Hotline 24/7
08983-08983

Trung tâm y tế quá tải vì dân đi chích ngừa dịch bệnh

Đợi khi dịch bùng phát mới đi chủng ngừa là việc làm không nên, bởi khó xác định được người chuẩn bị chích ngừa đã mắc mầm bệnh hay chưa.

Trước tình hình dịch bệnh tại địa phương và trên cả nước đang có nhiều diễn tiến phức tạp, người dân Đà Nẵng đổ xô đưa con em đến các cơ sở y tế, đặc biệt là Trung tâm Y tế dự phòng TP để chích ngừa gây nên tình trạng quá tải tại các trung tâm này.
 
Trong vòng một tháng trở lại đây, bình quân mỗi ngày tại Trung tâm Y tế dự phòng tiếp nhận hơn 300 lượt người đến chích ngừa. Đặc biệt, vào 2 ngày thứ bảy và chủ nhật, dù Trung tâm chỉ tiến hành chích ngừa vào buổi sáng nhưng số lượng người đến vẫn không ít hơn 300 người.
 
Rất đông người dân đến đợi để chích ngừa tại Trung tâm y tế dự phòng
- Ảnh: Diệu Hiền

"Hàng ngày, đặc biệt là vào thời gian từ 10 giờ 30 đến 11 giờ 15, và từ 15 giờ 30 đến 16 giờ 30, lượng người đến chích ngừa đông vô kể", Y sĩ Trà My, trực tiếp thực hiện công tác chích ngừa cho hay.

Chị Nguyễn Thị Hoàng Hà (trú đường Lê Đình Dương, Q.Hải Châu, Đà Nẵng) đưa con trai 5 tuổi đến chủng ngừa thủy đậu, chia sẻ: "Vừa rồi ở trường cháu có bạn bị thủy đậu, dù hè nhưng cháu sắp phải quay lại trường học hè nên tôi đưa đi chích ngừa để hạn chế tình trạng nhiễm bệnh của cháu".

Bệnh nhân đến chủ yếu chích vaccine để ngừa các bệnh như thủy đậu, rubella, viêm gan, quai bị, viêm não...

Theo bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng phòng Dịch tễ và côn trùng, Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng, việc người dân nâng cao ý thức về chủng ngừa các bệnh nguy hiểm, dễ lây lan trong cộng đồng là hành động tích cực.

Nhưng đợi khi dịch bùng phát mới bắt đầu đi chủng ngừa, thì theo ông Lãm là việc làm không nên, bởi trong thời gian dịch bùng phát, khó xác định được người chuẩn bị chích ngừa đã mắc phải mầm bệnh hay chưa. Và nếu mắc phải, thì việc chích ngừa vaccine lúc này là không hiệu quả.

 
Đến tiêm ngừa nhiều nhất vẫn là trẻ em - Ảnh: Diệu Hiền

Thêm nữa, số lượng người đến chích ngừa đông sẽ gây nên tình trạng quá tải, sẽ rất khó đảm bảo lượng vaccine cung ứng đầy đủ nếu tình trạng này kéo dài.

Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức, phải chích ngừa vào thời điểm không phải mùa bệnh trong năm, thì việc chích ngừa mới thực sự hiệu quả và tích cực.

Được biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Đà Nẵng hiện đang được giám sát chặt chẽ. Từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng có hơn 1.000 trường hợp sốt phát ban nghi rubella, 64 trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng, 1.262 ca thủy đậu...

Theo Diệu Hiền - Thanh Niên

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X