Hotline 24/7
08983-08983

WHO theo dõi thêm 2 biến thể nhánh của Omicron, Nhật Bản phát hiện biến thể XE, Hàn Quốc ghi nhận biến thể XL đầu tiên

Đây là những thông tin có trong bản tin sáng ngày 13/4/2022 trên AloBacsi.

Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm biến thể phụ mới của Omicron

Đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, đến nay theo báo cáo của các đơn vị nước ta chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 nhiễm biến thể phụ mới BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron. Theo kết quả giải trình tự gen của virus SARS-CoV-2 gần đây, 97-98% số ca mắc nhiễm biến thể phụ BA.2, số còn lại nhiễm chủng Delta, BA.1...

Từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3, số ca COVID-19 tại nước ta tăng nhanh do biến thể Omicron phổ biến ở nhiều tỉnh, thành thay thế dần biến thể Delta. Biến thể phụ BA.2 của biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh, tuy nhiên ít làm tăng nặng hơn.

Trước đó, trong bản báo cáo được công bố ngày 25/3, Cơ quan Dịch vụ Y tế Vương Quốc Anh (UKHSA) đã phát hiện 3 biến chủng tái tổ hợp, gọi là XF, XE và XD.

Trong số này, XD và XF là biến chủng tái tổ hợp của Delta với BA.1 (còn gọi là Deltacron). Trong khi đó, XE là chủng tái tổ hợp của BA.1 và BA.2. Đặc biệt, chủng này còn có 3 đột biến không xuất hiện ở tất cả trình tự BA.1 hoặc BA.2, gồm NSP3 C3241T, V1069I và NSP12 C14599T.

Theo cuộc họp báo của UKHSA, tốc độ tăng trưởng ban đầu của XE không khác biệt đáng kể so với BA.2, song, các dữ liệu từ ngày 16/3 cho thấy biến chủng mới lây lan nhanh hơn BA.2 9,8%. Như vậy, họ ước tính XE có thể lây lan mạnh hơn chủng Omicron gốc tới 43%.

Ho ra máu hậu COVID-19, đi khám phát hiện huyết khối đông đặc phổi

Một thanh niên 25 tuổi (Hà Nội) khỏi COVID-19 được 2 tuần nhưng vẫn ho nhiều, thậm chí khạc ra máu trong khi ở giai đoạn mắc bệnh không có triệu chứng nghiêm trọng, đi khám bất ngờ phát hiện bị huyết khối hoàn toàn động mạch phổi phải.

Bác sĩ Đào Huy Hiếu, thành viên Nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc, điều trị F0 cho biết bệnh nhân khá trẻ, cao 1m74 nặng 75kg, có tiền sử rối loạn lipid. Đặc biệt, các chỉ số cholesterol và đường huyết của bệnh nhân cũng rất cao.

Ngay sau đó, bệnh nhân được chỉ định làm xét nghiệm D-dimer (chỉ số huyết khối trong máu) và cho kết quả tăng khá cao. Ở người bình thường chỉ số này là 0-500 ng/mL thì của bệnh nhân lên tới 4.665 ng/mL. Kết quả chụp CT phổi ghi nhận huyết khối hoàn toàn động mạch phổi phải. Ngay sau đó, bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết thành công.

Theo BS Đào Huy Hiếu, trường hợp trên may mắn nhờ chẩn đoán kịp thời nên đã thoát chết trong gang tấc. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định. Song, chuyên gia cung khuyến cáo, với những người bị huyết khối phổi nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời, cục máu đông có thể gây hoại tử mô phổi dẫn đến suy hô hấp và tử vong.

Vì vậy, người bệnh khi đã âm tính với virus SARS-CoV-2 mà vẫn ho kéo dài, không cắt được cơn, có nhịp tim nhanh kèm theo khó thở đặc biệt ho ra máu thì nên đi khám càng sớm càng tốt để tránh biến chứng đáng tiếc. Đặc biệt, nhóm nguy cơ cao như người có bệnh nền (tăng huyết áp, mỡ máu, tiểu đường...) thì nên đi khám trước khi có triệu chứng xảy ra.

Đừng lơ là với triệu chứng trầm cảm sau khi khỏi COVID-19

Thời gian vừa qua Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân tới khám tâm thần sau khi mắc COVID-19. Nhiều người trước đây sức khỏe bình thường, khi mắc COVID-19 triệu chứng cũng rất nhẹ, nhưng hậu COVID-19lại phải đối diện với nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Theo TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, các bệnh nhân đến khám sức khỏe tâm thần hậu COVID-19 chủ yếu mắc các triệu chứng rối loạn lo âu, trầm cảm. Bệnh nhân thường rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, dễ cáu, khó kiểm soát cảm xúc. Nặng hơn, có các trường hợp nảy sinh ý muốn tự tử sau khi thành F0. Vì vậy, các gia đình cần đặc biệt quan tâm đến người nhà có rối loạn lo âu, trầm cảm (nếu có).

Ngoài ra, nếu sau khi khỏi COVID-19, bệnh nhân có những dấu hiệu và triệu chứng sau, kéo dài từ 2 tuần trở lên, cần quan tâm và chẩn đoán trầm cảm sớm:

Thứ nhất là cảm thấy buồn chán, chán nản, khí sắc trầm liên tục và kéo dài. Thứ hai là giảm năng lượng, tăng sự mệt mỏi. Thứ ba là giảm quan tâm với các hứng thú, thích thú hàng ngày. Thứ tư là cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng, giảm giá trị bản thân, giảm giao tiếp với mọi người. Thứ năm là cảm thấy tự ti, mặc cảm, thiếu sự tôn trọng. Và cuối cùng là có những thay đổi liên quan giấc ngủ và chế độ ăn.

Toàn cầu vượt mốc 500 triệu ca COVID-19

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6g ngày 13/4 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 500.794.656 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.208.667 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 991.413 và 2.754 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 450.795.293 người, 43.790.696 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 44.017 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 210.676 ca; Pháp đứng thứ hai với 190.762 ca; tiếp theo là Đức (164.628 ca). Đức và Anh đứng đầu về số ca tử vong mới, với cùng 288 người chết trong ngày; tiếp theo là Mỹ 271 ca và Hàn Quốc với 171 ca.

WHO theo dõi thêm 2 biến thể nhánh của Omicron

Theo Reuters, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới cho biết họ đang theo dõi vài chục ca nhiễm hai biến chủng phụ mới của Omicron nhằm đánh giá khả năng lây truyền và độc lực của chúng.

Cơ quan y tế thế giới gọi hai nhánh phụ của Omicron là BA.4 và BA.5, “chị em” với biến chủng BA.1 ban đầu. Trước đó, WHO đang theo dõi chặt chẽ BA.1, BA.2, hai biến chủng chiếm ưu thế nhiều nhất trên toàn cầu, BA.1.1 và BA.3.

Nguyên nhân WHO thêm BA.4 và BA.5 vào danh sách theo dõi sát sao là “chúng chứa các đột biến bổ sung cần được nghiên cứu thêm để hiểu tác động của nó với khả năng thoát khỏi miễn dịch”.

Cơ quan An ninh Y tế Anh tuần trước cho biết dòng phụ BA.4 đã được phát hiện tại Nam Phi, Đan Mạch, Botswana, Scotland và Anh từ ngày 10/1 đến 30/3. Phần lớn ca nhiễm BA.5 được báo cáo ở Nam Phi tính đến cuối tuần trước, trong khi Bộ Y tế Botswana hôm nay báo cáo những trường hợp đầu tiên nhiễm BA.5, đều nằm trong độ tuổi 30-50, đã tiêm đủ liều vaccine và có triệu chứng nhẹ.

