Có phải em bị nấm đường ruột không, AloBacsi ơi?
Câu hỏi
Chào bác sĩ, Em bị đau bụng dưới rốn 2 năm nay mà không đi khám. Em cũng bị tiêu chảy nhiều lần, đa số là táo bón, ho viêm họng, nước bọt lên miệng, ợ, đầy hơi, trướng bụng, nóng nảy, khó ngủ về đêm, đi tiểu đêm, khoảng 6h tối là cảm giác buồn ngủ. Tháng 10/2013, em đi khám tổng quát, soi phân phát hiện bị nấm. BS cho em uống 11 hộp thuốc Fluconazole nhưng sau đó lại tái phát các triệu chứng cũ. Có đợt tiêu chảy em có thấy ra chất nhày nâu vàng. Em chuyển sang BV đại học Y dược TPHCM điều trị đợt 2. Đợt này em thấy đi cầu phân lúc cục, lúc rã. Ngoài ra, em có uống thuốc kháng sinh trị viêm họng 3 ngày, có ảnh hưởng đến điều trị nấm không, thưa BS? Nếu em lại tái phát nấm có phải cần nội soi đại tràng? Mong BS cho em lời khuyên. Chân thành cảm ơn BS. (Trần Thị Quỳnh, 24 tuổi, Cao: 1,60m, 51 kg - Gò Vấp, TPHCM).
Trả lời
Chào em,
1. Qua thư em, chúng tôi nhận thấy, em có các “vấn đề” sau:
- Rối loạn đi cầu (bón, tiêu chảy, phân nhớt) kèm đau bụng dưới rốn 2 năm
- Có 1 lần soi phân nghi ngờ có nấm.
- Đầy hơi, ở nước bọt, đau họng.
- Khó ngủ, mệt mỏi.
- Chiều cao và cân nặng hiện nay của em là bình thường.
2. Tôi xin giải thích vài điểm cho em như sau:
- Thứ 1, tôi nghĩ nhiều khả năng em đang bị mắc chứng viêm thực quản và viêm họng do trào ngược acid dạ dày.
Em cần được nội soi thực quản dạ dày và xét nghiệm tìm vi trùng H.Pylori để có chẩn đoán rõ và hướng điều trị thích hợp cho mục này.
Em cũng không nên uống thuốc kháng sinh trị viêm họng thường xuyên vì dễ bị loạn khuẩn đường tiêu hóa, dễ bị lờn thuốc kháng sinh sau này khi điều trị các bệnh nhiễm trùng khác.
- Còn việc dùng kháng sinh có ảnh hưởng điều trị nấm không tôi xin giải đáp cụ thể như sau :
+ Uống kháng sinh làm chúng ta dễ bị loạn khuẩn đường tiêu hóa nên dễ bị mất cân bằng sinh thái trong ruột nên làm nấm dễ phát sinh.
+ Thuốc kháng sinh và thuốc kháng nấm có thể tương tác với nhau làm tăng nguy cơ gây độc tính cho gan.
+ Dùng kháng sinh 03 ngày thì về lý thuyết cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc điều trị kháng nấm.
- Thứ 2, với triệu chứng đau bụng và đi cầu không tốt của em, tôi nghĩ nhiều khả năng em bị viêm đại tràng co thắt vì em đã bị từ lâu và không sụt ký.
Tuy nhiên gần đây triệu chứng có vẻ rầm rộ hơn nên không loại trừ khả năng em bị lao ruột hay viêm loét đại tràng hoặc viêm đại tràng mãn do a-míp.
Do đó, em cần được nội soi đại tràng, xét nghiệm phân lại và xét nghiệm máu thêm để xác định chính xác.
- Thứ 3, với chuyện nóng nảy, khó ngủ về đêm, nhưng mệt mỏi buồn ngủ về chiều của em, tôi dự đoán em bị chứng rối loạn thực kinh thực vật do stress, mệt mỏi hoặc trầm cảm.
Tuy nhiên các bệnh lý nội khoa khác như lao phổi, cường tuyến giáp trạng cũng có thể gây nên tình trạng này.
- Thứ 4, vấn đề nấm/phân. Thực tế bệnh nấm/ruột gây rối loạn đi cầu như em là cực kỳ hiếm gặp và cá nhân tôi cũng không nghĩ em bị mắc bệnh này khi chỉ dựa vào kết quả soi phân 1 lần có nấm.
Nguồn: Medical Microbiology, 10th edition, Thieme Verlag
Em cần biết những điểm sau:
+ Trong ruột chúng ta có hàng tỷ tỷ vi sinh vật cùng chung sống chung hòa bình, bao gồm các loại vi khuẩn và nấm.
Do đó, việc soi tươi phân thấy một số bào tử nấm là tương đối bình thường. Hơn nữa soi tươi phân thì hình ảnh các bào tử nấm có thể rất giống các thành phần khác lẫn trong phân.
Muốn chẩn đoán chính xác thì phải nhuộm phân với kỹ thuật riêng để hiện hình và thấy rõ nấm thậm chí phải cấy phân (nuôi cấy đặc biệt riêng cho nấm chứ không phải nuôi cấy vi trùng như thông thường).
+ Bệnh nấm ruột gây rối loạn đi cầu kéo dài cực kỳ hiếm gặp, trừ khi em bị suy kiệt rất nặng như nhiễm HIV/SIDA, ung thư giai đoạn cuối, sau phẫu thuật cắt nối ruột ăn uống kém suy dinh dưỡng nặng, dùng nhiều loại thuốc ức chế miễn dịch kèm theo dùng nhiều kháng sinh kéo dài.
Sau đây là những gợi ý ban đầu của tôi. Trường hợp cụ thể của em, tôi cần phải khám bệnh trực tiếp, nắm rõ tiền sử bệnh tật, chế độ sinh hoạt, làm việc của em và gia đình để có một cái nhìn tổng hợp và cho xét nghiệm cần thiết nhằm có chẩn đoán thích hợp toàn diện cho em.
Thân,
Giảng viên - Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch
AloBacsi.vn
- nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.
AloBacsi.vn
giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Bạn đọc có thể ghi
kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết. Chân thành cảm ơn. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình