Hotline 24/7
08983-08983

TS.BS Nguyễn Thành Như: Đi lại từ đầu trên con đường chông gai

Có những người dám từ bỏ vinh hoa phú quý để dấn thân vào con đường đầy chông gai và thử thách, TS.BS Nguyễn Thành Như là người như thế.

Ở Việt Nam, có đến 10 - 30% nam giới có vấn đề về lĩnh vực tình dục và sinh sản, nam khoa vì vậy được xem là một “mỏ dầu” chưa nhiều người khai thác. Vậy mà người gầy dựng và hoàn thiện khoa nam học tại Bệnh viện Bình Dân (TPHCM), tạo được tiếng tăm với xã hội và giới khoa học trong và ngoài nước - TS.BS Nguyễn Thành Như, lại quyết định từ bỏ một vị trí nhiều người mơ ước để chọn con đường hoàn toàn mới.
 
Vì sao ở thời điểm này, khi mọi thứ đang ổn định, anh lại chuyển hướng nghiên cứu, học hỏi sang một lĩnh vực hoàn toàn mới?

Tôi không tiếc vị trí mà mình có được, chẳng là gì trong cuộc đời này, điều tôi sợ nhất là kiến thức sẽ bị mai một nếu không được cập nhật thường xuyên với y học thế giới.

 
Làm khoa học, phải chấp nhận thách thức liên tục, rất vất vả, nhưng đó là nghiệp rồi. Tôi đã suy nghĩ suốt bốn năm, nhưng quyết định rất nhanh.
 

TS.BS Nguyễn Thành Như - người gây dựng và hoàn thiện Khoa Nam học tại Bệnh viện Bình Dân
(Minh họa: Hoàng Tường)

Về công việc, những cái mình làm đã tạm ổn, đã xây dựng được khoa, góp phần xây dựng ngành, đã có người kế tục. Có tôi, công việc có thể sẽ tốt hơn, nhưng không có tôi, công việc ở đây vẫn chạy tốt.

Suốt thời gian qua tôi đã tập trung đào tạo lực lượng kế thừa, sẵn sàng truyền nghề. Giờ đã đến lúc tôi lui lại để họ phát triển.

Với nghề nghiệp, tôi muốn khám phá lĩnh vực đa khoa, chuyên ngành mà tôi yêu thích từ lâu. Một chặng đường mới đang chờ tôi ở phía trước rất chông gai, tôi phải học lại, thi lại, con đường còn rất dài. Nhưng tôi sẵn sàng chấp nhận đi những bước đầu tiên, chấp nhận chuyển đổi.

Qua nhiều năm tiếp xúc điều trị bệnh nhân, theo anh, sai lầm lớn nhất của người mắc bệnh nam khoa là gì? Ngược lại, bệnh nhân đã giúp anh như thế nào trong việc hoàn thiện chính mình?

Đó là thiếu thông tin, ngại ngùng giấu bệnh khiến cho mang bệnh lâu dài, ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc gia đình.

Tôi biết nhiều ông chồng vô sinh nhưng cứ đổ lỗi cho vợ, không chịu đi khám. Đến gặp bác sĩ thì mặt hầm hầm, nói chuyện song sỏng, hỏi hoài cũng không chịu nói ra. Bệnh vô sinh nam nếu thấy trước, điều trị kịp thời sẽ làm thay đổi cuộc đời, giúp bạn có con khi hai vợ chồng còn trẻ.

Hồi xưa tôi nóng tính lắm, cái gì cũng phải rạch ròi, cũng nhờ tiếp xúc nhiều với bệnh nhân mình biết kiên nhẫn, biết lắng nghe, biết chấp nhận người khác.

Mỗi người một hoàn cảnh, một tính cách, không thể áp dụng một công thức điều trị cho mọi bệnh nhân. Hiểu biết sâu về con người giúp tôi hình thành những phác đồ điều trị khác nhau, và biết cách thuyết phục người bệnh hơn là áp đặt.

