Hotline 24/7
08983-08983

BS Hương giải thích về bệnh Sodoku, Hantavirus và bệnh giun tròn Angiostrongylus cantonensis

Câu hỏi

Dạ chào BS, Xin BS tư vấn dùm em thời gian ủ bệnh Sodoku, bệnh Hantavirus và bệnh giun tròn Angiostrongylus cantonensis là bao lâu ạ? Triệu chứng như thế nào ạ?

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Chuột cắn gây bệnh Sodoku. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Chuột cắn gây bệnh Sodoku. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

1. Bệnh nhiễm độc do chuột cắn còn gọi là bệnh Sodoku (được ghép 2 từ tiếng Nhật, Sodoku/鼠毒, so = chuột, doku = nhiễm độc) do nhiễm xoắn khuẩn mang tên Spirillum minus một dạng nhiễm độc do xoắn khuẩn từ máu của bệnh nhân nguyên nhân lây từ vết cắn của chuột.

Bệnh có thời gian ủ bệnh trong vòng từ 5 ngày-4 tuần. Khi khởi phát, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao 39-40°C, ớn lạnh, sốt thành từng cơn, không có tính chu kỳ.

Ở chỗ bị cắn, các tổn thương ngoài da có thể tự khỏi, nhưng phần lớn các trường hợp xuất hiện ban, xuất huyết hoại tử tại chỗ và có phản ứng của hạch khu vực.

Trong quá trình bị bệnh, bệnh nhân có thể có các biểu hiện đau cơ, đau khớp, viêm khớp. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể đau đầu, ảo giác, mê sảng dẫn đến hôn mê. Đây là một hình thái của bệnh sốt chuột cắn (RBF).

2. Hantavirus là loại vi rút lây từ chuột sang người, nó có trong nước bọt và nước tiểu của chuột, ngay cả khi chết xác chuột vẫn còn phóng thích Hantavirus. Những người nhiễm Hantavirus thường có dấu hiệu cảm cúm, khó thở cộng thêm bệnh sử có tiếp xúc với chuột từ 1 - 6 tuần.

Khi bị nhiễm virus Hanta từ chuột gây suy thận vì khi bị nhiễm Hantavirus, bệnh nhân có triệu chứng sốt cao 3-5 ngày, có khi sốt kéo dài 4-6 tuần. Từ khi nhiễm Hantavirus đến khi phát bệnh khoảng 9-35 ngày, nhưng đa số từ 9-24 ngày.

Bệnh có biểu hiện qua 4 thời kỳ: sốt, đau cơ lớn (các cơ vai, đùi, lưng), người gai lạnh, suy nhược, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, có khi nôn, đau bụng (tăng dần) và tiêu chảy. Trường hợp bệnh diễn tiến nặng, nếu phát hiện muộn, bệnh nhân có thể tử vong (tỷ lệ tử vong từ 6-10%) do suy hô hấp, suy tim, suy thận phải. Ở thời kỳ đầu, khi bệnh nhân bị đau bụng rất dễ nhầm lẫn với bệnh viêm ruột thừa hoặc viêm cầu thận có mủ. Có bệnh nhân còn có biểu hiện mặt đỏ hồng như đi tắm biển. Ngoài ra, bệnh nhân còn có một số triệu chứng của bệnh đường hô hấp trên như đau họng, ngạt mũi, viêm xoang, đau tai.

3. Angiostrongylus cantonensis là một loại giun ký sinh ở phổi của chuột, đầu tiên được phát hiện trên chuột bởi tại Canton. Ký sinh trùng giun tròn loại Angiostrongylus cantonensis còn gọi là giun mạch hoặc tên đồng nghĩa Parastrongylus cantonensis, theo phân loại ký sinh trung giun sán thì đây là loài giun tròn. Bệnh do Angiostrongylus cantonensis có thời gian ủ bệnh từ 1-5 tuần (trung bình 2 tuần), hoặc 15-17 ngày hoặc chỉ 11-13 ngày, triệu chứng bệnh thường có sốt, nhức đầu là hai triệu chứng hay gặp nhất (đau đầu khu trú chủ yếu vùng chẩm và thái dương), cứng gáy, buồn nôn, nôn mửa, sốt thường nhẹ (37.8-390C), phát ban đỏ, ngứa, đau bụng và một số triệu chứng toàn thân; sốt có khi không rõ ràng, nhiều trường hợp hết sốt khi nhập viện mặc dù chưa điều trị bất kỳ một loại thuốc đặc hiệu. Đây là bệnh viêm màng não (do ký sinh trùng) nhưng dấu hiệu màng não khá ít, chỉ khoảng 30-48% số bệnh nhân.

Bệnh nhân thường nhập viện trễ, trên 50% số ca đến nhập viện khi bệnh đã kéo dài hơn 2 tuần với một số chẩn đoán trước đó khá đa dạng là đau đầu do viêm mạch Horton, viêm màng não mủ, viêm não do virus, u não,… Tử vong do bệnh nhiễm KST này rất hiếm gặp.

Triệu chứng hệ thần kinh do A.cantonensis thường gây ra một số triệu chứng màng não, liệt một số dây thần kinh sọ não như dây III, IV, VI, VII, nhưng dấu thần kinh định vị chiếm tỷ lệ cao là ở liệt dây thần kinh sọ não VI, VII thường gặp nhất, 7-12% bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng tổn thương tủy sống (yếu, liệt một hoặc 2 chi dưới, rối loạn cơ vòng).

Tỷ lệ bệnh nhân có rối loạn tri giác cũng cao, nhưng mức độ rối loạn tri giác thường không nghiêm trọng, các triệu chứng khác như đau cơ, rối loạn cảm giác, hồng ban cũng khá thường gặp với tỷ lệ lần lượt 14%; 17% và 8%; dị cảm ở mặt, đau, yếu chi là các dấu chứng cũng thường gặp.

Thân mến.

Câu tư vấn trước: Chó mang virus dại liếm vào vết thương hở có khả năng lây truyền bệnh?

Mời tham khảo thêm:

>> Mắc bệnh sodoku vì bị chuột cắn

>> 3 bệnh nguy hiểm lây lan từ chuột

Các chuyên gia khuyến cáo, chuột là trung gian truyền rất nhiều loại bệnh, nên tránh bị chuột cắn. Khi bắt chuột thì không dùng tay không mà phải đeo găng dày. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh để đồ đạc ẩm thấp, bừa bãi làm nơi chuột trú ngụ, sinh sản.

Khi ngủ nên chèn màn chặt kín bốn góc giường ngăn chuột chui vào cắn. Nếu không may bị chuột cắn thì nên rửa sạch vết thương bằng nước muối, thuốc sát trùng, nước xà phòng, sau đó đến bệnh viện để được khám và tư vấn kịp thời.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X