Hotline 24/7
08983-08983

Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng, bảo vệ sức khỏe cách nào?

Mấy hôm nay tôi đọc báo biết không khí Hà Nội ô nhiễm ở mức nghiêm trọng. Xin hỏi làm sao để bảo vệ sức khỏe, đeo khẩu trang có ích gì không? (Trần Quốc - Hà Nội).

3 ngày liên tiếp, chất lượng không khí tại Hà Nội thường xuyên ở mức kém, đặc biệt vào đầu giờ sáng. Ảnh: Zing.vn

Anh Trần Quốc thân mến,

3 ngày liên tiếp, từ 15-17/9, ô nhiễm không khí ở Hà Nội tăng cao, tất cả hơn 40 điểm đo trong hệ thống quan trắc PAMAir ở các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông… đều ở mức dao động với chỉ số AQI từ 150-180, thuộc nhóm màu đỏ. Nhìn bằng mắt thường có thể thấy cảnh sắc thủ đô mịt mù cả ngày vì ô nhiễm.

Tuy nhiên, ô nhiễm không khí không dừng ở Hà Nội mà lan ra khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Vào 9g20 phút sáng 17/9, chỉ số chất lượng không khí AQI ở Từ Sơn (Bắc Ninh) là 170, mức ô nhiêm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Ở thành phố Ninh Bình là 151, ở Phủ Lý (Hà Nam) là 151, ở Hải Phòng là 161, thành phố Phúc Yên (Vĩnh Phúc) là 163, Việt Trì (Phú Thọ) là 162.

Theo bảng phân cấp chỉ số AQI ở Việt Nam, chỉ số AQI từ 100-200 thuộc nhóm không tốt, những người mắc bệnh nhạy cảm như hô hấp, tim mạch nên hạn chế ra ngoài.

Đến sáng ngày 18/9 chất lượng không khí ở Hà Nội có dấu hiệu cải thiện. Tác động của gió mùa Đông Bắc, gió Bắc kèm theo mưa nên tầng không khí sát mặt đất bắt đầu xáo trộn, làm khuếch tán chất ô nhiễm.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng ô nhiễm liên tiếp 3 ngày vừa qua ở Hà Nội là do hiện tượng nghịch nhiệt mang tính chu kỳ vào thời gian chuyển giao giữa các mùa, đặc biệt là mùa hè tới mùa đông làm cho nồng độ các chất ô nhiễm (đặc biệt là bụi PM2.5) tăng cao đột biến.

Bụi PM­ 2.5 là các hạt bụi có kích thước bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người. Loại bụi này hình thành từ các chất như Cacbon, Sunphua, Nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. PM 2.5 có khả năng luồn lách vào các túi phổi và tĩnh mạch phổi, gây nên nhiều căn bệnh chết người như bệnh về hô hấp, ung thư, tim mạch.

Cơ quan bảo vệ môi sinh Mỹ nhận định, bụi PM ­2.5 chứa nhiều hạt kim loại có khả năng gây ung thư và đột biến gene.

Khẩu trang N95 hay còn gọi là khẩu trang đặc chủng, có thể ngăn cản bụi PM2.5, thậm chí cả vi khuẩn, virus. Nhưng chi phí tương đối cao, chỉ nên được sử dụng trong vùng bệnh dịch. Ảnh: Internet

BS.CK2 Lê Hồng Anh - chuyên gia tư vấn về Phổi - Hô hấp của AloBacsi khuyến cáo: "Trong điều kiện hiện nay việc ô nhiễm không khí, đặc biệt tại các khu đô thị là mức độ cao nhất do sự vượt ngưỡng của các chất gây ô nhiễm không khí như: khói xe, bụi, khí thải công nghiệp…

Khẩu trang y tế hiện trên thị trường có rất nhiều loại, trong đó loại chuẩn thường có ký hiệu là N95, loại khẩu trang này có thể ngăn chặn được vi khuẩn, virut hoặc những hạt bụi nhỏ. Tuy nhiên, loại khẩu trang này tương đối chi phí khá cao (khoảng 70 - 80.000 đồng/cái sử dụng trong vòng 1 tuần) và không phổ biến. Bạn đọc có thể tìm mua ở các cửa hàng thiết bị y tế. Còn lại các khẩu trang khác khả năng lọc khuẩn, chắn chất độc không khí khá hạn chế".

Bên cạnh đó, cần theo dõi hàng ngày các quan trắc môi trường, nếu có báo động cam (AQI từ 101-200), đỏ (AQI từ 201-300) trở lên thì nên hạn chế ra đường. Trong nhà nên đóng kín cửa, trang bị thêm hệ thống lọc không khí nếu có điều kiện.

Ngoài ra, không nên đi bộ hoặc tập thể dục dọc theo những đường phố đông đúc, hạn chế hoạt động để tránh thở gấp. Hạn chế đeo kính áp tròng bởi các hạt bụi có thể kẹt giữa con ngươi và mắt kính, từ đó làm hỏng giác mạc. Nên rửa tay khi về nhà, uống đủ nước, sử dụng dung dịch nước muối để làm sạch mũi.

Trân trọng!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X