Hotline 24/7
08983-08983

Có phải do uống thêm thuốc điều trị mỡ máu khiến mức INR vượt ngưỡng?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, cho mình hỏi về bệnh của mẹ mình. Mẹ mình năm nay 76 tuổi. Hơn 10 tháng trước mẹ mổ thay van động mạch chủ. Mình chọn van sinh học, nhưng vì nguyên do bất khả kháng nên bác sĩ phải thay van cơ học cho mẹ. Do vậy mẹ phải uống thuốc kháng đông suốt đời. Hiện tại mẹ mình uống kháng đông là Aceronko 1mg, liều uống các tối thứ 2, 4, 6, chủ nhật là 1 viên, riêng các tối thứ 3, 5, 7 là 1/2 viên. Mình khá cẩn thận nên mua máy đo INR cầm tay (máy Coagu chek), và thường kiểm tra INR cho mẹ. Tuy vậy gần đây mẹ có mỡ máu cao (triglycerid cao) nên bác sĩ điều trị cho mẹ uống thêm thuốc hạ mỡ máu là Lipanthyl supra 80mg ngày uống một viên. Mình có đọc tài liệu về thuốc kháng đông và thuốc Lipanthyl, cụ thể là thuốc Lipanthyl làm tăng tác dụng của thuốc kháng đông. Trước kia khi không uống Lipanthyl thì INR của mẹ thường nằm trong giới hạn điều trị (bác sĩ nói giới hạn là 2.5-3.5); nhưng hai tháng nay từ khi mẹ uống thêm Lipanthyl thì cứ 4-5 ngày là INR vượt khỏi ngưỡng cho phép, có khi trên 3.5 nhưng dưới 4.0, có khi trên 4.0. Và mình có xử trí bằng cách cho mẹ uống giảm liều tức uống 1/2 viên (nếu INR cao hơn 3.5 nhưng không quá cao) hoặc ngưng 1 liều ngay hôm đo INR (nếu INR cao hơn 4.0) và hôm sau uống lại như cũ. Cho mình xin phép hỏi bác sĩ rằng cùng mức INR nhưng do thuốc khác như Lipanthyl thúc đẩy và giảm liều (điều chỉnh) thuốc kháng đông Aceronko như trường hợp của mẹ mình và trường hợp không bị thuốc khác thúc đẩy và uống đủ liều kháng đông thì hai trường hợp này có khác nhau về mục tiêu điều trị không ạ? Do mình có máy kiểm tra INR thường xuyên và có xử trí liều kháng đông như các tài liệu hướng dẫn, song thấy khá lo do mẹ mình thường phải giảm liều kháng đông, mình sợ không đủ liều ạ. Rất mong bác sĩ giải đáp giúp mình. Chân thành cảm ơn.

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Máy đo INR cầm tay. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Máy đo INR cầm tay. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Hai trường hợp mà bạn nêu ra không có sự khác biệt về mục tiêu INR trong điều trị kháng đông. Bạn nên tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn để giữ mức INR trong khoảng từ 2-3.

Ngoài ra, cần tránh dùng một số thực phẩm giàu vitamin K như bông cải xanh, cải bắp, rau chân vịt, đậu xanh, rau diếp hoặc tỏi tây để tránh những thay đổi đáng kể trong việc bổ sung vitamin K nhằm hạn chế những biến động của INR.

Khi sử dụng các thuốc, đặc biệt là thuốc giảm đau, kháng viêm cũng cần chú ý, tham khảo ý kiến của bác sĩ để hạn chế các biến chứng chảy máu có thể xảy ra bạn nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:


INR là xét nghiệm máu, dùng để đánh giá mức độ hình thành cục máu đông khi dùng thuốc chống đông kháng vitatmin K loại COUMADIN® (warfarin natri). Xét nghiệm INR rất quan trọng trong việc giúp bác sĩ xác định phản ứng của bạn để xác định phản ứng của cơ thể bạn với Coumadin. Xét nghiệm INR kiểm tra để xem cục máu đông trong cơ thể bạn hình thành nhanh ở mức độ nào.

Bác sĩ sẽ quyết định những gì con số INR là tốt nhất cho bạn, và có thể điều chỉnh liều của Coumadin giữ INR của bạn trong phạm vi an toàn và hiệu quả nhất. Khi bạn bắt đầu dùng Coumadin, bác sĩ có thể xét nghiệm INR hàng ngày cho đến khi nhận thấy kết quả INR đạt và ổn định trong phạm vi điều trị, sau đó sẽ trao đổi với bạn để thiết lập một lịch trình xét nghiệm INR cho thời gian tiếp theo.

Thông thường thì chỉ số INR bình thường sẽ là từ 0,9 – 1,3. Bên cạnh đó, xét nghiệm INR cũng thường được sử dụng để theo dõi bệnh nhân thay van tim nhân tạo.  Tỷ số trên được duy trì trong khoảng từ 2-3. Nếu thấp hơn 2 có nguy cơ tắc van do các cục máu đông. Nếu tỷ số cao hơn 3 thì nguy cơ chảy máu tăng.

Bác sĩ sẽ dựa trên xét nghiệm này để xác định phản ứng trên cơ thể bệnh nhân với Coumadin nên xét nghiệm INR là vô cùng quan trọng. Xét nghiệm còn giúp kiểm tra các cục máu đông đang hình thành nhanh như thế nào trên cơ thể.

Khi bệnh nhân bắt đầu dùng Coumadin, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm INR hàng ngày cho đến khi thấy kết quả INR ổn định ở trong phạm vi điều trị.

INR (International Normalized Ratio) là một cách biểu thị thời gian đông máu (TQ: Temps de Quick), nhưng đã loại trừ các yếu tố sai biệt giữa các phòng thí nghiệm khác nhau. Giá trị INR được dùng để kiểm tra hiệu quả chống đông máu của thuốc kháng vitamin K tốt hơn khi dùng giá trị tỷ prothrombine (TP).

Ở người bình thường, INR nằm trong giới hạn từ 0,8 - 1,2.

Đa số trường hợp, khi dùng thuốc chống đông máu, giá trị INR cần đạt được trong khoảng từ 2 - 3, lý tưởng nhất là 2,5.

- Nếu INR < 2 : tác dụng chống đông không đủ
- Nếu INR > 3 : tác dụng chống đông quá mức.
- Tuy nhiên ở một số trường hợp cụ thể, giá trị INR khuyến cáo có thể lên đến 4,5

Trong mọi trường hợp khi INR > 5, đều đi kèm với nguy cơ chảy máu cao.

Nhịp kiểm tra INR:

Kiểm tra lần đầu tiên : được thực hiện ngay trong vòng 48 giờ +/- 12, sau khi uống liều thuốc đầu tiên, để phát hiện sự nhạy cảm quá mức của từng cơ địa bệnh nhân với thuốc. Nếu INR > 2 chứng tỏ quá liều và phải giảm liều.

Kiểm tra lần thứ hai : thực hiện tùy theo kết quả của INR lần đầu, để đánh giá hiệu quả chống đông. Tùy trường hợp được thực hiện ở ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 sau lần dùng thuốc đầu tiên.

Kiểm tra tiếp sau đó : được thực hiện mỗi 2 – 4 ngày cho đến khi có được INR ổn định, sau đó thực hiện mỗi tuần, mỗi hai tuần và tối đa là mỗi tháng một lần. Có khi, cần mất nhiều tuần mới đạt được INR cân bằng.

Trong trường hợp thay đổi liều : phải thực hiện kiểm tra mỗi 2 đến 4 ngày sau đổi liều và lập lại kiểm tra  mỗi 4 đến 8 ngày cho đến khi INR ổn định.

Các kết quả kiểm tra INR phải được ghi trong sổ theo dõi điều trị của bệnh nhân.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X