Đừng để mất sữa vì thuốc
Giảm đau nhưng lại tắc sữa
Chị Hương Thủy (ngõ 20 Ngô Gia Tự, Long Biên, Hà Nội) mới sinh con đầu lòng. Chị
rất vui mừng vì sức khỏe tốt, có nhiều sữa cho con. Nhưng sau 1 tháng sinh, tuyến sữa quá nhiều,
lúc nào chị cũng bị căng tức ngực, rất khó chịu và đau.
Chị tìm hiểu, thấy thông tin thuốc cabergolin có tác dụng giảm sưng vú nên giảm đau bầu vú. Chị đã nói với chồng mua về dùng. Sau 1 tháng chị thấy đúng là hiệu nghiệm thật, không còn căng tức ngực như trước. Tuy nhiên, đồng nghĩa với việc "sướng mẹ, khổ con", nguồn sữa của mẹ cho con không còn được như trước nữa.
Khi chị gọi điện đến trung tâm tư vấn dinh dưỡng thì được biết loại thuốc đó dùng bình thường thì không sao, nhưng nếu dùng liều cao có thể làm mất hoàn toàn việc tiết sữa. Bình thường, sự tổng hợp và bài tiết sữa mẹ được điều hòa và kiểm soát chủ yếu thông qua prolactin (một hormone được bài tiết từ tuyến yên). Nồng độ của hormone này thường tăng cao nhất trong 2 tuần đầu sau đẻ, sau đó giảm dần và trở về mức bình thường sau 6 tháng.
Một số thuốc như estrogen, testosteron, progestin, pseudoephedrin và các dẫn xuất ergot như bromocriptin, ergotamin, cabergolin được ghi nhận có khả năng gây mất sữa ở người do làm giảm bài tiết prolactin từ tuyến yên hoặc ức chế hoạt tính của hormone này trên các mô tạo sữa.
Ngoài ra, một loại thuốc tên pseudoephedrin (tác dụng giảm phù nề cuống mũi và chống nghẹt mũi) cũng có thể gây ức chế tiết sữa. Mặc dù các nghiên cứu về tác dụng của thuốc này đối với việc tiết sữa vẫn đang tiếp tục nhưng các bà mẹ đang nuôi con vẫn nên hết sức thận trọng khi sử dụng, đặc biệt trong những tháng cuối của thời gian cho con bú, khi nguồn sữa đã giảm.
Lưu ý: Một số thuốc dùng cho mẹ có thể kìm hãm bài tiết sữa, làm mất sữa: thuốc lợi tiểu thiazid, vitamin B6 (liều cao), metoclopramid, domperidon, ergotamin (tamic), các thuốc chữa bệnh parkingson, thuốc tránh thai có chứa estrogen (phụ nữ cho con bú nên sử dụng thuốc tránh thai chỉ chứa progesteron đơn độc).
Kích thích tuyến sữa
Một số thuốc ức chế các thụ cảm thể dopamin ở vùng dưới đồi như: Metoclopramide, Domperidon, Risperidon hoặc các dẫn xuất của nhóm phenothiazin có thể gây tăng tiết prolactin từ tuyến yên và kích thích việc tạo sữa. Trong đó, Metoclopramide và Domperidon là hai loại thuốc được sử dụng nhiều nhất cho mục đích này:
1. Metoclopramide với liều thường sử dụng là 10-15mg, 3 lần mỗi ngày, thuốc làm tăng rõ rệt lượng sữa bài tiết, một số trường hợp có thể tăng gấp đôi. Lượng thuốc được bài tiết qua sữa rất nhỏ, thường không đủ để gây ảnh hưởng đối với trẻ. Tuy vậy, cần lưu ý các tác dụng phụ hay gặp nhất đối với bà mẹ là biểu hiện trầm cảm và co thắt dạ dày.
2. Domperidon cũng là một thuốc kích thích bài tiết prolactin nhưng an toàn hơn so với metoclopramide vì không qua hàng rào máu não và do đó không có các tác dụng phụ. Thuốc này có thể làm tăng thể tích sữa khoảng 44,5% sau 7 ngày dùng, nồng độ của thuốc trong sữa cũng rất nhỏ (khoảng 1,2 nanogam/ml).
Lưu ý: Các thuốc giúp tăng tiết sữa chỉ có tác dụng với một số người có nồng độ hormone prolactin thấp, nhỏ hơn 100 nanogam/ml.
Theo Thùy Dương - Sức khỏe gia đình
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
097460****
Tiếng kêu “rắc rắc”, “tách tách”… lúc di chuyển ở khớp gối có thể do tình trạng khớp gối của bạn đang gặp vấn đề...
Xem toàn bộ- Trang chủ
- Tin y tế
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình