Vết thương hở và những điều cần biết về bệnh lý lây nhiễm thông qua vết thương hở
Vết thương hở là gì? Những bệnh lý nào có thể lây qua vết thương hở? Virus dại, HIV có thể xâm nhập qua vết trầy xước trên da không? Những câu hỏi trên sẽ được ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương giải đáp trong bài viết dưới đây.
1. Làn da là “tấm áo giáp” chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, virus
Có loại virus, vi trùng nào có thể xâm nhập qua làn da còn lành lặn không?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Về mặt y học, làn da là tấm áo giáp mà ông trời tạo ra cho con người. Làn da lành lặn là một tấm áo giáp khổng lồ, không virus hay vi trùng nào có thể xuyên qua được. Chỉ một số loại thuốc bôi có thể hấp thu một phần rất nhỏ qua da.
Trên bề mặt da luôn có tính axit từ mồ hôi và những chất bã tiết ra. Đó là môi trường hoàn toàn không thuận lợi để những vi khuẩn gây bệnh sống và phát triển.
2. Dấu hiệu để nhận biết vết thương hở
Vết thương như thế nào được gọi là vết thương hở?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Vết thương được chia thành vết thương kín và vết thương hở. Vết thương kín là khi “tấm áo giáp” còn nguyên vẹn nhưng bên dưới đã có tổn thương, hư hại.
Những đụng giập làm nát mô dưới da nhưng bề mặt da không có nứt, gãy, không trầy xước, không rát, không chảy máu. Gãy xương, giập mô dưới da, thậm chí bể phổi nhưng da vẫn lành lặn thì được xếp vào vết thương kín.
Nhận biết vết thương hở rất đơn giản: Phải có tổn thương trên da. Da chúng ta có 5 lớp và tổn thương đến lớp thứ năm mới được gọi là vết thương hở. Một số tổn thương vẫn còn nằm trong phạm vi 5 lớp, như dằm đâm vào lớp ngoài cùng, chưa đi hết 5 lớp của da thì chưa được coi là vết thương hở.
Vết thương hở có dấu hiệu là vết rách ở da có chảy máu, không cần chảy máu quá nhiều, chỉ cần là rướm máu nhẹ, xây xát. Những vết xước rướm máu mảnh như sợi chỉ, vết xước da nhưng không chảy máu, vết thương do kim đâm,... đều là vết thương hở.
Trong 5 lớp của da không hề có mạch máu hay thần kinh nên ngoài da không có cảm giác đau. Những vết thương nào làm rách 5 lớp này, đi xuống dưới lớp dưới da sẽ gặp phải mạch máu, gây đỏ ửng, kích thích thần kinh.
Khi cồn 90 độ tiếp xúc với vết thương và chúng ta có cảm giác rát, châm chích, có thể xác định vết thương đó là vết thương hở. Các dấu hiệu rướm máu, chảy máu, sưng đỏ, nóng, đau cũng có thể là vết thương hở.
Về lý thuyết, vi trùng, virus có thể xâm nhập qua “cửa ngõ” vết thương hở. Vết thương càng rộng, càng rõ, chảy máu nhiều thì càng dễ bị lây nhiễm hơn. Khả năng lây bệnh của vi trùng, virus thấp hơn rất nhiều đối với các vết thương hở nhỏ.
3. Vết thương đã lên mài vẫn tiềm ẩn nguy cơ
Vết thương đã lên mài, vết thương lộ da non có được xem là vết thương hở?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Nhiều người thắc mắc vết thương đã lên mài, lên da non có thể bị lây bệnh không. Mài là lớp mô hoại tử đóng cứng lại để bảo vệ không cho các đối tượng xâm nhập vào. Khi lớp mài tự bong ra, phần da non là các mô mới được tái tạo, còn rất mỏng manh, Khả năng bảo vệ, chịu va chạm và chống đỡ của lớp da non rất yếu.
Về mặt y học, khi vết thương đã đóng mài kín và mô da lành bắt đầu phát triển thì vùng da này đã có thể ngăn chặn được virus xâm nhập. Nhưng trên thực tế, phần da non rất dễ bị tổn thương nên vẫn cần phải được bảo vệ tốt.
Vết thương đã lên mài thì không còn là vết thương hở theo đúng định nghĩa nhưng vẫn tồn tại nguy cơ. Những vi trùng yếm khí như uốn ván hay những vi khuẩn đã phát triển từ mô chết dưới da vẫn có thể làm mủ, áp xe sâu bên dưới nếu không chú ý. Nguy hiểm hơn, vi khuẩn uốn ván có thể phát triển mạnh và gây bệnh uốn ván.
4. Nặn mụn có thể tạo ra vết thương hở
Nốt mụn mới nặn, chưa khô có được xem là vết thương hở không?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Tôi không khuyến khích việc nặn mụn, nhất là những mụn bọc. Nốt mụn mới nặn không phải là vết thương hở vì tuyến bã là tuyến phụ cận của da và vẫn đóng kín, mặc dù nhìn vào sẽ thấy có lỗ hở.
