Viêm nướu có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim
Trong chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe tháng 11 do phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức, TS.BS Nguyễn Nam Hà đã nhấn mạnh về việc chăm sóc nướu răng khỏe mạnh, hồng hào để phòng ngừa các bệnh tại não, tim và thận. Một thông tin đáng chú ý đó là, viêm nướu quá cao có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Cúm mùa, sởi, đau mắt đỏ, quai bị, thuỷ đậu,… là những bệnh lây nhiễm phổ biến trong trường học
Tại chương trình, TS.BS Nguyễn Nam Hà - Trưởng chi bộ Truyền thông Giáo dục sức khỏe Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về cách phòng ngừa bệnh, tật thường gặp ở học sinh, điều này sẽ giúp ít tốn kém chi phí, hạn chế những biến chứng không mong muốn.
TS.BS Nguyễn Nam Hà cho biết: “Theo Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, Sở GD - ĐT TPHCM thông tin về bệnh, tật ở học sinh, đứng đầu là béo phì - một vấn đề liên quan đến tình trạng dinh dưỡng (chiếm 32,28%), tiếp đến là tật khúc xạ (28,85%), sâu răng (23,23%) và cuối cùng là bệnh tai mũi họng mãn tính (22,25%)”.
Cụ thể hơn, chuyên gia cho biết, trong đó những bệnh chuyên khoa ở vùng đầu, cổ như mắt (tật khúc xạ), răng hàm mặt (sâu răng), các bệnh tai mũi họng mạn tính (viêm mũi dị ứng, viêm mũi vận mạch, amidan lớn, ngủ ngáy) đều là những vấn đề sức khỏe đứng đầu trong nhóm bệnh, tật thường gặp ở học sinh.
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế Việt Nam, các bệnh - tật thường gặp ở học sinh được chia thành 3 nhóm là các bệnh lây nhiễm, bệnh không lây nhiễm và tật học đường. Tuy vậy, trong trường học thường được quan tâm đến là các tật của học sinh, ví dụ cận thị (tật khúc xạ), béo phì, cong vẹo cột sống.
Trong đó, tỷ lệ bệnh lây nhiễm trong nhóm bệnh của học sinh không vào viện (ngoại trú) hay bệnh lây nhiễm (nội trú) có tỷ lệ cao hơn, chiếm hơn 60% trong cả hai nhóm. Điều này cho thấy các bệnh lây nhiễm xảy ra thường xuyên trong trường học. Đặc biệt, những bệnh tai mũi họng, sâu răng hay tật khúc xạ thường gặp ở nhà trẻ, mẫu giáo và tiểu học.
TS.BS Nguyễn Nam Hà cho biết thêm: “Trong khi đó, các bệnh lây nhiễm ở học sinh thường gặp trong môi trường học tập là bệnh lây qua đường hô hấp như COVD 19, cúm mùa, sởi, quai bị, lao,… và lây qua đường tiêu hoá (tay chân miệng, tiêu chảy), lây qua côn trùng (sốt xuất huyết)”…
Một số bệnh không lây nhiễm thường gặp ở trẻ em và học sinh cũng cần được quan tâm như bệnh lý về răng (sâu răng, viêm nướu), cong vẹo cột sống, viêm mũi dị ứng, viêm mũi vận mạch,… Và cuối cùng là một số tật học đường thường gặp như tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị).
Nướu hồng hào - khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc bệnh não, tim và thận
“Các vấn đề về răng cũng cần được quan tâm sau các bệnh lý về hô hấp. Bộ Y tế đã triển khai chương trình lớn là Nha học đường (chăm sóc sức khỏe răng miệng). Các bệnh lý về răng miệng được quan tâm do sâu răng là một vấn đề thường gặp ở học sinh. Đặc biệt là các bệnh về nướu, do phổ biến và gây ra biến chứng về những bệnh toàn thân. Gần đây, tai biến mạch máu não ở người trẻ đang có xu hướng tăng cao và thậm chí xuất hiện ở lứa tuổi học sinh” - TS.BS Nguyễn Nam Hà nhấn mạnh.
Các chuyên gia về nội thần kinh, tai biến mạch máu não đã cảnh báo việc người trẻ bị tai biến hiện nay đang có xu hướng tăng. Theo chuyên gia nhận định, tỷ lệ viêm nướu quá cao sẽ dễ gặp tình trạng nhồi máu cơ tim. Điều này cho thấy, nếu một người có nướu răng tốt, hồng hào, không chảy máu và đau nhức sẽ ít nguy cơ mắc các bệnh về não, tim và thận.
Trường học là nơi tập trung rất nhiều học sinh, là điều kiện dễ lây lan các bệnh truyền nhiễm như bệnh hô hấp cấp, COVID-19, tay chân miệng, đau mắt đỏ, sởi, thuỷ đậu,… May mắn là, hầu hết các bệnh lây nhiễm này đều có thể phòng ngừa. Việc chăm sóc tai mũi họng hàng ngày như rửa tay, súc miệng, đeo khẩu trang,… sẽ giúp phòng ngừa và hỗ trợ trong việc điều trị các bệnh lý trên. Việc chăm sóc này cần được thực hiện đúng và điều đặn.
Cuối cùng, để bảo vệ trẻ em và học sinh khỏi các bệnh dễ lây nhiễm trong học đường, TS.BS Nguyễn Nam Hà nhấn mạnh, rửa tay đúng cách đóng vai trò vô cùng quan trọng. “Khi chưa đảm bảo hai tay được rửa sạch, các em học sinh cần hạn chế việc chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Việc tiếp xúc, đụng chạm và sờ tay vào các chất từ dịch hầu họng của người bệnh, sau đó đưa lên mặt, vùng mũi và miệng là nguyên nhân gây lây lan các bệnh truyền nhiễm.
Song song đó, cần phải bỏ ngay các thói quen xấu khi chưa rửa tay. Ngoài ra, việc đeo khẩu trang đúng cách và giữ khoảng cách với người bệnh trong môi trường học tập cũng là những biện pháp cần lưu ý trong phòng ngừa bệnh, tật ở các em học sinh và trẻ nhỏ”.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình