Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao dầu cá chứa omega 3 ăn mòn tấm xốp?

Bài viết không cung cấp các lời khuyên, chẩn đoán, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh. Nôi dung chỉ có tính chất tham khảo, thuận tiện cho việc tra cứu và không thay thế cho việc chẩn đoán, các phương pháp điều trị y khoa. Thảo luận với bác sĩ để được hướng dẫn điều trị và dùng thuốc an toàn.

Các nhà hóa học đều hiểu rất rõ hiện tượng làm ăn mòn miếng xốp

1. Các miếng xốp trắng là gì?

Các miếng xốp trắng thường dùng làm vật liệu chèn trong các thùng chứa vật dễ vỡ hay làm vật liệu cách nhiệt ở các thùng đựng kem đá… Vật liệu này là polystyren hay chính xác hơn là expand polystyren hay styrofoam.

Đây là một vật liệu trùng hợp (polymererize) hóa học từ styren. Vật liệu này có tính tan trong các dung môi không phân cực như hydrocarbon thơm, ester, hydrocarbon clo hóa, aceton nhưng không tan trong các hydrocarbon mạch thẳng, eter, phenol, rượu thấp độ [1]….

2. Sản phẩm dầu cá chứa thành phần là các acid béo omega 3

Omega 3 là một nhóm các chất acid béo thiết yếu cho cơ thể thuộc nhóm không bão hòa đa thể (polyunsaturate fatty acid). Hai chất rất quan trọng  là EPA (eicosapentanoic acid) và DHA (docosahexanoic acid) có rất nhiều trong dầu cá (fish oil).

Để làm sản phẩm sạch, bền và có hàm lượng cao hơn, người ta thường qua quá trình chiết và dẫn xuất hóa các acid béo omega 3 dưới hai dạng là EE (ethyl ester) và TG (triglycerid form).

Bản thân các chất omega 3 ester này ở dạng lỏng, được hòa tan lại vào dầu cá đã tinh chế và đóng trong các viên nang gelatin mềm (softgel). 

Đối với các sản phẩm omega 3 dưới dạng EE (ethyl ester) do có thành phần ester thấp nhất là 20% (một số sản phẩm  hàm lượng omega 3 còn được làm tăng lên bằng cách tính chế rồi thêm vào với hàm lượng khoảng 40%) trong viên sẽ có khả năng làm hòa tan vật liệu polystyren.

Còn đối với các sản phẩm omega 3 dưới dạng TG (triglycerid form) cũng sẽ làm hòa tan polystyren nhưng thời gian lâu hơn (từ 2-3 giờ).

Do đó, hiện tượng viên dầu cá omega 3 có viên làm ăn mòn miếng xốp có viên không là do thành phần của viên được điều chế dưới dạng ethyl ester hay triglycerid form.

Đây là một hiện tượng vật lý bình thường của omega 3 dưới dạng ethyl ester có khả năng làm hòa tan vật liệu polystyren chứ không là một phản ứng gây độc hại gì cho cơ thể.

Cũng giống như trường hợp dầu ăn có khả năng hòa tan các loại vitamin tan trong dầu như vitamin A, E, D… mà  dầu ăn là một chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể con người.

Hiện tượng omega 3 ăn mòn ly xốp styrenfoam có rất nhiều trên YouTube, người ta dùng để quảng cáo sản phẩm dưới dạng TG hay EE chứ không phải nói omega 3 dạng EE có độc tính.

Ở nước ngoài hay các nhà hóa học đều hiểu rất rõ hiện tượng này.

3. Giữa omega 3 dạng EE và dạng TG thì loại nào tốt hơn?

Các loại omega 3 trong dầu cá nguyên thủy ở dạng TG nhưng phải qua quá trình tinh chế để loại tạp chất nên phải chuyển omega 3 sang dạng ethyl ester để tách các omega 3 ra. Có thể sử dụng omega 3 ở dạng ethyl ester để làm ra sản phẩm hoặc cũng có thể chuyển omega 3 trở lại dạng triglycerid.

Người ta đã nghiên cứu thấy tính sinh khả dụng của omega 3 dạng TG cao hơn khoảng ba lần dạng EE do omega 3 chỉ hấp thu trong ruột dưới dạng monoglycerid. Tức là dạng EE khi vào cơ thể phải được thủy phân trở lại dạng acid béo tự do và kết hợp lại với glycerol có từ thức ăn mới được hấp thu vào cơ thể.   

Hơn nữa omega 3 dạng TG cũng bền hơn, chống oxy hóa tốt hơn dạng EE trong quá trình bảo quản sản phẩm ở điều kiện giống nhau.

Do sử dụng sản phẩm omega 3 dạng TG tốt hơn dạng EE nên người tiêu dùng có thể đọc kỹ trên nhãn để xem omega 3 ở dạng nào.

Ngoài ra có các video clip trên YouTube hướng dẫn cách phân biệt một cách đơn giản bằng cách cho vào các ly styrofoam. 

Theo Th.S.DS Châu Vĩnh Thị - Viện Pasteur TPHCM- Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X