Hotline 24/7
08983-08983

Ưu điểm của thuốc kháng đông đường uống mới trong điều trị các bệnh lý huyết khối

Ngày 18/01/2024 Bệnh viện Nhân dân Gia Định tổ chức chương trình cập nhật y khoa liên tục chủ đề “Tối ưu hóa sử dụng kháng đông trong các bệnh lý huyết khối”. Chương trình được diễn ra theo 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến với mục tiêu cập nhật những kiến thức trong tối ưu hóa sử dụng kháng đông trong các bệnh lý huyết khối.

Dự kiến năm 2050 số bệnh nhân bị rung nhĩ của châu Á cao gần gấp đôi châu Âu và châu Mỹ

Mở đầu chường trình, PGS.TS.BS Đỗ Quang Huân - Phó Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện tim TPHCM đã trình bày bài báo cáo “Kháng đông ở bệnh nhân rung nhĩ: Bằng chứng nào cho bệnh nhân châu Á”.

Chuyên gia thông tin, thống kê năm 2023, trên thế giới có 43 triệu người bị rung nhĩ. Trong đó, châu Á chiếm 20 triệu bệnh nhân, châu Âu 14 triệu bệnh nhân,… Mặc dù có nhiều phương pháp điều trị nhưng dự kiến đến năm 2030, con số rung nhĩ sẽ tăng lên 70%.

Khảo sát của châu Âu năm 2020, cứ 3 người sẽ có 1 người có thể bị rung nhĩ. Dự kiến năm 2050 số bệnh nhân bị rung nhĩ của châu Á cao hơn châu Âu và châu Mỹ (gần gấp đôi). Bên cạnh đó, thống kê tại Hoa Kỳ và Trung Quốc năm 2050 cho thấy bệnh nhân rung nhĩ của Trung Quốc cao gấp đôi Hoa Kỳ.

Có rất nhiều nguyên nhân góp phần gây nên rung nhĩ như bệnh mạch vành, suy tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, COPD, béo phì,…. Nếu không có bệnh lý, 20% dân số có thể mắc rung nhĩ khi trên 50 tuổi.

PGS.TS.BS Đỗ Quang Huân cho biết: “Rung nhĩ nếu phát hiện sớm có thể chuyển nhịp được, tỷ lệ thành công rất cao. Nếu bệnh nhân trên 12 tháng chuyển nhịp thì tỷ lệ tái phát chiếm từ 30 - 40%.

Đới với bệnh nhân rung nhĩ theo thống kê của châu Âu cho thấy làm tăng 4 - 5 lần nguy cơ tai biến mạch máu não nếu không điều trị, tăng 3 lần nguy cơ suy tim, tăng 40 - 90% nguy cơ tử vong chung và tuổi càng cao tỷ lệ rung nhĩ càng tăng”.

PGS.TS.BS Đỗ Quang Huân - Phó Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện tim TPHCM

Khuyến cáo 2020 của Hội Tim mạch châu Âu, khi điều trị bệnh nhân rung nhĩ rất phức tạp, cần nhiều khoa phối hợp với nhau. Bệnh nhân phải bỏ thuốc lá, ăn kiêng,… tuy nhiên nền tảng điều trị quan trọng nhất là ngừa không bị tai biến mạch máu não, cách duy nhất là sử dụng thuốc kháng đông.

Những khó khăn trong điều trị bằng thuốc kháng vitamin K là một phần lý do của việc bệnh nhân chưa được dùng thuốc kháng đông. Những rào cản của kháng vitamin K bao gồm: Hoạt tính kháng đông không dự đoán trước được, khoảng INR mục tiêu hẹp; Theo dõi hoạt tính kháng đông thường xuyên bằng xét nghiệm INR; Liều không cố định hay phải chỉnh liều; Bệnh nhân phải có chế độ ăn nghiêm ngặt để hạn chế tương tác với thức ăn; Có liều tương tác với các thuốc dùng kèm; Khó khăn để đảm bảo hiệu quả điều trị, an toàn và duy trì tuân thủ điều trị. Kháng vitamin K rất phức tạp, cần có kinh nghiệm điều chỉnh thuốc cho bệnh nhân nếu không máu sẽ quá loãng.

Đối với bệnh nhân châu Á, theo nghiên cứu của Đài Loan thống kê tất cả bệnh nhân rung nhĩ sử dụng kháng đông đường uống nhận thấy, bệnh nhân sử dụng kháng đông đường uống mới có tỷ lệ tử vong, nhồi máu cơ tim, xuất huyết nội sọ, xuất huyết tiêu hóa,… thấp hơn so với warfarin. Warfarin tỷ lệ tử vong cao nhất so với tất cả các kháng đông đường uống mới, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.

“Số bệnh nhân bị rung nhĩ ngày càng tăng trên thế giới, đặc biệt là châu Á. Rung nhĩ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ. Thuốc kháng vitamin K và thuốc kháng đông đường uống mới làm giảm tỷ lệ bệnh nhân bị đột quỵ do rung nhĩ. Bệnh nhân châu Á có tỷ lệ INR thời gian trong khoảng điều trị rất thấp, nếu thấp hơn 65% trong khoảng điều trị biến cố sẽ tăng lên làm tăng xuất huyết nhồi máu não và tử vong” - PGS.TS.BS Đỗ Quang Huân chia sẻ thêm.

Kháng đông đường uống mới chứng minh có hiệu quả vượt trội so với kháng vitamin K trên bệnh nhân châu Á. Rivaroxaban từ các nghiên cứu ngẫu nhiên cho đến các nghiên cứu quan sát đều cho thấy giảm tỷ lệ tử vong, nhồi máu não, xuất huyết não trên các bệnh nhân châu Á rung nhĩ.

Rối loạn chức năng thận làm tăng nguy cơ đột quỵ, xuất huyết và tử vong trên bệnh nhân rung nhĩ

Chương trình được tiếp nối với bài báo cáo “Rung nhĩ ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận: NOACs hay VKA?” của BS.CK2 Nguyễn Thái Yên - Phó Trưởng khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Tỷ lệ bệnh nhân rung nhĩ chiếm 1 - 2% dân số ở Mỹ, thấp hơn các nước châu Á và châu Phi. Riêng Việt Nam, công bố cho thấy tỷ lệ bệnh nhân rung nhĩ ở nước ta chiếm khoảng 1% trong đó 64% bệnh nhân rung nhĩ có rối loạn chức năng thận. Rối loạn chức năng thận làm tăng nguy cơ đột quỵ, xuất huyết và tử vong trên bệnh nhân rung nhĩ.

“Thuốc kháng đông đường uống có tác dụng dự phòng thuyên tắc huyết khối tốt hơn, cũng như không làm tăng nguy cơ chảy máu so với bệnh nhân sử dụng warfarin.

Trong hướng dẫn điều trị về rung nhĩ của Hiệp hội Tim mạch châu Âu năm 2020 đã nêu rõ, để dự phòng đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ kháng đông đường uống thế hệ mới được khuyến cáo cao hơn thuốc kháng vitamin K” - BS.CK2 Nguyễn Thái Yên cho biết.

BS.CK2 Nguyễn Thái Yên - Phó Trưởng khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Dược động học của các NOAC thì rivaroxaban và apixaban ít thải trừ quả thận; dabigatran đến 80% chuyển hóa quả thận, cho thấy nồng độ thuốc trong máu biết đổi rất lớn theo chứng năng thận: tăng gấp 2 lần ở nhóm suy thận nhẹ, gần 3 lần ở nhóm suy thận mức độ trung bình.

Suy giảm chức năng thận là vấn đề lớn trên bệnh nhân rung nhĩ. Suy giảm chức năng thận xấu đi (ở nhiều mức độ khác nhau) cao hơn so với bệnh nhân rung nhĩ, đi cùng với đó là nguy cơ tử vong cũng tăng lên. Ở những bệnh nhân sử dụng kháng vitamin K có thể làm chức năng thận suy giảm nhanh hơn, do tăng vôi hóa động mạch thận.

Mục tiêu điều trị ở bệnh nhân rung nhĩ có bệnh thận mạn không chỉ là dự phòng đột quỵ mà còn bảo tồn chức năng thận cho bệnh nhân. Trong đó, Rivaroxaban làm giảm nguy cơ suy thận cấp, đột quỵ do thiếu máu cục bộ, xuất huyết nội sọ, tử vong do mọi nguyên nhân và không làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa so với warfarin.

Rối loạn chức năng thận phổ biến trên bệnh nhân rung nhĩ, làm tăng nguy cơ đột quỵ và xuất huyết của bệnh nhân. NOAC ưu thế hơn warfarin về hiệu quả trên dự phòng đột quỵ/SE và độ an toàn trên các biến cố xuất huyết.

BS.CK2 Nguyễn Thái Yên kết luận: “Quản lý bệnh nhân rung nhĩ kèm suy thận không chỉ đơn thuần là dự phòng đột quỵ mà cần chú ý đến bảo tồn chức năng thận để tối ưu hóa hiệu quả điều trị.

Rivaroxaban là NOAC phù hợp trên nhóm bệnh nhân suy thận: NOAC duy nhất có liều chuyên biệt trên bệnh nhân suy thận, hiệu quả và độ an toàn trên nhóm dân số này đã được chứng minh qua ROCKET AF. Bên cạnh đó, hiệu quả bảo tồn chức năng thận được chứng minh qua nhiều nghiên cứu”.

Trong các loại ung thư thường gặp tại Việt Nam tỷ lệ xuất hiện thuyên tắc huyết khối hằng năm có thể lên đến 20%

Tập trung vào vấn đề “Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân ung thư: Cách thức tối ưu hóa lựa chọn kháng đông”, TS.BS Nguyễn Đức Khánh - Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Cán bộ giảng bộ môn Nội Đại học Y Dược TPHCM cho biết, với dân số trên 97 triệu người, Việt Nam có hơn 182.000 ca mắc mới ung thư trong năm và hơn 353.000 ca mắc trong 5 năm, đây là con số rất lớn.

Các bệnh lý ung thư gây tử vong ở Việt Nam là ung thư gan, phổi, ung tư vú và ung thư đại tràng,… chiếm tỷ lệ rất cao. Đối với bệnh nhân nữ, ung thư vú đứng hàng đầu, sau đó là ung thư phổi và ung thư trực tràng. Bệnh nhân nam, có 2 nguyên nhân chiếm hàng đầu là ung thư gan và ung thư phổi.

TS.BS Nguyễn Đức Khánh - Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Cán bộ giảng bộ môn Nội Đại học Y Dược TPHCM

Nghiên cứu gần 1 triệu người tại Mỹ cho thấy tỷ lệ xuất hiện thuyên tắc huyết khối ở bệnh nhân trong 12 tháng theo dõi là 6,6%. Trong các loại ung thư thường gặp tại Việt Nam tỷ lệ xuất hiện thuyên tắc huyết khối hằng năm có thể lên đến 20%, trong khi số liệu chung cho mọi loại ung thư chỉ có khoảng 6,6%. Điều này là gánh nặng rất lớn cho cộng đồng của chúng ta.

TS.BS Nguyễn Đức Khánh cũng chia sẻ thêm: “Bệnh nhân ung thư có rất nhiều yếu tố hình thành huyết khối như khối u, quá trình điều trị,… Trong đó, bệnh nhân ung thư tại thời điểm được chẩn đoán thuyên tắc huyết khối cấp, ung thư có khả năng đã di căn và tiên lượng sống sót sau 1 năm thấp hơn nhóm bệnh nhân ung thư không có thuyên tắc huyết khối.

Thuyên tắc huyết khối phổ biến trên bệnh nhân ung thư và đang có xu hướng gia tăng theo thời gian. Nguy cơ thuyên tắc huyết khối tăng cao khi bệnh diễn tiến qua giai đoạn muộn. Đây là gánh nặng về mặt lâm sàng cũng như về mặt kinh tế ở bệnh nhân ung thư, do đó cần đẩy mạnh việc dự phòng ở bệnh nhân có chỉ định”.

Chuyên gia nhấn mạnh, cần dự phòng thuyên tắc huyết khối theo nhóm bệnh nhân và nguy cơ cụ thể của từng bệnh nhân dựa trên y học thực chứng. Điều trị kháng đông trên bệnh nhân ung thư gặp nhiều khó khăn như: nguy cơ xuất huyết, huyết khối và tử vong, giảm tiểu cầu, tương tác thuốc, kỳ vọng sống thấp và tuân thủ điều trị. Lựa chọn thuốc nên dựa trên hiệu quả, chi phí và điều kiện của bệnh nhân.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X