Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao lại "yếu bóng vía"?

"Yếu bóng vía" là một thuật ngữ dân gian, chỉ việc run sợ, mất bình tĩnh trước vấn đề không đáng sợ, như sợ bóng tối, sợ ra ngõ gặp đàn bà...

Theo các chuyên gia, những nỗi sợ ấy hoàn toàn có thể chế ngự được. Và việc kiêng kỵ "ra ngõ gặp đàn bà" hay gặp người "nặng vía" sẽ bị xui xẻo là hoàn toàn không có cơ sở.

"Trường sợ hãi"   
 
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người: "Chẳng ai sống mà không sợ một điều gì cả. Có thể, bạn sợ bóng đêm, sợ ngủ một mình trong phòng tối.
 
Lại có người sợ rắn vì nó có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng. Có người sợ trông thấy máu...  Nói chung, những nỗi sợ đó muôn hình vạn trạng. Nguyên nhân là do trong mỗi con người đều có "trường sợ hãi".
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải
 
Ông Hải phân tích: Thông thường, chỉ khi "trường sợ hãi" khuếch động lên sẽ khiến người ta có cảm giác sợ sệt. Còn với những người can đảm, được đào tạo, rèn luyện nhiều sẽ hạn chế được trường này. "Cũng như những người lính khi ra trận, đâu phải ai cũng có thể cầm súng bắn quân địch ngay được. Họ cũng sợ chết chóc, sợ máu chứ. Nhưng vì họ được đào tạo qua một thời gian nhất định thì mới dần chế ngự được nỗi sợ ấy".

"Tuy nhiên, có những nỗi sợ hãi rất mơ hồ, sợ những thứ không đáng sợ lại là một khía cạnh khác mà dân gian vẫn gọi là "yếu bóng vía", ông Hải cho biết thêm.

Người "yếu bóng vía" dễ bị mê tín dẫn dắt

Lý giải về điều này, ông Hải cho rằng, nguyên nhân là do trong số bảy vía (tương ứng với bảy trường năng lượng thuộc bảy luân xa vầng hào quang Chakras) thì mỗi vía lại có một nguồn năng lượng khác nhau. "Nếu năng lượng phát ra của anh mạnh thì anh không sợ sệt.

Ngược lại, nếu trường năng lượng của anh phát ra yếu thì dễ gây tâm lý sợ sệt, bị "át vía" so với người khác, thần kinh dễ bị ức chế. Điều đó lý giải vì sao trong cuộc sống, đôi khi chỉ cần nhìn nhau cũng khiến người ta thấy "chờn" về người đối diện", ông Hải nói.

Còn theo ông Lương Gia Tĩnh, phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam: "Việc yếu hay mạnh, nặng hay nhẹ "bóng vía" là do chỉ số xúc cảm EQ (Emotional Quotiant) không bình thường, hoặc yếu quá (không làm chủ được mình, hay hoảng hốt bất định khi gặp sự cố...) hoặc mạnh quá (trường sinh học - tâm thức mạnh lấn át đối phương, nhạy cảm quá...)".

Dưới góc độ văn hóa, TS Nguyễn Ánh Hồng, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đưa ra quan điểm: Bóng vía liên quan trực tiếp đến tinh thần.

Người yếu bóng vía là người không tự tin vào chính mình. "Việc yếu bóng vía xuất phát từ chính tinh thần không mạnh mẽ, do niềm tin vào bản thân, bản lĩnh, khí chất của người đó kém.

Chính vì cái gì họ cũng sợ, không dám vượt lên mà chế ngự được nỗi sợ ấy (ví như họ không đủ tự tin bằng sự quảng giao khiến họ e sợ, rụt rè, lại có người vào chỗ linh thiêng cứ có cảm giác có ai bên mình, nghe ai phán thì ám thị đến nỗi phát ốm ra) nên họ không phân biệt giữa niềm tin được linh thiêng hóa với mê tín. Do đó, họ dễ bị những trò mê tín dẫn dắt".

Sẽ khắc phục được

"Yếu bóng vía" có phải là một căn bệnh? TS Ngô Thanh Hồi, giám đốc BV Tâm thần Mai Hương phủ nhận: "Đó hoàn toàn không phải là một bệnh mà chỉ là do cơ địa của mỗi người quyết định. Nó là bẩm sinh nên cũng khó để khắc phục".
 
Nếu một đứa trẻ không có cơ hội giao tiếp với bạn bè, người ngoài nhiều thì lâu dần
nó cũng sẽ tự thu mình lại, sợ hãi khi thấy người lạ

Thế nhưng, dựa trên những cơ sở của "yếu bóng vía", TS Hồng tin tưởng: "Tất nhiên, việc "yếu bóng vía" bao gồm cả yếu tố bẩm sinh song cũng có nguyên nhân của môi trường.

Nếu một đứa trẻ không có cơ hội giao tiếp với bạn bè, người ngoài nhiều thì lâu dần nó cũng sẽ tự thu mình lại, sợ hãi khi thấy người lạ. Như vậy, "yếu bóng vía" hoàn toàn có thể khắc phục được bằng sự rèn luyện của bản thân cùng với sự giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội".

Những kiêng kỵ phản khoa học

TS Hồng giải thích, nguyên nhân của những kiêng kỵ đó xuất phát từ việc dân gian quan niệm phụ nữ có vía nặng (9 vía thay vì 7 vía như nam giới và các em gái chưa lập gia đình). Khi hai vía giúp người phụ nữ đảm nhiệm thiên chức làm vợ, làm mẹ hoạt động sẽ nặng về phần âm hơn.
 
Bên cạnh đó, những người đang chịu tang, người "ác khẩu", mặt luôn cau có cũng bị cho là người "nặng vía". Ngược lại, những người xởi lởi, nói điều tốt đẹp được coi là "nhẹ vía".

"Sự phân chia này do trực tính, linh cảm mà thôi, không có cơ sở khoa học nào chứng minh", TS Hồng khẳng định.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải lập luận rằng: "Việc kiêng gặp phụ nữ khi ra ngõ là quan niệm xuất phát từ tư tưởng "trọng nam khinh nữ", cần phải được xóa bỏ.

Thêm nữa, "việc phân định người "nặng vía" hay "nhẹ vía" cũng chỉ mang tính tương đối, bởi vì có thể tôi "nặng vía" (sóng sinh học phát ra không hợp) với người này nhưng lại "nhẹ vía" (hợp sóng) với người khác. Do đó, những kiêng khem này chỉ là mê tín dị đoan, rất phản khoa học.
 
Bản chất vẫn là tự thân mỗi người. Giả dụ, sáng nay bạn đi xin việc, do bạn chuẩn bị tốt thì dù có gặp ai đi chăng nữa bạn cũng vẫn tự tin, còn ngược lại dù bạn có gặp nam giới thì kết quả cũng chẳng được như mong muốn đâu".
 
"Dân gian vẫn có câu "có thờ có thiêng, có kiêng có lành". Tuy nhiên, về cơ bản, không nên tin vào chuyện bóng vía cản trở công việc của mình.

Song để làm được điều đó cũng khó, vì nó ăn sâu trong tiềm thức, quan niệm dân gian rồi. Vấn đề là hãy tự mình làm chủ, tự mình hóa giải những cái bị cho là xui xẻo ấy bằng cách chủ động chào hỏi, chia sẻ. Chính sự giao tiếp đã hóa giải, cân bằng vía nặng - nhẹ".

Theo Thanh Thủy - Khoa học và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X