Hotline 24/7
08983-08983

Tìm hiểu các vấn đề về da để chăm sóc da toàn diện

Chăm sóc da là một vấn đề được rất nhiều người quan tâm và đặc biệt là chị em phụ nữ. Bên cạnh các phương pháp điều trị hiện nay thì chế độ dinh dưỡng, lối sống, sinh hoạt là điều không thể bỏ qua để có một làn da khỏe mạnh, rạng ngời.

Sáng 7/10/2023, Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã tổ chức chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe tháng 10 với chủ đề “Chăm sóc da mặt toàn diện”. Chương trình được tổ chức định kỳ hàng tháng với 2 hình thức là trực tiếp và trực tuyến.

Phát biểu khai mạc PGS.TS.BS Châu Văn Trở - Trưởng Phòng khám Đa khoa, Trưởng Bộ môn Da liễu Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ: “Chúng ta ai cũng có nhu cầu làm đẹp, làn da đẹp sẽ giúp tự tin hơn trong giao tiếp, học tập và làm việc. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ thông tin và các phương pháp làm đẹp thì làm thế nào để có thể vừa đẹp vừa an toàn? Chính vì vậy, nhân ngày 20/10/2023, đơn vị truyền thông Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã triển khai chủ đề này nhằm tri ân những người phụ nữ”.

PGS.TS.BS Châu Văn Trở - Trưởng Phòng khám Đa khoa, Trưởng Bộ môn Da liễu Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Không nên nặn mụn tại nhà, lấy nhân mụn sai cách sẽ gây nhiễm trùng, bội nhiễm

Mở đầu chương trình, TS.BS Nguyễn Ngọc Trai - Giảng viên Bộ môn Da Liễu Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã mang đến những nội dung hữu ích về “Bệnh da thường gặp ở mặt và cách xử trí” để từ đó người bệnh có thể nhận biết tình trạng và đưa ra có phương pháp điều trị phù hợp.

BS Nguyễn Ngọc Trai cho biết: “Mụn trứng cá là bệnh lý phổ biến, thường gặp ở tuổi dậy thì. Xuất hiện dưới dạng mụn viêm, mụn đỏ, mụn đầu đen hoặc mụn mủ. Các nốt mụn này thường xuất hiện ở mặt, lưng và ngực, có thể gây tổn thương da và sưng đau”.

Ở ngoài cùng của da có lớp tế bào sừng, đây là những lớp tế bào chết và sẽ bong ra theo quá trình tự nhiên của da, nếu không được làm sạch sẽ rơi vào lỗ chân lông tạo thành nút chặn lỗ chân lông gây nghẹt. Khi tuyến bã nhờn dưới lỗ chân lông tiết ra và không được bài xuất đi sẽ gây tắc nghẽn, cũng như sinh sôi vi khuẩn và lâu dần tạo mụn viêm, mụn mủ dày đặc trên da.

TS.BS Nguyễn Ngọc Trai khuyến cáo, để điều trị tình trạng này chúng ta không nên nặn mụn tại nhà vì khi lấy nhân mụn sai cách sẽ dễ gây nhiễm trùng, bội nhiễm, nhân mụn đi sâu vào dưới da làm tình trạng nặng nề hơn.

Bên cạnh đó, nên rửa mặt sạch hằng ngày (sử dụng sửa rửa mặt dành riêng cho da mụn), sử dụng các sản phẩm chăm sóc da không chứa dầu và không gây tắc nghẽn lỗ chân lông, thường xuyên sử dụng kem chống nắng. Đối với các trường hợp nặng nên đi khám sớm và điều trị với nác sĩ da liễu vì mụn trứng cá có thể gây sẹo vĩnh viễn và vết thâm trên khuôn mặt. Ngoài ra, có thể sử dụng một số phương pháp hiện đại như laser, ánh sáng, chemical peel (thay da sinh học)

Để phòng ngừa, cần tránh đưa tay lên mặt vì vi khuẩn, vi trùng có thể xâm nhập vào lỗ chân lông gây tình trạng mụn; Hạn chế ăn đồ ngọt, đồ béo như sữa, đồ chiên, xào, dầu mỡ,… làm tăng bã nhờn dẫn đến mụn nhiều hơn; Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, đặc biệt là trái cây có vị chua sẽ chứa nhiều vitamin C giúp tăng sức đề kháng, sáng da, giảm khả năng gây mụn; Hạn chế thức khuya; Uống nhiều nước 1.5 - 2 lít/ngày giúp da có sức sống hơn, đẹp hơn và vệ sinh không gian sống sạch sẽ.

Nếu vết mụn quá nặng, sau khi hết sẽ tạo thành sẹo rỗ

Sau khi hết mụn, da cần có quá trình lành vết thương. Tuy nhiên, nếu vết thương nặng hoặc quá trình lành vết thương bị rối loạn sẽ tăng sự sơ hóa trong da, tạo ra sẹo rỗ, sẹo lõm. Bản chất sẹo rỗ có nhiều chân sơ dưới da, bám vào và kéo lõm da xuống.

Sẹo rỗ có nhiều dạng: sẹo đáy nhọn (sẹo nhỏ, li ti trên da như lỗ chân lông), sẹo đáy tròn, sẹo đáy vuông (đáy giãn rộng trong da),… gây mất tự tin và rất khó điều trị trở về làn da như ban đầu.

BS Nguyễn Ngọc Trai khuyến cáo: “Không nên tự ý nặn mụn, lấy nhân mụn; Cần thăm khám chuyên gia, bác sĩ da liễu ngay khi gặp tình trạng nặng; Không nên sử dụng các loại thuốc bôi mụn trôi nổi và cần cố gắng duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học”.

TS.BS Nguyễn Ngọc Trai - Giảng viên Bộ môn Da Liễu Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Phụ nữ mang thai dễ bị nám da

TS.BS Nguyễn Ngọc Trai cho biết: “Nám da là tình trạng sạm màu xuất hiện trên da do sự tăng sản xuất melanin. Nám có thể xuất hiện ở khu vực da mặt, cổ, tay hoặc các vùng khác trên cơ thể”.

Nguyên nhân gây nám đầu tiên là ánh nắng mặt trời. Khi đi nắng nhiều, tia UV tác động vào tế bào hắc tố gây rối loạn và sản sinh ra quá nhiều melanin, dẫn đến hình thành đốm nám trên da.

Phụ nữ khi mang thai sẽ gia tăng hormone estrogen và progesterone nên dễ nám hơn. Bên cạnh đó, sử dụng thuốc tránh thai cũng là một yếu tố nguy cơ. Stress, căng thẳng khiến cơ thể sản sinh ra nhiều hormone cortisol dẫn đến nám.

Tắm nắng (xuất hiện nhiều ở người nước ngoài), người làm việc ngoài nắng nhiều nên che chắn cẩn thận, sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da tốt hơn. Hoặc một số bệnh lý khác như bệnh lý tuyến giáp, bệnh viêm, di truyền.

Về điều trị, cần sử dụng sửa rửa mặt, kem chống nắng mặt và body (SPF > 30, phổ rộng, chống được ánh sáng xanh và kháng nước). Bên cạnh đó, nên sử dụng sản phẩm làm trắng da như serum vitamin C, arbutin, niacinamide, tranexamic axit,… và sản phẩm dưỡng ẩm. Đối với trường hợp nám nặng, ngoài những sản phẩm bôi thoa cần phối hợp công nghệ cao như laser, ánh sáng, PRP.

Hạn chế ăn thịt đỏ vì gây lão hóa nhanh và ung thư cao

Về vấn đề lão hóa, TS.BS Nguyễn Ngọc Trai chia sẻ: “Từ 25 tuổi, chúng ta đã bắt đầu thay đổi về hormone và quá trình lão hóa đã xảy ra. Khi lão hóa xảy ra sẽ làm giảm collagen, elastin dẫn đến da chảy xệ, kém đàn hồi, thiếu hụt thể tích, xuất hiện nếp nhăn, túi mỡ bị sa trễ gây tình trạng chảy xệ, da khô, da khồng đều màu, đồi mồi.

Nguyên nhân gây lão hóa quan trọng nhất là vấn đề nội sinh (thay đổi hormone của cơ thể, quá trình sinh lý). Ngoài ra, còn có vấn đề ngoại sinh như tia UV, stress, thuốc lá, rượu bia, môi trường ô nhiễm, chế độ dinh dưỡng là những yếu tố có thể thay đổi, làm chậm sự lão hóa và duy trì sự trẻ hóa. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế thịt đỏ (đặc biệt là thịt bò vì chứa chất oxy hóa nhiều, gây lão hóa nhanh và ung thư cao hơn) và uống nhiều nước.

Để điều trị lão hóa da có thể dùng các dược mỹ phẩm chống lão hóa như kem chống nắng (vừa chống nắng vừa chống lão hóa), mỹ phẩm chứa yếu tố tăng trưởng EGF giúp giảm nếp nhăn hoặc sản phẩm chứa hoạt chất tái tạo da.

Đối với trường hợp lão hóa nặng, phải dùng các biện pháp can thiệp sâu hơn như tiêm meso giúp da khỏe, tiêm botox giảm nếp nhắn, tiêm chất làm đầy, dùng công nghệ cao (laser, ánh sáng, HIFU, RF) hoặc căng chỉ trẻ hóa,…

Gần 100 người tham dự chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe tháng 10 của Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch với chủ đề “Chăm sóc da mặt toàn diện”

Người bị mày đay nên hạn chế quần áo từ vải len

Theo TS.BS Nguyễn Ngọc Trai, mày đay là những ban nhỏ trên da, nổi gồ khắp cơ thể, gây ngứa. Nếu nặng sẽ gây sưng phù ở môi, mi mắt, bìu, sinh dục,… có thể kèm theo suy hô hấp, khó thở, tiêu chảy, đau bụng. Khi có dấu hiệu mày đay, phải hạn chế gãi và đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để tránh lây lan.

Có rất nhiều nguyên nhân gây mày đay như thuốc, thức ăn, môi trường, côn trùng đốt, tác nhân vật lý, cơ địa,…

Đề điều trị cần dừng tất cả các loại thuốc hoặc thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng; Hạn chế gãi, chà xát mạnh trên da; Mặc quần áo nhẹ nhàng, vừa vặn, tránh mặc đồ chất liệu len vì dễ gây ngứa da; Tránh tắm nước nóng quá nhiều, tránh các hoạt động nặng nhọc gây ra mồ hôi; Cố gắng nghỉ ngơi giảm stress, tránh ánh sáng mặt trời.

“Nếu tình trạng nhẹ có thể sử dụng thuốc histamin, kháng viêm để giảm ngứa. Tuy nhiên, khi mày đay nặng, lan rộng nên đi khám bác sĩ sớm để điều trị” - TS.BS Nguyễn Ngọc Trai khuyến cáo.

Viêm da tiếp xúc kích ứng chiếm 80%

Bệnh lý tiếp thoe được TS.BS Nguyễn Ngọc Trai đề cập là viêm da tiếp xúc. Đây là bệnh lý phổ biến, không lây nhiễm, xảy ra sau khi tiếp xúc dị nguyên. Sang thương thường hồng ban, mụn nước, chảy nước, mụn mủ, ngứa rát,… Ngoài ra, việc tiếp xúc cồn, nước rửa tay khô cũng là một yếu tố nguy cơ gây ngứa da, viêm da vì vậy phải cẩn trọng và sử dụng các loại xà phòng dịu nhẹ, có chất dưỡng da để an toàn.

Có 2 loại, một là viêm da tiếp xúc kích ứng (chiếm 80%) là một phản ứng không đặc hiệu của da đối với tổn thương hóa học trực tiếp giải phóng các chất trung gian gây viêm chủ yếu từ các tế bào biểu bì. Biểu hiện thường khu trú tại nơi tiếp xúc.

Hai là viêm da tiếp xúc dị ứng (chiếm 20%), là khi tiếp xúc một chỗ nhưng phản ứng lan khắp cơ thể. Đây là phản ứng do quá mẫn chậm (loại 4). Điển hình là một số trường hợp đeo dây chuyền bị ngứa cổ nhưng sau một thời gian lại bị ngứa toàn thân.

