Đau đầu, nôn ra dịch nhầy màu nâu là triệu chứng bệnh gì?
Câu hỏi
Chào BS, Khoảng gần 1 tháng nay em thường xuyên bị đau đầu, đặc biệt đau ở vùng phía sau, lồng ngực lâu lâu lại như bị kim châm, nhói lên một chút rồi hết. Vài ngày trước, em nôn ra dịch nhầy màu nâu cà phê sữa. Em không biết những triệu chứng này là như thế nào ạ?
Trả lời
Dịch nôn có tính chất nhầy, màu nâu cà phê sữa là có lẫn máu. Máu này có thể từ thực quản - dạ dày (xuất huyết tiêu hóa trên), cũng có thể từ hầu họng mũi xoang và cũng có thể từ răng miệng. Các triệu chứng đau đầu thường xuyên, đau ngực, nôn ra dịch có lẫn máu là các dấu hiệu báo hiệu sức khỏe có vấn đề cần phải giải quyết ngay, có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác nhau như viêm xoang, loét dạ dày tá tràng, viêm nhiễm toàn thân nặng, bệnh lý huyết học…
Em cần đến BV đa khoa để kiểm tra sức khỏe sớm để sớm xác định bệnh và điều trị thích hợp, đăng ký khám chuyên khoa Nội tổng quát hay chuyên khoa Tiêu hóa đều được, em nhé.
Thân mến.
Xuất huyết tiêu hóa trên là xuất huyết trong lòng ống tiêu hóa do tổn thương nằm rải rác từ miệng, thực quản xuống đến tá tràng D4 (phần trên góc Treitz). Chuyển giao thời tiết từ mùa xuân sang hè, mùa thu sang mùa đông; cảm cúm; lạm dụng dùng một số thuốc giảm đau chống viêm aspirin, corticoid; những chấn thương tinh thần( quá bực tức, stress…) là những yếu tố dễ gây xuất huyết tiêu hóa trên. Bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa trên thường có các triệu chứng, như: Nôn ra máu; đau bụng, đầu tiên là đau dữ dội vùng thượng vị, sau lan khắp bụng, bụng cứng; toát mồ hôi; bệnh nhân bị tái xanh; đi ngoài phân đen, có mùi khắm… Bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa trên còn có thể có dấu hiệu bị hoa mắt, ù tai, chóng mặt, khát nước, da lạnh, niêm mạc nhợt trắng bệch, hay vã mồ hôi, mạch nhanh khó bắt, huyết áp thấp và kẹt, thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, vật vã, li bì, có thể có co giật do thiếu oxy não… Điều trị xuất huyết tiêu hóa trên là cấp cứu nội - ngoại khoa. Thông thường điều trị nội khoa phải bắt đầu trước tiên . Chỉ định điều trị ngoại khoa cần có hội chẩn giữa bác sĩ nội khoa , ngoại khoa và nội soi. Giai đoạn hồi sức nội khoa cần truyền dịch và truyền máu. Việc truyền dịch và máu tùy theo mức độ mất máu. Nếu bệnh nhân bị mất máu mức độ nhẹ thì chủ yếu truyền dịch không cần truyền máu, mức độ trung bình cần truyền cả dịch và máu, mức độ nặng cần truyền máu và dịch. Khi có chỉ định truyền máu thường bù 1/3 lượng máu và 2/3 lượng dịch. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình