TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính - vị quân sư tài năng trên mặt trận chống dịch tại Việt Nam
Là Chủ tịch Hội đồng chuyên môn xây dựng, hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị COVID-19 tại Việt Nam, TTND.GS.TS Nguyễn Văn Kính có thể được xem như vị quân sư của bộ chỉ huy trên mặt trận chống dịch. Ông cũng góp công không nhỏ trong việc giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia ngăn chặn HIV tốt nhất, khống chế các bệnh dịch nguy hiểm một cách nhanh chóng.
Những lần đứng ngồi không yên trong cuộc chiến với COVID-19 tại Việt Nam
Cho đến giữa năm 2021, cả nước chống chọi với làn sóng thứ tư của dịch COVID-19, TTND.GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Nguyên giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã không ít lần mất ăn mất ngủ vì virus SARS-CoV-2. Trong câu chuyện kể của ông, thật khó phân biệt đâu là việc riêng, đâu là việc chung của công tác chống dịch bởi ông gắn bó mật thiết, lắng nghe từng hơi thở, nhịp đập của đại dịch.
TTND.GS.TS Nguyễn Văn Kính được mệnh danh là người xây thành lũy ngăn dịch bệnh bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam
Tháng 3/2020, lần đầu tiên Việt Nam có ca lây nhiễm trong cộng đồng du nhập từ Anh, GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính có một phen đứng ngồi không yên với trường hợp bệnh nhân 19 (64 tuổi, bác gái của bệnh nhân 17) diễn tiến rất nặng, phải chạy ECMO tại Bệnh biện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Bệnh nhân tiến triển khá tốt, khi rút ECMO, các bác sĩ đã thở phào vì lúc này hi vọng cứu sống là 99%, thế mà đến nửa đêm, bà ngừng tim.
Cả êkip lao vào cấp cứu. Bình thường ca khác ép tim nhiều lắm là 20 phút nhưng các bác sĩ thay nhau ép tim cho nữ bệnh nhân đến 45 phút. Sau khi trái tim đập lại, từ đó đến sáng vẫn còn 2 lần ngừng tim nữa. Một điều rất may mắn cho nữ bệnh nhân là sau khi ngừng tim 45 phút, bà không bị tổn thương não, xuất viện với sức khỏe phục hồi bình thường, vui vẻ chào tạm biệt các y bác sĩ rồi ra sân bay, vào TPHCM.
Ca thứ hai cũng rất ấn tượng với GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính và cũng là trường hợp giới truyền thông và cả nước luôn dõi theo, đó là bệnh nhân 91 - phi công người Anh, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, được các bác sĩ 2 đầu đất nước hội chẩn, theo sát.
Bệnh nhân phi công người Anh ngoài suy hô hấp nặng còn bị rối loạn đông máu ghê gớm, khiến cho quả lọc máu đáng lẽ 3 ngày thay một lần thì trường hợp này 10 tiếng đã phải thay rồi, thậm chí còn sớm hơn, bởi vì máu đông cứ bám lại không lọc được.
Tất cả thuốc chống đông máu hiện có đều không ăn thua, bác sĩ Việt Nam phải liên hệ với Đại sứ quán Anh quốc để lấy loại thuốc chống đông máu đặc biệt, nhờ đó bệnh nhân 91 đã vượt qua cơn hiểm nghèo. Tiếp theo là vai trò hồi sức tích cực của Bệnh viện Chợ Rẫy, giúp bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường.
GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính nhận định đó là 2 trường hợp chứng minh rằng Việt Nam điều trị COVID-19 hiệu quả với ca nặng, tạo niềm tin của các đại sứ quán và cộng đồng quốc tế về chuyên môn, khả năng chống dịch của nước ta. Việt Nam ở ngay cạnh tâm dịch lớn là Trung Quốc nhưng nước ta đã giữ được số lượng ca mắc và tử vong rất ít so với dự kiến, ca rất nặng vẫn cứu sống được.
GS Kính nhấn mạnh: “Chúng ta tự hào về việc điều trị thành công nhưng luôn nhớ là phải kết hợp với dự phòng. Nếu dự phòng không tốt, số ca bệnh dồn dập tăng cùng lúc thì nhân viên y tế sẽ khó mà lo xuể. 5 bác sĩ điều trị cho 1 bệnh nhân chắc chắn hiệu quả phải khác với 1 bác sĩ lo cho 5 bệnh nhân”.
Công việc thường ngày của GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính là online theo sát tình hình chống dịch tại các đầu cầu, tư vấn chuyên môn cho tuyến dưới - ảnh tư liệu
Tháng 7/2020, dịch bùng nổ ở Đà Nẵng, lần đầu tiên Việt Nam có ca tử vong, mà không phải ít, mỗi ngày từ 2-3 ca nên Chính phủ cũng rất quan ngại, đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu cách nào để hạn chế con số tử vong. Thế là GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính cùng êkip của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và GS.TS.BS Nguyễn Gia Bình đi vào tâm dịch: “Chúng tôi phải xây dựng hệ thống đúng chuẩn để tổ chức điều trị, bảo vệ được cán bộ y tế và chữa được cho người bệnh”.
Thời điểm đó, 4 bệnh viện lớn tại Đà Nẵng phải đóng cửa: Bệnh viện thành phố Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Hoàn Mỹ. Đành phải chuyển tất cả bệnh nhân vào Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, lấy Bệnh viện huyện Hòa Vang xây dựng bệnh viện dã chiến. Một số bệnh nhân nặng phải chuyển ra Bệnh viện Trung ương Huế.
Khi đưa bệnh nhân đến thì cơ sở vật chất ở Hòa Vang rất thiếu, cán bộ y tế không nhiều, ngay cả Bệnh viện Phổi cũng thiếu hụt nhiều thứ. Nhưng phải thiết lập cơ sở điều trị thật nhanh, rất may là Bộ Y tế đã điều động lực lượng hỗ trợ từ các đơn vị tuyến đầu, đặc biệt là các cán bộ y tế từ các tỉnh khác xung phong chi viện cho Đà Nẵng. “Chúng tôi biên chế thành các đội, các êkip luân phiên nhau chứ không thể có nhóm nào trực chiến nguyên cả tháng được!” - GS Kính cho biết.
Nhờ có sự phối hợp của lực lượng tăng cường và lực lượng tại chỗ, việc điều trị bệnh nhân đã theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, cộng với kinh nghiệm lâm sàng từ GS Kính, GS Bình trong vấn đề hồi sức, chống lây nhiễm cho nhân viên y tế đã giúp anh em yên tâm điều trị cho bệnh nhân.
Sau đó, con số tử vong giảm dần, ban đầu ước tính khoảng 200 ca, kết quả sau cùng của làn sóng thứ hai là 35 ca tử vong, tất cả đều có bệnh nền nguy hiểm như ung thư, chạy thận chu kỳ.
Chống dịch kiểu 4.0 của thành viên cốt cán thuộc bộ chỉ huy: online nhiều, ngủ ít cũng mơ thấy COVID
Làm bác sĩ thì phải đi trực, xong ca trực thì chợp mắt được lúc nào hay lúc đó, có những ngày thức thâu đêm mà hôm sau cũng không ngủ bù, trường kỳ như thế nên GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính cũng như nhiều cán bộ y tế khác không tạo được thói quen ngủ nghỉ đúng giờ giấc như mọi người. Riêng mùa COVID của GS Kính thì: “Lúc nào người gọi tư vấn ít thì ngủ được nhiều, gọi nhiều thì ngủ ít thôi. Mà ngủ được thì cũng mơ thấy COVID!”.
Một sáng kiến quan trọng là Bộ Y tế đã thành lập Tổ hội chẩn ca nặng quốc gia đặt văn phòng tại Cục Quản lý khám chữa bệnh để hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia đầu ngành, tập trung xử lý các ca bệnh nặng tại các điểm cầu ở các bệnh viện đang điều trị COVID-19, giúp công tác điều trị đạt hiệu quả cao nhất.
“Trước đây tôi cũng hay đến trả lời phỏng vấn tại các đài truyền hình, trả lời bạn đọc trực tuyến trên các báo, tham gia các buổi tọa đàm của Bộ Y tế, tư vấn chuyên môn cho bệnh viện, cũng có trực tiếp thăm khám một số trường hợp.
Khi dịch bùng nổ, hạn chế đi lại và tiếp xúc trực tiếp thì tôi thường ngồi ở văn phòng của Hội Truyền nhiễm Việt Nam, độc lập ở một khu, liên lạc trực tuyến với các nơi trong nước và quốc tế thông qua các phần mềm Zoom, Webex” - GS Kính cho biết. Đây cũng là một phương tiện rất hữu ích so với các đợt dịch nhiều năm trước, nhờ có công nghệ mà GS Kính cũng như các chuyên gia của cơ quan đầu não luôn kịp thời “có mặt” ở khắp nơi, đưa ra hướng dẫn cho những tình huống khó khăn nhất.
Một công việc nữa của GS Nguyễn Văn Kính là đi đến các nơi tuyên truyền, tập huấn cho anh em về công tác phòng chống dịch, chia sẻ kinh nghiệm khống chế ổ dịch tại Đà Nẵng…
GS Nguyễn Văn Kính tham dự buổi tập huấn “Giáo dục y đức, y nghiệp và những kinh nghiệm trong phòng chống, điều trị COVID-19 tại Việt Nam” do Hội Y học TPHCM tổ chức ngày 25/7/2020
Thông qua talk show: Ứng phó thế nào với đại dịch COVID-19 có nhiều nguồn lây, ổ dịch khác nhau? do Hội Y học TPHCM và Kênh truyền thông sức khỏe AloBacsi thực hiện, GS Nguyễn Văn Kính đã giải đáp cặn kẽ về tình hình dịch COVID-19 ở làn sóng thứ tư, nhiều bệnh viện đóng cửa, mối đe dọa của biến thể Ấn Độ...
Trong tình hình tin tức thật giả đan xen trên mạng xã hội, GS Kính còn thường xuyên trả lời báo chí để cung cấp những thông tin chính xác về dịch bệnh, bác bỏ những tin đồn… giúp cho mọi người có cái nhìn đúng về tình hình dịch bệnh, góp phần ngăn chặn các đợt “cháy” khẩu trang và nhu yếu phẩm.
“Đương nhiên, tôi vẫn không quên công việc của mình, là giáo sư thì phải “gõ đầu trẻ”, nhưng bây giờ đã chuyển sang giảng dạy online rồi” - GS Kính hóm hỉnh.
Một niềm vui của GS Nguyễn Văn Kính là sau 39 năm làm bác sĩ, ông truyền tải được nhiệt huyết, kêu gọi được nhiều anh em theo ngành Truyền nhiễm, mặc dù ngành này có đôi chút thiệt thòi: “Bác sĩ Truyền nhiễm chỉ nổi tiếng khi dịch bệnh xảy ra thôi, chứ hết dịch mọi người gần như quên mất!” - GS Kính bộc bạch.
39 năm làm bác sĩ, giúp Việt Nam khống chế nhiều đợt dịch lớn nhỏ
Là người góp công không nhỏ giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia ngăn chặn HIV tốt nhất, nhiều đợt dịch từ SARS 1 (năm 2003), Rubella (2009), cúm H1N1 (2011), sốt xuất huyết, chân tay miệng…, đến nay là COVID-19, ông đều nắm giữ các vị trí chủ chốt trong bộ chỉ huy phòng chống dịch của quốc gia, thế nhưng chuyên ngành Truyền nhiễm không phải là lựa chọn ban đầu của bác sĩ Nguyễn Văn Kính.
Lúc còn trên ghế giảng đường, chàng sinh viên y khoa Nguyễn Văn Kính mong muốn trở thành bác sĩ ngoại khoa khi anh thi vào nội trú. GS Kính nhớ lại: “Thi nội trú bấy giờ khó hơn thi đại học, tỷ lệ chọi là 20/400. Tiêu chuẩn đặt ra là trong 4 năm toàn điểm 9-10 thì có khoảng 70 sinh viên đạt được, tiếp tục thi nội trú, chọn ra 20 người đạt điểm cao nhất”.
Thời GS Kính học nội trú, mỗi người đã thành thạo ít nhất 2 ngoại ngữ, tự đọc sách chuyên ngành bằng ngoại ngữ, nói chuyện lưu loát với chuyên gia nước ngoài… chứ vào nội trú mới học ngoại ngữ thì không kịp. Do đó, họ được tập trung cao độ cho việc khám chữa bệnh (chỉ làm lâm sàng), ăn ngủ tại bệnh viện. Vậy nên, bác sĩ nội trú được ví như thổ công của bệnh viện.
“Mọi người nhìn tay tôi, nhận xét rằng ngón tay tôi ngắn thế này mổ miếc thế nào được! Thấy có lý nên tôi qua nội khoa và quyết định chọn ngành Truyền nhiễm. Tôi thấy ngành này rất đặc biệt, rất khác với các ngành còn lại của nội khoa. Nội khoa chữa xong bệnh vẫn còn lai rai, xương khớp thi thoảng đau lại phải vào gặp bác sĩ, còn bệnh nhân của ngành Truyền nhiễm chỉ có 2 con đường: một là chết, hai là sống nhưng đa số đều cứu được, trả lại một cơ thể khỏe mạnh bình thường, người bệnh trở về cuộc sống bình thường.
Thứ hai, ý nghĩa của việc phòng bệnh vô cùng to lớn. Một bác sĩ ngoại khoa dù mổ rất giỏi thì trong một lúc cũng chỉ cứu được một vài người, còn ngăn chặn bệnh truyền nhiễm là một lúc cứu được hàng triệu người. Tuy xã hội biết đến bác sĩ ngoại khoa nhiều hơn nhưng chúng tôi vẫn âm thầm làm công việc của mình là phòng chống bệnh dịch”.
Thực tế thì bác sĩ ngành Truyền nhiễm còn đảm đương rất nhiều việc, GS Kính đưa ra ví dụ: “Chẳng hạn bệnh nhân đang cách ly bị viêm ruột thừa thì chúng tôi thiết lập ngay phòng mổ dã chiến để mổ, hay thai phụ chuyển dạ thì chúng tôi đỡ đẻ”.
Bác sĩ Truyền nhiễm có sự năng động như vậy bởi ai cũng học đa khoa rồi mới vào chuyên khoa. “Thời của tôi, bác sĩ chưa vào nội trú mà đi học khoa Sản thì chỉ tiêu mỗi người phải tham gia đỡ đẻ được ít nhất 35 ca. Còn riêng tôi thì đỡ đẻ hàng trăm ca rồi nên nếu có sản phụ đang cách ly mà chuyển dạ thì chúng tôi cũng đỡ đẻ được ngay” - GS Kính lý giải.
Nếu ở năm 2003, một chuyên gia nước ngoài hỏi GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính về bí quyết dập dịch SARS nhanh chóng, ông trả lời: “Muốn chống dịch tốt, trước hết các anh phải nghèo như chúng tôi cái đã!”.
Là bởi khi ấy dịch bùng lên ở Bệnh viện Việt Pháp, phòng bệnh sang trọng khép kín, máy lạnh phà phà, 8 cán bộ y tế bị lây. Khi bệnh viện này đóng cửa, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị. Tại đây, phòng bệnh chỉ trang bị chiếc quạt trần, mùa hè nóng nực phải mở toang cửa sổ, virus SARS gặp tia nắng (có tia cực tím) sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt, không lây thêm cho ai cả. Đây cũng là kinh nghiệm của Việt Nam, phòng điều trị cách ly SARS phải thông thoáng, không sử dụng điều hòa.
Còn hiện nay, đáp án cho việc Việt Nam chống dịch COVID-19 tốt, trải qua 1 năm rưỡi hẳn mọi người đều thấy, đó là nhờ trên dưới đồng lòng, nhiều ngành chung sức, đó là những y bác sĩ đi thẳng vào tâm dịch chưa biết trước ngày về, lực lượng chức năng ngày đêm truy vết nguồn lây… Và góp phần trong đó là vai trò “quân sư”, trao truyền kinh nghiệm của vị chuyên gia đầu ngành Truyền nhiễm có đôi mắt tinh anh, nụ cười hồn hậu và lối nói chuyện hài hước này.
Bài: Hồng Nhung, Ảnh: Viết Hưởng, Quang Khôi - AloBacsi
[DAP]Thầy thuốc nhân dân - Giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Văn Kính
- Chủ tịch Hội đồng chuyên môn, xây dựng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 tại Việt Nam
- Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam
- Ủy viên Thường vụ Tổng Hội Y học Việt Nam
- Ủy viên Hội đồng Trung ương
- Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
- Chuyên gia cao cấp tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
- Ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021 - 2026) Bầu cử ngày 23 tháng 5 năm 2021
Quá trình công tác:
- 12/1985 - 2/1999: Giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm - Trường Đại học Y Hà Nội.
- 12/1990 - 9/1991: Thực tập sinh về HIV/AIDS tại Viện Pasteur Paris - Pháp.
- 3/1999 - 7/2003: Chuyên viên Vụ Y tế dự phòng - Bộ Y tế.
- 7/2003 - 9/2008: Phó Trưởng phòng, Phó Cục trưởng Cục phòng chống AIDS - Bộ Y tế.
- 10/2008 - 9/2019: Bí thư Đảng ủy kiêm Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
- Từ tháng 9/2019 đến nay: nghỉ quản lý theo chế độ chuyển sang làm chuyên gia cao cấp của Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương và hoạt động trong các Hội nghề nghiệp.
- 6/2009 - 9/2019: Chủ nhiệm Bộ môn Truyền nhiễm Đại học Y Hà Nội.
- 11/2011 đến nay: Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Chủ tịch Hội Y khoa lâm sàng HIV/AIDS, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Tổng Hội Y học Việt Nam.
- 10/2019 đến nay: Ủy viên Hội đồng Trung ương - Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam.
GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính là người thầy thuốc Việt Nam đầu tiên được đào tạo về HIV/AIDS tại Viện Pasteur Paris - Pháp và đã có nhiều năm lăn lộn với phòng chống căn bệnh thế kỷ này, xây dựng thành công mô hình quản lý, chăm sóc và điều trị HIV tại cộng đồng, xây dựng các văn bản liên quan đến phòng chống AIDS tại Việt Nam, đem lại niềm tin cho bệnh nhân và góp phần đẩy lùi dịch HIV/AIDS.
Ông đã lèo lái Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trở thành bệnh viện đầu ngành về phòng chống dịch bệnh và điều trị thành công các bệnh truyền nhiễm có diễn biến phức tạp như bệnh tả, dịch sốt xuất huyết, Rubella, cúm H1N1, tay chân miệng, HIV/AIDS, sốc nhiễm trùng, COVID-19…
Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ với 167 công trình đã công bố trên tạp chí y học có uy tín trên thế giới và trở thành chuyên gia đầu ngành của Việt Nam trong phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm. Ông tham mưu cho Bộ Y tế xây dựng và cập nhật các hướng dẫn về chẩn đoán và điều trị, phòng các bệnh truyền nhiễm để Bộ ban hành cho tất cả các cơ sở y tế triển khai thực hiện.
Ông đã được tặng thưởng: Huân chương lao động hạng Nhì (2015), Thầy thuốc nhân dân (2017). [/DAP]
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình