Hotline 24/7
08983-08983

Cho trẻ uống thuốc cầm tiêu chảy: Coi chừng tắc ruột, thủng ruột

Bài viết không cung cấp các lời khuyên, chẩn đoán, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh. Nôi dung chỉ có tính chất tham khảo, thuận tiện cho việc tra cứu và không thay thế cho việc chẩn đoán, các phương pháp điều trị y khoa. Thảo luận với bác sĩ để được hướng dẫn điều trị và dùng thuốc an toàn.

Một trong những cách xử lý thường gặp của các bà mẹ khi con bị tiêu chảy là cho uống thuốc cầm, nhưng theo BS Hoàng Lê Phúc - Trưởng khoa Tiêu hóa BV Nhi Đồng 1, việc dùng thuốc này, đặc biệt là với trẻ dưới năm tuổi, là rất nguy hiểm vì có thể làm tắc ruột, thủng ruột.

Thương con hóa hại

Tâm lý chung của nhiều cha mẹ là khi con bị “té re” thì nôn nóng muốn lập tức phải cầm lại bằng mọi cách. Sai lầm phổ biến nhất là bắt con nhịn ăn, trong đó sữa thường được quy là “tội phạm” khiến trẻ đi ngoài nhiều hơn.

Không chỉ thế, nhiều bà mẹ còn bắt con “tuyệt giao” với những thực phẩm có mùi tanh như: tôm, cua, cá biển… gần như chỉ cho trẻ ăn cháo trắng, những món có nước như canh, xúp đều bị “cấm” vì sợ “ăn nước, ra nước”. Chính cách ăn thiếu khoa học và thiếu dinh dưỡng này khiến trẻ vốn đang bị mất sức càng khó phục hồi và đuối sức hơn.

Một cách chặn tiêu chảy phổ biến khác là lấy đọt ổi, chuối xanh, vỏ măng cụt, lá mơ… cho trẻ uống. Những cách này chỉ cầm tiêu chảy… giả, vì phân sẽ ứ lại bên trong. Nguy hiểm nhất là tự mua thuốc kháng sinh, thuốc “cầm” tiêu chảy về cho con uống. Thậm chí, không ít trường hợp dù ng thuốc cầm tiêu chảy của người lớn rồi chia nhỏ liều cho con uống.

Một bà mẹ ở huyện Thủ Thừa, Long An từng suýt mất con vì kiểu cầm tiêu chảy này. Khi con trai 26 tháng tuổi bị đi ngoài liên tục gần chục lần/ngày, chị Trần Thị P. - mẹ bé, đã giã đọt ổi, vắt lấy nước cho bé uống. Không thấy thuyên giảm, chị P. lại lấy ba viên thuốc trị tiêu chảy bà nội bé hay dùng (loại viên màu đen, các gia đình ở nông thôn hay trữ trong nhà, người lớn uống 5-10 viên/lần) cho con uống.

Thấy thuốc quá “hiệu nghiệm” vì sau đó bé chỉ đi ngoài một lần rồi ngưng hẳn, chị tưởng con đã hết bệnh thì phát hiện bụng con ngày một to, quấy khóc, bỏ ăn và sốt. Linh tính có chuyện bất thường, chị P. bồng con lên BV Nhi Đồng 1, các BS xác định bé bị tắc ruột do phân không thoát ra ngoài được, gây nhiễm trùng.

Cho tre uong thuoc cam tieu chay: Coi chung tac ruot, thung ruot
Ảnh mang tính minh họa

BS Hoàng Lê Phúc khuyến cáo: “Trẻ dưới năm tuổi tuyệt đối không được dùng thuốc cầm tiêu chảy vì các loại thuốc này có tác dụng làm giảm nhu động ruột, liệt ruột, khiến phân không bài tiết ra ngoài trong khi trẻ vẫn bị tiêu chảy kín, bị mất nước bên trong.

Nếu phân ứ lại trong ruột sẽ gây nguy cơ tắc ruột, thủng ruột nguy hiểm đến tính mạng trẻ. Việc đi ngoài phân lỏng cũng là cách giúp trẻ đào thải vi trùng, chất độc ở đường ruột. Cha mẹ tuyệt đối không nên tự dùng thuốc cho con khi con bệnh nói chung và tiêu chảy nói riêng”.

Chăm sóc trẻ tiêu chảy

Theo các BS, hơn 90% trẻ bị tiêu chảy có thể xử lý tại nhà. Cách điều trị hiệu quả nhất là cho trẻ uống nhiều nước, không để xảy ra tình trạng bị mất nước và các chất điện giải. Nếu không bù nước kịp thời, trẻ có thể li bì, hôn mê và tử vong. Có thể bù nước cho trẻ bằng nước dừa, oresol (pha đúng chỉ dẫn trên bao bì). Sau mỗi lần trẻ đi ngoài phân lỏng là cho uống bù ngay để đề phòng mất nước.

 Tuy nhiên, trẻ bị tiêu chảy thường kèm theo nôn ói nên việc bù nước đôi khi là “bất khả thi”, khi đó phải cho trẻ uống từng ngụm nhỏ hoặc từng muỗng một. Nếu trẻ ói, đừng cố ép trẻ uống lại ngay vì càng kích thích trẻ ói nhiều hơn. Khi trẻ nôn ói, cha mẹ cần “dọn dẹp hiện trường” và thay quần áo cho con ngay, vì khi nhìn và ngửi mùi chất thải nôn ói, bé càng dễ kích thích ói tiếp; đồng thời phải chăm chút dinh dưỡng cho trẻ như thịt, cá, trứng, sữa… để trẻ mau hồi phục.

Với trẻ nhỏ thì bú mẹ càng nhiều càng tốt và chỉ nên đổi sữa (với trẻ uống sữa công thức) trong trường hợp sữa làm tình trạng tiêu chảy trầm trọng hơn và đổi sang sữa không có đường lactose. Ngay cả chất béo vẫn phải cho trẻ ăn vì chúng tạo năng lượng rất tốt cho trẻ bị bệnh. Thực phẩm cần kiêng tuyệt đối với bệnh này là thức ăn chứa nhiều đường.

Khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy phải theo dõi chặt số lần trẻ đi ngoài, màu sắc, tính chất phân… Nếu trẻ đi ngoài phân lỏng tóe nước và đi nhiều hơn ba lần trong vòng 24 giờ là tiêu chảy cấp. Nếu tiêu chảy phân nhầy, có đàm, máu là kiết lỵ. Với cả hai dạng tiêu chảy này, khi chăm sóc trẻ cần chú ý ba nguyên tắc: trẻ phải uống nhiều nước hơn để ngừa mất nước; trẻ phải ăn nhiều hơn để có sức và nhanh chóng phục hồi niêm mạc ruột; nếu chuyển biến nặng phải đưa đến BV ngay.

Những dấu hiệu cho thấy trẻ tiêu chảy bị chuyển biến nặng:

- Sốt cao khó hạ.

- Đi tiêu phân có máu, có thể là tiêu chảy chuyển sang kiết lỵ hoặc lồng ruột.

- Bé khát nước nhiều, uống nhiều nước và khóc không có nước mắt.

- Trẻ li bì khó đánh thức, ngủ gà.

- Trẻ bị co giật. Có dạng co giật kín, trẻ không gồng người mà chỉ là mắt nhìn ngược lên.

Ngay khi có những dấu hiệu trên, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt, vì khi di chuyển xa, nếu trẻ bị nặng hơn, không tìm được ven để truyền dịch thì rất nguy hiểm đến tính mạng.

Để phòng bệnh tiêu chảy, cha mẹ cần tuân theo nguyên tắc: ăn chín - uống sôi. Trong mùa nắng, thức ăn dễ bị ôi thiu và trẻ hay khát nước sẽ “đụng đâu uống đó” nên dễ gặp nguồn nước không đảm bảo. Đặc biệt, trẻ trong độ tuổi ăn dặm là đối tượng nguy cơ bị tiêu chảy nhiều nhất vì bé hay “táy máy”, đụng gì cũng đưa vào miệng nên dễ nhiễm bệnh.

Ngoài ra, cần dọn dẹp kỹ phân, chất thải nôn ói của bé, vì tiêu chảy chủ yếu lây qua đường phân - miệng nên phải vệ sinh sạch sẽ cơ thể trẻ, sàn nhà, đồ chơi của trẻ… Chích ngừa đầy đủ cho trẻ cũng là cách phòng bệnh hiệu quả nhất.

Cách trị rối loạn tiêu hóa bằng bài thuốc dân gian

* Thường xuyên lau dọn nhà cửa, ăn chín uống sôi, tránh để lẫn thức ăn chín và sống, chú ý vệ sinh kỹ dao, thớt, xoong nồi, mặt bếp…

* Đặc biệt chú ý vệ sinh tủ lạnh vì đây là môi trường lý tưởng cho sự sinh sôi và lây nhiễm, phát tán vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa. Cần có ngăn riêng hoặc hộp chứa có nắp đậy cho các loại thực phẩm đã chế biến cũng như tươi sống.

* Trong trường hợp tiêu chảy, quan trọng nhất là bù đủ nước và điện giải bằng các loại dung dịch như oresol, nước dừa tươi… Không tự ý sử dụng kháng sinh hoặc thuốc cầm tiêu chảy.

Cách đơn giản để chữa tiêu chảy bằng thực dưỡng là dùng xúp cà rốt: cạo 500g cà rốt thái miếng, thêm một lít nước, đun đến mềm hoàn toàn, nghiền mịn, thêm nước sôi vừa đủ một lít, thêm nửa muỗng cà phê muối.

Để chỗ mát, dùng xúp này trong 24 giờ. Trong vòng nămsáu ngày, cho trẻ ăn xúp cà rốt, liều giảm dần từ 500g xuống 100g cà rốt. Có thể dùng nước ép cà rốt sống thay xúp cà rốt hoặc pha chung với sữa cho trẻ uống.

Theo Đông y, cà rốt (hồng la bặc) vị cam, tính bình, kiện tỳ tiêu thực, thanh nhiệt giải độc, hạ khí ngừng ho. Đồng thời xoa bóp, làm ấm da vùng xương cùng cụt và dọc phía ngoài xương chày bằng dầu tràm hoặc dầu khuynh diệp. Xoa bụng vùng quanh rốn thành những vòng tròn ngược nhiều kim đồng hồ, mỗi lần xoa 10-20 vòng, ngày hai-ba lần.

Nếu đã thực hiện đủ và đúng các nguyên tắc điều trị tiêu chảy ở trẻ em tại nhà mà tình trạng bệnh của trẻ vẫn không thuyên giảm, hoặc xuất hiện các triệu chứng như trẻ bỏ ăn, bỏ bú, sốt cao liên tục 39-400 C, nôn ói quá nhiều, phân có lẫn máu, người mệt mỏi và ngủ li bì… thì lập tức đưa trẻ đến BV để tránh nguy hiểm đến tính mạng.

* Trong trường hợp kém ăn, ăn không ngon miệng, tiêu hóa đình trệ, suy nhược có thể dùng cần tây: ăn sống với xà lách hoặc nước ép, uống mỗi ngày nửa cốc (200g một ngày) hoặc nước sắc (30g nấu trong một lít nước) chia đều uống trong ngày.

Theo Đông y, cần tây vị cam, tân, tính lương, vào các kinh can, vị, bàng quang, tác dụng thanh nhiệt, kiện kỳ, bình can, hạ khí. Có thể dùng chung với trần bì (vỏ quýt), mật ong. Kết hợp với xoa bóp, làm ấm toàn bộ vùng lưng, đặc biệt chú ý vùng thắt lưng dưới bằng cách cuộn da dọc sống lưng.

* Trong trường hợp thời tiết nắng nóng làm tổn thương vị âm, cơ thể bứt rứt, khát nước, họng khô, dùng cà chua bóc vỏ ăn sống hoặc giã nát, thêm đường để ăn hoặc phối hợp ngó sen (ngẫu tiết) vắt lấy nước uống. Theo Đông y, cà chua vị cam toan, tính lương, có tác dụng thanh nhiệt sinh tân, dưỡng âm, lương huyết.

* Dùng đậu ván trắng 20-30g sắc cùng hai-ba lát gừng, ngày uống hai-ba lần giúp trị đau bụng do ăn không tiêu, trúng độc thức ăn. Theo Đông y, bạch biển đậu (đậu ván trắng) vị cam, tính bình, kiện tỳ hòa trung, tiêu thử, hóa thấp giúp điều trị tiêu chảy, chán ăn, nôn mửa do nắng nóng, ăn uống không điều hòa.

ThS. BS Nguyễn Văn Đàn

Theo Thùy Dương - Phụ nữ TPHCM

Có thể bạn quan tâm

089909****

Tiêm thuốc bị chệch ven thì thuốc có ngấm vào cơ thể không?

Tiêm thuốc lệch ven tùy theo mức độ mà hậu quả sẽ khác nhau, đôi khi chỉ là sưng nề tại vị trí tiêm nặng hơn là viêm hoại tử mô tại vùng tiêm.

Xem toàn bộ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X