Hotline 24/7
08983-08983

Tránh căng thẳng khi tài chính khó khăn

Không ít phụ huynh có con nghiện game online, bỏ học, ngỗ nghịch... đã ngỡ ngàng nhận ra nguyên nhân của vấn đề lại xuất phát từ những bất ổn tài chính trong gia đình.


Tình hình lên xuống của chứng khoán khiến nhiều người ăn ngủ không yên
 Ảnh: T.T.D.

N.B., một cậu bé 13 tuổi, nhà ở TP.HCM, được ba mẹ đưa đến khám bệnh với tình trạng suy nhược thần kinh, hay mệt mỏi, bỏ học vì chơi game online quá nhiều.

Khổ vì tiền

B. sinh ra trong một gia đình rất ổn định, ba là giám đốc một công ty tư nhân, mẹ làm kế toán ngân hàng. Thời kỳ học cấp I B. là học sinh ngoan, rất nghe lời ba mẹ, tuy nhiên khi bắt đầu vào cấp II thì tình hình hoàn toàn thay đổi.

Qua tìm hiểu, được biết trước đây ba mẹ em có nhiều thời gian dành cho em nên tình cảm và các mối quan hệ gia đình rất tốt. Tuy nhiên, từ khi công việc của người cha ngày càng khó khăn, mẹ cũng phải làm việc nhiều hơn thì cả gia đình ít có thời gian dành cho nhau. Chính vì điều này mà sự gần gũi, chia sẻ của cha mẹ dành cho B. giảm rất nhiều. B. chơi game online như một cách giải trí và dần dần nghiện lúc nào không biết.

Còn P.T., một nữ sinh học lớp 10, được cha mẹ đưa đến trung tâm tham vấn tâm lý do thường xuyên bỏ học, tụ tập bạn bè xấu, đánh nhau, nói dối bố mẹ... Tình trạng này của P.T. xuất hiện cách đây gần một năm khi em bắt đầu vào lớp 10. Tìm hiểu gia đình của P.T. được biết em có ba là giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh gỗ, mẹ là nội trợ. Trước đây gia đình rất ổn định, tình hình kinh doanh của người cha cũng khá. Tuy nhiên, từ hai năm nay tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn, người cha thường xuyên vắng nhà hoặc có về nhà thì lại cáu gắt, la mắng mọi người. Không khí trong gia đình rất căng thẳng.

Hay như anh N.T., 37 tuổi, giám đốc một công ty dịch vụ tại Biên Hòa, đến khám bệnh với các triệu chứng hồi hộp, lo âu, chán ăn, mất ngủ, căng thẳng và cáu gắt vô cớ... Anh được các bác sĩ chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu, một tình trạng rối loạn tâm thần do căn nguyên tâm lý gây nên. Các triệu chứng chỉ xuất hiện cách đây gần một năm khi tình hình của công ty do anh làm giám đốc xấu đi. Các khoản nợ khó đòi ngày càng nhiều mà việc nhập hàng đầu vào cũng khó khăn vì ngân hàng không cho công ty vay tiếp.

Có thể phòng tránh và vượt qua

Những khó khăn về kinh tế có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tâm thần của không chỉ một người mà cả với các thành viên còn lại trong một gia đình. Làm gì để phòng tránh điều này? Rất khó để đưa ra một đáp án chung cho mọi trường hợp. Tuy nhiên, nghiên cứu về vấn đề sức khỏe tâm thần do tác động từ khủng hoảng tài chính cho thấy phần lớn là do stress tạo nên. Chính vì thế, các nhà chuyên môn khuyến cáo trước tiên cần xem xét tình huống gây nên stress với bản thân là gì.

Nếu một cá nhân là doanh nhân khủng hoảng vì nợ nần không thể trả thì đó là yếu tố nguyên nhân của stress. Một cá nhân khác bị thất nghiệp thì yếu tố stress là do thất nghiệp... Do đó, cần phải xem xét bản chất vấn đề cá nhân gặp là gì khi đã rơi vào khủng hoảng. Khi đã nhận diện được nó mới có cách vượt qua.

Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề giải quyết stress khi nó đã xảy ra. Để phòng chống stress và khủng hoảng trong lúc khó khăn kinh tế, người ta có thể áp dụng một số điều như sau:

-  Cần và luôn giữ những thói quen tốt như tập thể dục thường xuyên, không sử dụng rượu, thuốc lá, giữ các chương trình tạo ra động lực cho cuộc sống như nghe nhạc, sinh hoạt trong một nhóm bạn cùng sở thích...

- Trong sinh hoạt gia đình cần giữ mức cân đối chi tiêu và chi tiêu đúng. Cần thiết phải xây dựng kỹ năng quản lý tài chính ổn định để không bị bỡ ngỡ khi rơi vào khủng hoảng. Có nhiều người quá ảo tưởng và xây dựng cho mình một lối sống hưởng thụ, điều này khiến họ sẽ rất khó khăn khi rơi vào trạng thái khủng hoảng tài chính.

- Cần giữ vững những nếp sống lành mạnh của gia đình. Sự chia sẻ, quan tâm, cân bằng luôn là điều kiện cần thiết để các thành viên có cuộc sống lành mạnh hơn, tránh xa được các khó khăn họ sẽ gặp phải.

- Nếu có những vấn đề sức khỏe tâm thần, hãy liên hệ với các trung tâm hoặc chuyên gia để được giúp đỡ chuyên nghiệp.

Kiểm soát sự căng thẳng

Đối phó với stress là khả năng giữ cân bằng khi xảy ra những tình huống, sự kiện đòi hỏi quá sức. Vậy làm thế nào để đối phó với stress?


- Quan sát: hãy xem xung quanh bạn có điều gì mà bạn có thể thay đổi để xoay chuyển tình hình khó khăn.


- Tìm cách thoát khỏi cảm giác khủng hoảng: nghỉ ngơi, thư giãn, tặng cho bản thân một thời gian nghỉ ngắn mỗi ngày.


- Đừng để tâm đến những việc lặt vặt: việc nào thật sự quan trọng thì làm trước, gạt những việc linh tinh sang một bên.


- Thử thay đổi cách bạn thường phản ứng nhưng hãy thay đổi từ từ và có chọn lọc, từng bước một. Tập trung giải quyết một khó khăn nào đó và thử thay đổi cách bạn phản ứng trước khó khăn đó.


- Tránh những phản ứng thái quá.


- Ngủ đủ giờ: thiếu ngủ càng khiến bạn thêm stress.


- Không được trốn tránh bằng rượu hay thuốc lá.


- Thư giãn.


- Đặt những mục tiêu cụ thể cho bản thân: cắt bớt khối lượng công việc, điều này có thể giúp bạn tránh được việc suốt ngày phải lo nghĩ quá nhiều.


- Chiến lược “da dày”: nhìn nhận tình huống stress một cách tích cực và để nó trôi tuột đi, đừng níu kéo nó.
AloBacsi.vn (Theo ThS tâm lý LÊ MINH CÔNG - Tuổi trẻ)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X