Hotline 24/7
08983-08983

Tôi bị trầm cảm nên rất khó ngủ, xin AloBacsi tư vấn dùm

Đi khám ở bệnh viện tâm thần Hải Phòng thì được chẩn đoán là rối loạn lo âu. Điều trị được 3 tháng thì bác sĩ chuyển qua điều trị chứng trầm cảm.

Tôi bị mất ngủ đã lâu. Đi khám ở bệnh viện tâm thần Hải Phòng thì được chẩn đoán là rối loạn lo âu. Điều trị được 3 tháng thì bác sĩ chuyển qua điều trị chứng trầm cảm.

Tôi đã uống thuốc Remeron nhưng không khỏi. Tôi không khó đi vào giấc ngủ song ngủ mơ liên miên và giấc ngủ rất chập chờn. Thỉnh thoảng tôi còn bị đánh trống ngực do nhịp tim nhanh.

Xin bác sĩ tư vấn dùm. Tôi xin chân thành cảm ơn!
 
(Ph. V. Huy, 33 tuổi - Hải Phòng)
 

Mến chào Huy,

Mất ngủ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, bao gồm các bệnh lý nội khoa, đặc biệt khi các bệnh này gây ra đau đớn (viêm thần kinh tọa, thoái hóa cột sống…) hoặc khó thở (COPD, hội chứng ngưng thở khi ngủ…).

Hoặc do sử dụng các chất kích thích tâm thần như trà, cà phê, vitamin C, rượu, bia, thuốc men (corticoide, hormone giáp trạng…)

Hoặc điều kiện không thuận lợi như: thay đổi múi giờ, làm việc theo ca, giờ giấc sinh hoạt thất thường, phòng ngủ quá nóng hoặc quá lạnh, có nhiều tiếng ồn…

Một nguyên nhân quan trọng nữa khá thường gặp có thể gây nên mất ngủ là các bệnh lý tâm thần mà trong đó đứng đầu là trầm cảm và/hoặc rối loạn lo âu, rối loạn stress

Do đó, điều quan trọng là phải xác định và điều trị được nguyên nhân gây ra mất ngủ thay vì uống các loại thuốc chỉ có tác dụng gây ngủ.

Nếu tình trạng mất ngủ của em là do trầm cảm hoặc rối loạn lo âu gây ra thì việc điều trị triệt để các căn bệnh này là cách tốt nhất để cải thiện giấc ngủ.

Thực tế, rối loạn lo âu hay trầm cảm là hai loại rối loạn có liên hệ mật thiết, thường song hành cùng nhau, đôi khi khó phân định đâu là nguyên nhân, đâu là hậu quả. Muốn điều trị có kết quả tốt, thuốc dùng phải thích hợp với tình trạng hiện tại của em (vừa có tác dụng chống trầm cảm, vừa có tác dụng giải lo âu và có tính chất êm dịu), liều lượng phải đủ hiệu quả và đặc biệt lưu ý là phải duy trì trong một thời gian đủ lâu sau khi bệnh đã ổn để hạn chế khả năng tái phát bệnh.

Song song việc điều trị bằng thuốc, một chế độ sinh hoạt điều độ và việc vệ sinh giấc ngủ là vô cùng quan trọng.

Chế độ sinh hoạt phù hợp yêu cầu có các hoạt động thể dục thể thao đều đặn và thường xuyên- ít nhất 30 phút/lần, và 3 lần/tuần - lưu ý không nên vận động trước khi ngủ mà nên tập luyện vào buổi chiều.

Không sử dụng các chất kích thích bao gồm trà, cà phê, rượu... Buổi tối chỉ nên ăn nhẹ, nên uống 1 ly sữa nóng trước khi ngủ. Không nên ngủ trưa quá dài.

Vệ sinh giấc ngủ bao gồm phòng ngủ đủ tối, thoáng mát, không ồn ào; đi ngủ và thức dậy đúng giờ, không xem tivi trên giường, ra khỏi giường nếu sau 30 phút vẫn không vào được giấc ngủ…

Trong thư em không cung cấp đủ thông tin về diễn tiến tình trạng của bản thân như thế

nào nên khó lòng đưa ra cho em kết luận cụ thể về tình trạng hiện tại. Tuy nhiên, có thể chắc chắn rằng điều trị của em là chưa đạt hiệu quả.

Em cần rà soát lại chế độ sinh hoạt và vấn đề vệ sinh giấc ngủ xem có phù hợp chưa. Đồng thời nên trao đổi thêm với bác sĩ điều trị để có điều chỉnh thích hợp giúp giải quyết tình trạng của em ở mức tối ưu và triệt để.

Chúc em mau chóng hồi phục và có được giấc ngủ chất lượng!

Theo BS-CK2 Phạm Quỳnh Diệp

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X