Hotline 24/7
08983-08983

Uống thuốc cảm cúm có làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai?

Câu hỏi của bạn đọc AloBacsi về: uống thuốc cảm cúm khi đang uống thuốc tránh thai, lỡ dùng thuốc povidine hết hạn, chỉ số xét nghiệm CA72-4, nổi gân xanh ở dưới quần mắt... đã được BS.CK1 Cao Thị Lan Hương giải đáp.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - Bệnh viện Trưng Vương

NỘI DUNG TƯ VẤN

Uống thuốc cảm cúm có làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai?

- Kim Thùy - tongthu...@gmail.com

BS cho em hỏi,

Uống thuốc cảm cúm khi đang sử dụng thuốc tránh thai được không?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Người đang uống thuốc tránh thai thì vẫn có thể uống thuốc cảm được, nhưng mà, để an toàn nhất thì hai thuốc này nên uống cách xa nhau ít nhất 2 giờ, cả hai thuốc này đều không cần uống khi ăn, nên em ưu tiên thuốc tránh thai dùng đúng giờ.

Tuy nhiên, em cần chú ý là dù em có uống thuốc cảm hay không uống thuốc cảm thì hiệu quả ngừa thai của thuốc tránh thai cũng không thể đạt 100% được, chỉ có triệt sản mới đạt hiệu quả ngừa thai 100% mà thôi. 100 người đặt vòng tránh thai vẫn có khoảng 5 người dính thai khi còn mang vòng. Còn đối với hiệu quả của thuốc ngừa thai thì không cũng không đạt được 100%.

Đối với loại thuốc tránh thai dùng hàng ngày, thì nếu dùng không đúng (không đúng giờ, có ngày quên ngày không) thì hiệu quả ngừa thai chỉ được 92%, còn nếu dùng tuyệt đối đúng giờ không bỏ ngày nào thì cũng chỉ ngừa được 99%.

 

Nổi gân xanh ở dưới quầng mắt có cách nào làm mờ được không?

- Trần Văn Chân - cuchan...@gmail.com

Tôi bị nổi gân xanh ở dưới quầng mắt, bị bẩm sinh, vậy có cách nào làm mờ nó đi hay không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Những gân xanh dưới quầng mắt chính là các tĩnh mạch nông nằm sát dưới da. Đây là tình trạng thường gặp ở các làn da mỏng, yếu, dễ tổn thương. Hiện tượng này thường có liên quan đến cơ địa di truyền (bẩm sinh) hay do thoái hóa, sử dụng mỹ phẩm bừa bãi, sử dụng sản phẩm có corticoid, tác hại của việc thường xuyên phơi da dưới ánh nắng mặt trời mà không có kem chống nắng bảo vệ...

Những mạch máu này không nguy hiểm, không cần điều trị trừ khi muốn giải quyết do nhu cầu thẩm mỹ. Khi đó, việc điều trị thường cần đến công nghệ bắn tia laser, ánh sáng xanh, tiêm xơ... tùy vào điều kiện kinh tế của em. Với vấn đề này, em nên khám tại bv da liễu, em nhé.

 

Có thể cùng lúc bị bệnh đại tràng và bệnh trĩ?

- Hưng - there...@gmail.com

Chào AloBacsi,

Em là nam 24 tuổi, gần đây có triệu chứng ăn thức ăn lạ là dễ đau bụng, tiêu chảy và sau khi bình thường lại có biểu hiện táo bón khó đi ngoài. Đi ngoài có hiện tượng ra máu. Em còn phát hiện ở hậu môn có bị sưng phình mô nghi ngờ trĩ. Nhờ bác sĩ hỗ trợ chẩn đoán em bị đại tràng hay trĩ? Cách chữa trị ạ. Em cảm ơn ạ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Một người có thể vừa có bệnh đại tràng vừa có bệnh trĩ, như trong trường hợp của em có khả năng là em có hai bệnh cùng 1 lúc.

Táo bón thường xuyên sẽ gây ra trĩ, trĩ càng nặng thì càng làm tiêu phân khó khăn hơn, thậm chí tiêu phân không hết do búi trĩ to chèn bít cửa hậu môn. Nhưng trĩ thì không gây ra chuyện lúc tiêu chảy lúc táo bón được, đó là biểu hiện của rối loạn nhu động ruột. Rối loạn nhu động ruột là một trong các triệu chứng của bệnh đại tràng.

Cả trĩ và bệnh đại tràng đều có thể làm đi cầu ra máu, nhưng mà bệnh đại tràng nguy hiểm hơn trĩ, cho nên cần phải loại trừ bệnh đại tràng khi có dấu hiệu nghi ngờ.

Vì thế, em cần khám chuyên khoa tiêu hóa để bác sĩ kiểm tra cho em, sau khi thăm khám và làm 1 số xét nghiệm (như siêu âm bụng, nội soi đại trực tràng...), bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp cho em.

Trong thời gian này, em cần ăn chín uống sôi, tránh bia rượu, không cafe, tránh thực phẩm nhiều dầu mỡ nhiều gia vị, cay nóng, nên tăng cường chế độ ăn giàu chất xơ, rau xanh và hoa quả, đảm bảo ngủ đủ.

 

Cổ tay đau sau chấn thương nhưng chụp X-quang không thấy gì?

- Lê Trung Kiên - trungkien...@gmail.com

Xin chào bác sĩ,

Em bị ngã chống mạnh cổ tay xuống đất đên nay đã 1 năm rồi ạ! Đi chụp X-quang bác sĩ nói không có vấn đề gì về xương, không ra bệnh! Nhưng khi em chống đẩy cổ tay ép xuống cảm giác vẫn đau ổ khớp! Xin hỏi bác sĩ như vậy là sao ạ? Cảm ơn bác sĩ!

Thông tin thêm: em làm việc vẫn bình thường không bị đau nhưng khi chống đẩy thì mới bị đau ổ khớp ạ. Em ở Đài Loan do bất đồng ngôn ngữ nên khó thăm khám! Mong bác sĩ giúp đỡ ạ!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Phim Xquang xương khớp chỉ khảo sát về phần xương thôi, chủ yếu là xem gãy xương, nứt xương có hay không. Nhưng mà hoạt động của cổ tay thì đâu chỉ có xương, còn có dây chằng, gân cơ, cơ... Cho nên chụp 1 phim Xquang thấy không có vấn đề gì về xương thì không phải là không có bệnh, hay "không ra bệnh" khi mà cổ tay em vẫn có triệu chứng đau khi chống đẩy.

Có khả năng dây chằng, gân cơ, bao khớp tại khớp cổ tay đã bị tổn thương sau tai nạn cách đây 1 năm và giờ vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, cũng có thể động tác chống đẩy của em có vấn đề (phân bố lực không đồng đều). em cần và nên khám bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp hay bác sĩ Y học thể thao để bác sĩ khám trực tiếp, làm một vài nghiệm pháp kiểm tra cho em, từ đó sẽ có kết luận được chính xác về bệnh.

Hiện tại cổ tay em làm việc bình thường vẫn không đau chứng tỏ xương không có vấn đề gì thật, em đừng lo lắng, sắp xếp khi nào về nước thì đi khám bệnh vì hiện cũng không gấp gì. Trong thời gian đó, em chuyển sang chơi các môn thể thao khác giảm dùng lực lên cổ tay bị thương, em nhé.

 

Xét nghiệm chỉ số CA72-4 cao có phải là ung thư?

- Đ. T. Thu Hiền - thuhienh...@gmail.com

Em xét nghiệm CA72-4 chỉ số 9.00 có sao không bác sĩ? Chỉ số bình thường < 6 ạ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

CA 72-4 là tên viết tắt của kháng nguyên carbohydrate 72-4 (carbohydrate antigen 72-4) hoặc kháng nguyên ung thư 72-4 (cancer antigen 72-4). Kháng nguyên ung thư CA 72-4 là một một mucin-glycoprotein được thấy trên bề mặt của nhiều loại tế bào như tế bào buồng trứng, vú, đại tràng, tụy, đặc biệt là tế bào ung thư biểu mô dạ dày (gastric adenocarcinoma).

Chỉ số CA 72-4 là xét nghiệm miễn dịch đặc hiệu trong ung thư dạ dày nhưng vẫn có thể tăng ít trong viêm dạ dày. Do đó, chỉ chỉ số CA 72-4 có giá trị chính trong theo dõi điều trị và đánh giá tái phát ở những trường hợp đã được chẩn đoán và điều trị ung thư dạ dày.

Trường hợp người bình thường làm xét nghiệm tổng quát mà thấy chỉ số này tăng nhẹ hơn so với giá trị bình thường thì chưa thể khẳng định là đã bị ung thư dạ dày, nhưng cần xem xét với các xét nghiệm còn lại và kiểm tra bệnh lý dạ dày, đặc biệt nếu có các khó chịu ở dạ dày.

Em khám thêm tại chuyên khoa tiêu hóa, em nhé!

 

Bị mụn nặng nên uống thuốc kháng sinh loại nào?

- Nguyễn Trần N.T. - nguyentran...@gmail.com

Dạ con đang bị mụn nặng ở vùng trán và 1 bên má. Hiện nay con dùng megaduo nhưng vẫn chưa thấy kết quả, con dùng 2 chai rồi ạ. Bây giờ con có nên mua thuốc doxycycline để uống không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Những trường hợp mụn nặng nếu chỉ dùng mỗi thuốc kháng viêm dạng gel như Megaduo sẽ không đủ để giải quyết chúng. Đa phần các trường hợp mụn nặng cần dùng thêm kháng sinh và thuốc giảm tiết bã.

Doxycycline là một trong những thuốc kháng sinh được dùng trong trị mụn, tuy nhiên, em không nên tự ý mua kháng sinh về uống, việc này có hại hơn là có lợi. Điều trị chắp vá sẽ không hiệu quả bằng điều trị bài bản, hệ thống. Em nên khám chuyên khoa da liễu để được kê thuốc điều trị thích hợp, an toàn, em nhé.

 

- Hong Nguyen - nguyendo…@gmail.com

Tiếp theo câu hỏi trước:

>> HBsAg dương tính, người mệt mỏi, tăng nhẹ bilirubin, nên uống thuốc kháng virus viêm gan B chưa?

>> Kết quả xét nghiệm viêm gan B bình thường, có nên uống thuốc kháng virus?

Dạ vâng,

Bữa trước bác sĩ hiểu nhầm ý em.  Ý em là khi em xét nghiệm nhiều lần kháng nguyên HBsAg (miễn dịch tự động) thì luôn âm tính, nhưng khi định lượng HBsAg thì lại là 33,38 iu/l (em cũng không hiểu là do bác sĩ khám cho em đánh máy kiểu gì mà ghi kết quả đơn vị là iu/l trong khi chỉ số tham chiếu trong phiếu kết quả lại ghi iu/ml) lớn hơn nhiều so với ngưỡng 0,05 iu/ml. Trong khi em đã có định lượng kháng thể anti HBs là 32,67 iu/ml. Tức là dương tính, đã có kháng thể bảo vệ,nhưng anti HBc IgG là dương tính (nghĩa là em đã bị nhiễm từ trước do mẹ em truyền khi sinh em).

Em có hỏi 1 vài bác sĩ chuyên về bệnh gan có bác sĩ thì bảo em đã khỏi bệnh vì HBsAg (định tính) là âm tính ! Nhưng chắc xét nghiệm HBsAg định tính không chính xác bằng định lượng, vì thế em còn băn khoăn giữa hai kq định tính thì âm tính mà định lượng HBsAg lại vượt ngưỡng.

Liệu 2 thông số như vậy em nên hiểu theo cách là em đã khỏi bệnh tức là cơ thể đã đào thải hết virus hay là em chỉ mới ở tình trạng hồi phục chứ chưa thể khỏi đc bệnh? Hay do virus của em bị đột biến nên HBsAg (định tính) âm tính chỉ là giả ạ?

Kết quả mới nhất của em đây ạ. Bác sĩ cho em hỏi chỉ số xét nghiệm ferritin của em cao như vậy là do nguyên nhân từ đâu ạ?

Ảnh do bạn đọc cung cấp

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Chào em,

Tôi chỉ biện luận dựa trên kết quả em gửi về AloBacsi với tổng cộng là 2 hình chụp kết quả xét nghiệm.

Trong đó, kết quả của em là HBsAg định lượng và bán định lượng đều âm tính, nghĩa là em không có đang nhiễm virus viêm gan B. Đồng thời, kết quả Anti HBc total (bao gồm cả Ig M và Ig G) dương tính. Điều này nhiều khả năng là em đã từng nhiễm virus viêm gan B và cơ thể đang thải trừ thành công.

Hiện tượng đột biến HBsAg đã từng được ghi nhận trên thế giới nhưng rất hiếm, mà thường gặp là Anti HBs tạo lập chậm (còn gọi là giai đoạn cửa sổ). Muốn phân biệt 2 trường hợp này, đơn giản là chờ 3 tháng sau xét nghiệm lại kháng thể Anti HBs, hoặc bây giờ làm luôn định lượng HBV DNA trong máu cho an tâm.

Ngoài ra, với những thông số em cung cấp, không đủ dữ liệu để giải thích việc tăng ferritin, em cần trao đổi với bác sĩ đã cho em làm các xét nghiệm này để họ tổng hợp thông tin dữ kiện lâm sàng mới đưa ra câu trả lời thích đáng được, em nhé.

 

- Phan Toại - sutoa...@gmail.com

Cho em hỏi tháng trước em có bị đứt tay do mảnh kính cường lực điện thoại làm , em có xức thuốc đỏ povidine nhưng không để ý hạn sử dụng , tới tháng này em mới biết là nó hết hạn từ tháng 7. Vậy em sử dụng vậy có hại máu hay đường ruột không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Povidine là thuốc sát khuẩn có thành phần chính là iod. Khi hết hạn sử dụng thì nồng độ iod có bị biến đổi, tác dụng sát khuẩn sẽ giảm là chính, chứ với 1 lượng nhỏ xíu xứt vào vết thương đứt tay thì không đủ để gây ngộ độc (gây hại cho máu và đường ruột) đâu, em đừng lo nhé.

 

- ZL Mèo Con

Bác sĩ ơi, bị cận thì phải làm sao để tránh tăng độ ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Độ cận tăng quá nhanh không chỉ ảnh hưởng lớn tới thị lực không kính mà cận thị nặng còn có nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, đe dọa thị lực nghiêm trọng như bong võng mạc, thoái hóa hắc võng mạc, lỗ hoàng điểm, đục thể thủy tinh...

Những sai lầm khiến mắt tăng độ nhanh em có thể tham khảo để chú ý hơn trong việc chăm sóc mắt hàng ngày:

- Đeo kính không đúng độ, đeo kính có độ thấp hoặc cao hơn thì mắt vẫn phải điều tiết nhiều hơn mới có thể nhìn đúng sự vật được, quá trình điều tiết nhiều như vậy kéo dài sẽ tăng độ nhanh hơn.

- Tư thế ngồi, đọc sai, để vật quá gần mắt

- Không cho mắt nghỉ ngơi, nếu như thường xuyên nhìn quá gần hoặc lạm dụng các thiết bị điện tử sẽ khiến độ cận tăng rất nhanh. Em nên áp dụng quy tắc 20-20-20 để đôi mắt được làm việc - nghỉ ngơi - tập luyện một cách hợp lý.

- Không đeo kính râm hoặc đeo kính râm không số khi đi nắng

- Ăn uống thiếu chất

- Không tái khám mắt định kỳ, nếu cận quá nặng hoặc tăng quá nhanh, em cần đến khám kiểm tra mắt định kỳ để bác sĩ theo dõi và điều chỉnh ngay cho em, em nhé.

 

- Nguyễn Nhật Lệ - nhatlien...@gmail.com

Chào AloBacsi,

Cho tôi hỏi kết quả xét nghiệm có chỉ số NEU% 36.4 có ảnh hưởng gì tới sức khỏe không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Xét nghiệm cho các chỉ số của tế bào máu hiện nay đang dùng rộng rãi là xét nghiệm “tổng phân tích tế bào máu bằng tia laser”. Khi quét qua tia laser, máy có thể có lầm lẫn trong giới hạn cho phép khi phân định các loại tế bào máu. Hơn nữa, những người khỏe mạnh bình thường cũng có thể có xê dịch đôi chút trong kết quả xét nghiệm công thức máu.

NEU là viết tắt của bạch cầu trung tính trong máu. Bạch cầu được phân thành 3 loại chính: Bạch cầu hạt, bạch cầu đơn nhân và lympho.

Bạch cầu hạt (granulocyte) được đặc trưng bởi các hạt nhuộm màu khác nhau trong tế bào chất dưới kính hiển vi quang học. Có ba loại bạch cầu hạt: bạch cầu trung tính (neutrophil), bạch cầu ái kiềm (basophil) và bạch cầu ái toan (eosinophil) (được đặt tên theo các thuộc tính nhuộm màu của chúng).

NEU% là tỉ lệ phần trăm của neutrophil trong tổng số bạch cầu, còn NEU# là trị số tuyệt đối hay số lượng tế bào của neutrophil trong máu tính theo k/ul (ngàn tế bào trên 1 microlit máu).

Chỉ số em cung cấp cho thấy phần trăm neutrophil giảm nhẹ nhưng trị số tuyệt đối của neutrophil thì bình thường, các chỉ số khác cũng nằm trong ngưỡng giá trị bình thường (vì thấy em không nhắc đến). Điều này thôi thì không thể kết luận em có bệnh, hơn nữa, bác sĩ cần phải xem xét thêm các khó chịu hiện tại, các kết quả xét nghiệm khác mới kết luận được.

Nếu em cảm thấy trong người khỏe khoắn không có gì bất thường thì có thể theo dõi thêm và làm lại xét nghiệm này 2-3 tháng sau.

 

- Trịnh H. C. - trinh...@gmail.com

Em có thói quen thức đêm, mà trong người em có cái thói quen ngồi một mình lại hay nghĩ nói lung tung âm thầm trong đầu. Hay khi đang làm việc mình cũng cứ tự nói âm thầm trong đầu được. Không biết em bị bệnh gì nữa. Cảm thấy tâm trạng không nghĩ nói một mình là mình lo lắng.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Chào em,

Hành vi tự đối thoại một mình (nói ra hoặc nói trong đầu) có thể gặp ở người bình thường, với nhiều mục đích khác nhau, như để giải tỏa căng thẳng, ức chế, bực dọc, buồn vui; để phân tích một vấn đề gì đó, độc thoại với nội tâm, để trấn an chính mình... chứ không chỉ có ở người có vấn đề về tâm thần.

Hơn nữa, em đang trong độ tuổi phát triển và định hình tính cách, khám phá bản thân và khám phá thế giới, vì thế trong đầu luôn đặt ra những câu hỏi, những câu chuyện là điều hay gặp.

Tuy nhiên, nếu em không kiểm soát được việc nói và không nói, không thể tĩnh tâm được, nghĩa là đầu em cứ quay cuồng không thể tự ngừng được làm cho em nhức đầu, mất ngủ thì là có vấn đề về tâm lý - tâm thần và cần đến khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Bệnh về tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu ám ảnh sợ, trầm cảm... chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân - chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay - dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn.

Để chẩn đoán xác định một người có rối loạn tâm thần hay không, bác sĩ chuyên khoa tâm thần cần phải khám trực tiếp, khai thác thêm rất nhiều thông tin khác mới định bệnh được. Các bảng câu hỏi, các tiêu chuẩn chẩn đoán được đăng tải trên mạng nhầm mục đích giúp người dân có khái niệm về bệnh tâm thần, cảnh giác với bệnh tâm thần chứ không thể tự chẩn đoán được. Bởi vì với kinh nghiệm chuyên môn của bác sĩ tâm thần mới nhận định được đâu là bất thường thật sự.

Vì thế khi có triệu chứng nghi ngờ của bệnh lý tâm thần thì tốt nhất là khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần, em nhé. Bệnh tâm thần là bệnh có thể điều trị được bằng thuốc và tâm lý trị liệu.

Nhưng mà, nếu em vẫn còn nhận thức được hành vi của mình không tốt, không có lợi cho sức khỏe tinh thần của mình, thì em nên khống chế nó lại. Một trong những việc cần làm đầu tiên là ngừng thức khuya, vì thức khuya là nguồn cội của rối loạn tâm thần, có thể nặng dần theo thời gian. Đồng thời, em nên tập thiền để có thể trấn áp những luồng suy nghĩ hỗn loạn trong đầu mình, em nhé.

 

- Bùi A. T. - vminh...@gmail.com

Dạ em chào bác sĩ,

Bác sĩ cho em hỏi khi rửa tay trong bồn rửa tay ở khách sạn,em có bịt cái lỗ thoát để cho nước đầy bồn rửa tay. Trong lúc rửa em chà mạnh khiến tay bên trái bị móng tay phải đâm trúng,vết thương có hở chút ạ.

Bác sĩ cho em hỏi như vậy có thể bị nhiễm HIV không ạ, em sợ khách ở trước có người bị HIV rồi khạc nhổ, chảy máu vào trong buồn rửa tay. Và đặc biệt vết máu khi dính trong bồn rửa tay bị nước rửa trôi đi thì virus còn tồn tại không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

HIV là căn bệnh nguy hiểm nhưng không dễ lây lan đến như vậy đâu em, HIV có thể lây qua ba con đường chính là đường máu như tiêm chích, truyền máu của người có nhiễm HIV, quan hệ tình dục không an toàn, từ mẹ sang con. HIV không thể lây qua tiếp xúc thông thường như ôm hôn, dùng chung đồ, mặc chung quần áo, ngủ chung trên giường, tay vô tình chạm vào dịch gì không rõ…

Virut HIV sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt khi ra môi trường bên ngoài, vài giờ sau khi ra môi trường, máu và các chất dịch của cơ thể chứa HIV đã bị khô đi thì hầu như không còn khả năng làm lây nhiễm do HIV đã bị tiêu diệt, HIV rất nhạy cảm với sự thay đổi của nhiệt độ và dễ bị tiêu diệt khi tiếp xúc với oxy ở ngoài môi trường. Nước bọt và vết máu nếu có của người nhiễm HIV đã từng dính trong bồn rửa nhưng đã bị nước cuốn trôi và bốc hơi khô ráo rồi thì HIV không còn tồn tại nổi nữa.

Ngay cả tỷ lệ lây nhiễm HIV ngay cả đối với 1 lần bị kim tiêm có HIV đâm là khoảng 0,3 - 0,5%, nghĩa là cực kỳ thấp.

Cho nên, trong tình huống mà em nêu thì khả năng nhiễm HIV gần như là không có, em yên tâm nhé.

Thân mến!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X