Vì sao phụ nữ hay bị viêm bàng quang hơn nam giới?
Viêm bàng quang ảnh hưởng đến 50% phụ nữ ở Vương quốc Anh ít nhất một lần trong đời, thường trùng hợp với quan hệ tình dục thường xuyên. Dưới đây là cách để tránh nhiễm trùng đường tiết niệu gây đau đớn.
Viêm bàng quang là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn trong bàng quang gây ra. Tình trạng này chiếm khoảng trên 50% số ca nhiễm trùng đường tiết niệu, nguyên nhân thường là do quan hệ tình dục thường xuyên, vệ sinh kém hoặc sử dụng sai sản phẩm. Vì vậy, không khó hiểu tại sao các ca viêm bàng quang lại tăng vọt vào dịp lễ tình nhân.
Daily Express đã trò chuyện với dược sĩ Melanie King từ Pharmacy2U để tìm hiểu mọi thứ bạn cần biết về bệnh viêm bàng quang.
1. Triệu chứng nào cảnh báo bạn bị viêm bàng quang?
Viêm bàng quang bình thường không có gì đáng lo ngại và hầu hết các trường hợp sẽ tự khỏi trong vài ngày. Tuy nhiên, khoảng 1/5 phụ nữ từng bị viêm bàng quang sẽ bị tái phát.
Viêm bàng quang có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn ở phụ nữ mang thai, phụ nữ có hoạt động tình dục, phụ nữ mắc bệnh tiểu đường và phụ nữ đã qua thời kỳ mãn kinh. Bệnh lý này mang đến nhiều phiền toái, đau đớn, thậm chí nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng thận.
Bạn sẽ biết mình bị viêm bàng quang ngay khi các triệu chứng xuất hiện vì chúng rất cụ thể:
- Cảm thấy đau, rát hoặc châm chích khi đi tiểu
- Lúc nào cũng có cảm giác phải đi tiểu gấp.
- Nước tiểu có thể sẫm màu, đục hoặc có mùi nồng
- Có thể bị đau tức bụng hoặc cảm thấy không khỏe, đau nhức, ốm yếu hoặc mệt mỏi.
Viêm bàng quang nói riêng và nhiễm khuẩn tiết niệu nói chung chủ yếu do vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài vào qua niệu đạo
2. Vì sao phụ nữ dễ bị viêm bàng quang hơn nam giới?
Hầu hết các trường hợp viêm bàng quang được cho là xảy ra khi vi khuẩn sống vô hại trong ruột hoặc trên da xâm nhập vào bàng quang qua ống dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể (niệu đạo). Đó là lý do tại sao phụ nữ thường bị viêm bàng quang hơn nam giới vì hậu môn của họ gần niệu đạo hơn và niệu đạo của họ ngắn hơn nhiều.
3. Đâu là những yếu tố nguy cơ của viêm bàng quang?
Trang NHS liệt kê những yếu tố sau là nguy cơ gây viêm bàng quang:
- Quan hệ tình dục
- Vệ sinh từ sau ra trước (từ hậu môn ra vùng kín) sau khi đi vệ sinh
- Có một ống mỏng được đưa vào niệu đạo để dẫn lưu bàng quang (ống thông tiểu)
- Dưới 1 tuổi hoặc lớn hơn 75
- Mang thai
- Sử dụng màng ngăn để tránh thai
- Bị bệnh tiểu đường
- Hệ thống miễn dịch suy yếu
Bạn có thể đã nghe đến thuật ngữ “viêm bàng quang trong tuần trăng mật”, là cụm từ dùng để chỉ chứng viêm bàng quang do quan hệ tình dục, nơi niệu đạo và bàng quang bị kích thích do ma sát. Khi quan hệ tình dục giúp di chuyển vi khuẩn từ trực tràng lên niệu đạo và vào bàng quang.
Niệu đạo - đường dẫn nước tiểu của nữ giới ngắn nên mầm bệnh ở vùng hậu môn thường di chuyển dễ dàng đến bàng quang
4. Viêm bàng quang, khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn bị viêm bàng quang thường xuyên, có một số cách bạn có thể thử để ngăn bệnh tái phát. Melanie cho biết bạn nên đến gặp bác sĩ đa khoa nếu:
- Các triệu chứng không cải thiện trong vòng 3 ngày.
- Viêm bàng quang tái phát, nghĩa là khi bạn đã trải qua nó hơn 3 lần trong năm qua hoặc 2 lần trong sáu tháng qua
- Xuất hiện các triệu chứng khác như tiểu ra máu, sốt (nhiệt độ cao) hoặc đau ở lưng hoặc bên hông
- Bạn đang mang thai
- Bạn là nam giới, hoặc nếu một đứa trẻ gặp phải các triệu chứng
Melanie giải thích: “Nếu việc nói chuyện với ai đó về bệnh viêm bàng quang khiến bạn cảm thấy ngại ngùng hoặc xấu hổ, hãy nhớ rằng nó rất phổ biến và các bác sĩ và dược sĩ luôn giải quyết vấn đề này.
Nếu bệnh viêm bàng quang không gây quá nhiều khó khăn, cơ thể bạn sẽ tự đối phó với tình trạng nhiễm trùng trong vài ngày vì đây là tình trạng có thể tự khỏi. Đôi khi viêm bàng quang hoàn toàn không phải do nhiễm trùng và sẽ không cần dùng thuốc kháng sinh để điều trị.
Melanie nói: “Uống thuốc kháng sinh khi không cần thiết có thể làm tăng nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc, vì vậy bác sĩ sẽ chỉ kê đơn thuốc kháng sinh nếu thực sự cần thiết. Bạn có thể mua các gói có thể hòa tan mà không cần toa bác sĩ để làm cho nước tiểu ít có tính axit hơn, giúp giảm bớt cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, lựa chọn tốt nhất là uống nhiều nước để giúp đào thải nhiễm trùng”.
“Bạn nên ngừng bất kỳ hoạt động thân mật nào nếu bạn đang có các triệu chứng. Nếu không, hầu hết các trường hợp nhẹ thường tự khỏi mà không cần điều trị gì thêm” - Melanie cho biết.
5. Phòng ngừa viêm bàng quang tái phát, cách nào?
Để ngăn ngừa viêm bàng quang tái phát và giúp các trường hợp hiện tại mau lành, bạn có thể làm theo một số lời khuyên từ dược sĩ Melanie như sau:
- Hãy thử tắm vòi hoa sen thay vì tắm bồn để tránh để bộ phận sinh dục tiếp xúc quá lâu với các sản phẩm tẩy rửa. Sử dụng các sản phẩm tẩy rửa đơn giản, không mùi nếu bạn có thể.
- Mặc đồ lót làm từ cotton chứ không phải chất liệu tổng hợp.
- Khi bạn đi vệ sinh, hãy nhớ lau rửa từ trước ra sau để ngăn vi trùng lây lan sang đường dẫn nước tiểu.
- Luôn giữ đủ nước.
Melanie cũng khuyến nghị: “Bạn cũng có thể nghe nói rằng nước ép nam việt quất có thể giúp ích, nhưng đừng quá tin tưởng vào nó. Giả thuyết cho rằng nước ép nam việt quất làm tăng nồng độ axit trong nước tiểu khiến vi khuẩn khó tồn tại. Mặc dù nó có thể ảnh hưởng một chút đến độ axit trong nước tiểu của bạn, nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy rằng nó có hiệu quả trong việc điều trị các triệu chứng viêm bàng quang”.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình