Hotline 24/7
08983-08983

Vaccine cúm năm 2022 sẽ phòng ngừa được chủng nào?

Giao mùa là thời điểm cúm mùa tấn công trẻ em. Trong đó, vaccine là biện pháp phòng ngừa chủ động giúp bảo vệ con yêu khỏi cúm mùa. Vaccine cúm năm 2022 có gì đặc biệt? Dưới đây là những thông tin bổ ích về phòng ngừa cúm mùa từ BS Trương Hữu Khanh - Nguyên trưởng khoa Nhiễm Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 và TS.BS Nguyễn Huy Luân - Trưởng đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

1. Trẻ nên tiêm loại vaccine cúm nào để an toàn và hiệu quả?

Khi phụ huynh lo lắng về nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp như COVID-19 hay cúm khi trẻ em đi học thì nên chọn vaccine loại nào để an toàn và hiệu quả cho trẻ ạ?

BS Nguyễn Huy Luân trả lời: Đối với vaccine ngừa cúm, hiện tại ở Việt Nam có hai loại đó là vaccine tam giá và vaccine tứ giá. Đặc biệt, theo tôi vaccine cúm tứ giá tiểu đơn vị cho thấy tính hiệu quả và an toàn, ít đau, ít biến chứng sẽ thích hợp hơn cho trẻ.

2. Vaccine cúm năm 2022 sẽ phòng ngừa được chủng nào? Khi nào nên tiêm cho trẻ?

Tôi nghe nói mỗi năm sẽ có loại vaccine ngừa cúm mới. Xin hỏi năm 2022, vaccine cúm sẽ phòng được những chủng nào? Nên cho bé tiêm vào tháng mấy trong năm để có vaccine mới ạ? Xin cảm ơn BS.

BS Nguyễn Huy Luân trả lời: Cúm mùa sẽ thay đổi mỗi năm. Theo đó, những trung tâm phát hiện cúm trên toàn thế giới sẽ giúp truy tìm những virus chiếm ưu thế cho năm sắp tới. Dựa trên tổng hợp nhiều số liệu của nhiều quốc gia, các nhà nghiên cứu sẽ phân tích ra được khả năng chủng cúm nào có thể xuất hiện nhiều trong những năm sắp tới, từ đó đưa ra những khuyến cáo cho các hãng sản xuất vaccine ngừa cúm phù hợp.

Đối với năm 2022, những khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cho những chủng vaccine cúm bao gồm: cúm A/H1N1, cúm A/H3N2, cúm B/Victoria và cúm B/Yamagata.

Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới và các Hiệp hội Y khoa khuyến cáo rằng nên tiêm ngừa cúm trước mùa cúm khoảng một tháng hoặc đầu tháng của mùa cúm.

Đối với những khu vực bắc bán cầu, thời điểm xảy ra dịch cúm mùa trong năm thường khoảng từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau. Do đó, người dân ở khu vực này phải tiêm ngừa cúm trong thời gian từ khoảng tháng 9 đến tháng 10.

Đối với khu vực nam bán cầu, mùa cúm lại diễn ra từ tháng 4-9. Vì vậy, người dân nên bắt đầu tiêm ngừa cúm từ tháng 3 đến tháng 4.

Tuy nhiên, Việt Nam lại thuộc vùng khí hậu nhiệt đới nên mùa cúm thường không rõ rệt như ở bắc bán cầu hay nam bán cầu mà sẽ xảy ra quanh năm. Đặc biệt, thời điểm chuyển mùa hoặc vào mùa mưa là khoảng thời gian virus cúm xuất hiện nhiều nhất.

Do đó, tại Việt Nam, phụ huynh có thể sắp xếp thời gian thuận tiện trong năm để đưa trẻ em đi tiêm phòng cúm.

3. Vaccine cúm liệu có gây ảnh hưởng đến trẻ?

Em đọc thông tin thì thấy cúm mùa tấn công trẻ là vì hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Vậy nếu chỉ bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, uống thuốc bổ sung tăng cường hệ miễn dịch là có thể phòng ngừa được bệnh, điều này có đúng không, thưa BS? Vì em sợ tiêm vaccine sẽ gây ảnh hưởng đến bé ạ. Mong BS cho em lời khuyên ạ.

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Theo tôi, hệ miễn dịch kém là do chúng ta thụ động. Ngược lại, hệ miễn dịch mạnh là do chúng ta được tiếp xúc với nhiều tác nhân bên ngoài môi trường. Như vậy, chúng ta không thể tăng cường hệ miễn dịch một cách nhanh chóng mà cần phải có thời gian. Đặc biệt, trẻ em rất cần hoà nhập với cộng đồng chứ không nên chờ trẻ tự khoẻ mạnh lên. Bởi trên thực tế, việc hòa nhập giúp trẻ tiếp xúc được với môi trường, từ đó miễn dịch cũng được nâng cao.

Vì vậy, phụ huynh không nên quan niệm rằng chỉ cần bổ sung dưỡng chất đầy đủ thì con có thể khỏe mạnh và ngừa cúm được. Tốt nhất, chúng ta vẫn nên cho trẻ tiêm vaccine ngừa cúm để bảo vệ trẻ tốt nhất.

Cúm là vaccine khá phổ biến, đã được sản xuất từ lâu đời với công nghệ an toàn đã được áp dụng tiêm cho rất nhiều trẻ em. Không chỉ riêng vaccine cúm, rất nhiều vaccine khác cũng sử dụng công nghệ này. Do đó, phụ huynh có thể yên tâm khi tiêm ngừa cúm cho con trẻ.

BS Trương Hữu Khanh - Nguyên trưởng khoa Nhiễm Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1

4. Theo dõi và chăm sóc trẻ như thế nào sau khi tiêm vaccine cúm?

Sau tiêm vaccine cúm, cần theo dõi và chăm sóc trẻ như thế nào? Thưa BS, nếu em lựa chọn tiêm vaccine cúm tứ giá tiểu đơn vị cho con thì có gặp nhiều tác dụng phụ không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Không riêng vaccine cúm, các loại vaccine đều có những lưu ý theo dõi khá giống nhau. Cụ thể, 30 phút đầu sau tiêm, các bậc cha mẹ cần theo dõi, nếu quan sát thấy trẻ có những biểu hiện như khó thở, tím tái, tức ngực, nổi mề đay thì cần báo cho bác sĩ tại đó giải quyết.

Khi về nhà, đặc biệt là trong 24 giờ đầu sau tiêm, phụ huynh cần theo dõi sát xem trẻ sốt như thế nào, có xuất hiện các triệu chứng như nôn ói, tức ngực, khó thở. Thông thường, trẻ sẽ có biểu hiện sưng vị trí tiêm, sốt, khó chịu và chúng ta chỉ kê thuốc chữa triệu chứng. Nếu cảm thấy lo lắng, quý phụ huynh có thể liên lạc đến nơi tiêm ngừa hoặc bác sĩ để nhận được lời khuyên phù hợp.

Vaccine cúm tứ giác tiểu đơn vị được sản xuất từ các protein kháng nguyên dành riêng để chống cúm nên khả năng xảy ra tác dụng không mong muốn rất thấp. Điều này cũng đã được chứng minh khi triển khai tiêm ngoài thực tế. Do đó, phụ huynh cứ yên tâm cho trẻ tiêm vaccine tứ giá.

5. Tiêm phòng cúm cho trẻ em ở đâu?

Vaccine cúm tứ giá tiểu đơn vị có sẵn tại các trung tâm tiêm phòng trên cả nước phải không thưa BS? Em có thể cho con đến bất cứ địa điểm tiêm dịch vụ nào để yêu cầu tiêm vaccine cúm đúng không ạ? Em ở Đắk Lắk, không phải trong thành phố lớn nên sợ không tiếp cận được loại vaccine này ạ.

BS Nguyễn Huy Luân trả lời: Vaccine cúm tứ giá thường sẽ được phân phối theo mùa: mùa bắc bán cầu hoặc mùa nam bán cầu. Vào thời điểm hiện tại, chúng ta đã có vaccine cúm tứ giá. Vaccine cúm tứ giá được phân phối theo hệ thống cho tất cả những đơn vị tiêm ngừa trên toàn quốc. Không chỉ riêng những thành phố lớn mà tất cả những đơn vị tiêm ngừa ở tất cả các tỉnh thành, kể cả vùng nông thôn vẫn có vaccine cúm tứ giá. Do đó, bạn có thể yên tâm liên hệ với đơn vị tiêm ngừa ngay tại nơi mình sinh sống tiêm ngừa vaccine cúm sớm nhất cho con của bạn.

TS.BS Nguyễn Huy Luân - Trưởng đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược

6. Làm sao để giảm được triệu chứng giả cúm sau tiêm vaccine?

Sau khi tiêm vaccine thường gặp các triệu chứng giả cúm như sốt, đau cơ, mệt mỏi… Xin BS chia sẻ có giải pháp nào giúp giảm được triệu chứng giả cúm này hay không?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Hội chứng giả cúm sau khi tiêm vaccine cúm cũng khá giống với những vaccine khác. Một số phụ huynh hoặc người tiêm ngừa nghĩ rằng sau tiêm vaccine cúm xong thì họ sẽ bị cúm, thật ra đây chỉ là kháng nguyên chứ không phải là virus cúm. Theo đó, những triệu chứng sẽ tự khỏi, tương tự như khi tiêm những loại vaccine khác.

Sau tiêm ngừa cúm, chúng ta có thể xuất hiện triệu chứng nhức mỏi cơ, triệu chứng này thường nhầm lẫn với mắc bệnh cúm. Tuy nhiên, đây là hội chứng khá bình thường và chúng ta vẫn có thể tự hồi phục.

7. Làm sao để phân biệt cúm mùa với các bệnh đường hô hấp khác?

Tỷ lệ mắc cúm giảm trong giai đoạn COVID-19 có thể do các biện pháp 5K, vậy với tình hình bình thường mới, trẻ quay lại trường và hòa nhập với cộng đồng thì tỷ lệ này sẽ như thế nào? Có cách nào để phân biệt cúm mùa với các bệnh hô hấp, bệnh truyền nhiễm khác như COVID-19, cảm lạnh không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu chúng ta không giãn cách, số trẻ tiếp xúc với virus và được chích ngừa sẽ khá cao nên số ca không tăng vọt. Nhưng sau thời gian giãn cách, những trẻ không được hoà nhập hoặc không có bất kỳ miễn dịch nào thông qua việc tiếp xúc cộng đồng hoặc tiêm ngừa. Chẳng hạn như những trẻ 3 tuổi thì trong 2 năm qua có lẽ không được đi ra ngoài để có được miễn dịch tự nhiên. Do đó, sau một thời gian dài giãn cách, trẻ hoà nhập trở lại có thể đối diện với nhiều nguy cơ khác nhau như: bệnh tay chân miệng, cúm, những bệnh lý đường hô hấp trên.

Tuy nhiên, chúng ta không thể nào dựa vào triệu chứng lâm sàng để phân biệt được cúm, COVID-19 và cảm lạnh. Thay vào đó, chúng ta có thể dựa vào dịch tễ để phân biệt những bệnh này. Ví dụ, nếu trong nhà bạn có 2 người đã bị COVID-19 thì người thứ 3 nếu có triệu chứng ở đường hô hấp trên thì khả năng cao họ bị COVID-19. Bên cạnh đó, chúng ta phải làm xét nghiệm mới có thể xác định chính xác được.

MC Hiền Thục - AloBacsi

8. Sau tiêm vaccine COVID-19, bao lâu có thể tiêm ngừa cúm?

Hiện các tỉnh thành dang triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi và em cũng đã có cho đi tiêm vaccine COVID-19 rồi. Xin hỏi bác sĩ, với những trẻ đã tiêm vaccine COVID-19 thì bao lâu có thể tiêm vaccine cúm ạ?

BS Nguyễn Huy Luân trả lời: Trước đây, chúng ta từng được khuyến cáo rằng sau khi tiêm ngừa COVID-19 thì nên ngắt quãng thời gian tiêm ngừa những vaccine khác là 14 ngày. Tuy nhiên, khi chúng ta thực hiện khuyến cáo đó, vô hình trung lại khiến nguy cơ mắc các bệnh khác cao hơn. Do đó, trong những khuyến cáo mới hiện nay của CDC Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế Thế giới, người ta cho rằng không cần giữ khoảng cách thời gian giữa tiêm ngừa COVID-19 và tiêm ngừa những vaccine khác.

Vì vậy, ngay tại thời điểm tiêm ngừa vaccine COVID-19, chúng ta vẫn có thể tiêm ngừa những vaccine khác, đặc biệt là vaccine cúm. Điều này sẽ giúp chúng ta hạn chế được khoảng thời gian di chuyển, hạn chế khả năng lây nhiễm những bệnh khác. Đó là những khuyến cáo đang được áp dụng trong thời điểm hiện tại.

9. Dấu hiệu nào cảnh báo cúm mùa phụ huynh cần cảnh giác?

Đâu là những dấu hiệu cảnh báo bệnh cúm mùa mà các bậc phụ huynh cần cảnh giác, thưa BS?

BS Nguyễn Huy Luân trả lời: Bệnh cúm mùa là một căn bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp do siêu vi. Do đó, bệnh nhân sẽ xuất hiện những triệu chứng ở đường hô hấp như: sốt, ho, hắt hơi và đau họng. Đặc biệt, bệnh nhân sẽ gặp những triệu chứng đặc trưng của cúm như: ớn lạnh, mệt mỏi và đau nhức cơ. Ngoài ra, đối với những trẻ nhỏ, trẻ có thể xuất hiện thêm những triệu chứng của đường tiêu hoá như: buồn nôn, nôn và tiêu chảy.

Đối với những trẻ mắc bệnh cúm có biến chứng, ngoài những biểu hiện kể trên, trẻ còn có thể xuất hiện những triệu chứng như co giật do sốt cao hoặc biến chứng khó thở, suy hô hấp và gây ra bệnh cảnh viêm phổi.

10. Liệu có trường hợp đồng mắc cúm mùa với các tác nhân khác?

Thực tế, trong quá trình thăm khám, BS đã ghi nhận trường hợp nào đồng mắc cúm mùa và các tác nhân khác? Nếu có, nhờ BS có thể chia sẻ câu chuyện điển hình gây ấn tượng trong quá trình phát hiện bệnh và điều trị ạ.  Nếu trẻ mắc cùng lúc cúm mùa và các bệnh đường hô hấp khác chẳng hạn như COVID-19 thì gánh nặng lên y tế và sức khỏe sẽ gia tăng như thế nào?

BS Nguyễn Huy Luân trả lời: Đối với bệnh ở đường hô hấp, những tác nhân gây đồng mắc rất thường gặp. Trong một nghiên cứu cách đây 2 năm về những căn nguyên gây viêm phổi, người ta thấy rằng có 25% do siêu vi (trong đó bao gồm cả virus cúm); 25% là do đồng mắc giữa siêu vi và vi khuẩn; nhóm còn lại là do vi khuẩn hoặc những tác nhân khác gây ra. Như vậy, với tác nhân là siêu vi, bao gồm cả virus cúm, tỷ lệ đã lên đến 50%. Có thể thấy, khả năng đồng mắc giữa bệnh cúm và những bệnh khác là rất cao.

Như đã chia sẻ, trường hợp đồng mắc có thể xảy ra giai đoạn đầu tiên khi bệnh nhân mắc bệnh hay bội nhiễm thêm trong quá trình mắc bệnh cúm. Theo đó, người bệnh sẽ bị giảm sức đề kháng, đồng thời những tế bào niêm mạc đường hô hấp bị tổn thương, làm cơ sở cho những vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào bên trong gây bội nhiễm.

Trên thực tế lâm sàng, một số trẻ trong giai đoạn đầu mắc bệnh chỉ xuất hiện những triệu chứng rất nhẹ như sốt, ho, và có thể gây viêm phổi nhẹ… nhưng vẫn có thể sử dụng được những kháng sinh thông thường để điều trị. Tuy nhiên, sau khoảng vài ngày, trẻ bị bội nhiễm với một vi khuẩn khác, trong đó thường gặp nhất là vi khuẩn phế cầu và Haemophilus Influenzae. Khi đó, trẻ sẽ đột ngột khó thở và suy hô hấp, phải nhập viện để thở máy và sử dụng kháng sinh trong thời gian dài. Trong trường hợp này, nếu được điều trị phù hợp trẻ có thể hồi phục. Song, một số trẻ có tình hình bệnh diễn tiến nặng hơn nên đã không qua khỏi, đó là điều vô cùng đáng tiếc.

11. Tiêm vaccine ngừa cúm - lá chắn bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội

Hai chuyên gia có thể gửi đến quý bạn đọc một vài lời khuyên về tầm quan trọng của vaccine cúm và những lưu ý mà phụ huynh cần nắm để bảo vệ con trẻ trước cúm mùa đặc biệt trong bối cảnh bình thường mới hiện tại.

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Theo tôi, chúng ta cần hiểu rằng virus cúm là hiện hữu chứ không phải một bệnh cảm thông thường. Theo đó, đối tượng dễ bị tấn công sẽ tuỳ theo lứa tuổi và bệnh nền mà người đó có sẵn. Đặc biệt, cúm rất khó phân biệt với những bệnh đường hô hấp.

Bên cạnh đó, cúm ở Việt Nam không giống như ở các nước bắc bán cầu hay nam bán cầu mà nó có thể xảy ra quanh năm. Do đó, nếu chúng ta có khả năng, đặc biệt là những người có nguy cơ nên tìm hiểu về vaccine cúm. Ngoài ra, do vaccine phải có hạn sử dụng tối đa chỉ 1 năm nên chúng ta không nên quá lo lắng khi thấy thời gian sử dụng ngắn.

BS Nguyễn Huy Luân trả lời: Có thể thấy rằng, vaccine cúm rất an toàn và chúng ta đã sử dụng từ rất lâu. Với công nghệ vaccine tiểu đơn vị, vaccine cúm khá an toàn, ít biến chứng, đặc biệt là ít đau. Yếu tố này rất phù hợp cho việc tiêm cho trẻ em.

Về mặt hiệu quả, đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ em được tiêm ngừa cúm sẽ giảm được 74% tỷ lệ nhập viện. Đối với trường hợp mẹ bị cúm, khả năng nhập viện của trẻ sẽ giảm nhiều hơn nữa, tỷ lệ này chiếm khoảng 94%.

Bên cạnh giảm được tỷ lệ nhập viện, chúng ta còn có thể giảm đi những biến chứng nặng, cũng như giảm được tỷ lệ tử vong. Trong tình hình COVID-19 hiện tại, chúng ta sẽ ít sai sót trong việc chẩn đoán giữa mắc cúm và COVID-19, giúp điều trị kịp thời hơn.

Ngoài ra, khi tiêm ngừa cúm, ngoài việc bảo vệ bản thân, chúng ta còn góp phần tránh hiện tượng lây nhiễm trong gia đình và trong cộng đồng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người có bệnh nền, làm giảm gánh nặng bệnh tật cho bản thân, gia đình và cả xã hội.

Anh Thi (ghi) – AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X