Hotline 24/7
08983-08983

"Chảy mủ" thực quản vì ăn gà "mắc" xương

Bệnh nhân T nhập viện trong tình trạng đau họng, khó nói, cổ sưng, nóng đỏ, nuốt khó, không ăn được kèm theo sốt nhẹ.

Mới đây, bệnh nhân N.T.T, 53 tuổi, trú tại Đoan Hùng – Phú Thọ đến bệnh viện thăm khám trong tình trạng đau họng, khó nói, cổ sưng, nóng đỏ, nuốt khó, không ăn được kèm theo sốt nhẹ. Kết quả nội soi cho thấy chảy mủ thực quản.

Theo bệnh nhân cho biết đã vào viện khoảng 1 tuần, trước đó ăn cơm với thịt gà bệnh nhân không may bị hóc xương. Dù đã thực hiện các mẹo trong dân gian như xoay mâm cơm, nuốt miếng cơm to... nhưng mảnh xương gà vẫn không trôi xuống.

Sau đó bệnh nhân không đến bệnh viện thăm khám mà để tự nhiên, nghĩ mảnh xương sẽ tự xuôi xuống. Nhưng sau 1 tuần, họng bệnh nhân ngày một đau, không ăn uống được gia đình mới đưa bệnh nhân đến bệnh viện thăm khám.

Các bác sỹ đã chỉ định nội soi dạ dày, kết quả nội soi phát hiện dị vật cắm sâu vào thực quản.

Dị vật cắm sâu hai đầu vào thành thực quản gây hai ổ abces chảy nhiều dịch mủ, bắm chặt vào thành thực quản cách cung răng trên khoảng 20cm. Các bác sỹ đã tiến hành gắp dị vật, làm sạch ổ mủ, cầm máu. Dị vật là mảnh xương gà có hai đầu sắc nhọn dài khoảng 4cm.

Ông T.T.H (62 tuổi). Ngày nhập viện, trong lúc ăn cơm với thịt gà thì ông H. bị hóc xương gà, được người nhà đưa đến bệnh viện quận, được chẩn đoán dị vật thực quản và chuyển viện Bệnh viện Nhân dân 115.

Qua thăm khám các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, cảm giác đau họng, nuốt đau và bứt rứt, bệnh nhân bị sốt nhẹ 38 độ C.

Bệnh nhân được chỉ định nội soi thực quản, trong quá trình nội soi cho thấy ở 1/3 giữa thực quản có một dị vật, dài khoảng 40 mm, nằm ngang, hai đầu cắm sâu vào thành thực quản, nhiều khả năng gây thủng thành thực quản.

Hình ảnh xương gà găm vào thực quản qua nội soi

Bác sĩ đã tiến hành gắp dị vật bằng kìm qua nội soi, lấy ra được một dị vật là xương gà. Kiểm tra thấy thành sau phải thực quản giữa có một vết thủng khoảng 3 mm.

Ths.BS Trần Hữu Thắng - Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương) cho biết bệnh viện cũng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân bị hóc xương gà, xương vịt.

Bác sĩ Thắng chia sẻ, có bệnh nhân vừa ăn vừa nói chuyện và bị xương cuốn xuống họng.

Gần đây có một bệnh nhân nữ 59 tuổi, ở Hòa Bình cấp cứu trong tình trạng rất đau đớn vì hóc xương do cố gắng nuốt... mỏ gà. Người nhà bệnh nhân cho biết đã chữa bằng mẹo dân gian nhưng không có kết quả. Bệnh nhân được đưa đi khám tại bệnh viện tỉnh, sau đó chuyển đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cấp cứu.

Theo bác sĩ Thắng, khác với các dị vật khác, dị vật là xương gà, xương vịt thường là sắc nhọn và dài vì thế rất dễ hóc lại vùng thực quản và có thể gây chảy mủ thực quản.

Khi bị hóc người bệnh sẽ thấy nuốt đau nhói, hoặc nuốt vướng. Trong trường hợp xương đâm ra ngoài thực quản người bệnh ban đầu không để ý, hoặc cố tình giấu chỉ đến khi sưng đau mới đến viện để thăm khám. Lúc này, tình trạng đã chuyển biến nặng gây nhiễm trùng, đặc biệt là trường hợp hóc xương cá biển.

Khi bị hóc dị vật tất cả bệnh nhân đều được soi ống cứng kiểm tra, nếu có dị vật sẽ tiến hành gắp luôn. Trong trường hợp soi không thấy dị vật, các bác sĩ có thể chọn phương pháp mở cạnh cổ để lấy dị vật. Tuy nhiên, phương pháp này yêu cầu các bác sĩ phải có kinh nghiệm phẫu thuật đầu cổ, vì xương hóc thường nhỏ và dài rất dễ lẫn với tổ chức gân cơ vùng cổ.

Bác sĩ khuyến cáo, những trường hợp bị hóc xương cần đến ngay bệnh viện để được khám và xử lý kịp thời, không tự ý móc, gắp xương ra vì càng khiến dị vật trôi xuống sâu hoặc đâm sâu hơn vào thực quản. Không nên để dị vật tồn tại quá lâu vì vết loét sẽ nhiễm trùng nặng rất nguy hiểm.

Theo Infornet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X