Hotline 24/7
08983-08983

TPHCM: Số ca mắc tay chân miệng tăng, sốt xuất huyết giảm ở tuần 43

Ngày 3/11/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn trong tuần 43 của năm 2023. Trong đó, số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng 14% và sốt xuất huyết giảm 11% so với trung bình 4 tuần trước.

Theo đó, từ ngày 23 đến 29/10 (tuần 43), tại TPHCM ghi nhận 1.902 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 14% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2023 đến tuần 43 là 34.521 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Nhà Bè, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh.

Trong tuần, TPHCM cũng ghi nhận 422 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 11% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2023 đến tuần 43 là 15.037 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, quận Bình Thạnh và quận 8.

Đáng chú ý, trong tuần 43 của năm 2023, TPHCM ghi nhận ca tử vong đầu tiên do bệnh đậu mùa khỉ.

Cách phòng bệnh tay chân miệng

Để tích cực phòng, chống, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh tay chân miệng Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

5. Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

6. Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

Đối với những trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhưng phân loại nhẹ, được bác sĩ tư vấn chăm sóc, điều trị tại nhà cần tái khám đúng lịch và chú ý các dấu hiệu chuyển nặng như: sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ sốt; giật mình nhiều (>= 2 lần trong 30 phút); quấy khóc dai dẳng, kéo dài; khó thở… Do bệnh tay chân miệng chuyển biến nhanh, khó lường nên khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu chuyển nặng trên cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Bộ Y tế khuyến cáo phòng, chống sốt xuất huyết

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

2. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...

3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

4. Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X