Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ mọc răng sữa cần được hạ sốt thế nào? Vì sao không sờ tay vào nướu của bé?

Trẻ mọc răng sữa là điều phụ huynh rất quan tâm, tuy nhiên đừng vì quá sốt ruột mà sờ tay vào nướu của bé. Bên cạnh đó, vấn đề chăm sóc khi trẻ mọc răng thế nào, hạ sốt ra sao… cũng được BS Trương Hữu Khanh chỉ dẫn.

1. Trẻ mọc răng sữa ở mốc thời gian nào? Thứ tự răng mọc ra sao?

Khi được bao nhiêu tháng trẻ bắt đầu mọc răng? Dấu hiệu báo hiệu những thiên thần thoát khỏi cảnh “không răng”?

BS Trương Hữu Khanh:

Thường em bé hiếm mọc răng trước 4 tháng, đa số trẻ sau 6 tháng mới mọc răng. Trẻ sẽ mọc 2 răng cửa dưới trước, sau đó tới 2 răng cửa trên. Có một số em bé lại mọc răng cửa trên trước cũng đừng lấy làm lạ.

Các bậc phụ huynh đừng nghĩ trẻ mọc răng 6 tháng là tất yếu. 6 tháng là mốc thông thường em bé mọc răng, tuy nhiên một số em bé 9 tháng chưa mọc răng. Có thể trẻ chậm mọc răng là giống cha mẹ hồi nhỏ (theo di truyền), vì vậy cần tham khảo cha mẹ bé lúc nhỏ răng sữa mọc mấy tháng?

Với trẻ mọc răng muộn thì tầm 9, 10, 11 tháng trẻ sẽ mọc răng. Trong trường hợp em bé 12, 13, 16 tháng chưa mọc răng, lúc này các bậc phụ huynh cần suy nghĩ và hỏi ý kiến bác sĩ nha khoa.

Chúng ta đừng quan tâm đến mốc mọc răng nhiều quá mà cần quan sát các dấu hiệu: thứ nhất, trẻ thích cáp hay cắn một vật gì? Thứ hai, trẻ chảy nước miếng.

Để xem răng trẻ mọc hay chưa, phụ huynh ta chỉ cần vén môi trẻ ra để nhìn, đừng lấy tay sờ lên nướu, nếu ta sờ nhiều quá chỗ đó có thể bị chai.

2. Vì sao hàm dưới hay mọc sớm hơn ở hàm trên? Bé trai lại hay mọc răng sớm hơn bé gái?

BS Trương Hữu Khanh:

Cha mẹ không cần nghiên cứu về thứ tự răng mọc, chỉ sợ răng mọc sai thôi (mọc sai xảy ra khi thay răng, không phải lúc mới mọc răng sữa).

Phụ huynh cũng không cần quá băn khoăn nhiều đến hiện tượng mọc răng nhanh hay chậm ở trẻ bởi vì đó là bẩm sinh của con người là như thế, phụ huynh không nên lo lắng, miễn sao răng có mọc. Điều quan trọng các bậc cha mẹ cần biết chăm sóc trẻ bị đau khi mọc răng và khi trẻ mọc răng sữa.

3. Vì sao trẻ mọc răng lại bị sốt và tiêu chảy?

Một thực tế mà không mong muốn, trẻ mọc răng thường kéo theo những cơn sốt, cơn đau rất khó chịu cho trẻ? Vì sao cơ thể lại có những phản ứng như thế thưa bác sĩ? Chúng ta nên hiểu về cơ chế này của cơ thể như thế nào?

BS Trương Hữu Khanh:

Có hai đến ba hiện tượng xảy đến cùng lúc mọc răng sữa: mọc răng có thể gây sốt, mọc răng có thể gây tiêu chảy… đến nay các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được. Một số người nói mọc răng sẽ gây nứt nướu, nên trẻ đau. Nứt như vậy, nó sẽ gây viêm rồi dẫn đến sốt. Nứt nướu cũng gây ra tình trạng tiêu chảy. Có người nói trẻ mọc răng, cảm thấy ngứa nên trẻ ngậm nhiều thứ vào miệng, vô tình ngậm phải chất bẩn, gây nhiễm trùng và sốt. Trẻ ngậm rồi nuốt vào gây tiêu chảy… nhìn chung những điều này vẫn gây tranh cãi.

Việc của chúng ta cần chuẩn bị giải quyết vấn đề khi em bé mọc răng. Tuy nhiên, có một số em bé mọc răng nhưng không gặp vấn đề gì cả, trẻ không bị sốt, tiêu chảy hay bị đau.

4. Hạ sốt, giảm đau cho trẻ mọc răng sữa thế nào là đúng cách?

Khi trẻ bị sốt, làm gì để giảm khó chịu cho con? Khi nào nên sử dụng thuốc cho trẻ và dùng theo liều lượng khuyến cáo như thế nào cho trẻ để tránh gây hại cho con?

BS Trương Hữu Khanh:

Trẻ bị sốt do mọc răng hay do nguyên nhân khác, cần được xử lý giống nhau. Sốt do mọc răng sẽ hết trong vòng 2 ngày. Đa phần sốt do mọc răng là sốt nhẹ, các bậc phụ huynh cần cho con bú nhiều hơn, cho trẻ mặc đồ thoáng.

Nếu trẻ bị sốt khi mọc răng nhưng sốt cao quá, các bậc cha mẹ cần lưu ý, cần đưa trẻ đi khám, có thể trẻ vừa mọc răng nhưng bị sốt do bệnh khác.

Để tính liều lượng thuốc hạ sốt, phụ huynh không nên nhìn vào liều hướng dẫn của thuốc cho theo độ tuổi, mà nên tính liều dùng sẽ tùy thuộc vào kilogram (cân nặng của trẻ) bởi vì liều dùng của thuốc theo tuổi sẽ không chính xác.

Cha mẹ cần đặt em bé lên cân để theo dõi, nếu em bé cân nặng 5 kg thì lấy 5 nhân cho 10, 15 và cho trẻ uống. Cha mẹ cần cho trẻ uống thuốc paracetamol đúng cách để hạ sốt. Thuốc này không chỉ hạ sốt, nó có thể giảm đau. Nếu trẻ không sốt nhưng bị đau, tất nhiên vẫn phải cho trẻ uống thuốc để giảm đau.

Hoặc ta có thể dùng thuốc chấm vào chân răng, có nhiều loại thuốc nhưng chúng ta phải tuân thủ theo chỉ định bác sĩ. Cha mẹ có thể sử dụng thuốc ZEETE, sử dụng thuốc đó sẽ không gây hại cho trẻ nhưng phải tùy theo lứa tuổi.


5. Có nên giảm đau, hạ sốt cho trẻ khi mọc răng bằng phương pháp không dùng thuốc?

Trẻ bị sốt khi mọc răng, nếu hạn chế sử dụng thuốc cho bé thì có nên áp dụng các biện pháp như của người lớn: dùng lá hẹ, chườm đá tại vị trí mọc răng, tắm mát...?

BS Trương Hữu Khanh:

Trẻ bị sốt là nóng cả người, nếu chỉ lấy hẹ chấm vào nướu sẽ không có công dụng hạ sốt. Cha mẹ có thể sử dụng các biện pháp không cần dùng thuốc như lau mát hoặc dùng da người lớn áp vào da em bé. Cách áp da người lớn vào da em bé sẽ hút hết nhiệt độ sốt cao từ trẻ qua da người lớn. Như vậy, trẻ sẽ dễ chịu hơn. Lúc đó hai mẹ con ôm nhau cũng tạo ra tình cảm. Hiện nay, cách điều trị đó khá hiệu quả.

