Hotline 24/7
08983-08983

Khàn tiếng, thở mệt sau mổ bướu cổ, nên điều trị ở đâu?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Mổ bướu cổ tuyến giáp nhân 2 thùy hơn 2 tháng rồi mà vẫn khàn tiếng, thở rất mệt, ngủ thì hú rên la rất lớn không ai ngủ được. Vậy tôi nên đến đâu điều trị là tốt, có phải đến Bệnh viện Tai Mũi Họng không?

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Khàn tiếng. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Khàn tiếng. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Khàn tiếng (hay thay đổi giọng nói) là một trong số các biến chứng có thể xảy ra khi mổ tuyến giáp. Sự thay đổi này do tổn thương của các cấu trúc vùng cổ liên quan đến sự phát âm, có thể do sự phù nề, sưng tấy sau mổ của dây thanh và các cơ vùng cổ, hoặc do chèn ép dây thần kinh điều khiển dây thanh.

Các trường hợp nhẹ, giọng nói sẽ phục hồi dần sau vài tuần, có khi vài tháng mới trở về (gần như) bình thường. Đôi lúc, vùng cổ sẽ có cảm giác cứng, vướng hoặc nói khó do sẹo xơ gây ra. Do đó, việc tập các động tác thể dục nhẹ nhàng, thường xuyên cho vùng cổ là nhằm làm căng dãn mô, tránh co rút, dính cứng vùng sẹo mổ.

Nặng nhất là đứt thần kinh quặt ngược thanh quản, người bệnh có biểu hiện khò khè, khàn giọng, ăn uống bị sặc… Nếu cả hai dây thần kinh đều bị tổn thương (mỗi người có 2 dây thần kinh quặt ngược thanh quản điều khiển 2 dây thanh hai bên), người bệnh có dấu hiệu khó thở ngay sau mổ, mất tiếng, uống sặc... Biến chứng này khá nghiêm trọng và rất khó phục hồi.

Do đó, bạn nên tái khám để bác sĩ đánh giá xem có thật sự khàn tiếng, khò khè là do thần kinh hay không và điều trị sớm bạn nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Khàn tiếng có thể do bị cảm, bị viêm họng, viêm thanh quản. Nhưng trên thực tế, khàn tiếng còn rất nhiều những nguyên nhân khác, thậm chí là biểu hiện của những bệnh lý nguy hiểm.

Khàn tiếng chia thành 2 thể chính là cấp và mạn tính:

- Khàn tiếng cấp nguyên nhân thường do viêm thanh quản cấp, do nhiễm siêu vi hoặc vi trùng, ngoài ra khàn tiếng cấp con do nguyên nhân khác: dị ứng - phù nề dây thanh, do hóa chất, do lạm dụng dây thanh quá mức, ví dụ cổ động viên thể thao…
- Khàn tiếng mạn tính do: viêm thanh quản mạn tính - viêm thanh quản do trào ngược dạ dày - thực quản, do tiếp xúc hóa chất, khói thuốc lá… bệnh lý nghề nghiệp vận  động dây thanh quá mức như nghề buôn bán, giáo viên, MC, ca sĩ… và bệnh lý thần kinh gây liệt dây thanh…

Để giữ giọng nói trong trẻo, truyền cảm :

- Uống nhiều nước (2 - 3 lít/ngày) hạn chế uống nước có gas, sủi… không nên ăn chua ăn cay quá mức…
- Hạn chế nói (nói nhỏ + nói ít), khi cần thuyết trình kéo dài, nói to thì cần hỗ trợ Micro để khuếch đại âm thanh…
- Thay đổi lối sống sinh hoạt: bỏ thuốc lá, bia rượu, tránh tiếp xúc hóa chất… điều trị chống trào ngược  a xít dạ dày…
- Luyện giọng, luyện thanh tạo giọng nói trong, khỏe, truyền cảm…
- Khi khàn tiếng kéo dài > 2-3 tuần điều trị bằng các biện pháp thông thường không hết thì cần phải đi khám BS chuyên khoa Tai mũi họng để nội soi thanh quản, vì đôi khi nguyên nhân khàn tiếng có thể là do ung thư thanh quản…

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X