Vừa làm chuyên môn, vừa nghiên cứu khoa học, anh còn chú tâm phổ cập kiến thức y khoa cho cộng đồng. Với những bài viết nhẹ nhàng, hóm hỉnh về những chuyện “khó nói”, anh muốn mang lại điều gì cho độc giả?

Tôi mong muốn độc giả nhìn vấn đề tình dục không phải là một mớ bòng bong khó hiểu với hàng ngàn huyền thoại thêu dệt. Bệnh lý tình dục cũng cần được chữa trị và có thể chữa trị được một cách khoa học.

Tuy nhiên, tình dục có chữ “tình” bên trong, nên so với các bệnh lý khác, chữa trị bệnh tình dục thầy thuốc cần chú ý nhiều hơn đến yếu tố “tình cảm”.

Nghiên cứu và phổ cập kiến thức y học cũng là một nhiệm vụ của nhà khoa học. Tôi luôn khuyến khích học trò trau dồi khả năng đưa thông tin đến cộng đồng một cách thường xuyên, sáng tạo, phổ thông hơn.

Viết về tình dục, làm sao vừa hài hước mà không dung tục cũng khó lắm, không biết mình có đạt được chưa. Tôi học nhiều ở BS Trần Bồng Sơn, Đỗ Hồng Ngọc, những bậc thầy về khả năng biểu đạt kiến thức y khoa bằng ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, dễ cảm.

Nguyên tắc khi viết báo của tôi là không chỉ dựa vào kinh nghiệm bản thân, không sáng tác, cố gắng chuyển tải thông điệp cho mọi người ai cũng hiểu được, nhưng phải dựa trên cơ sở khoa học.

Anh đã học được điều gì quý giá từ những người thầy của mình, để hình thành bản lĩnh của một nhà khoa học?

Trung thực, khiêm tốn, cầu tiến là những đức tính tôi học được từ những người thầy của mình như GS Ngô Gia Hy, GS Trần Văn Sáng hay thầy “ngoại” như GS Gooren (Hà Lan), TS Hage (Hà Lan), GS Georges (Anh), GS Leisinger (Thuỵ Sĩ).

Tôi may mắn được học nghề trực tiếp từ những người thầy thông thái, kiến thức khoa học vững vàng, sâu sắc, hiểu biết cuộc đời, rất nghiêm túc trong nghề nghiệp và trong việc dạy dỗ học trò.

GS Trần Văn Sáng là người rất tâm huyết với việc chuyển giao cho thế hệ tiếp theo, ông coi đó là một trong những chuẩn mực của y đức.

Một kỷ niệm với thầy Hy mà tôi nhớ đời: đó là năm 1991, khi mới ra trường, tôi ghi chép những chẩn đoán cho thầy. Một cô giáo cấp hai ngoài miền Trung gửi thư cho thầy thú nhận mình là con trai chứ không phải con gái. Từ bé, cô ấy luôn nghĩ như thế, và giờ cô ấy đang yêu một cô bé hàng xóm, nên rất buồn bực.

Đọc thư cho thầy nghe, tôi thầm nghĩ chắc cô này bị tâm bệnh. Nhưng thầy đã viết thư trả lời cô giáo ấy một cách rất chia sẻ. Thầy nói thầy rất hiểu tâm sự của cô, nhưng kiến thức y khoa của thầy chưa đủ để có thể giúp cô ấy cách giải quyết thấu đáo, thầy sẽ nghiên cứu sâu về lĩnh vực này, để mong trong tương lai có thể nói chuyện rõ ràng với cô về cách chữa bệnh.

Dù rất bận rộn, nhưng thầy luôn dành thời gian trả lời những thắc mắc không biết hỏi ai của bệnh nhân. Đừng bao giờ cho bệnh nhân là điên khùng khi nghe họ kể một câu chuyện lạ lùng mà mình chưa giải thích được. Trong y khoa, luôn có những vấn đề mới đặt ra khác với ý kiến của mình. Tôi không bao giờ phản bác, mà phải nghiên cứu kỹ càng để biết đúng sai.

Trong đời làm nghề của mình, có bao giờ anh thấy bất lực, đau đớn vì không thể làm được điều gì giúp bệnh nhân?

Đó là lần chứng kiến một cô gái chỉ còn một cái thận đã trốn viện vì không còn tiền chạy thận. Một tháng sau cô ấy mới quay lại, chỉ vào chiếc nhẫn vàng đeo trên tay, nói rằng phải vất vả lắm mới kiếm đủ tiền vào chạy thận tiếp. Hồi đó, kỹ thuật chạy thận của Việt Nam còn quá kém. Vài tháng sau cô ấy mất.

Cái chết của cô ấy tác động rất mạnh vào xúc cảm của tôi. Không bao giờ bó tay là triết lý sống mà tôi tâm niệm, và coi đó như một thách thức với chính mình, để liên tục học hỏi những tiến bộ của thế giới để chữa cho bệnh nhân. Nước ngoài làm được, tại sao mình không làm được?

Nhìn vào ngành y, điều anh lo ngại nhất là gì?

Là khâu đào tạo. Muốn các bác sĩ hiểu biết rộng hơn, chắc hơn, thì thầy phải ra thầy, mới đòi hỏi trò ra trò. Đạo đức của người thầy là làm sao đừng dính đến chuyện tiền bạc, và phải biết lắng nghe, sẵn sàng chỉnh sửa trên sự khách quan, khoa học và công tâm.

Về phía học trò, đạo đức cũng bị suy đồi. Tôi ngạc nhiên thấy rất nhiều bác sĩ mới tu nghiệp vài tháng ở nước ngoài về đã không dám nhận người thầy đã dìu dắt mình từ những ngày chập chững, khó khăn đầu đời, mà chỉ xưng tụng những người thầy nước ngoài, làm được gì cũng cho rằng đó là tự mình, khiến cho nhiều người thầy tâm tư lắm, không muốn truyền nghề cho học trò nữa.

Ở bệnh viện Bình Dân, nhiều hạt giống tốt đã hình thành, nhưng cũng không tránh khỏi một số hạt lép. So sánh với thế hệ mình, tôi thấy thời bao cấp nghèo khó đủ đường nhưng chúng tôi rất tha thiết với nghề, ham học hỏi.

Bây giờ, dù mới ra trường, nhưng sự quan tâm kiếm tiền vẫn phảng phất trong giờ học, khiến các em không thể chú tâm hoàn toàn. Ở các nước, nghề bác sĩ có mức lương cao so với xã hội, nhờ thế họ chú trọng bồi đắp cho nghề nghiệp hơn. Nỗ lực của tôi là làm sao giúp cho các em kinh tế ổn định, để có thể tập trung phát triển nghề nghiệp được tốt hơn...

Tôi lo nhất là nghề nam khoa bị mai một, kinh nghiệm của tôi bị “thất truyền”. Có học trò đến học nam khoa với tư tưởng nghề này dễ hái ra tiền, chỉ mong kiếm một giấy chứng nhận nam khoa để về làm mưa làm gió.

Có học trò học chưa nhiều đã tự mãn cho rằng mình biết đủ rồi. Người có tâm huyết, chuyên cần, nghiêm túc học hỏi thì thời gian lại chưa đủ, “nội công” chưa thâm hậu để hiểu hết được tinh hoa của nghề.


Gia đình TS.BS Nguyễn Thành Như (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tính điềm tĩnh, tự tin mà anh có được là nhờ đâu?

Đó là cả một quá trình sống và trải nghiệm khó khăn. Ngày xưa thời học sinh, đi bộ năm, sáu cây số đến trường là chuyện bình thường, lên đại học có chiếc xe đạp cũ là quý lắm rồi.

Ba tôi là sĩ quan chế độ cũ, chuyện lý lịch cản trở tôi rất nhiều trên đường vào đời. Tôi nhớ năm lớp mười, cả trường chỉ mình tôi đạt học sinh giỏi, lẽ ra được cử lên thành phố nhận giải thưởng, nhưng vì lý lịch mà tôi không được nhận giải.

Nhìn lại, tôi thấy chuyện đó cũng chẳng có gì quan trọng, không vì thế mà sân hận, làm cho mình khác biệt. Khi đi du học nước ngoài do lố thời gian, về mất việc, bao nhiêu chuyện áp đặt kéo theo...

Từ từ, bình tĩnh định hướng cảm xúc, kiên trì, tôi tin nếu mình thực sự có năng lực, muốn đóng góp, rồi cũng sẽ được xã hội thừa nhận.

Với tôi, tiền quan trọng, nhưng không là tất cả. Cứ làm việc nghiêm túc, đem lại hiệu quả tốt nhất cho mọi người thì đồng tiền tự tới. Ngay cả thời khó khăn nhất, khi chiếc xe đạp duy nhất của mình bị gãy cổ, phải vác trên vai đi bộ về nhà, tôi cũng thấy bình thường. Tôi không giàu nhưng đủ.

Nỗi lo lớn nhất của anh với hai con là gì?

Như bao người cha bình thường khác, bức xúc của tôi không phải là cuộc sống hiện tại, mà chính là tương lai của các con.

Ở nước ngoài học xong các cháu có thể tự lo thân, cũng cần phải phấn đấu, nhưng con đường đi rõ ràng hơn nhiều, cha mẹ lúc ấy có thể nhẹ gánh, còn ở ta, học đại học xong chưa chắc xin được việc.

Con tôi đứa nhỏ tám tuổi, đứa lớn chín tuổi, lứa tuổi bắt đầu định hình tính cách và tư duy. Tôi muốn hai con được hưởng một nền giáo dục tốt hơn, để sau này có nghề nghiệp ổn định và có ích cho xã hội.

Theo anh, những giá trị gia đình nào đang bị tàn phá? Anh có đau lòng nhiều không khi nghĩ về những giá trị sống đích thực đang bị thử thách dữ dội trước bao giá trị giả?

Tôi nghĩ các giá trị gia đình đang biến chuyển theo thời đại. Trong gia đình, cha mẹ là người quyết định gia đình có bền vững hay không, do đó để giữ gìn nó, thay vì các bậc cha mẹ tiếp tục áp đặt, ra lệnh con cái thì nên chuyển sang tìm hiểu, lắng nghe, thuyết phục bằng lý lẽ. Tôi và bà xã đang làm như thế.

Với tôi, gia đình rất quan trọng. Làm phòng mạch riêng dù đông khách tới đâu thì bảy giờ tối cũng phải nghỉ về ăn cơm với các con, cha con cùng nhau làm việc bên máy vi tính.

Giây phút hạnh phúc nhất với vợ chồng tôi là ngắm nhìn con ngủ. Tôi không nghĩ con người ngày nay thực dụng, vô cảm… hơn con người ngày xưa.

Xã hội bây giờ mở rộng nhiều nên cái xấu dễ bộc lộ hơn. Hạn chế cái xấu theo tôi cần dựa trên một nền giáo dục được tin cậy và nền tảng pháp luật rõ ràng, công minh.

Cha mẹ tôi đã hy sinh tất cả cho con cái. Những ngày ba tôi đi học tập cải tạo, má tôi một mình buôn bán tần tảo, chịu nhục nhã đủ đường, có khi phải vay nợ triền miên, bị người ta mắng chửi, chỉ để làm sao nuôi sáu đứa con vào được đại học.

Tôi nhớ như in một lần theo má đi buôn nước mắm ngoài Phan Thiết, nhìn má ráng hết sức xách lên xách xuống tàu những can nước mắm bự chảng, nơm nớp lo sợ công an rượt mà lòng tôi nhói đau. Giờ má bị bệnh nặng, mất trí nhớ, tôi chỉ tâm niệm một điều nếu có thể chăm sóc được gì cho ba má tôi lúc tuổi già thì sẽ cố gắng làm.

Theo Kim Yến - Sài Gòn Tiếp Thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X