Hotline 24/7
08983-08983

Virus SARS-CoV-2 biến đổi khó lường nhưng biến thể XE chưa đáng lo ngại

Tin sáng 12/9: Virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi khó lường; Thượng Hải “đánh bạo” tái mở cửa dù số ca COVID-19 không thuyên giảm, Anh: Sống chung với COVID-19 khi các ca bệnh tăng cao.

Virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi khó lường

Một loạt quốc gia châu Á tuần qua ghi nhận nhiều ca mắc các biến thể tái tổ hợp khác nhau của virus SARS-CoV-2, sau khi hàng trăm ca mắc được phát hiện ở châu Âu trước đó, khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải đưa ra cảnh báo về khả năng virus SARS-CoV-2 tiếp tục “biến hình” trong tương lai.

Sự xuất hiện của các ca mắc biến thể tái tổ hợp - một phiên bản mới của virus SARS-CoV-2 - tại nhiều quốc gia đang là vấn đề đáng lưu tâm. Chỉ tính từ đầu tháng 4 tới nay, hàng loạt quốc gia phát hiện các ca mắc 2 dạng biến thể tái tổ hợp đang được WHO giám sát và theo dõi chặt là XD (kết hợp của biến thể Delta và BA.1 của Omicron) và XE (kết hợp giữa 2 biến thể phụ BA.1 và BA.2 của dòng Omicron).

Thái Lan là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á báo cáo về biến thể XE, với ca nghi mắc được xác định ngày 2-4. Tiếp đó là các ca được ghi nhận tại Ấn Độ ngày 6/4 và 9/4.

Ngày 8/4, bang New South Wales của Australia thông báo phát hiện các ca mắc biến thể Deltacron (kết hợp giữa Delta và Omicron), cũng như các ca mắc biến thể tái tổ hợp BA.1 và BA.2 của Omicron, song chưa thể khẳng định có phải là phiên bản XE đã được phát hiện lần đầu ở Anh hay không.

Trong khi đó, Trung Quốc thông báo phát hiện 2 ca mắc biến thể mới của Omicron có giải trình tự gene không giống với bất kỳ biến thể hiện có nào, một ca có nguồn gốc từ BA.1 và một ca có nguồn gốc từ BA.2.

WHO cho rằng, các quốc gia nên tiếp tục tăng cường lập kế hoạch để ứng phó với các đợt bùng phát Covid-19 và các đột biến của virus SARS-CoV-2, đồng thời sẵn sàng cho bất kỳ đại dịch nào trong tương lai.

Cũng theo WHO, biến thể XE có thể là biến thể dễ lây lan nhất, ước tính mức độ lây lan cao hơn 10% so với biến thể BA.2, bản thân nó cũng dễ lây truyền hơn Omicron ban đầu. Nhưng nếu đã được tiêm vaccine và khỏe mạnh, con người không nên lo lắng về các biến thể.

Tin tốt là tuy xuất hiện từ giữa tháng 1, đến nay sau gần 3 tháng vẫn ghi nhận tương đối ít ca mắc biến thể XE mặc dù dịch vẫn còn lan rộng. Trong khi Omicron lần đầu tiên được xác định vào tháng 11/2021, chỉ trong vòng 4 tuần, biến thể đã có mặt trên khắp thế giới. Vì vậy, cho tới nay có thể nói biến thể XE không chiếm ưu thế như Omicron trước đó.

Thượng Hải “đánh bạo” tái mở cửa dù số ca COVID-19 không thuyên giảm

Trung tâm tài chính Thượng Hải của Trung Quốc bắt đầu nới lỏng phong tỏa tại một số khu vực vào ngày 11/4, mặc cho việc ghi nhận hơn 25.000 trường hợp COVID-19 mới.

Áp lực đang đè nặng lên các nhà chức trách ở một trong những thành phố đông dân và giàu có nhất Trung Quốc, từ việc cư dân ngày càng thất vọng trước tình cảnh giãn cách kéo dài, khiến một số người phải chật vật tìm thức ăn và thuốc men.

Mặc dù không rõ có bao nhiêu người trong số 25 triệu cư dân của thành phố sẽ ngay lập tức được nới lỏng giãn cách, nhưng đây vẫn là một bước đi hứa hẹn cho nhiều người bị trói chân trong hơn 3 tuần.

Một số người dùng mạng xã hội chỉ trích động thái nới lỏng này là rủi ro lớn vào thời điểm số ca nhiễm mới hàng ngày liên tục phá kỷ lục, nhưng những người khác cho rằng Thượng Hải không có lựa chọn nào khác.

Cách tiếp cận không khoan nhượng của Trung Quốc đối với COVID-19, quy định kiểm dịch bắt buộc cho bất kỳ ai xét nghiệm dương tính ngay cả khi không có triệu chứng, ngày càng trở nên căng thẳng bởi biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao, mặc dù ít gây chết người hơn.

Chính sách này đã ngăn chặn gần như tất cả các chuyến bay quốc tế và đang gây ra thiệt hại kinh tế ngày càng tăng khi các thành phố áp đặt giãn cách.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu Ủy ban Y tế Quốc gia về COVID-19, việc coi Omicron chỉ như "đại dịch cúm" là sai lầm và việc hạ thấp cảnh giác sẽ khiến bộ phận dân số cao tuổi khổng lồ của nước này gặp rủi ro, đặc biệt là trước các đột biến mới.

Anh: Số ca COVID-19 lại tăng cao

Những tuần gần đây, số ca nhập viện ở Anh một lần nữa tăng lên dù số người chết mỗi ngày vẫn thấp hơn nhiều so với đợt bùng dịch đỉnh điểm trong năm 2021.

Giám đốc y tế của Dịch vụ y tế Quốc gia (NHS), cho biết các bệnh viện đang phải đối mặt với tình trạng căng thẳng, khi số lượng bệnh nhân nhiễm virus tăng đột biến trong khi nhiều nhân viên báo cáo nghỉ ốm.

Cơ quan thống kê chính thức của Anh ước tính rằng gần 5 triệu cư dân, tức cứ 13 người thì có 1 người nhiễm virus vào cuối tháng 3, con số nhiều nhất mà cơ quan này từng ghi nhận.

Tỷ lệ lây nhiễm cao đến mức các hãng hàng không đã phải hủy hàng loạt chuyến bay trong hai tuần nghỉ lễ Phục sinh vì quá nhiều nhân viên mắc COVID-19.

Mặc dù tình hình dịch bệnh tăng mạnh nhưng chính phủ Anh vẫn kiên định với chính sách sống chung với COVID-19 được ban hành trong tháng 2. Tuy nhiên sau khi xem xét diễn tiến của dịch thời gian gần đây các chuyên gia đang đưa ra nhiều ý kiến trái chiều: liệu đất nước có đang đối phó tốt hay không.

Một số nhà khoa học cho rằng đây là thời điểm thích hợp để chấp nhận rằng “sống chung với COVID-19” có nghĩa là chịu đựng sự gián đoạn và tử vong ở một mức độ nhất định, giống như đối với bệnh cúm theo mùa. Những người khác tin rằng chính phủ Anh đã dỡ bỏ các hạn chế quá nhanh và quá sớm.

Tương tự Anh, Pháp và Đức cũng đã chứng kiến ​​sự gia tăng tương tự khi các hạn chế được nới lỏng ở hầu hết các nước châu Âu.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X