Đối với vết nặn những nốt mụn bình thường, đó là lỗ đổ của tuyến bã. Những người có nhiều mụn thì lỗ đổ sẽ to hơn và tắc nghẽn tuyến bã nhiều hơn. Nặn những nốt mụn bình thường không gây tổn thương da.
Tuy nhiên, nặn mụn có thể làm sang chấn, trầy xước những vùng da xung quanh tạo thành vết thương hở rất nhỏ. Trong lúc nặn mụn có thể vô tình phá hủy những mô bên dưới tuyến bã bị tắc, gây ra một vết thương hở nhỏ mà chúng ta không thấy được.
Vi trùng phát triển trong ổ tuyến bã bị tắc sẽ sinh ra mụn bọc. Mụn bọc là biểu hiện cơ thể tự khu trú phần bị nhiễm trùng. Khi vi trùng bị tiêu diệt, mụn bọc cũng được tự động dọn dẹp sạch. Tự ý nặn mụn bọc sẽ phá vỡ ổ cô lập vi trùng, khiến vi trùng đi vào máu gây nhiễm trùng máu, có thể tử vong.
Cách đơn giản nhất để điều trị mụn bọc là uống thuốc, vệ sinh da mặt và để cơ thể tự khu trú, không nên nặn.
5. Virus dại có thể xâm nhập qua vết thương hở và màng nhầy
Nước dãi chó văng lên mắt hay dùng miệng mình hôn vào mõm chó có lây bệnh dại không?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Virus dại chỉ có một ký chủ duy nhất là những động vật có máu nóng, thường gặp nhất là chó, mèo, chuột. Virus dại có trong dịch tiết của động vật, nhiều nhất là trong nước bọt.
Virus dại có thể xâm nhập qua da và màng nhầy (niêm mạc) ở đường sinh dục nữ, hậu môn, miệng, mắt... Bệnh lây truyền qua đường sinh dục, vết trầy xước ở bộ phận sinh dục, trầy xước ở hậu môn, vết loét trong miệng, môi, mắt khi tiếp xúc với nước dãi chó, mèo có chứa virus dại thì virus dại sẽ xâm nhập thông qua màng nhầy này vào dây thần kinh bên dưới, từ từ vào hệ thần kinh trung ương.
Như vậy, tất cả những vết thương hở nếu bị dính phải nước dãi của chó, mèo bị bệnh dại đều có thể lây bệnh cho con người. Thời gian ủ bệnh của virus dại lây qua vết trầy xước có thể lên đến 3 - 4 tháng, trong khi lây qua vết cắn có thời gian ủ bệnh ngắn hơn.
Nếu môi lành lặn, không bị lở loét, không bị chảy máu răng thì virus dại trong nước bọt của chó, mèo không thể xâm nhập vào cơ thể được. Nhưng điều nguy hiểm khi tiếp xúc gần với cho, mèo bị dại là chúng ta có thể bị tấn công. Virus dại từ vết cắn trên vùng mặt sẽ di chuyển rất nhanh đến hệ thần kinh trung ương, thời gian phát bệnh dại nhanh hơn.
Khi có vật lạ văng vào mắt, mắt sẽ tự động chớp để tống xuất ra ngoài. Do đó, khả năng lây bệnh dại do nước dãi chó văng vào mắt (với điều kiện mắt bình thường, không sưng, viêm, tổn thương) là cực kỳ thấp và hiếm gặp.
6. Khả năng bị lây HIV qua vết thương hở khá thấp
Các vật dụng trong sinh hoạt nếu dính virus HIV, virus dại lỡ đụng trúng mà chân tay mình có vết trầy xước thì có bị lây bệnh không?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: HIV có 3 đường lây nhiễm: đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Virus HIV cực kỳ yếu ớt khi ra ngoài môi trường, gần như không thể sống được trong nước. Nếu bị tia UV từ ánh nắng mặt trời chiếu vào trong 30 phút, virus HIV sẽ chết hoặc bất hoạt.
Tuy nhiên, virus HIV trong giọt máu khô ở những nơi lạnh 4 - 5 độ C hoặc nơi có khí hậu ẩm có thể tồn tại từ vài ngày đến cả tháng.
Virus HIV trong nước bọt, tinh dịch, nước mắt của những người bệnh có hàm lượng rất thấp và không đủ để gây bệnh khi ở môi trường bên ngoài. Do đó, chúng ta không cần quá lo lắng về vấn đề bị lây HIV.
Cũng giống với virus HIV, virus dại cực kỳ sợ ánh nắng mặt trời, sợ nóng và không tồn tại được quá lâu ở môi trường bên ngoài. Virus dại chỉ tồn tại trong nước bọt, dịch tiết của ký chủ.
Virus dại dính vào các vật dụng sinh hoạt cũng sẽ rất nhanh bị chết, khó có cơ hội xâm nhập vào cơ thể người. Đường lây nhiễm nhanh là chó, mèo bị dại liếm vào những vết trầy xước, vết thương hở của chúng ta.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình