Có nên dùng kim để sơ cứu người bị tai biến mạch máu não?
Em thấy trên mạng hướng dẫn là không nên đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay mà dùng kim để chích vào đầu ngón tay. Em có nên áp dụng không?

Tai biến mạch máu não (đột quỵ) là danh từ chung để chỉ các tổn thương của não, màng não gây nên bởi sự hư biến của mạch máu não do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Tai biến mạch máu não (TBMMN) xảy ra khi việc cung cấp máu lên một phần bộ não bị đột ngột ngừng trệ, gồm có hai loại: nhồi máu não (do tắc mạch) hoặc chảy máu não (do vỡ mạch).
Các triệu chứng của TBMMN xảy ra đột ngột ở bệnh nhân (BN) như:
- Tê cứng ở mặt, tay hoặc chân - đặc biệt là tê cứng nửa người, nhìn không rõ
- Không cử động được chân tay
- Không nói được hoặc không hiểu được người khác nói
- Đau đầu dữ dội
Phụ nữ có thể có các biểu hiện đột ngột: đau ở mặt hoặc chân, bị nấc, cảm thấy buồn nôn, mệt, tức ngực, khó thở, tim đập nhanh bất thường.
Những câu hỏi để nhận diện tai biến mạch máu não là: “yêu cầu người đó cười, nói, giơ tay lên” chính là nhằm phát hiện một số dấu hiệu của TBMMN.
BN TBMMN có thể bị một trong hai dạng: chảy máu não do vỡ mạch hoặc nhồi máu não do tắc mạch. Hai bệnh này đối nghịch nhau hoàn toàn về nguyên nhân, cơ chế và cách điều trị. Các BS chuyên khoa cũng không thể chỉ dựa vào biểu hiện bên ngoài để chẩn đoán nên việc xử trí phải hết sức thận trọng.
Xử trí TBMMN bằng việc trích máu được áp dụng cách đây đã lâu và chỉ có hiệu quả trong một số trường hợp (do tăng huyết áp), còn với những nguyên nhân khác thì có khi còn làm bệnh tiến triển nặng nề hơn (tai biến do tắc mạch).
Em nên biết, đối với người bị TBMMN, thời gian là vàng, mạch máu đông hoặc vỡ phải được xử lý thật nhanh để đề phòng các biến chứng như liệt toàn thân, bại não… Vì vậy, không được tự điều trị cho BN dù chỉ là các động tác như bấm huyệt nhân trung, châm cứu, đánh gió... có thể vô tình làm tình trạng BN trầm trọng hơn.
Những việc cần làm khi có người bị TBMMN như sau:
- Gọi xe cấp cứu tới, cố gắng liên hệ với BS thần kinh để được tư vấn sớm trước khi đưa BN đến bệnh viện). Trong khi chờ xe cấp cứu tới, quan sát và hỏi để biết BN còn tỉnh táo hay lơ mơ hoặc hôn mê.
Nếu bệnh nhân còn tỉnh: cần để bệnh nhân nằm yên tĩnh, chờ xe cấp cứu đến.
Nếu bệnh nhân hôn mê: cần xem bệnh nhân đang còn thở bình thường, thở nhanh, thở chậm, hay đã ngừng thở... Nếu thấy bệnh nhân ngừng thở: phải hô hấp nhân tạo, nếu cần phải dùng miệng thổi hơi vào miệng bệnh nhân (hô hấp miệng - miệng).
Người nhà phải hết sức bình tĩnh khi xử trí, và hãy:
+ Đặt BN nằm xuống trong tư thế thoải mái, nới lỏng quần áo, nói chuyện với họ để họ yên tâm.
+ Nói BN thở chậm và sâu vì điều này giúp bệnh nhân bình tĩnh và đồng thời giúp đưa máu lên não nhiều hơn.
+ Giữ đầu mát và thân ấm. Nếu có đá lạnh, có thể chấm nhẹ qua đầu người bệnh để giữ mát. Bọc đá trong khăn để không quá lạnh.
Với các kiến thức trên, AloBacsi nghĩ rằng chắc sẽ giúp em hiểu đúng về việc xử trí TBMMN.
Thân ái!
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình