Trao tặng 300 "túi thuốc" cho người dân Huế bị thiên tai
Xác định sau những ngày chống chọi với mưa lũ, bà con rất cần “các loại thuốc cơ bản”. Túi quà được chuẩn bị rất thiết thực: thuốc bôi ngoài da, thuốc cảm, thuốc ho,sổ mũi, men tiêu hóa, sát khuẩn, dung dịch vệ sinh phụ nữ, sữa tắm…Thùng Lavie, chiếc radio “nghe tin tức cảnh báo mưa bão” và bì thư. Tổng giá trị hàng và tiền hơn 300 triệu đồng.
Sáng 31/10, mưa dầm dề nhưng từ sớm bà con người dân tộc Vân Kiều đã tập trung đông đủ về trường THCS Xuân Lộc, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) - điểm hẹn phát quà.
Trước đoàn của chúng tôi, bà con được tặng bánh chưng, gạo, mỳ tôm, quần áo cũ. Lần này, nhận “túi thuốc” kèm hướng dẫn sử dụng dễ hiểu, mọi người phấn khởi lắm. “Ở các bản làng xa, có được viên thuốc hạ sốt, nhức đầu, ho cảm… quý lắm”, chị Lê Thị Phương, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Phú Lộc chia sẻ.
Trong mưa bão, radio chạy bằng pin giúp người dân nắm bắt kịp thời các bản tin dự báo thời tiết quan trọng. 300 chiếc radio được chuyển phát nhanh từ Hà Nội về Huế làm quà cho người dân vùng cao
Chị em Hội Phụ Nữ tỉnh Thừa Thiên Huế cùng tham gia chia quà, cứ tấm tắc khen "phần quà hết sức cần thiết và hợp lý"
Chị Hồ Thị Liên, dân tộc Vân Kiều, kể đây là lần đầu tiên cả làng cùng được đi nhận quà, gần như không sót nhà nào, nên mọi người trong làng vui lắm.
Chị Lê Thị Hồng Thanh - Phó chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế cùng trao quà cho người dân
Hoàn cảnh của bà con Vân Kiều ở đây, đều na ná như nhau. Sau bão, đến cái mái nhà cũng "chỗ còn chỗ mất". “Ngồi trong nhà, nước rơi lộp độp, phải mặc áo mưa cho khỏi ướt, khỏi lạnh. Bữa ăn, thịnh soạn là gói mỳ tôm chan nước lõng bõng”. Thóc giống nẩy mầm, hư hỏng. Cả làng sống bằng nông nghiệp. Đất là linh hồn nuôi sống, thì nay “Chỗ sạt lở, nơi lại bị bồi lấp”. Cây trái gãy đổ tan hoang, cũng không khó bằng việc, “phải mất nhiều công lắm mới làm lại đất, để mà canh tác tiếp”.
Khó khăn giăng giăng trước mắt. Bà con khi nhận quà đều cảm động, không quên nói đi nói lại lời cảm ơn bằng tiếng Kinh lơ lớ.
Trời chợt mưa, chợt tạnh, để bà con không bị ướt, việc trao quà cho 170 hộ diễn ra nhanh chóng. Cuối buổi, phát hiện ra một “ca đặc biệt”, một cô gái dân tộc nhường phiếu nhận quà cho gia đình “khổ hơn mình”. Cô còn vui vẻ dẫn đường cho đoàn đến địa điểm phát quà kế tiếp.
Cô gái tốt bụng - ở giữa - vui vẻ giúp đoàn và không nhận gì cho riêng mình
Tiếp tục hành trình, thẳng tiến đến điểm phát quà thứ hai, cách 40 cây số: thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông. Xuyên qua các cung đường núi quanh co, chương trình định vị trên điện thoại liên tục cảnh báo "Bạn đang trong vùng nguy hiểm, thời tiết xấu".
Tại điểm phát quà này, Hội Phụ Nữ tỉnh Thừa Thiên Huế tặng kèm thêm mỗi phiếu 20kg gạo.
Danh sách nhận 130 phần quà tại đây được Hội Phụ nữ huyện chọn lọc rất kỹ từ các xã: Hương Xuân, Hương Lộc, Hương Phú và Thượng Lộ. Đảm bảo các hộ nhận quà đúng là gia đình bị thiệt hại nặng do mưa bão.
Khệ nệ ôm hai bịch gạo, gói quà, không quên kè kè thêm cái nồi không nắp, cô Nguyễn Thị Hà, huyện Nam Đông gây ấn tượng nhất trong những người đến nhận. Bão số 9, thổi bay sạch sành sanh, đến cái nồi nấu cơm cũng không còn. Cô ỏn ẻn kể về cái nồi cũ thiếu nắp mới xin được, sẽ giúp cho gia đình cô có chén cơm sau cả tuần toàn mỳ gói.
Trước bão số 9, gia đình không thuộc diện nghèo. Nhà trồng cả keo lẫn cao su. Bao năm siêng năng chăm bón, tích góp, đến lúc sắp “thu hoạch” bão số 9 tràn qua, vặn gãy không thương tiếc. Tan tác. Tan nát. Đến mái nhà cũng còn không nguyên vẹn.
Trắng tay, nhưng cô lại chính là người, “động viên ngược: "Không sao. Còn người còn của, con à”.
Nếu ai chưa từng biết về cuồng phong, bão tố, đi trên tuyến đường vào các thôn xã của Nam Đông hôm nay, sẽ thấm thía sức mạnh của gió bão “cấp đặc biệt lớn”. Cây lớn cây nhỏ, gãy gọn, ngã rạp về một phía.
1841 ha cây keo, rừng trồng bị vặn sạch, 490 ha cây cao su bị gãy đổ ngổn ngang, 37,3 ha cam quýt và 54,5 ha trồng chuối cũng mất trắng… Dân Nam Đông đang sốc nặng. Ra thăm đất, nhiều người ngơ ngẩn, bỏ ăn, chưa tin là công sức bao năm gầy dựng, chẳng còn lại gì sau cơn cuồng phong.
70% toàn bộ các cây trồng trên toàn huyện bị hư hỏng phải chặt bỏ. "Thường 1 ha trồng keo sau 7 năm thu hoạch được 70 - 80 triệu đồng, nay gẫy rạp như vầy, kêu bán cũng khó. Rồi cũng đến lúc phải chặt đi, để làm lại", chị Hoàng Thị Loan - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Nam Đông ngậm ngùi.
Dẫn đường cho đoàn đi thăm các thôn bản, chị Loan đưa đoàn đến thăm cụ Nguyễn Thị Đóa, 84 tuổi, lưng còng gần sát đất, lầm lũi một mình trong căn nhà trống hoác. Lên đồi thăm các gia đình sống trong những căn nhà “đặc trưng của cái nghèo tuyệt đối”. Chỉ là bốn bức vách dựng tạm trên nền đất lầy. Mong manh là thế nên đợt bão số 9, chỉ một cú thốc cũng làm mái nhà tan tác.
Đây đó ở Nam Đông, khắp nơi vang lên tiếng cưa cắt bỏ cây bị gió bão quật ngã. Tiếng cưa rè rè như cắt vào tim vào gan, như xô đổ bao công lao khó nhọc vun quén cho mảnh vườn, cái rẫy.
Đường về, xe bị thủng lốp, đoàn ghé tạm vào nhà dân ven đường, trong lúc khát và mệt, lại được bà con đem nước Lavie mới được nhận quà sáng nay, đãi qua cơn khát.
Cuộc sống như một vòng tuần hoàn, "khi này tôi giúp bạn, khi khác lại được giúp". Cuộc đời đáng sống hơn bởi biết cho và dám cho...
Chia tay Huế, hẹn gặp ở Quảng Bình.
Đợt 1, ngay sau khi kêu gọi, đoàn đã nhận được sự ủng hộ của các cá nhân, bạn hữu, bác sĩ cùng các công ty gửi vật phẩm, thuốc men:
1. Công ty Cổ phần Traphaco
2. Công ty MundiPharma
3. Công ty TNHH Lavie
4. Công ty Cổ phần Thảo dược Thiên nhiên Việt Nam
5. Công ty Rhoto Việt Nam
6. Công ty Dược phẩm Hasan Dermapharm
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình