Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao cúm được đánh giá là đặc biệt nguy hiểm đối với người cao tuổi?

Nếu không có sự phòng bị tốt nhất trước khi bước vào giai đoạn chuyển mùa, người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch, hô hấp có thể đánh mất sinh mạng chỉ vì “cơn cúm xoàng”.

1. Cúm mùa: “Cú đánh lén” nguy hiểm với người cao tuổi và người bệnh mạn tính

Trong các bệnh đường hô hấp thì cúm mùa được đánh giá là đặc biệt nguy hiểm đối với người cao tuổi. Những thống kê gần đây cho thấy, trong tổng số những trường hợp tử vong liên quan tới cúm có tới 70-85% là người trên 65 tuổi, 50-70% trong tổng số trường hợp phải nhập viện cũng rơi vào nhóm người này.

Điều này có thể lý giải, khi càng lớn tuổi hệ miễn dịch càng suy giảm, hàng rào bảo vệ mỏng manh khiến cơ thể dễ bị virus cúm tấn công, đến lúc không đủ sức “chiến đấu” thì cúm mùa chuyển sang ác tính, gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Ngoài vấn đề tuổi tác, người lớn tuổi thường mắc kèm nhiều bệnh lý mạn tính như tim mạch, tiểu đường, hô hấp (hen suyễn, COPD), suy giảm miễn dịch, đột quỵ… Đây đều là những tác nhân khiến họ phải nhập viện nhiều hơn khi nhiễm cúm. Chắc hẳn nhiều người sẽ giật mình khi biết rằng, theo thống kê số người nhập viện trong mùa cúm 2018-2019 ở Mỹ, hơn 47% có bệnh tim mạn tính và hơn 30% có bệnh tiểu đường.

Cúm mùa thúc đẩy các biến cố rung nhĩ, suy tim cấp, nhồi máu cơ tim trên những người mắc bệnh lý tim mạch. Cúm mùa cũng nhanh chóng phá hủy đường hô hấp, khiến người bệnh hen suyễn, COPD bộc phát cơn cấp khó kiểm soát với tốc độ nhanh hơn và nhiều hơn.

Cúm mùa: “Cú đánh lén” nguy hiểm với người cao tuổi và người bệnh mạn tính Đừng nghĩ rằng cúm mùa là căn bệnh “xoàng xĩnh”, chóng lành như cảm lạnh, hãy trả nó về vị trí và nên dè chừng hơn để tìm hiểu về các biện pháp dự phòng tốt nhất

Nguy hiểm ở chỗ, cúm mùa có thời gian ủ bệnh ngắn, diễn tiến rất nhanh và dễ nhầm lẫn với bệnh lý lành tính khác là cảm lạnh khiến nhiều người chủ quan. 60-70% các trường hợp tử vong xảy ra chỉ trong 7 ngày sau khi nhiễm trùng. Đặc biệt, người bệnh càng có nhiều bệnh lý mạn tính kèm theo thì tỷ lệ nhập viện và tử vong càng gia tăng.

Ban đầu có thể chỉ là những viêm nhiễm nhẹ ở đường hô hấp trên với triệu chứng chảy mũi, ho, sốt cao, lạnh run, mệt mỏi, đau cơm… nhưng khi các viêm nhiễm xảy ra ở đường hô hấp dưới bệnh sẽ biểu hiện nặng nề hơn như thở dốc, khó thở, sốt liên tục, đau ngực, ho nhiều kèm theo đờm xanh đen. Thực tế, đã có không ít bệnh nhân là người lớn tuổi khi vào bệnh viện đã có những biến chứng nguy hiểm, suy đa phủ tạng và nhanh chóng rơi vào nguy kịch.

Đó là lý do cúm mùa được xem là “cú đánh lén” nguy hiểm với người cao tuổi và người bệnh mạn tính.

2. Người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính dễ gặp biến chứng nào khi mắc cúm mùa?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cúm mùa có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.

Khi virus thâm nhập vào cơ thể người lớn tuổi, người bệnh mạn tính nếu sức khỏe tốt và được điều trị phù hợp bệnh sẽ thoái lui sau 7 ngày. Nhưng ngược lại, bệnh sẽ nhanh chóng tiến triển nặng hơn nếu sức khỏe kém hoặc bệnh lý nền không được kiểm soát tốt.

Trong đó, biến chứng thường gặp nhất ở người lớn tuổi là viêm phổi. Lúc này, bệnh nhân sẽ bị suy hô hấp nhanh chóng vì phổi không thể vận chuyển đủ oxy vào phần còn lại của cơ thể. Ngoài ra, cúm mùa không được điều trị hoặc điều trị muộn sẽ là khởi nguồn cho các bệnh viêm tai giữa, viêm xoang, viêm nhiễm đường tiết niệu…

Nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng thứ cấp trong khi nhiễm cúm cũng sẽ khiến các cơ quan bị hỏng. Các vi khuẩn từ nhiễm trùng có thể xâm nhập vào máu và gây ra nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong.

Do đó, đừng bao giờ nghĩ chỉ một cơn cảm cúm xoàng thì chẳng có nghĩa lý gì với sức khỏe con người, nếu cảm thấy mệt mỏi quá mức so với bình thường, các chuyên gia khuyên người bệnh nên nhập viện càng sớm càng tốt.

Người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính dễ gặp biến chứng nào khi mắc cúm mùa?Người lớn tuổi, người bệnh mạn tính nếu chẳng may mắc cúm mùa sẽ dễ gặp biến chứng hơn, khó điều trị và khó hồi phục

3. Sống vui khỏe, tránh xa cúm mùa chỉ nhờ một mũi tiêm hàng năm

Để tránh cúm và các biến chứng do cúm, có một cách đơn giản và hiệu quả, đó là tiêm vắc xin. Các nghiên cứu cho thấy ở những người lớn tuổi sống tại nhà, việc tiêm vắc xin giúp giảm từ 30% đến 70% nguy cơ nhập viện vì bệnh cúm và viêm phổi. Những người cao tuổi sống trong nhà dưỡng lão, vắc xin cúm ngăn ngừa từ 50% đến 60% các trường hợp nhập viện và ngăn ngừa 80% tử vong do biến chứng nặng của bệnh cúm.

Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế Việt Nam đều khuyến khích chủng ngừa cúm hằng năm, đặc biệt là những nhóm có nguy cơ cao như người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, trẻ em.

Sống vui khỏe, tránh xa cúm mùa chỉ nhờ một mũi tiêm hàng nămMột mũi tiêm cúm hàng năm giúp người lớn tuổi tránh các biến chứng do cúm mùa

Cơ thể mất khoảng 2 tuần để tạo ra các kháng thể bảo vệ sau khi tiêm phòng cúm. Do đó, không nên đợi khi trời trở lạnh, thời tiết thay đổi mới bắt đầu tiêm ngừa cúm. Lý tưởng nhất vắc xin phòng cúm nên được tiêm càng sớm càng tốt, trước khi mùa cúm bắt đầu. Thường, các nước nhiệt đới như Việt Nam cúm thường bùng phát và tăng mạnh vào tháng 3, 4, 5 và tháng 7, 8. Nên tiêm ngừa trước thời gian này để cơ thể hình thành kháng thể chống lại virus cúm tốt nhất.

Nhiều người hiện có tâm lý sợ các phản ứng sau tiêm vắc xin. Nhất là người bệnh tim mạch, hô hấp, việc chọn lựa đúng loại vắc xin là vô cùng cần thiết để tránh các phản ứng không mong muốn.

Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường đã có loại vắc xin cúm bất hoạt, an toàn cho người bệnh hô hấp, tim mạch, kể cả phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú mà không ảnh hưởng đến thai nhi, trẻ sơ sinh.

Đồng thời, với loại vắc xin thế hệ 3 này, các thành phần kháng nguyên sẽ được điều chỉnh dựa trên các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới để phù hợp với các chủng virus cúm biến đổi mỗi năm và có thể tiêm đồng thời với các loại vắc xin khác mà không gây tương tác. Vắc xin cúm thế hệ 3 được đánh giá là an toàn, hiệu quả và ít tác dụng ngoại ý so với các thế hệ cũ.

Tiêm phòng không chỉ bảo vệ chúng ta thoát khỏi bệnh cúm mà còn phòng tránh các biến chứng do cúm mang lại. Mỗi năm chỉ tiêm một lần, nhưng giúp người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính tránh xa bệnh cúm, sống vui - khỏe.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X