SARS-CoV-2 luôn đột biến nhưng chỉ một số ảnh hưởng khả năng lây lan, né tránh miễn dịch tự nhiên hoặc từ tiêm chủng, mức độ nghiêm trọng của bệnh. Ví dụ, BA.2 đang là biến chủng chiếm ưu thế với 94% trường hợp được giải trình tự gene là chủng này. Nó cũng được chứng minh dễ lây lan hơn chủng gốc BA.1. Song, các bằng chứng hiện có vẫn cho thấy nó không có nhiều khả năng gây bệnh nặng hơn.

Nhật Bản phát hiện ca biến chủng tái tổ hợp XE Omicron đầu tiên

Một phụ nữ khoảng 30 tuổi bay từ Mỹ đến Nhật Bản, hạ cánh xuống sân bay Narita được xác nhận là ca nhiễm biến chủng tái tổ hợp XE Omicron đầu tiên tại quốc gia này. Thông tin trên vừa được công bố bởi Bộ Y tế Nhật Bản. Như vậy, Nhật Bản là quốc gia thứ 4 ở châu Á phát hiện biến chủng tái tổ hợp XE Omicron, sau Thái Lan, Ấn Độ và Israel, theo đài CNBC.

Quốc gia nơi người phụ nữ xuất phát - Mỹ - hiện chưa báo cáo trường hợp XE Omicron nào. Cô đã được tiêm 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer trước đó và là ca không triệu chứng, hiện đã hoàn thành thời gian cách ly.

Viện Các bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản cũng cho biết họ phát hiện hai mẫu khác được lấy từ những chuyến bay trong thời gian gần đây là hỗn hợp vật chất di truyền của Omicron, song, họ không thể xác định chính xác nó là gì. Thống kê tại Anh cho thấy khoảng 1.100 ca nhiễm XE đã được ghi nhận vào ngày 5/4, tuy nhiên, biến chủng này mới chỉ chiếm chưa đến 1% ca nhiễm trên cả nước.

Hàn Quốc có ca nhiễm biến thể XL đầu tiên

Theo Hãng tin KBS (Hàn Quốc), nước này vừa phát hiện trường hợp đầu tiên trong nước mắc biến thể XL tái tổ hợp từ biến thể Omicron. Đây là một ca mắc không triệu chứng, được kết luận dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 23/3, đã tiêm đủ 3 mũi vaccine Covid-19.

Biến thể XL là biến thể tái tổ hợp gen từ biến thể phụ BA.1 và BA.2 của Omicron, được phát hiện lần đầu tại Anh vào tháng 2 vừa qua, tới nay đã có 66 trường hợp được phát hiện riêng tại Anh. Cơ quan y tế Hàn Quốc nhận định, biến thể tái tổ hợp XL sẽ không có sự thay đổi đặc tính lớn, nhưng cần tiếp tục theo dõi sát sao

Hiện tại, số ca mắc COVID-19 mới theo ngày ở Hàn Quốc đã tăng trở lại mức hơn 200.000, trong bối cảnh chính phủ nước này đang nỗ lực khôi phục trạng thái bình thường cho người dân.

Hậu COVID-19, 17% bệnh nhân không trở lại làm việc vì ảnh hưởng sức khỏe

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Leicester (Anh) đã thu thập thông tin của 1.170 người từng nhập viện vì COVID-19 trong giai đoạn từ tháng 3-11/2020. Kết quả ghi nhận 17% trong số này không trở lại làm việc sau khi đã khỏi bệnh và xuất viện được 5 tháng; 19% thay đổi công việc do các tác động liên quan tới sức khỏe hậu COVID-19. Ngoài ra, 25% các doanh nghiệp tại Anh cho biết những tác động sau khi mắc căn bệnh này là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng lao động nghỉ việc trong thời gian dài.

Viện Brookings tại Mỹ cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Theo đó, viện nghiên cứu chính sách này cho biết tính đến tháng 11/2021, 15% trong tổng số 1.060.000 vị trí việc làm đang cần nhân sự để thay thế những lao động vắng mặt vì sức khỏe suy giảm hậu COVID-19.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X