Nếu chúng ta sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều, nó sẽ không trở thành vấn đề. Bởi vì trẻ chỉ uống một vài liều là hiệu quả chứ không uống kéo dài. Thời gian sốt rất ngắn, nếu trẻ bị sốt hơn 48 tiếng thì cha mẹ phải đưa trẻ đi khám.

Cha mẹ đừng nên suy nghĩ nhiều đến một hay hai liều thuốc sẽ ảnh hưởng đến cơ thể ra sao. Trẻ bị khó chịu hay sốt cao mới uống thuốc. Trong trường hợp các bé bị sốt nhưng không khó chịu sẽ được giải quyết bằng các phương pháp khác.

6. Phải làm gì khi trẻ bỏ ăn, bỏ bú trong thời điểm mọc răng?

Ngoài việc sốt, trẻ bị đau thì bé yêu còn đối mặt với những khó chịu nào khác hay những điều không mong muốn nào thưa bác sĩ? (VD: bỏ ăn, bỏ bú, quấy không ngủ...). Khi nào đưa trẻ đến cơ sở y tế để tránh những biến chứng nguy hiểm?

BS Trương Hữu Khanh:

Nếu em bé bị đau do mọc răng, các bậc phụ huynh cần làm mát sữa một chút. Trẻ phải bú nhiều cữ, không nên để em bé đói là điều không nên. Khi trẻ thiu thiu ngủ, mẹ mới cho em bé bú thì lúc này trẻ bớt đau hơn. Sau đó, phụ huynh chấm thuốc vào.

Thời gian chỉ kéo dài trong vòng 24 phút đến 48 tiếng thôi. Quá thời gian đó hay không thấy bé mọc răng, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám, không nên đợi trẻ mọc răng.

7. Dinh dưỡng giai đoạn trẻ mọc răng có gì khác biệt so với thường ngày?

Giai đoạn mọc răng bé có cần bổ sung tôm cua, trứng?... Những món ăn này có thật sự giúp trẻ có một hàm răng tương lai chắc khỏe, đều đặn?

BS Trương Hữu Khanh:

Mầm răng có từ khi trẻ nằm trong bụng mẹ chứ không phải chúng ta ăn uống, bổ sung dinh dưỡng thúc đẩy được răng mọc ra liền. Vì vậy cha mẹ cũng không nên nghĩ trẻ mọc răng thì chúng ta mới bổ sung cái này cái kia.

Việc bổ sung phải tiến hành từ trước đó, tức là giai đoạn chuẩn bị mang thai và trong thai kỳ. Người phụ nữ cần được cung cấp đủ canxi và sắt để sinh ra đứa trẻ có hệ xương khớp và hàm răng khỏe mạnh.

Sau khi trẻ ra đời, trẻ vẫn phải tiếp tục được cung cấp sắt và canxi. Đồng thời, trẻ cũng cần bổ sung vitamin D đúng cách. Hiện nay, tình trạng cho trẻ uống quá nhiều vitamin D khá phổ biến. Nguyên nhân là trong công thức sữa có rồi, các bậc cha mẹ còn cho con sử dụng thêm các chế phẩm có vitamin D nên dễ bị dư thừa. Hoặc khi cho con uống  vitamin D, cha mẹ nhỏ 1 giọt thành 2 giọt, hay nhỏ giọt nhỏ ra giọt lớn.

Do đó, cha mẹ cần phải chọn sản phẩm kỹ càng để trẻ không bị dư vitamin D (liều chính xác sẽ an toàn hơn). Thời gian trẻ mọc răng hay về lâu về dài, các bậc phụ huynh cần bổ sung vitamin D cho trẻ.

8. Trẻ hay mút tay sẽ dẫn đến hậu quả gì, làm sao để tránh?

Ở giai đoạn này, trẻ đồng thời cũng xuất hiện những thói quen xấu như mút đầu ngón tay, nhai một bên, ngứa răng nên cắn - nhai bất cứ đồ vật nào... làm sao để trẻ tránh và bỏ được những thói quen này?

BS Trương Hữu Khanh:

Nhiều người cho trẻ mút một cách thoải mái nhưng theo tôi, cha mẹ không nên cho trẻ mút tay. Khi trẻ mút tay như vậy, nó sẽ nuốt hơi, dẫn đến bị đầy bụng và khó ăn. Thậm chí có trẻ mút tay, cả ngày không cần bú.

Khi mút tay, trẻ sẽ bị lệch răng, gây hô răng.

Có một số trường hợp, trẻ mút tay cho đến khi lớn lên dẫn đến ngón tay bị phù.

Cách đơn giản để trẻ không mút tay là đánh lạc hướng: khi trẻ mút tay, cha mẹ dụ trẻ chơi trò chơi khác. Thứ hai, phụ huynh cho trẻ cầm một món đồ có kích thước lớn để trẻ không đưa vào miệng được. Cầm như thế trẻ sẽ quên dần đi. Cha mẹ cũng có thể cho trẻ bú khi trẻ mút tay. Chúng ta phải làm tất cả điều đó để tránh nguy cơ trẻ nghiện mút tay.

9. Cần làm gì khi trẻ chậm mọc răng?

Nguyên nhân do đâu và những cách nào xử trí khi trẻ chậm mọc răng?

BS Trương Hữu Khanh:

Thông thường em bé hơn 12 tháng chưa mọc răng được xem là chậm mọc răng. Đa số trường hợp là bình thường, sớm muộn trẻ sẽ mọc răng.

Khi trẻ chậm mọc răng, các bậc phụ huynh cần nghĩ đến 2 nguyên nhân là chúng ta cung cấp chưa đủ chất dinh dưỡng, thứ hai là bẩm sinh.

Trường hợp trẻ không có mầm răng rất hiếm. Đối với trường hợp này, cha mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ răng hàm mặt hoặc bổ sung chất dinh dưỡng cho trẻ.

10. Những biện pháp tại nhà bố mẹ có thể thực hiện để giữ cho răng bé luôn khỏe mạnh?

BS Trương Hữu Khanh:

Để trẻ muốn có răng đẹp khi lớn lên, cha mẹ phải chăm sóc khi trẻ vừa có răng sữa. Một số người nghĩ răng sữa không cần làm gì hết, đau thì cần nhổ thôi. Cha mẹ chỉ đợi đến khi trẻ mọc răng vĩnh viễn mới chăm sóc là sai lầm. Chăm sóc răng sữa tốt sẽ tạo hàm tốt cho em bé sau này, giúp hàm không bị lệch hay bị hô.

Chăm sóc hàm răng sữa tốt sẽ giúp em bé ăn ngon.

Thứ nhất, cha mẹ cần bảo đảm không được sâu răng sữa. Trẻ bị sâu răng sữa thì cần chữa ngay. Cách tránh sâu răng sữa chính là hạn chế bú đêm, khi trẻ khoảng 3 tháng sẽ không bú đêm. Thứ hai, trẻ phải uống đủ nước và thứ ba, các bé phải biết tự vệ sinh và không ăn kẹo.

Cha mẹ có thể chà bằng gạc cho em bé có răng. Nếu trẻ còn nhỏ, ta chỉ chà bằng nước muối sinh lý. Khi trẻ lớn lên, có thể sử dụng kem đánh răng.

Khi trẻ vừa có răng, các ông bố bà mẹ cần tập cho trẻ làm vệ sinh răng miệng. Ba/mẹ vừa làm vừa nói “chà răng như thế này để sạch nhé con”, đừng nên để trẻ lớn lên rồi mới chải răng cho trẻ. Như vậy, sẽ phản tác dụng (trẻ phản ứng và không hợp tác). Phụ huynh cần lên kế hoạch chăm sóc răng và giải thích đúng cho trẻ để các bé có hàm răng tốt.

Trọng Dy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X