Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao bệnh nhân tái dương tính với nCoV-19 sau khi đã hồi phục?

ThS.BS Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức, vấn đề bệnh nhân nhiễm COVID-19 xét nghiệm dương tính khi hồi phục là hiếm gặp nhưng có xuất hiện, có thể liên quan đến việc xét nghiệm, hệ miễn dịch và những vấn đề khác mà giới khoa học chưa tìm ra.

Đại dịch do virus Vũ Hán - Trung quốc (còn gọi là nCoV, SARS-COV-2) đã khiến hơn 1,5 triệu người trên toàn cầu nhiễm bệnh với gần 100 ngàn bệnh nhân tử vong và chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Với hơn 80% các trường hợp nhiễm virus có triệu chứng nhẹ và tự khỏi bệnh sau vài ngày, bệnh nhân có thể tạm yên tâm khi chưa có thuốc đặc trị, tuy nhiên vấn đề đáng lo ngại hiện nay là một số bệnh nhân có xét nghiệm dương tính với virus khi đã hồi phục.

Thông thường sau khi nhiễm virus, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể đặc hiệu cho loại virus đó, điều này giúp cơ thể mau hồi phục, chống tái nhiễm và ngăn chặn những đợt bùng phát sau đó. Tuy nhiên có một số ít bệnh nhân sau khi hồi phục lại có kết quả xét nghiệm dương tính, tỷ lệ này có thể lên đến 15% theo một nghiên cứu tại Trung quốc, vậy những vấn đề được đặt ra.

1. Bệnh nhân bị tái nhiễm thật sự hay là do xét nghiệm chưa chính xác?

Tái nhiễm là có thể, nhưng hiếm gặp, do dịch COVID-19 mới xuất hiện vài tháng nên cần nhiều thời gian để nghiên cứu thêm, nhưng từ kinh nghiệm, dữ liệu của các đợt dịch trước như SARS, Ebola… kháng thể tồn tại từ vài tháng đến vài năm vì vậy nguy cơ tái nhiễm ngay khi hết bệnh là thấp.

Do đó, có thể là do xét nghiệm khi xuất viện có độ nhạy thấp, gây âm tính giả, khi bệnh nhân vẫn còn bệnh. Mặt khác, một số xét nghiệm tìm kiếm các mảnh RNA của virus trong cơ thể bệnh nhân, mặc dù lượng virus thật sự đã bị tiêu diệt nhưng trong cơ thể vẫn còn các mảnh RNA của virus nên việc phát hiện các mảnh RNA này không có nghĩa là virus vẫn đang hoạt động.

2. Bệnh nhân nhiễm COVID-19 có thể tạo kháng thể bảo vệ?

Một nghiên cứu mới đây tại Thượng Hải trên 175 bệnh nhân nhiễm nCoV cho kết quả khá thú vị, khoảng 1/3 bệnh nhân có lượng kháng thể thấp hoặc không đo được, trong đó phần lớn là người trẻ, người lớn tuổi có lượng kháng thể cao hơn, nhưng thời gian hồi phục là ngang nhau, trong khi đó trên lâm sàng diễn tiến bệnh nặng thường xảy ra ở người lớn tuổi, nhất là bệnh nhân có các bệnh lý mạn tính khác kèm theo. Như vậy có nhiều yếu tố khác tham gia vào hệ miễn dịch, và cần thêm nhiều nghiên cứu nữa nhằm làm rõ vai trò của từng yếu tố, cũng như cần định lượng kháng thể trước khi dùng huyết tương của người đã hồi phục truyền cho bệnh nhân nặng.

Những người xét nghiệm COVID-19 dương tính khi hồi phục thường là người trẻ với tỷ lệ thay đổi từ 3- 15%, hầu như không có triệu chứng và biến chứng do bệnh. Theo một nghiên cứu tại Thẩm Quyến trên 262 bệnh nhân với 38 người có xét nghiệm nCoV dương tính và nhóm nghiên cứu cũng khảo sát những người tiếp xúc gần với 38 người này và không ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm virus, như vậy có vẻ những người có xét nghiệm COVID-19 dương tính khi hồi phục có diễn tiến thuận lợi và ít nguy cơ gây lây nhiễm tuy nhiên cần thêm thời gian và số lượng bệnh nhân để đánh giá đầy đủ hơn.

Như vậy, vấn đề bệnh nhân nhiễm COVID-19 xét nghiệm dương tính khi hồi phục là hiếm gặp nhưng có xuất hiện, có thể liên quan đến việc xét nghiệm, hệ miễn dịch và những vấn đề khác mà giới khoa học chưa biết rõ, liệu những người này có khả năng lây lan hay không? Có tiếp tục bị tái nhiễm? hay chỉ là người lành mang trùng?… đều cần thêm nhiều nghiên cứu.

Khi mà chưa có thuốc đặc trị cũng như vắc xin thì tuân thủ các biện pháp bảo vệ cá nhân, giãn cách xã hội… là cách tốt nhất phòng ngừa và hạn chế căn bệnh này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X