Hotline 24/7
08983-08983

Tiền Giang: Thầy hiệu trưởng tử vong sau khi bị ong đốt

Lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, thầy hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Nghiệp đã tử vong sau khi bị ong đốt. 

Cụ thể, sáng 11/10, thầy L.H.P., từ nhà (ở xã Mỹ Phước Tây, thị xã Cai Lậy) đi đến trường THCS Đoàn Thị Nghiệp (tại thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy) bằng xe mô tô. 

Trên đường đi thầy P. bị một con ong bám vào người và đốt vào cổ. Khi đến trường thầy P., phát hiện trên người bị dị ứng, rất khó chịu và được đồng nghiệp đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy nhưng đã tử vong. 

Qua giải phẫu tử thi, cơ quan pháp y đã phát hiện ngòi của con ong đốt ở trên cổ nạn nhân (chưa rõ loại).

Theo người thân của thầy P., trước đây thầy đã nhiều lần bị ong đốt, sau mỗi lần ong đốt cơ thể đều bị dị ứng phải uống thuốc điều trị.

Cần làm gì sau khi bị ong đốt?

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ong thường chứa chất độc, một số loài chứa độc tố nguy hiểm. Vì vậy, việc phản ứng nhanh sau khi bị ong đốt là rất quan trọng.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, có 2 trường hợp bệnh nhân cần đến cơ sở y tế gần nhất sau khi bị ong đốt là: Bị ong đốt từ 10 nốt trở lên; Bị ong đốt vào vùng nguy hiểm như đầu, mặt cổ, mạch máu (dù chỉ 1 vài nốt).

BS Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ, bệnh nhân bị ong đốt từ 10 nốt trở lên là có nguy cơ nhiễm độc nặng. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp có loài chứa độc tố nguy hiểm thì chỉ cần đốt một vài nốt đã khiến bệnh nhân nhiễm độc nặng… Còn tại các vị trí đốt nguy hiểm như vùng đầu, mặt, cổ, mạch máu, dễ khiến bệnh nhân bị sưng nề, co thắt đường thở, nếu không được xử lý kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng..

Ngoài 2 trường hợp nêu trên thì đối với bệnh nhân có tiền sử dị ứng cũng cần lưu ý khi bị ong đốt. Với những trường hợp này, dù chỉ bị ong đốt 1 nốt cũng có thể tiến triển rất nặng. Bệnh nhân có thể gặp phản vệ sau khi bị ong đốt như sốc, tụt huyết áp, co thắt phế quản, phù nề đường hầu họng, chít hẹp, co thắt thanh môn… gây khó thở.

Với những bệnh nhân đã từng bị ong đốt, bị phản vệ và được cứu sống, thì không được phép do dự khi không may bị ong đốt ở lần tiếp theo. Nếu không nhanh chóng đến cơ sở y tế rất có thể sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng.

BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, sau khi bị ong đốt, bệnh nhân thấy cơ thể có biểu hiện ngứa ngáy, khó chịu phải đến cơ sở y tế nhanh nhất để được bác sĩ kiểm tra và đánh giá. Việc thực hiện các biện pháp điều trị khẩn cấp cho bệnh nhân ban đầu rất quan trọng và cần thiết. 

Bệnh nhân cần được truyền đủ dịch, đi tiểu nhiều để thải trừ chất độc từ nọc ong ra khỏi cơ thể. Điều trị tốt ở giai đoạn đầu, sẽ giúp phòng ngừa các biến chứng nặng. Nếu không được điều trị kịp thời bệnh nhân có thể bị suy thận, suy đa tạng, thậm chí tử vong.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X