Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao tài xế đột quỵ ngày càng nhiều?

Đột quỵ trong lúc lái xe hiện đang là một vấn đề đáng lo ngại và được nhiều người quan tâm. Tình trạng đột quỵ khi đang lái xe gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng về sức khỏe và tính mạng của người tài xế và cả những người tham gia giao thông. Vậy đâu là nguyên nhân khiến nhiều tài xế đột quỵ trong lúc lái xe?

1. Tỷ lệ tài xế đột quỵ khi đang lái xe hiện nay như thế nào?

Gần đây, nhiều câu chuyện tài xế bị đột quỵ thương tâm. Trước tiên xin hỏi BS, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, tỷ lệ tài xế đột quỵ ngay khi đang lái xe và tỷ lệ người làm công việc tài xế bị đột quỵ như thế nào ạ?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Hiện nay, rất khó và không thể thống kê được trong số những tài xế đang lái xe, tỷ lệ xảy ra đột quỵ là bao nhiêu phần trăm trong số họ. Do không thể đếm và thống kê được số lượng người lái xe tại thời điểm hiện tại đang di chuyển trên đường.

Tuy nhiên, trong số những bệnh nhân đột quỵ, các chuyên gia đã thống kê được tỷ lệ đột quỵ của tài xế khi lái xe. Theo thống kê từ năm 2011 đến năm 2015 tại Nhật trên tổng số hơn 2.000 bệnh nhân cho thấy có khoảng 4% người bị đột quỵ trong lúc lái xe bao gồm cả nhồi máu não và xuất huyết não.

Một điều khá ngạc nhiên, trong số đó chỉ có 16% trường hợp gây ra tai nạn giao thông. Phần lớn các tài xế vẫn có đủ thời gian để có thể dừng xe vào lề hoặc là có thể xử lý một số những tình huống khẩn cấp để tránh gây ra những tai nạn lớn.

Điều này cho thấy rằng nếu như trong trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ não, nhồi máu não trong đa số các trường hợp bệnh nhân vẫn còn nhận biết được cơ thể của mình. Sau đó, bệnh nhân sẽ có những phản ứng để dừng xe khẩn cấp. Ở Việt Nam đã từng xảy ra những trường hợp tương tự.

2. Tính chất công việc gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của người tài xế?

Theo BS, những nguyên nhân nào dẫn đến đột quỵ trên những người tài xế ạ? Tính chất công việc (thức khuya, căng thẳng khi vẫn phải đạt KPI để có thưởng) ảnh hưởng ra sao đến tỷ lệ đột quỵ trên nhóm người này ạ?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Đặc thù của nghề tài xế lái xe là phải thức đêm, thức khuya, di chuyển trên những tuyến đường dài và phải chịu rất nhiều áp lực trong khoảng thời gian lái xe. Việc này có thể cảm nhận rõ nếu là người từng trực tiếp lái xe hoặc đi trên có thể thấy là trong lúc hàng khách ngủ, tài xế vẫn phải tập trung cao độ để lái xe.

Điều quan trọng là trong lúc lái xe, người tài xế không thể nào lập trình được hết tất cả những tình huống khi đang di chuyển trên đường đi, là một áp lực rất lớn cho các bác tài. Chính vì vậy, những người tài xế luôn mang một tâm lý rất áp lực khi cầm vô lăng. Đa số các bác tài hiện nay ngoài việc làm việc bất kể ngày đêm, họ còn hút thuốc lá khá nhiều.

Đối với những người hút thuốc lá sẽ có tỷ lệ gia tăng đáng kể về nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch cũng như đột quỵ, không chỉ riêng ở những đối tượng là tài xế, tất cả những ai hút thuốc lá đều gia tăng những nguy cơ về bệnh tật.

Nếu người tài xế hút thuốc lá càng nhiều, nguy cơ đột quỵ, mắc bệnh tim mạch càng tăng cao, cộng thêm những áp lực của nghề tài xế sẽ gia tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ trong lúc lái xe.

3. Những vấn đề sức khỏe người tài xế phải đối mặc khi đồng hồ sinh học bị đảo lộn là gì?

Chế độ ăn uống và giờ giấc nghỉ ngơi bị đảo lộn so với đồng hồ sinh học sẽ làm tài xế phải đối diện với những vấn đề nào về sức khỏe? Và những vấn đề sức khỏe này lại có mối liên hệ ra sao với đột quỵ, thưa BS?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Theo các chuyên gia cũng như những thống kê đã thực hiện, với một cường độ làm việc cao, đảo lộn giờ giấc, không có thời gian nghỉ ngơi sẽ làm gia tăng đáng kể những nguy cơ mắc đột quỵ.

Đặc biệt, đột quỵ liên quan đến xuất huyết não và nhồi máu não. Tuy nhiên, tình trạng xuất huyết não với những cường độ làm việc cao sẽ khiến cơ thể dễ bị tăng huyết áp. Khi huyết áp gia tăng từ trên 180 mm thuỷ ngân, là một báo động đỏ cho nguy cơ xuất huyết não. Do đó, ở những trường hợp này người bệnh nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.

Theo thông tin được biết, những người tài xế bên Nhật, mỗi 2 giờ lái xe cần có một trạm dừng, đây là một quy định rất chặt chẽ cho tất cả những người tài xế phục vụ hàng khách của Nhật đều phải tuân thủ. Mỗi 2 giờ lái xe, người tài xế được nghỉ trung bình 30 phút cho đến 1 giờ, sau đó có thể quay lại tiếp tục công việc của mình. Đây là một việc đảm bảo sức khỏe cho các tài xế.

Một điều quan trọng là khi lái xe đường dài nên có hia tài xế đi cùng để đề phòng những bất trắc trong những trường hợp có sự cố xảy ra vì lý do sức khỏe, có người khác để thay thế để đảm bảo an toàn cho hàng khách cũng như an toàn cho hành trình di chuyển của mình.

4. Để ngăn chặn nguy cơ đột quỵ, người tài xế nên làm gì?

Với nhiều nguy cơ đột quỵ như vậy, tài xế cần làm gì và cần tránh gì để ngăn chặn nguy cơ này, thưa BS?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Nghề tài xế khi phải chịu nhiều áp lực, điều quan trọng nhất là cần có một sức khỏe tốt trước khi thi vào lái xe và khi hành nghề. Đây là một việc hết sức cần thiết, người tài xế cần nghiêm túc chấp hành cũng như nghiêm túc khám sức khỏe trước khi tiến hành tham gia hoặc định hướng vào nghề tài xế.

Nếu là người đang làm trong lĩnh vực này cần quan tâm đến các vấn đề sức khỏe của mình nhiều hơn, phải khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt về thị lực, mắt cũng như là các phản xạ nói chung. Điều quan trọng là người tài xế nên cố gắng không hút thuốc lá trong khi đang làm công việc lái xe.

Hiện nay, pháp luật hiện hành đã nghiêm cấm tuyệt đối những người uống rượu, bia khi tham gia lái xe. Người tài xế nên nâng cao nhận thức và tuyệt đối tuân thủ để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân khi lái xe và những người xung quanh.

Một điều quan trọng không kém là trong hành trình di chuyển, người tài xế không được lái xe trong khoảng thời gian quá dài, đặc biệt trong môi trường khắc nghiệt, người tài xế cần có thời gian nghỉ, ngủ đủ giấc, sau đó tiếp tục hành trình.

Như đã chia sẻ ở trên với những hành trình, tuyến đường dài, nên có hai tài xế đi cùng nhau để có thể hỗ trợ lẫn nhau, khi tài xế này mệt mỏi, buồn ngủ có thể thay thế bởi người khác hoặc trong trường hợp bất khả kháng, người tài xế không thể dừng xe nghỉ giữa đường cũng cần có người thay thế để hành trình được an toàn hơn.

5. Ngủ, nghỉ ngơi bù vào buổi sáng có giúp tái tạo lại sức lao động cho người tài xế không?

Tài xế cũng là một trong những công việc phải thức khuya, làm ca đêm, giờ giấc nghỉ ngơi - sinh hoạt không khoa học. Xin hỏi BS, sau khi làm ca đêm, giấc ngủ ban ngày có đủ để tái tạo lại sức lao động? Phải ngủ nghỉ bao nhiêu tiếng để phục hồi sức khỏe?

- Thức khuya cũng tác động đến nguy cơ gây đột quỵ. Vậy, việc ngủ bù có đủ để ngăn chặn nguy cơ gây đột quỵ này, thưa BS?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Đối với việc thức khuya và ngủ bù, sinh lý giấc ngủ của con người đối với người trưởng thành trung bình vào khoảng 6 - 8 giờ là ngủ đủ giấc. Điều quan trọng là phải ngủ vào thời gian ban đêm không phải vào ban ngày.

Rất nhiều người có quan niệm sai lầm khi nghĩ thức vào ban đêm, ngủ bù vào ban ngày sẽ đủ giấc, điều này làm đảo lộn đồng hồ sinh học của cơ thể. Ở trẻ nhỏ, nếu quan sát kỹ sẽ thấy trong trường hợp trẻ thức quá khuya, qua 12 giờ đêm, vào khoảng 1 - 2 giờ sáng thường sẽ bị suy dinh dưỡng, còi xương và chậm phát triển về trí tuệ tâm thần.

Do cơ thể chuyển hóa và trao đổi chất chủ yếu vào ban đêm, vào thời gian cơ thể nghỉ ngơi và đặc biệt trong lúc ngủ.Chính vì vậy, nếu thức khuya hoặc những người mất ngủ trong thời gian kéo dài thường dẫn đến tình trạng không tỉnh táo và suy nhược hệ thần kinh, có thể vận hành máy móc hoặc lái xe trong tình trạng không tỉnh táo. Nếu gặp phải áp lực về công việc, thức đêm nhiều, vào ngày hôm sau cần có thời gian nghỉ bù, không thể làm việc suốt tất cả các ngày trong tuần.

Điều quan trọng là người tài xế nên tránh sử dụng chất kích thích. Một số tài xế có quan niệm sai lầm khi uống quá nhiều cà phê mỗi lúc không ngủ đủ giấc, việc sử dụng chất kích thích là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ đột quỵ trong thời gian lái xe, các tài xế nên lưu ý vấn đề này.

Đối với tài xế nên kiểm tra huyết áp thường xuyên do đây cũng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây nên tình trạng xuất huyết não. Đầu tiên, trường hợp người tài xế có bệnh nền là tăng huyết áp cộng thêm những căng thẳng khi lái xe sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng bị những cơn tăng huyết áp đột biến, có thể dẫn đến xuất huyết não.

Thứ hai là về vấn đề tuổi tác, đôi khi trong một số trường hợp bệnh nhân xuất hiện những biểu hiện sớm như những dấu hiệu của cơn động kinh, đau đầu kéo dài hoặc cảm giác không được khỏe, có những cơn mất ý thức thoáng qua… Người tài xế nên đi thăm khám và tầm soát sớm để loại trừ những nguyên nhân dị tật và dị dạng.

Không nên chủ quan về tình trạng dị tật chỉ xảy ra ở người lớn tuổi. Do đó, nếu những người tài xế có những dị tật, dị dạng mạch máu não, có thể xảy ra đột quỵ trong lúc lái xe và gây tai nạn khi đang chạy trên đường, điều này rất nguy hiểm.

TS.BS Trần Chí Cường hiện đang là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S cần Thơ, Chủ tịch Hội can thiệp thần kinh TPHCM. Ông là một vị bác sĩ giỏi với kiến thức và kinh nghiệm qua nhiều năm tích lũy, bác sĩ Cường được xem là “bàn tay vàng” trong khoa Ngoại thần kinh. Đồng thời, TS.BS Trần Chí Cường cũng là một trong những tác giả có nhiều bài báo và công trình nghiên cứu có giá trị về bệnh đột quỵ và Ngoại thần kinh.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X