Hotline 24/7
08983-08983

Vuột mất bệnh nhân đột quỵ: Vì đâu nên nỗi?

Những chiếc xe cấp cứu lao nhanh mang theo niềm hy vọng cứu sống người đột quỵ. Để rồi sau đó vội quay đầu cùng với bao tiếc nuối của gia đình… Vì sao nên nỗi?

Những chuyến xe vòng vèo cướp mất hy vọng

18g35, ngày 5/8/2019, một chiếc xe cấp cứu chạm cửa Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ. Lạ thay người nhà không vội vã đưa bệnh nhân xuống mà hối hả tìm TS.BS Trần Chí Cường, gấp rút hỏi “Bác ơi, xem giúp tôi còn khả năng không. Nếu không được tôi xin chở về quê để anh ấy không đau đớn thêm nữa”.

Tiếng ồn ào, huyên náo xen lẫn can ngăn của những người trụ cột gia đình “Đưa xuống làm gì, ở trên kia (TPHCM - PV) đã nói không còn hy vọng nữa”.

Nhanh chóng đón bệnh nhân, bác sĩ và điều dưỡng thuyết phục hãy để họ tiếp nhận, làm nhiệm vụ cứu người.

Không tự nhiên mà người nhà phân vân như thế. Trước khi vào đây, họ phải trải qua nhiều chuyến xe cứu thương “bão táp” để tìm cơ hội sống cho người chồng/ người cha/ anh, em của gia đình.

66 tiếng, từ Cà Mau lên TPHCM rồi ngược về Cần Thơ, những chuyến xe chở đầy hy vọng, ngóng chờ người thân tỉnh lại để nhìn mặt nhau.

Thời gian vàng cấp cứu đột quỵ chỉ có 6 giờ nhưng người nhà bệnh nhân đã mất 66 tiếng ngược xuôi để tìm cơ hội được sống

Theo người nhà kể lại, 0g10 ngày 3/8, ông L.V.R. (68 tuổi, ngụ tại Cà Mau) đang ngủ thì phát ra tiếng ú ớ trong miệng, lay mãi không dậy liền tức tốc chuyển vào bệnh viện trong địa bàn tỉnh. Hơn 2g sáng, ông R. được chụp CT, không ghi nhận xuất huyết não, chỉ định theo dõi và chụp lại sau 24 giờ.

Gần một ngày nằm viện, không thấy chuyển biến, người nhà sốt ruột liền xin chuyển tuyến. 17g ngày 3/8, chuyến xe cấp cứu thứ 2 mới được lăn bánh. Ông R. có tiền sử cao huyết áp, trên đường chuyển viện gia đình có ý muốn đưa lên Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ vì biết ở đây chuyên về đột quỵ, tim mạch.

Giữa lúc phân vân nhưng được nghe điều dưỡng trên xe cấp cứu thông báo huyết áp ông R. ổn định, có thể… trụ được lên đến TPHCM. Gia đình quyết định đổi hướng lên Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tại đây, bác sĩ chẩn đoán ông R. bị xuất huyết não, khả năng cứu sống rất thấp vì nhập viện trễ. “Bệnh viện quá tải, đến việc lách người qua lối đi cũng khó, một bác sĩ chăm cho quá nhiều bệnh nhân nên chúng tôi không kịp hỏi tỏ tường về tình trạng, hướng điều trị tiếp theo như thế nào” - một người em ông R. chia sẻ.

Không đành lòng, người thân ông R. “cầu cứu” TS.BS Trần Chí Cường. Nhận được cái gật đầu đồng ý “còn nước, còn tát”, trưa 5/8 chuyến xe cấp cứu thứ 3 lao nhanh, đưa ông R. về ngược Cần Thơ.

Khi nhập viện, người bệnh trong tình trạng đồng tử đang giãn, GCS 3 điểm, không tiếp xúc. 19g05, gia đình xin về vì muốn để ông R. được ra đi trong vòng tay người thân tại quê nhà.

Đáng tiếc, người bệnh không kịp chờ cơ hội đó. Mất trên xe cấp cứu.

Tiếng còi cấp cứu vang lên trong đêm như tiếng lòng của người ở lại. Tiếc nuối, xót xa.

Đột quỵ, không có chữ giá như!

15 năm kinh nghiệm trong can thiệp thần kinh - đột quỵ, đây không phải là lần đầu TS.BS Trần Chí Cường “nuối tiếc” nhìn bệnh nhân mất cơ hội điều trị.

Tiếc ở mọi tình huống. Tại sao lại đưa bệnh nhân đến viện muộn? Tại sao không đưa thẳng bệnh nhân đến Trung tâm có cấp cứu đột quỵ mà đi lòng vòng hoặc chần chừ?... để rồi mất cơ hội.

Thời gian vàng để bác sĩ can thiệp cứu sống người đột quỵ là 6 giờ nhưng bệnh nhân đã mất nhiều ngày để đến được cơ sở y tế chuyên sâu. Trong khi khoảng cách từ các tỉnh miền Tây đến Cần Thơ chỉ mất chưa đầy 2-4 tiếng.

Thẫn thờ vì không thể làm gì khác cho người bệnh, điều khiến BS Cường đau lòng hơn là khi chính người nhà bệnh nhân gọi điện bày tỏ sự tiếc nuối, cắn rứt lương tâm khi không có quyết định đúng đắn, vô tình đẩy người thân đến cơ sự này cùng 2 chữ giá như…

Hy vọng đến lúc nào đó kiến thức về đột quỵ được phổ cập rộng rãi hơn, mạng lưới cấp cứu phủ rộng, những người bác sĩ sẽ không còn dáng vẻ bần thần khi vuột mất bệnh nhân nữa

BS Cường trải lòng, trong những giây phút hốt hoảng vì cơn đột quỵ, ít ai phân vân nghĩ về chuyện liệu nơi mình đưa người thân đến có đủ sức cứu chữa hay không?

“Với những người có kiến thức về bệnh đột quỵ, dù ở xa hơn nhưng lại đến sớm hơn, trong khoảng thời gian vàng nhưng có người lẽ ra có thể cứu được nhưng lại mất đi cơ hội sống của chính mình và người thân. Đau lòng vô cùng.

Nguyên nhân một phần là vì thiếu thông tin, kiến thức. Vì thế, tôi mong muốn rằng bệnh nhân, người thân và những người trong cộng đồng cần có trách nhiệm với sức khỏe của chính mình. Và nhân viên y tế cũng cần học hỏi, nâng cao trình độ, vì không phải lúc nào cũng có nhận định đúng về cấp cứu và can thiệp đột quỵ.

Trong đột quỵ, không có chữ giá như. Thời gian là não. Mỗi phút có 2 triệu tế bào thần kinh bị mất đi nên cứu chữa càng sớm càng tốt. Quan trọng nhất là chẩn đoán bệnh nhân bị tắc nghẽn mạch máu não lớn hay nhỏ. Nếu mạch nhỏ thì tiêm rTPA tại nơi gần nhất ở gia đình bệnh nhân. Nhưng đa số là tắc nghẽn mạch máu lớn và xuất huyết não. Đối với xuất huyết não thì không được tiêm rTPA mà cần can thiệp khẩn cấp” - BS Cường chia sẻ.

BS Cường khẳng định, ông xây dựng bệnh viện chuyên sâu về cấp cứu, can thiệp đột quỵ - tim mạch đặt ở Cần Thơ không phải để cạnh tranh với bất kỳ ai. Trên hết là người bệnh, một năm ở ĐBSCL có hơn 10.000 bệnh nhân đột quỵ, liệu họ sẽ đi đâu, về đâu?

 

Bạn đọc cần biết 3 dấu hiệu đột quỵ rất dễ nhớ. Đó là:

- Mặt méo 1 bên.

- Tay chân yếu, đưa lên mà rớt xuống. Chẳng hạn như đang cầm đũa, cầm chén, điện thoại… thì tự nhiên làm rơi xuống, không nhặt lên được.

- Nói khó, ú ớ, một số trường hợp ngất xỉu.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X