Nếu không được phát hiện, phòng tránh và điều trị kịp thời sẽ gây ra tình trạng mãn tính kéo dài trong nhiều năm, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh. Cần cẩn trọng và đến bệnh viện gấp nếu có triệu chứng sốt cao, lơ mơ, khó thở, phù mạch,…

BS Nguyễn Ngọc Trai nhấn mạnh: “Để điều trị cần tránh tiếp xúc chất gây kích ứng hoặc thức ăn gây dị ứng, có thể mang găng tay để hạn chế tiếp xúc; Hạn chế cào gãi vì sẽ làm tình trạng viêm lan rộng và nhiễm trùng nặng hơn; Rửa vết thương bằng nước muối sinh lý hoặc nước sạch nhằm trung hòa độc tố do côn trùng, làm sạch, làm dịu tổn thương; Không làm vỡ các mụn nước, mụn mủ vì sẽ gây nhiễm trùng.

Sử dụng các thuốc làm dịu da, chống viêm hay các loại mỡ kháng sinh phối hợp với kháng viêm bôi 2 - 3 lần/ngày; Nếu có bọng nước, bọng mủ nên chấm dung dịch màu milian, eosin,…; Với trường hợp tổn thương lan rộng, có dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân có thể dùng kháng sinh; Dùng kháng histamin để giảm ngứa, giảm kích ứng”.

Nên tiêm ngừa vaccine HPV từ 4 type trở lên để tránh bị mụn cóc

Mụn cóc do virus HPV gây ra, có thể ở tay, chân, trán, da đầu hoặc bất kỳ vùng nào trên cơ thể. Biểu hiện là các nốt sừng trên mặt da, mật độ cứng, màu da hoặc xám, đôi khi gây ngứa và đau khi chạm vào.

Có thể sử dụng miếng dán lên mụn cóc, sử dụng vài tuần, lặp lại mỗi 48 giờ cho đến khi sạch hẳn hoặc sử dụng thuốc thoa. Đối với trường hợp nặng, nên đến bác sĩ da liễu để điều trị chuyên sâu hơn như đốt điện, đốt laser, tiểu phòng.

Để phòng ngừa cần tránh cào gãi, không tự cắt, nạo mụn cóc; Không dùng chung khăn tắm, quần áo, bấm móng tay, dao cạo râu hoặc các vật dụng cá nhân khác; Không chạm vào mụn cóc của người khác; Nên tiêm ngừa vaccine HPV từ 4 type trở lên; Giữ bàn chân khô ráo để ngăn mụn cóc lây lan; Mang dép xỏ ngón hoặc giày khi sử dụng phòng thay đồ công cộng, khu vực hồ bơi.

Lưu ý 3 bước để điều trị lão hóa

Chương trình được tiếp nối với bài báo cáo “Lão hóa da cách nhận biết và xử trí” của TS.BS Ngô Minh Vinh - Phó trưởng Bộ môn Da Liễu, Phó điều hành Phòng Nghiên cứu Khoa học Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

TS.BS Ngô Minh Vinh cho biết: “Lão hóa da là quá trình diễn tiến tự nhiên, không thể tránh khỏi. Từ 40 - 50 tuổi trở đi (tiền mãn kinh) lão hóa bắt đầu rõ rệt, trán xuất hiện nếp nhăn, cung mày sa xuống, bọng mắt, thâm quầng,…

Khi lão hóa, trên bề mặt da, nhất là ở các vùng thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng sẽ xuất hiện đồi mồi (dày sừng da do ánh sáng), đốm nâu, tàn nhang, sạm nám, khô da…”

Các nguyên nhân gây lão hóa gồm: Lão hóa sinh học là diễn tiến tự nhiên, tuy nhiên còn tùy thuộc vào gen của mỗi người; Yếu tố môi trường như tia cực tím, khí hậu, chế độ ăn uống; Lối sống như mất ngủ, căng thẳng, stress, lo lắng, sử dụng thuốc lá, sử dụng dược mỹ phẩm không đúng cách hoặc không rõ nguồn gốc…

TS.BS Ngô Minh Vinh - Phó trưởng Bộ môn Da Liễu, Phó điều hành Phòng Nghiên cứu Khoa học Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Có 3 bước điều trị, cũng như phòng ngừa lão hóa. Bước đầu tiên, phải có lối sống lành mạnh. Sắp xếp lại cuộc sống, hạn chế căng thẳng, stress,… tránh rượu bia, thuốc lá, ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, phải ngủ đủ giấc, chú ý đến thể chất, tinh thần và thẩm mỹ.

Thứ hai là chất giữ ẩm giúp gắn kết tế bào, làm da mềm mại, tươi tắn, không mất nước qua da, cũng như ngăn chặn các tác nhân bên ngoài xâm nhập vào cơ thể. Càng lớn tuổi da sẽ mất lớp giữ ẩm bề mặt dẫn đến da khô, nứt nẻ, viêm nhiễm, kích ứng, thoát nước làm da khô hơn và lão hóa nhanh hơn…

Mỗi loại da sẽ có chất giữ ẩm khác nhau. Chất giữ ẩm có 3 loại: Chất làm mềm (liên kết các tế bào với nhau); Chất hút ẩm; Chất khóa ẩm bít tắc tạo màng như nilon không cho nước từ da thoát ra ngoài.

Về lựa chọn chất giữ ẩm: Đối với da khô sẽ sử dụng loại kết hợp cả 3; Da thường sẽ sử dụng giữ ẩm loại hút ẩm và giữ ẩm làm mềm, không nên sử dụng khóa ẩm; Da hỗn hợp, chỉ bôi giữ ẩm vùng da thường và chừa vùng chữ T; Da nhạy cảm (dễ kích ứng, ngứa) nên dùng chất giữ ẩm có hút ẩm.

Bước ba là sử dụng kem chống nắng. Trong ánh nắng mặt trời có 0.5% là tia cực tím B, 9.5% là tia cực tím A, 40% là ánh sáng nhìn thấy và 50% còn lại là ánh sáng không nhìn thấy và gây ra hiệu ứng nhiệt (tia hồng ngoại).

Tia cực tím B gây ra tình trạng tăng sắc tố, tàn nhang, đồi mồi, sạm nám và cực tím A gây rối loạn xuất hiện các nếp nhăn, mỏng da, tổn thương tế bào. Ví dụ, các tài xế mặt phía bên trái sẽ lão hóa nhiều hơn bên phải. Vì vậy, chúng ta cần phải chống nắng.

Kem chống nắng vật lý chỉ ở bề mặt da, an toàn cho da vì vậy sẽ phù hợp với da nhạy cảm, da dị ứng và phụ nữ mang thai. Ngoài ra, thời gian bảo vệ da của chống nắng vật lý dài hơn chống nắng hóa học. Tuy nhiên, về mặt thẩm mỹ kem chống nắng vật lý khi bôi sẽ làm da bóng, dễ nhận thấy, còn chống nắng hóa học sẽ thấm vào da. Do đó, thường sẽ kết hợp cả chống nắng vật lý và chống nắng hóa học.

TS.BS Ngô Minh Vinh lưu ý: "Để sử dụng kem chống nắng đúng cách, nên lấy một lượng khoảng 1,5 đốt ngón tay đối với miệng tuýp 5 mm cho cả mặt. Ngoài ra, cần có thêm áo khoác, khăn, dù,…"

Cần làm gì để cải thiện tình trạng lão hóa của da?

Khi da đã bị lão hóa cần sử dụng một số chất chống oxy hóa như vitaminE, vitamin C, selenium, retinol,… exosomes khi bôi lên da sẽ tác động lên các tế bào giúp điều hòa phản ứng viêm, tăng sinh collagen (kiểm soát nếp nhăn, săn chắc hơn), sản sinh mao mạch,…

Tuy nhiên để cải thiện tình trạng lão hóa da cần kết hợp nhiều phương pháp như bôi kem chống năng, chế độ dinh dưỡng phù hợp. Sử dụng các thực phẩm chứa nhiều vitamin A, vitamin E, kẽm. Hạn chế ăn nhiều tinh bột, thịt đỏ,…

"Cuối cùng là xử lý tổn thương da: Điều trị dãn mạch bằng laser thế hệ mới chỉ đốt cháy mạch máu mà không ảnh hưởng đến da; Xóa nhăn bằng công nghệ laser; Đối với sẹo mụn lâu năm, xơ hóa phải can thiệp laser do bác sĩ điều trị, không nên đến thẩm mỹ viện…" - TS.BS Ngô Minh Vinh khuyến cáo

Hai báo cáo viên chụp hình lưu niệm cùng ban tổ chức và người tham dự

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X