Hotline 24/7
08983-08983

Xét nghiệm nào đánh giá chức năng thận, phát hiện suy thận chính xác?

Theo BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy - Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM), để đánh giá chức năng thận cần thực hiện nhiều xét nghiệm nhỏ liên quan, được chỉ định độc lập hoặc kết để chẩn đoán. Xét nghiệm đánh giá chức năng thận bao gồm việc xét nghiệm máu, nước tiểu, tìm đạm vi thể trong nước tiểu, siêu âm… Từ những kết quả này để đưa ra kết luận chính xác về tình trạng sức khỏe và phương pháp điều trị thích hợp.

1. Có thể kéo dài chức năng thận cho những người suy thận giai đoạn đầu đến hơn 20 năm

Việc chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh suy thận mang lại những lợi ích gì cho việc điều trị?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Hiện nay, tình trạng suy thận không còn hiếm gặp. Theo thống kê, cứ 10 người trưởng thành thì có 1 người bị suy thận. Chỉ có 5% bệnh nhân suy thận giai đoạn 3 được phát hiện và điều trị.

Với những trường hợp phát hiện suy thận giai đoạn sớm, khả năng điều trị rất tốt. Nhờ những tiến bộ của y học hiện đại, có thể kéo dài chức năng thận cho những người suy thận giai đoạn 1 đến hơn 20 năm so với trước đây.

Ở giai đoạn 3, thời gian có thể kéo dài ước lượng khoảng 5 năm. Trễ hơn nữa, khả năng có thể kéo dài chức năng thận không cao. Ví dụ, một bệnh nhân 70 tuổi phát hiện suy thận ở giai đoạn đầu có thể kéo dài chức năng thận đến 20 năm. Nghĩa là đến 90 tuổi mới diễn tiến đến suy thận giai đoạn cuối.

Trong khi đó, nếu bệnh nhân 70 tuổi phát hiện bệnh ở giai đoạn 3, thời gian kéo dài chỉ trong vòng 3 năm thì bệnh nhân phải chạy thận vào năm 73 tuổi.

2. Tiểu đường, tăng huyết áp, gout - 3 nguyên nhân quan trọng đưa đến suy thận

Những người nào sẽ có nguy cơ bị suy thận cao hơn? Có nên tầm soát suy thận trên những người có yếu tố nguy cơ không, thưa BS?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Tiểu đường chiếm gần 50% trong số các nguyên nhân gây suy thận. Tăng huyết áp chiếm 10 - 20%, gout cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến bệnh này.

Với những bệnh nhân trẻ, lupus ban đỏ, bệnh cầu thận IgA và các bệnh lý ngoại tiết niệu như sỏi, bướu tiền liệt tuyến là những yếu tố gây suy thận.

Các bệnh lý bẩm sinh như thận đa nang, thận độc nhất cũng là yếu tố phải kể đến. Gần đây, việc sử dụng thuốc bừa bãi đã khiến nhiều người lớn tuổi lẫn trẻ tuổi bị suy thận. Có rất nhiều nguyên nhân gây suy thận, trong khi triệu chứng của bệnh lại xuất hiện khá trễ.

Phát hiện sớm tình trạng suy thận có thể giúp tăng khả năng kéo dài thời gian bệnh diễn tiến đến giai đoạn nặng, thậm chí có thể chữa khỏi hẳn vấn đề tổn thương thận. Vì thế, nên có những xét nghiệm đại trà trong cộng đồng.

3. Các xét nghiệm cần thiết để đánh giá chức năng thận

Chức năng thận được đánh giá bằng những cận lâm sàng nào? Đánh giá chức năng thận giúp chúng ta biết được những vấn đề gì, thưa BS?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Để đánh giá chứng năng thận, đầu tiên cần có những xét nghiệm về hình ảnh như siêu âm để quan sát kích thước quả thận, bệnh nhân bị 1 thận hay thận đa nang. Các xét nghiệm chức năng thận như ure, creatinine sẽ giúp tính được độ lọc cầu thận.

Xét nghiệm giúp tầm soát bệnh lý thận sớm hơn là tiểu đạm vi thể ở những bệnh nhân có nguy cơ suy thận.

Nhờ BS giải thích thêm, các xét nghiệm sinh hóa như ure, creatinine, huyết thanh, điện giải đồ, xét nghiệm rối loạn cân bằng kiềm toan... có ý nghĩa như thế nào trong việc đánh giá chức năng của

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Xét nghiệm ở thận được chia thành 3 nhóm:

- Nhóm thứ nhất để khẳng định tình trạng suy thận, gồm xét nghiệm ure, creatinine. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm tìm đạm niệu để phát hiện sớm bệnh lý thận và phân loại yếu tố nguy cơ ở bệnh nhân suy thận.

- Nhóm thứ hai để tìm nguyên nhân gây suy thận, gồm siêu âm, xét nghiệm tiểu đường, gout...

- Nhóm thứ ba để đánh giá biến chứng do bệnh lý thận gây nên như rối loạn thăng bằng kiềm toan, rối loạn photpho - canxi, rối loạn ion đồ thường gặp ở những bệnh nhân suy thận.

4. Kết quả xét nghiệm phải được đánh giá trong hoàn cảnh lâm sàng riêng

Các chỉ số trong kết quả xét nghiệm ở mức bao nhiêu là bình thường? Việc các chỉ số này tăng hoặc giảm đến ngưỡng nào là đáng lo?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Xét nghiệm đánh giá chức năng và các biến chứng của thận phải kết hợp trong một hoàn cảnh lâm sàng riêng. Một kết quả đơn lẻ bất thường không phản ánh toàn bộ. Chẳng hạn trong trường hợp xét nghiệm đạm niệu có bất thường nhưng bệnh nhân đang sốt, vừa tập thể dục gắng sức thì kết quả lại không có giá trị. 

Bệnh nhân có thể có ure, creatinine nằm trong mức bình thường. Tuy nhiên, ở các bệnh nhân lớn tuổi hoặc những người có khối lượng cơ nhỏ với chỉ số bình thường này cũng đã có suy giảm chức năng thận.

5. Tiểu bọt chưa hẳn do lượng đạm trong nước tiểu quá cao

Tổng phân tích nước tiểu hay định lượng đạm niệu 24 giờ có ý nghĩa như thế nào? Khi nào cần thực hiện xét nghiệm này?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Chỉ dựa vào độ lọc cầu thận như ure, creatinine có thể phát hiện tình trạng suy thận ở giai đoạn trễ. Các nghiên cứu cho thấy, phát hiện đạm vi thể qua đạm niệu 24 giờ hoặc qua chỉ số albumin/creatinine có thể xác định tình trạng suy thận sớm 10 - 15 năm so với chỉ sử dụng ure và creatinine.

Trên lâm sàng, bệnh nhân thường băn khoăn khi gặp tình trạng tiểu bọt. Đa phần cho rằng tiểu bọt là do có một lượng đạm rất nhiều trong nước tiểu. Tuy nhiên, tiểu bọt có thể là tình huống bình thường nếu bệnh nhân nhịn tiểu lâu, áp lực khi tiểu ra có thể tạo thành bọt.

Do vậy, tiểu bọt trong một thời gian ngắn và chỉ một vài lần chưa thể đánh giá chức năng thận. Cần phải làm thêm xét nghiệm để xác định tình trạng bệnh lý.

6. Các nhóm có yếu tố nguy cơ khác nhau thì tần suất tầm soát chức năng thận cũng khác nhau

Xin hỏi BS, bao lâu cần phải đánh giá chức năng thận định kỳ? Tần suất thực hiện có sự khác biệt giữa các độ tuổi, giữa nhóm có yếu tố nguy cơ và không có yếu tố nguy cơ?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Theo khuyến cáo của Hiệp hội Thận học Quốc tế (KDIGO), nhóm nguy cơ thấp nên tầm soát chức năng thận mỗi năm 1 lần. Những người có nguy cơ trung bình phải tầm soát 2 lần/năm và nhóm nguy cơ cao cần thực hiện 3 lần trong năm. Nhóm nguy cơ cao hơn nữa được khuyên tầm soát 4 lần/năm và phải được theo dõi bởi các bác sĩ thận học.

Có thể thực hiện tầm soát mỗi tháng 1 lần khi bệnh nhân có các triệu chứng bất thường.

7. Tầm soát độ lọc cầu thận không thể phát hiện sớm những tổn thương thận

Đánh giá chức năng thận có đủ để đánh giá chức năng thận từ giai đoạn sớm không? Trường hợp nào cần phải làm thêm các xét nghiệm khác như siêu âm, MRI thận, sinh thiết thận, thưa BS?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Tầm soát độ lọc cầu thận không thể phát hiện sớm những tổn thương thận. Để xác định sớm được tình trạng tổn thương của thận, cần làm thêm nhiều xét nghiệm khác như tìm đạm vi thể trong nước tiểu, siêu âm thận đa nang, thận độc nhất.

MRI và CT scan không có vai trò nhiều trong giai đoạn sớm của suy thận. Sinh thiết thận có thể cho thấy nguyên nhân gây suy thận chứ không dùng trong chẩn đoán sớm.

8. Những việc làm có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm

Để không làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, người bệnh cần lưu ý những điều gì?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Bệnh nhân thường gặp sai lầm khi lấy mẫu nước tiểu. Cần phải vệ sinh trước khi lấy mẫu và lấy nước tiểu giữa dòng.

Trong ngày xét nghiệm albumin/creatinine để phát hiện đạm trong nước tiểu hoặc đạm niệu 24 giờ, không được tập thể dục quá sức; không thực hiện xét nghiệm trong lúc có các bệnh lý ảnh hưởng đến chuyển hóa, chẳng hạn như sốt.

9. Những xét nghiệm có giá trị chẩn đoán suy thận sớm

BS có lời khuyên nào để cộng đồng có thể biết và phát hiện sớm tình trạng suy thận?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Về hình ảnh, siêu âm có thể phát hiện thận độc nhất, thận đa nang hoặc những tắc nghẽn ở thận. Các xét nghiệm ure, creatinine được dùng để đánh giá chức năng thận, từ đó tính toán được độ lọc cầu thận theo độ tuổi, theo cân nặng của bệnh nhân.

Những xét nghiệm để phát hiện sớm suy thận, nhất là ở những người tiểu đường và cao huyết áp, là xét nghiệm phát hiện sớm albumin trong nước tiểu.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X