Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM
Hồi hộp, tim đập nhanh, buồn nôn nhưng không muốn ăn, bệnh gì?
Câu hỏi
Chào BS, Em đã nội soi bao tử, kết quả là không có virus Hp, có dấu hiệu trào ngược thể A, viêm loét hang vị và tiền môn vị ở mức độ nhẹ. Sau khi nhập viện 1 tuần lễ thì BS chẩn đoán rối loạn tiêu hóa và rối loạn lo âu, BV khác thì cho rằng rối loạn thần kinh thực vật. Em đã có uống thuốc khi nằm viện 1 tuần thì thấy có thể ăn uống lại. Nhưng khoảng 3 tuần sau khi về nhà (không dùng thuốc), triệu chứng đói cũng đã giảm, ăn uống rất ngon miệng trong 3 tuần không dùng thuốc. Tuy nhiên, chỉ do một lần không kịp ăn trưa, thì cơn hồi hộp, tim đập nhanh lại xảy ra. Buổi tối khi nằm thì ê ẩm đầu, không đi vào giấc ngủ được. Em đến gặp BS thì được kết luận rối loạn lo âu, suy nhược cơ thể qua các triệu chứng em liệt kê phía trên. Sau khi uống thuốc của BS thì ban đêm em vẫn mất ngủ, nằm 4 tiếng sau mới ngủ được. Ban ngày thì đầu nặng như say rượu, cảm giác buồn nôn, bụng đói nhưng miệng chẳng muốn ăn. Em không còn muốn làm gì nữa. BS giúp em tìm đúng thầy đúng thuốc với ạ. Em khổ sở với căn bệnh này. Khả năng cao nhất có phải là em bị rối loạn thần kinh thực vật ảnh hướng làm hệ tiêu hóa không tốt hay do hệ tiêu hóa làm ảnh hưởng đến thần kinh của em thế ạ? Và BS có thể chỉ em tìm đến BS nào chuyên trị căn bệnh của em được không? BS giúp em với nhé. Em cảm ơn BS nhiều lắm.
Trả lời
Qua những triệu chứng và diễn tiến bệnh mà bạn mô tả, càng có nhiều yếu tố để khẳng định chẩn đoán rối loạn lo âu, rối loạn thần kinh thực vật. Bệnh thường bắt từ những lo lắng, stress do áp lực công việc hay tiền sử bị lạm dụng, bạc đãi trong môi trường thiếu thân thiện cởi mở,… không được chữa trị kịp thời.
Bệnh nhân có các cơn hoảng loạn, cơn lo âu lan tỏa với các biểu hiện không đặc hiệu như uể oải mệt mỏi, nhức mỏi khớp xương, cơ bắp, bồn chồn, đau quặn bụng, ợ hơi ợ chua, ăn không tiêu, rối loạn giấc ngủ, đau đầu, buồn nôn,… Bệnh thường không nguy hiểm nhưng gây ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống.
Để điều trị hiệu quả cần kết hợp giữa liệu pháp tâm lý và thuốc. Hiện tại, BS không rõ bạn đang dùng thuốc gì, tuy nhiên càng lo lắng về tình hình bệnh tật, triệu chứng sẽ càng nặng hơn.
Trước hết, bạn cần giữ bình tĩnh, thư giãn, không nên lo nghĩ quá nhiều. Có thể lựa chọn phương án thư giãn thích hợp như dã ngoại, tập thể dục thể thao, đọc sách, nghe nhạc… trong thời gian chờ đợi thuốc có tác dụng. Trong trường hợp sau 2-3 tuần mà triệu chứng không cải thiện, bạn nên tái khám chuyên khoa Tâm thần kinh để được thay đổi phác đồ điều trị bạn nhé!
Thân mến.
>> Alobacsi ơi, có phải em bị rối loạn lo âu?
Lo lắng là một trạng thái bình thường. Tuy nhiên, luôn luôn lo lắng bồn chồn quá mức lại trở thành bệnh lý - gọi là rối loạn lo âu toàn thể hoá (GAD). Rối loạn lo âu toàn thể hoá thường gây căng thẳng và lo lắng. Những triệu chứng khác như bồn chồn không yên, mệt mỏi, khó tập trung, thấy khó chịu, căng cơ, khó ngủ, run tay, đau đầu, tim đập mạnh, khó thở, vã mồ hôi và trầm cảm. Nếu bạn luôn thấy căng thẳng khi làm việc lẫn khi ở nhà, thì bạn có thể đang mắc bệnh lo âu. Bạn cũng dễ mắc lo âu nếu bản thân hay mong đợi những điều hoàn hảo, luôn thấy mệt mỏi, ngột ngạt, từng trải qua những việc tồi tệ, nguy hại, đang có bệnh lý thực thể, đang cai nghiện rượu và ma túy, hoặc bị bạo hành khi còn nhỏ.Trong một số trường hợp, bạn cũng có thể thường xuyên thấy lo lắng do gặp cơn hoảng loạn (lo lắng quá mức trong một số tình huống nhất định) hoặc bị ám ảnh sợ (lo âu do sợ một số thứ như sợ độ cao, sợ xã hội như sợ nói trước đám đông). Lo âu có thể nặng hơn nếu bạn lạm dụng caffeine, rượu, nicotine, thuốc giảm cân và các thuốc điều trị cảm lạnh hoặc đưa ra những quyết định quan trọng trong khi đang cảm thấy lo âu. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình