Hotline 24/7
08983-08983

Xoa dịu nỗi đau cho người “bệnh tử”

“Bác sỹ ơi, cứu tôi với!”. Đây là tiếng kêu khẩn thiết của nhiều bệnh nhân mỗi khi được chuyển vào Bệnh viện K (Hà Nội).

“Đã bị K là chấm hết. Điều duy nhất mà chúng tôi làm được là xoa dịu bớt nỗi đau của họ lúc cuối đời”, ThS.BS Trần Tuấn Sơn - Trưởng khoa Chống đau, Bệnh viện K tâm sự.

 

Khi cơn đau bị đẩy lùi, nụ cười đã trở lại trên môi người bệnh. 

 

Nỗ lực cuối cùng...

 

Chăm sóc giảm nhẹ (CSGN) đối với người mắc bệnh ung thư và người bệnh AIDS là phối hợp các biện pháp nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh bằng cách phòng ngừa, phát hiện sớm, điều trị đau và xử trí các triệu chứng thực thể, tư vấn và hỗ trợ giải quyết các vấn đề về tâm lý - xã hội mà người bệnh và gia đình họ phải chịu đựng.

 

Theo TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trước thực trạng bệnh nhân AIDS và ung thư ngày càng gia tăng, trong khi hoạt động CSGN chưa được thực hiện có hiệu quả, bắt đầu từ năm 2005, công tác CSGN cho người bệnh ung thư và AIDS được Bộ Y tế khảo sát đánh giá, triển khai thực hiện.

 

Trị pháp này được áp dụng với tất cả những người mắc bệnh ung thư và AIDS; đồng thời được tiến hành ngay từ khi phát hiện bệnh và duy trì trong suốt quá trình diễn biến của bệnh; phối hợp với các biện pháp điều trị đặc hiệu; hỗ trợ người bệnh sống tích cực đến cuối đời; hỗ trợ gia đình người bệnh trong thời gian người bệnh ốm đau và khi qua đời; thực hiện tại các cơ sở y tế, tại gia đình và cộng đồng.

 

Hiện, đã có nhiều cơ sở triển khai CSGN: Khoa chống đau (Bệnh viện K), Đơn vị CSGN của Khoa Ung thư (BV Chợ Rẫy), Đơn vị CSGN của Khoa Ung thư (BV Trung ương Huế), Đơn vị chống đau (BV Ung bướu Hà Nội)...

 

Trước nhu cầu và đòi hỏi bức xúc của bệnh nhân, Khoa Chống đau (BV K Hà Nội) đã ra đời vào tháng 8/2007. Chỉ với 12 điều dưỡng và 6 bác sĩ mà phải phục vụ cho từ 50 đến trên 60 bệnh nhân áp lực rất lớn đối với mỗi điều dưỡng và y, bác sĩ tại đây.

 

BS Trần Tuấn Sơn chia sẻ: “Bác sĩ chống đau là những người dũng cảm nhất, bởi nhu cầu bệnh nhân thì nhiều, đòi hỏi rất cao...”. Rồi anh kể: ““Bác sĩ ơi cứu tôi với” là câu cửa miệng của nhiều bệnh nhân đến đây điều trị. Chúng tôi cảm thấy thất vọng và xấu hổ khi không làm được gì cho họ, chỉ còn biết vớt vát bằng cách giảm đau cho họ lúc cuối đời”.

 

Theo BS Sơn, thường bệnh nhân giai đoạn cuối phải chịu rất nhiều đau đớn, bởi vậy ngoài điều trị bằng thuốc giảm đau, tia xạ hóa chất..., việc động viên về tinh thần đối với họ là vô cùng quan trọng. Không chỉ trực tiếp tư vấn, động viên và an ủi người bệnh, các bác sĩ và điều dưỡng của khoa còn tư vấn cho người nhà bệnh nhân cách chăm sóc về thể chất và tinh thần để ổn định tâm lý cho họ.

 

Đặc biệt, phải chia sẻ với họ như một người bạn tâm tình, tri kỷ. Muốn vậy, phải luôn đặt mình vào hoàn cảnh của họ để hiểu họ và tư vấn như thế nào có lợi cho họ nhất. Bởi lẽ, bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối rất bi quan và hay đòi hỏi, sẵn sàng nổi cáu nếu không được đáp ứng, thậm chí chửi bới và đe dọa đánh bác sĩ. Vì thế, “nếu không có đạo đức, lương tâm và trách nhiệm sẽ không tồn tại được ở đây” - BS Sơn khẳng định.

 

Xoa dịu nỗi đau

 

Theo chân BS Sơn, chúng tôi đi thăm lần lượt các bệnh phòng của khoa. Chỉ với 42 giường chỉ tiêu nhưng lúc nào số bệnh nhân cũng lên tới trên 50 nhưng các bác sĩ luôn cố gắng để bệnh nhân không bị nằm ghép giường.

 

Mặc dù đây là nơi điều trị cho các bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối, nhưng chúng tôi không hề có cảm giác về bệnh tật hiểm nghèo và sự chết chóc ở đây. Góc này các cụ thủ thỉ trò chuyện, góc kia người nọ đấm lưng, xoa bóp cho người kia...

 

Chị Trần Thanh H. (39 tuổi, ở Thanh Lương, Hai Bà Trưng, Hà Nội) được chẩn đoán bị ung thư phổi từ tháng 7/2010 tại BV Lao phổi Hà Nội. Tiếp tục đến khám và xét nghiệm tại BV Lao phổi Trung ương, chị được khẳng định đã bị di căn nên xin về nhà điều trị bằng thuốc lá. Một thời gian điều trị tại nhà, chị không ăn, không ngủ được, người cứ gầy rộc đi (chỉ còn chưa đầy 30 kg) nên đã đến khám lại tại BV K Trung ương.

 

Tại đây, các bác sĩ khuyên gia đình nên đưa chị về nhà chuẩn bị lo hậu sự. Không đành lòng nhìn chị đau đớn, gia đình đã đưa chị đến điều trị tại BV K Hà Nội. Được các bác sĩ, điều dưỡng viên ở đây tư vấn, chăm sóc, động viên và khuyến khích, từ một cái xác khô, chị đã hồi sinh trở lại (chị đã ăn được sữa, nước cháo và ngồi dậy được).

 

“Thấy mẹ khỏe trở lại, bố em và chúng em vui lắm. Cũng nhờ các bác sĩ ở đây tư vấn, điều trị giảm đau và hướng dẫn cách chăm sóc, nếu không mẹ em chắc gì đã kéo dài sự sống đến bây giờ” - Thu P, đang học lớp 12 Trường Tô Hiến Thành, con gái lớn của chị H không giấu được mừng vui chia sẻ.

 

Bác Nghiêm Thị L (57 tuổi, ở Nhân Chính, Hà Nội) bị ung thư đại tràng đã hơn 1 năm nay. Khối u ác tính hành hạ khiến bác nhớ nhớ, quên quên, rên la suốt ngày. Là gia đình công chức về hưu, không mấy dư dả để thuê người chăm sóc nên chồng bác và ba người con trai phải thay nhau bố trí chăm sóc bác.

 

Lúc đầu, chồng bác L cho biết, do không có kiến thức nên mấy bố con cũng lúng túng lắm. Sau, nhờ sự tư vấn và động viên của các bác sĩ trong khoa, mọi việc tiến hành khá suôn sẻ. Đặc biệt, tâm lý của gia đình đã ổn định trở lại...

 

Lúc mới đến bệnh viện khám và xét nghiệm, bác Nguyễn Thị Th (60 tuổi, ở Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) luôn phải ngồi xe lăn vì chân yếu không đi lại được. Theo các bác sĩ cho biết, bác bị ung thư vú giai đoạn cuối và đã bị di căn vào xương. Nhưng, chỉ sau một thời gian điều trị tại đây, bác đã đi lại được.

 

Nhà gần nên sáng ra hai bác mới dắt díu nhau vào viện, tối đến lại về nhà ngủ. “Lúc mới phát hiện bị K, bà ấy khóc lóc suốt, chả buồn ăn uống gì cả. Sau khi được các bác sĩ động viên, chăm sóc, điều trị tận tình, bà ấy mới dần tỉnh trí, thấy thoải mái và lạc quan lên đấy!” - chồng bác Thuận vừa lúi húi gọt hoa quả cho vợ vừa hồ hởi khoe.

 

Bị ung thư chưa phải là chấm hết

 

...Chỉ cần tiếp xúc với vài bệnh nhân như những trường hợp kể trên cũng là đủ để chúng ta thấy rằng: Bị ung thư chưa phải là chấm hết. Và cuộc sống của họ sẽ kéo dài khi tinh thần luôn lạc quan, yêu đời. Quan trọng hơn, cho đến lúc cuối đời, họ vẫn thấy cái chết nhẹ như lông hồng và luôn cảm thấy tình thương yêu, hạnh phúc luôn tồn tại và ngự trị nơi đây.

 

Theo Lâm Quỳnh - Pháp luật Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X