Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ tiêu ra máu vì dị ứng đạm trong sữa bò

Bé trai 6 tháng tuổi liên tục đi ngoài ra máu, chị Tuyết đưa con đến bệnh viện khám, được biết bé dị ứng với đạm có trong thành phần của sữa.

Không ít trẻ chỉ cần uống sữa bò là bị tím tái. Ảnh chỉ mang tính minh họa - Thiên Chương

Phụ huynh cho biết, lúc đầu khi thấy con đi tiêu ra máu, chị chỉ nghĩ bé bị kiết lỵ nên cho uống dung dịch bù nước và uống sữa để bù dinh dưỡng.

"Đến khi vào bệnh viện, tôi mới biết con mình bị dị ứng với protein có trong thành phần của loại sữa bò mà cháu đang uống", chị Tuyết nói.

Theo lời khuyên của bác sĩ, chị Tuyết dừng cho con uống sữa bò và đổi sang sữa đậu nành. Tuy nhiên hiện tượng đi tiêu ra máu vẫn thi thoảng xảy ra.

Một trường hợp khác, bé Xuân 4 tháng tuổi ở Hóc Môn, TPHCM, cũng được đưa đến bệnh viện vì chứng tiêu ra máu. Theo hướng dẫn của bác sĩ, bé được ngừng uống sữa bò, từ đó hết bị đi ngoài ra máu.

Theo các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa nhi, hiện tượng dị ứng sữa bò không phải quá hiếm, nhất là đối với trẻ từ 1 đến 3 tuổi. Những thực phẩm dễ gây dị ứng nhất là trứng, lạc và sữa bò. Phần lớn trường hợp dị ứng với sữa bò sẽ khỏi hẳn, tuy nhiên khoảng 10% người sẽ phải sống cùng bệnh này suốt đời.

Nguyên nhân của hiện tượng dị ứng sữa chưa được làm rõ, nhưng được cho có thể là do yếu tố di truyền kết hợp với việc cho trẻ ăn sữa bò quá sớm. Triệu chứng thường thấy của dị ứng sữa bò ở trẻ sơ sinh là chứng viêm da, da nổi mẩn đỏ, nôn trớ, thở khò khè, có máu ở trong phân và chậm tăng cân. Nhiều bé có thể bị sốc phản vệ nặng, tím tái.

ThS-BS Nguyễn Diệu Vinh, Khoa Tiêu hóa, BV Nhi Đồng 2, cho biết, dị ứng với đạm sữa bò là tình trạng hệ miễn dịch trong cơ thể của trẻ phản ứng một cách bất thường những thành phần protein trong sữa.

Khi trẻ bị dị ứng phụ huynh thường được khuyên cho bé chuyển sang uống sữa đậu nành. Song lại có khá nhiều trẻ dị ứng sữa bò cũng bị dị ứng với các protein trong thành phần sữa đậu nành do sữa có thành phần đạm thủy phân.

"Nguyên tắc điều trị dị ứng sữa bò chủ yếu là tránh tác nhân gây dị ứng, do đó khi bắt đầu cho bé ăn dặm, phụ huynh có thể sử dụng một số thực phẩm như bột gạo, bột ngũ cốc, hoặc thực phẩm không chứa sữa như: kem, chocolate, pho mát, sữa chua", bác sĩ Vinh nói.

Theo các bác sĩ Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, để tránh dị ứng và giúp trẻ phát triển tốt trong giai đoạn đầu đời, nên cho bé bú mẹ. "Sữa mẹ thường rất ít gây dị ứng cho trẻ. Hiện tượng dị ứng chỉ xảy ra do mẹ ăn trứng hoặc uống sữa. Người mẹ cần loại bỏ các thực phẩm này ra khỏi bữa ăn thì trẻ sẽ không bị nữa", một bác sĩ nói.

Theo Phương Nghi - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X