Hotline 24/7
08983-08983

Vắt máu mình kiếm tiền nuôi con

Ở thành phố Vinh có khoảng trên 20 người sống bằng nghề bán máu cho các bệnh viện. Gọi là nghề nhưng cực chẳng đã họ mới phải đi bán máu...

Xóm cửu vạn Ga Vinh, nơi tá túc của nhiều người bán máu. Ảnh: Nguyên Khoa

Con đường nhỏ sâu hun hút cạnh đường tàu dẫn đến xóm cửu vạn Ga Vinh thuộc khối 19, P. Đông Vĩnh, TP. Vinh, Nghệ An. Dưới những nếp nhà lụp xụp, lợp bằng đủ thứ tranh tre, ni lon, bạt nhựa, anh Ninh Đức Tịnh kể về cuộc đời của những người bán máu ở mảnh đất đầy khắc nghiệt miền Trung.

Quê gốc ở Ninh Bình, sau một biến cố gia đình, anh Tịnh cùng mẹ dắt díu nhau gia nhập đội quân cửu vạn của ga Vinh rồi tá túc với những người cùng khổ ở "xóm nước đen". Sau khi lập gia đình với một cô gái cùng cảnh ngộ trong xóm trọ, những đứa con lần lượt ra đời cũng là lúc ga Vinh sắp xếp lại việc bốc xếp, đội quân cửu vạn rơi vào cảnh thất nghiệp. Anh Tịnh chuyển qua nghề ve chai còn người vợ chuyển sang nghề bán máu.

Một thời gian sau, nghề ve chai cũng không kiếm đủ tiền nuôi con, được sự chỉ dẫn của vợ, anh Tịnh gia nhập đội quân bán máu. "Lần đầu tiên chìa tay cho cô kỹ thuật viên mặc áo blouse trắng, tôi toát cả mồ hôi, muốn choáng ngất nhưng nghĩ đến mấy đứa con đang chờ gạo ăn, nắm chặt tay, nhắm mắt lại, tôi không biết mình bị lấy đi bao nhiêu máu nữa", anh Tịnh nhớ lại.

Anh Tịnh trong căn phòng tồi tàn của mình. Ảnh: Nguyên Khoa

Năm 2000, người vợ qua đời sau một cơn bạo bệnh, chỉ còn anh Tịnh trụ lại với nghề bán máu để nuôi con. "Cũng nhờ bán máu mà các con đều được đến lớp, có đứa còn đi học chuyên nghiệp nữa. Hy vọng sẽ không có ai phải theo nghiệp bố mẹ", anh nói.

Cạnh "nhà" anh Tịnh là chị Thúy - chị vợ anh Tịnh, người cũng có thâm niên 30 năm trong nghề. "30 năm bán máu, cũng muốn nghỉ lắm rồi nhưng cái nghèo khiến chúng tôi không dứt ra được. Thỉnh thoảng đứa con gái đang đi học xa lại gọi điện về xin tiền. Túng quá tôi lại ra bệnh viện", chị Thúy thở dài.

Trong câu chuyện bán máu ở xóm nghèo, những nhân vật gạo cội, có thâm niên trong nghề đều được mọi người nhắc tới như một sự chia sẻ, cảm thông. Nhiều người nể phục trước một cụ bà bán máu, nuôi con đang học ở đại học y khoa.

Quê gốc ở Thanh Hóa, cách đây 25 năm, bà Lê Thị Hiền (tên trong thẻ bán máu) bị chồng phụ bạc, rời bỏ làng quê xứ Thanh vào Vinh cùng 3 đứa con nhỏ. Không nơi nương tựa, không tiền trong tay, bà đành hỏi đường tới bệnh viện tỉnh bán máu.

"Đó là năm 1987, nhận được có 32 đồng tiền từ lần bán máu đầu tiên, tôi ứa nước mắt nhưng cũng ấm lòng khi nghĩ về một bữa cơm nóng cho con, nghĩ đến việc trả được tiền nhà đúng hạn", bà Hiền nhớ lại.

Thế là từ đó, mỗi tháng, khi đến hạn nộp tiền nhà, khi con ốm, khi con nộp tiền học… bà lại vào viện. Có sổ theo dõi, quản lý tại bệnh viện tỉnh, nhưng ngày đó “nếu chờ hạn đến lấy máu như quy định (trước đây là khoảng 2 tháng một lần, bây giờ là 3 tháng) thì có mà… chết đói”, nên bà cũng như nhiều người khác tìm cách dạt đi các bệnh viện khác nhau để bán.

"Cực chẳng đã mới phải đi bán những giọt máu của mình. Nhiều người bán xong cứ ngất lên ngất xuống, mặt mày ai cũng xanh xao. Có người ở Thanh Hóa nhưng không dám đến bệnh viện của Thanh Hóa để bán mà phải bắt xe vào Vinh, bán xong lại quay về", bà Hiền tâm sự.

Thành quả của những ngày rong ruổi khắp các bệnh viện của bà là những đứa con ăn học nên người, có đứa đang là sinh viên đại học y khoa. Từ ngày các con khôn lớn, bà Hiền cũng bỏ nghề, đặt một chiếc bàn bán nước ở cổng bệnh viện. Nơi đây trở thành chỗ ghé chân thường xuyên của những người bán máu chuyên nghiệp ở thành phố Vinh.

Vài năm trở lại đây, những người bán máu chuyên nghiệp ở thành phố Vinh được quy tập thành một đội do ông Nguyễn Văn Hồng nắm giữ. Những năm trước, ông thường có mặt tại Khoa Xét nghiệm, BV đa khoa Nghệ An để giúp người hiến máu làm hồ sơ, thủ tục. Ông cũng là người cầm thẻ giúp cho nhiều người bán máu khi họ ngại phải cầm thẻ về nhà, là người nắm được danh sách hội để khi cần thì gọi từng người phù hợp với nhu cầu máu của bệnh viện.

Ông Hồng có 2 đời vợ, cũng là những người chuyên đi bán máu. Ông làm việc với tinh thần giúp đỡ mọi người, cả người cần lẫn người bán. Cách đây 3 năm ông Hồng qua đời, số điện thoại của ông được ông giao lại cho một người khác để có thể tiếp tục liên lạc với những người bán máu thường xuyên...

BV đa khoa Nghệ An, nơi có nhu cầu máu cao nhất Bắc miền Trung, cũng là địa điểm thường xuyên mà dân bán máu chuyên nghiệp lui tới. Ảnh: Nguyên Khoa

Theo những người bán máu chuyên nghiệp, mỗi khi túng quẫn, cách khoảng 1 tháng là họ lại có máu để bán bằng cách uống thật nhiều viên sắt và nước chanh muối. Trước khi đi, họ uống thêm thật nhiều nước. Bán xong lại lấy tiền ra hiệu thuốc mua thêm viên sắt...

"Dân bán máu chuyên nghiệp ai cũng phải uống thêm nhiều viên sắt. Dù sao chúng tôi cũng có sự tự hào riêng, máu chúng tôi là máu sạch, được kiểm tra, có sổ theo dõi đàng hoàng. Mặc dù loãng nhưng không bệnh tật", một chị bán máu ở cổng BV đa khoa Nghệ An tự hào nói.

Sống lâu trong nghề bán máu, những người chuyên nghiệp hiện nay đều có thêm một tên mới - tên của nhóm máu ở sau tên thật như Bà Thành A, anh Chiến A, anh Tịnh B, chị Ngọc O,... và tạo thành một cộng đồng sống chan hòa, tình cảm, yêu thương đùm bọc nhau giữa mảnh đất nắng, gió miền Trung khắc nghiệt. Thỉnh thoảng, có người cần máu, họ lại lên đường,...

BS Nguyễn Hoàng Cát - Phó Giám đốc Trung tâm Huyết học và truyền máu Nghệ An cho biết, trước đây, khi lượng máu cung cấp cho bệnh viện đang còn hiếm, đội quân bán máu là lực lượng chủ lực và được khoa huyết học xét nghiệm cấp thẻ để quản lí. Nhưng mấy năm gần đây, khi phong trào hiến máu tình nguyện tăng cao, cộng với những quy định khắt khe trong việc cho máu, bán máu khiến đội quân này gặp khó khăn, phải tỏa đi các bệnh viện khác.

Nói về chất lượng máu của những người đi bán chuyên nghiệp, một chuyên gia huyết học cho rằng, chúng không thể tốt bằng các chế phẩm máu được hiến tình nguyện bởi thời gian nghỉ giữa hai lần bán của họ thường quá ngắn, một số người vì tiền sẵn sàng che dấu bệnh tật,...

 
AloBacsi.vn (Theo VnExpress)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X