thể từ từ thở tự nhiên không phụ thuộc vào máy thở. Đây được coi như "phần 2" của quá trình điều trị, giúp bệnh nhân hồi sức và giảm đau sau mổ. Với những ca phẫu thuật đơn giản và bệnh nhân trẻ tuổi, nhanh thì 25 - 30 phút là bệnh nhân sẽ tỉnh nhưng với người già, yếu, nhiều khi phải đến 3 - 4 giờ mới tỉnh.

"Bác sĩ phẫu thuật xong việc ra ngoài thì mình cứ ngồi đó mà “ôm” bệnh nhân đến lúc nào tỉnh. Đây là giai đoạn bệnh nhân rơi vào trạng thái yếu nhất, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Mỗi biến đổi nhỏ về chỉ số nhịp tim, huyết áp của người bệnh cũng đều phải hết sức thận trọng.

Bác sĩ gây mê phải tiên lượng được lượng thuốc gây mê cho bệnh nhân để cuộc mổ được an toàn, đánh giá tình trạng bệnh nhân không chỉ dựa vào các công thức mà còn phải bằng có sự nhạy cảm và kinh nghiệm làm nghề" - BS Hải chia sẻ.

Căng mình trong công việc

Làm nghề trong thầm lặng, các bác sĩ GMHS luôn phải căng mình trong mỗi ca mổ. “Trong phẫu thuật còn có tiểu phẫu, trung phẫu, đại phẫu, chứ gây mê thì không có tiểu mê, trung mê hay đại mê, đã là gây mê thì ca bệnh nào cũng phải nghiêm túc, chính xác, nếu không sẽ xảy ra những tai biến khôn lường” - BS Hải cho biết.

Một bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật thì bác sĩ gây mê phải gặp trước để khám, đánh giá tình trạng của bệnh nhân. Cuộc mổ nhỏ xíu với gây mê cũng là nặng nề, đặc biệt đối với người bị tiểu đường, cao huyết áp, tiền sử tai biến…

Nếu không đánh giá kỹ thì khi thuốc mê vào cơ thể, gan không chịu nổi, bệnh nhân sẽ tử vong ngay, đó là còn chưa kể hàng trăm biến chứng tiềm tàng trong suốt ca mổ. Đơn giản, bác sĩ ngoại mổ thoát vị bẹn chỉ 15 phút là xong nhưng gây mê cho bệnh nhân cũng vẫn phải đủ quy trình, nghiêm ngặt như một ca đại phẫu kéo dài hàng giờ đồng hồ.

Ê kíp gây mê cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật. Ảnh: Chiến Công


BS Hải vẫn còn nhớ như in quá trình gây mê cho ca mổ cấp cứu một bệnh nhân rách gan, đứt sườn sụn, đọng máu ổ bụng tại bệnh viện hồi đầu tháng 10 vừa qua. Bệnh nhân nhập viện giữa trưa, đúng lúc các bác sĩ đang ăn, tiếp nhận thông tin từ phòng cấp cứu, cả ekip vội vàng bỏ dở bữa lao ra phối hợp với các bác sĩ khoa ngoại mổ cấp cứu cho bệnh nhân.

Nếu lúc đấy không tiến hành gây mê, truyền máu kịp thời thì bệnh nhân sẽ chết vì sốc mất máu và đau, cũng chẳng thể kịp để khâu lại gan. Sau ca phẫu thuật ấy, đích thân BS Hải và các kỹ thuật viên gây mê liên tục túc trực bên bệnh nhân đến hơn 10 giờ để theo dõi và hồi sức. Nhờ đó, bệnh nhân đã thoát khỏi “lưỡi hái” của tử thần.

Công việc của bác sĩ gây mê không chỉ dừng lại ở chờ bệnh nhân tỉnh sau ca mổ, nhiều trường hợp bệnh nhân gây mê nội khí quản đã tỉnh, hỏi đã biết nhưng khi vừa rút ống nội khí quản, bệnh nhân lại bất ngờ rơi vào trạng thái co thắt phế quản, suy hô hấp. Nếu lúc đó không kịp thời xử lý, bệnh nhân rất dễ tử vong.

“Vậy đấy, lúc nào chúng tôi cũng phải căng lên như dây đàn, luôn phải sẵn sàng để phối hợp với nhau trong ekip nhằm xử lý mọi tình huống có thể xảy ra” - BS Hải chia sẻ.

Vất vả, căng thẳng, đầy nguy cơ xảy ra biến cố là vậy nhưng hiếm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nào biết đến bác sĩ gây mê. Phần lớn, sau mỗi ca mổ, người ta chỉ truyền tai nhau bác sĩ này phẫu thuật giỏi, bác sĩ kia khâu đẹp, những lời nói, những bó hoa cảm ơn mấy khi đến được với bác sĩ gây mê.

“Thôi thì cái nghề nào cũng có cái hay, cái khó nhưng khi mình đã chọn thì dù có thế nào cũng vẫn phải yêu, phải say thì mới vẹn được cả trách nhiệm và nghĩa tình với người bệnh”, chia tay chúng tôi, câu nói đó của BS Hải dường như càng tô đẹp lên hình ảnh của những “người chiến sĩ áo trắng” thầm lặng, những thầy thuốc gây mê hồi sức đang bị “mờ bóng” trong lòng người bệnh, những người sẽ tiếp tục tạo cho đời những cuộc sống hồi sinh sau phẫu thuật.

Một kíp gây mê gồm một bác sĩ gây mê và một điều dưỡng phụ mê. Điều dưỡng phụ mê là người chịu trách nhiệm toàn bộ về phương tiện, dụng cụ, thuốc men và đường truyền, máy theo dõi để phụ giúp cho bác sĩ gây mê.

Còn bác sĩ gây mê là người chịu trách nhiệm về chuyên môn của mình, tức các quyết định về kỹ thuật gây mê, các thủ thuật trên người bệnh.

Mọi thông tin liên quan đến chức năng sống của bệnh nhân đều phải được thăm khám, thăm dò và tìm hiểu kỹ. Ngay cả những điều không thể nhìn bằng mắt thường, BS gây mê cũng buộc phải nhìn thấy.

PGS.TS Công Quyết Thắng - Chủ tịch Hội GMHS Việt Nam


Theo Trần Nga - Kinh tế và Đô thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X