Hotline 24/7
08983-08983

Đau bụng bên trái rốn, nhói lên mỗi khi căng thẳng... nên khám gì?

Câu hỏi

Em chào bác sĩ, Em bị đau bụng thường xuyên ở vị trí bên trái rốn. Đau nhiều hơn vào ban đêm, từ 3-5h sáng (đau bủn rủn người, hay gặp ác mộng, bóng đè). Ban ngày thì đau âm ỉ. Em bị đi ngoài phân sống, phân nhạt màu, có thời điểm em thấy phân có màu trắng hình như không được tiêu hóa. Có cảm giác bị chuột rút ở dạ dày hay ruột gì đó mỗi khi căng thẳng và rất hay bị, giống như 1 luồng điện giật giật (em cũng chưa biết tả nó như nào cho chính xác). Ngoài ra em cảm thấy hay hoang mang, lo lắng và sợ hãi vô cớ, ngại giao tiếp xã hội. Các triệu chứng em kể trên đã bị 10 năm. Em đã đi khám, nội soi dạ dày đường ruột ở các bệnh viện lớn: Hòa Hảo (TPHCM), Bạch Mai, 108, Bưu Điện, Viện Y học Cổ truyền Trung ương. Kết quả nội soi: - Viêm xung huyết hang vị dạ dày - đại tràng bình thường. Mỗi bệnh viện em đều điều trị khoảng 3 tháng, tái khám đúng hẹn, các bác sĩ đổi đơn thuốc nhưng em uống không thấy đỡ, thậm chí bệnh có vẻ nặng hơn, cơ thể rất mệt mỏi. Với những triệu chứng trên em nên đi khám ở gì? Ở đâu? Em có nên khám về tụy không? Hay quai ruột của em có vấn đề (em có đọc internet tìm hiểu triệu chứng bệnh). Em rất mong nhận được sự tư vấn của các bác sĩ.

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Hội chứng ruột kích thích. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Hội chứng ruột kích thích. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Chào em,

Theo thông tin em cung cấp thì tôi nhận thấy vấn đề chính yếu của em không nằm ở đường ruột hay tụy (nói chung là hệ tiêu hóa) mà chính là ở tâm lý - tâm thần. Em có rất nhiều các triệu chứng của rối loạn tâm lý - tâm thần, như "hay gặp ác mộng, bóng đè, hay hoang mang lo lắng và sợ hãi một cách vô cớ, ngại giao tiếp xã hội". Trong khi đường ruột của em đã được nội soi từ dạ dày đến đại tràng ở nhiều bệnh viện lớn mà kết quả chỉ có viêm sung huyết hang vị dạ dày mà thôi.

Mặt khác, triệu chứng về đường tiêu hóa của em là tình trạng tăng nhu động ruột quá mức và tăng nhu động ruột không thích hợp, tăng lên mỗi khi căng thẳng, do đó tôi nghĩ nhiều khả năng em bị hội chứng ruột kích thích.

Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn thường gặp, thường gây ra rối loạn tiêu hóa, hay gặp nhất là đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy và táo bón có liên quan đến thức ăn và tâm lý. Tuy vậy, bệnh không gây ra tổn thương thực thể ở ruột già. Nhưng tâm lý ảnh hưởng rất nhiều đến đường ruột, làm rối loạn nhu động ruột. Vì thế theo tôi em nên khám chuyên khoa Tâm thần là phù hợp nhất.

Em đừng quá sợ hãi hay dị ứng hai từ “tâm thần”, bệnh về tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu... chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân - chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay -  dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn.

Và do đó, nếu nghi ngờ mình có triệu chứng của bệnh lý tâm lý - tâm thần thì tốt nhất là khám bác sĩ chuyên khoa Tâm thần. Ở TPHCM, một số trung tâm có chuyên khoa Tâm thần mạnh là Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Đại học y Dược... em có thể tham khảo thêm.

Thân mến.
Mời tham khảo thêm:

Hội chứng ruột kích thích là một hội chứng rối loạn ở ruột già có thể gây đau bụng kèm táo bón hoặc tiêu chảy.

Thức ăn trong đường tiêu hóa đi từ ruột non đến ruột già. Chức năng chính của ruột già là hấp thụ nước và đẩy phân ra nhờ các nhu động ruột. Ở những người mắc bệnh hội chứng ruột kích thích, nhu động ruột do cơ co thắt sẽ diễn ra bất thường. Cơ co thắt quá mức sẽ gây tiêu chảy. Ngược lại, cơ co thắt chậm hoặc ít sẽ dẫn đến táo bón. Nhu động ruột  không liên tục và bất thường có thể gây đau bụng hoặc cảm giác muốn đi ngoài ngay lập tức.

Những dấu hiệu thường gặp của hội chứng ruột kích thích bao gồm: đầy hơi, đau bụng, táo bón, tiêu chảy hoặc xuất hiện cả hai. Trong đó triệu chứng phổ biến nhất là đau hoặc khó chịu ở bụng. Cơn đau có thể khiến bệnh nhân có cảm giác giống như bị chuột rút, và kèm theo những dấu hiệu sau:

- Cơn đau cải thiện sau khi bạn đại tiện;

- Tần suất đi ngoài có sự thay đổi;

- Phân của bạn không giống lúc trước.

Những triệu chứng khác có thể có bao gồm: cảm giác muốn đi ngoài khẩn cấp, hoặc đi ngoài không hết phân. Những triệu chứng này tái đi tái lại hàng ngày, hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm.

Trước hết, việc thay đổi lối sống có thể giúp giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, bao gồm thiết lập chế độ dinh dưỡng giàu chất xơ, loại bỏ các thức ăn chứa khí hoặc tạo ra nhiều khí, uống đủ nước, luyện tập thể dục và khống chế căng thẳng. Bác sĩ có thể giúp bạn lựa chọn những loại thuốc tốt nhất cho bệnh.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X