Hotline 24/7
08983-08983

TPHCM có tuổi thọ cao nhất cả nước, nhưng tỷ lệ sinh thấp chưa từng có

Theo Niên giám thống kê 2023 (Tổng cục Thống kê), tuổi thọ người Việt Nam năm 2023 tăng lên 74,5 - cao hơn gần 1 tuổi so với trung bình 4 năm trước đó. Mức chênh lệch tuổi thọ của địa phương cao nhất và thấp nhất lên tới 6,8 năm.

Tổng cục Thống kê vừa công bố Niên giám thống kê 2023, trong đó, ghi nhận tuổi thọ của người dân Việt Nam tăng mạnh trong năm qua. Theo số liệu sơ bộ, năm 2023, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của người Việt đạt 74,5 tuổi, tăng gần 1 tuổi so với năm 2022. Trong đó, đàn ông Việt tăng 1 tuổi, còn nữ giới tăng 0,8 tuổi.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá: “Tuổi thọ người Việt cao hơn nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người”

Những tỉnh thành có tuổi thọ trung bình cao nhất nước

Đông Nam Bộ là khu vực có tuổi thọ trung bình cao nhất trong cả nước với 76,3 tuổi. Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh thành lân cận như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh..., tuổi thọ trung bình của người dân là 75,7 (cao hơn năm ngoái 0,5 tuổi).

Tính theo địa phương, TPHCM là địa phương người dân có tuổi thọ trung bình cao nhất cả nước với 76,5 tuổi, tiếp theo là Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai, lần lượt là 76,4 và 76,3 tuổi.

Tính theo giới, phụ nữ Việt Nam có tuổi thọ trung bình là 77,2 tuổi, trong khi nam giới là 72,1 tuổi.

Ở nhóm tuổi thọ thấp, hiện Điện Biên, Lai Châu và Kon Tum có tuổi thọ trung bình thấp hơn cả, đều ở mức xấp xỉ 70 tuổi.

TPHCM có hơn 1,1 triệu người trên 60 tuổi, nhiều người đang đối diện với gánh nặng "bệnh tật kép"

Theo báo cáo mới nhất, tuổi thọ trung bình của người dân TPHCM cao hơn mặt bằng chung tuổi thọ của cả nước là 2 tuổi.

Theo ông Phạm Chánh Trung - Chi cục trưởng Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, năm 2023, tuổi thọ trung bình của người dân TPHCM là 76,5 tuổi, cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước là 74,5 tuổi (nguồn số liệu từ Tổng cục Thống kê).

Theo cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Công an TPHCM cung cấp, năm 2023, số người cao tuổi (trên 60 tuổi) của thành phố là 1.135.889 người, chiếm tỉ lệ 12,05%.

Những số liệu này cho thấy TPHCM đã bước nhanh vào tiến trình già hóa dân số do chịu sự tác động sâu sắc của mức sinh thấp và tuổi thọ trung bình tăng cao.

Có nhiều yếu tố tác động đến tuổi thọ như môi trường sống, chế độ dinh dưỡng, vận động thể dục thể thao, sức khỏe tinh thần, sự cân bằng về dinh dưỡng và rèn luyện, giữ gìn sức khỏe cùng với sự thuận lợi trong việc tiếp cận hệ thống y tế là những yếu tố giúp tuổi thọ trung bình tăng.

Việc được tiếp cận dễ dàng với các kiến thức dinh dưỡng cũng như chế độ ăn lành mạnh cũng là một trong những nguyên nhân giúp cho người dân có thể nâng cao tuổi thọ trung bình.

“Tuy nhiên điều quan trọng là tuổi thọ trung bình và tuổi thọ khỏe mạnh của người dân hiện nay chênh rất cao có nghĩa là người cao tuổi của chúng ta mặc dù sống thọ nhưng vẫn phải đối mặt và sống chung với các bệnh tật” - ông Phạm Chánh Trung lưu ý.

Sở Y tế TPHCM cho biết, người cao tuổi đang đối diện với gánh nặng "bệnh tật kép" và thường mắc các bệnh mạn tính. Nhiều khả năng người cao tuổi không thể tự chăm sóc trong sinh hoạt do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn.

Nhiều người già không người chăm sóc, trong khi số nhà dưỡng lão tại thành phố còn rất ít, chưa đáp ứng nhu cầu.

Từ năm 2013, Sở Y tế TPHCM triển khai chương trình thí điểm khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi. Kết quả ghi nhận hơn 51% bị tăng huyết áp, gần 15% mắc đái tháo đường, cùng nhiều bệnh nền như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư, trầm cảm, rối loạn lo âu...

Chương trình cũng ghi nhận nhiều người sống trong cảnh phụ thuộc, không thể tự chăm lo hoạt động sống cơ bản hằng ngày như tắm, mặc quần áo, ăn uống, vệ sinh, tiêu tiểu, di chuyển.

Tỷ lệ sinh của TPHCM ở mức thấp chưa từng có và đang tiếp tục suy giảm

TPHCM hiện là thành phố đông dân nhất cả nước, nhưng tỷ lệ sinh con lại ở mức thấp chưa từng có và đang tiếp tục suy giảm. Năm ngoái, tỷ lệ sinh con của Thành phố là 1,32 trẻ em/phụ nữ. Trong khi mức sinh thay thế hiện là 2,1 trẻ em/phụ nữ.

Bà Trần Thị Ngọc Yến - Trưởng phòng Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Chi cục Dân số và Kế hoạch hoá gia đình TPHCM cho biết: "Mức sinh thấp sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu dân số của thành phố, thiếu hụt dân số đặc biệt là dân số trẻ, dẫn đến thiếu hụt lao động và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố".

Những gia đình theo công thức 4-2-1 đang ngày càng phổ biến. Trong vài chục năm tới, khi ông bà, cha mẹ già đi. Những đứa trẻ này ngược lại, sẽ phải một mình mang trọng trách chăm sóc 6 người, là ông bà hai bên và cha mẹ. Áp lực sẽ không chỉ là kinh tế, mà còn là tất cả mọi thứ liên quan đến chất lượng cuộc sống.

TPHCM chỉ là địa phương tiêu biểu. Tỷ lệ sinh con ở cả nước ta hiện nay cũng đang giảm mạnh. Năm 2022, tỷ lệ sinh giảm xuống còn 2,01 con/mẹ, mức thấp nhất trong 11 năm qua.

Năm 2023, tỷ lệ sinh tiếp tục giảm xuống còn 1,95 con/phụ nữ, thấp hơn mức sinh thay thế 2,1 con. Khi mức sinh thực tế thấp hơn mức sinh thay thế, chúng ta đứng trước nguy cơ suy giảm dân số nghiêm trọng. Theo tính toán, nếu xu hướng này không được cải thiện, thì đến năm 2500, dân số Việt Nam sẽ chỉ còn 3,6 triệu người. Tương đương với dân số của một tỉnh Nghệ An hiện nay.

Có rất nhiều lý do khiến cho tỷ lệ sinh giảm. Trong đó, việc nuôi con ngày càng trở thành vấn đề không đơn giản của các cặp vợ chồng, bởi hàng loạt chi phí và nhiều khoản đầu tư lớn nhỏ cho con. Đây là những áp lực dẫn tới việc ngại kết hôn và sinh con của một bộ phận những người trẻ.

Áp lực lập thân, có nhà cửa, sự nghiệp ở thành phố, đang khiến nhiều người trẻ chọn việc kết hôn và sinh con muộn như một lẽ đương nhiên.

Theo thống kê, độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình ở TPHCM vào khoảng 30 tuổi. Dưới góc nhìn xã hội đã được coi là muộn. Còn dưới góc nhìn y tế, độ tuổi này đã bỏ lỡ giai đoạn vàng để mang thai và sinh con.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X