Thực phẩm chức năng “tầm gửi” trong đơn thuốc sản phụ
Việc kê đơn thuốc có TPCN làm cho nhiều người bệnh phải bỏ tiền mua mà không biết tác dụng như thế nào...
Bạn đọc N.M.A. (Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội) vừa phản ánh đến tòa soạn về việc, chị đẻ thường tại BV Phụ sản Hà Nội nhưng được kê đơn thuốc vào phiếu bổ sung có thực phẩm chức năng (TPCN) là Gestoxemy. Xem nhiều đơn thuốc của các sản phụ khác chị cũng thấy được kê tên TPCN này. Việc kê đơn thuốc có TPCN làm cho nhiều người bệnh phải bỏ tiền mua mà không biết tác dụng như thế nào...

Lắt léo danh từ "thực phẩm chức năng"
Cầm đơn thuốc của BV Phụ sản Hà Nội để hỏi các chuyên gia, chúng tôi được biết, quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú của Bộ Y tế ban hành ngày 1/2/2008 có quy định: Cấm kê TPCN vào đơn thuốc. Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, nếu bác sĩ kê TPCN vào đơn thuốc là vi phạm và sẽ bị xử phạt theo Nghị định 96 về xử phạt vi phạm hành chính trong khám chữa bệnh.
Còn theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, chè vằng với thành phần chính là chè đắng, hòe hoa, cỏ ngọt, theo công bố của nhà sản xuất là dùng cho phụ nữ sau sinh, giúp lợi sữa, trên bao bì ghi là TPCN, được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cấp phép là TPCN. Theo quy định, bác sĩ không được kê TPCN vào đơn thuốc, nhưng việc xét bác sĩ có sai hay không phải căn cứ vào cụ thể đơn thuốc. Nếu đúng đơn thuốc đó có TPCN thật, làm đội giá đơn thuốc thì bác sĩ kê sai quy định. Để xử phạt, cần phải căn cứ trên đơn thuốc cụ thể, xem bệnh cảnh là gì, bác sĩ kê cái gì... Quy chế về kê đơn thuốc cấm bác sĩ kê TPCN là để chống kê lạm dụng TPCN.
Nội trú được kê, ngoại trú không
DS Nguyễn Xuân Hoàng, Viện phó Viện Thực phẩm chức năng cho biết, chè vằng và Gestoxemy là TPCN. Chè vằng có tác dụng lợi sữa, giúp ăn ngon, Gestoxemy tác dụng hỗ trợ trí não trẻ phát triển. Theo quy chế của Bộ Y tế thì không kê TPCN vào đơn thuốc, chính từ "không" khiến nhiều người băn khoăn không biết là không nên hay không được. Việc ra quy chế này để tránh hiện tượng bác sĩ ăn hoa hồng khi kê đơn thuốc.
Tuy nhiên, quy chế cũng quy định, nếu bệnh nhân nằm viện nội trú, bác sĩ được kê TPCN vào đơn thuốc, thậm chí cả loại sữa, loại cháo, ăn kiêng gì... Còn nếu bệnh nhân ngoại trú thì không được kê TPCN. Mặt khác, bác sĩ chỉ được phép khi kê đơn vào phiếu bổ sung hoặc khuyến cáo có TPCN. Bởi đây là phiếu bổ sung, bệnh nhân có thể dùng TPCN hoặc không, nó không phải là thuốc nên không bắt buộc.
Hiện nay, nhiều người không biết đâu là TPCN, đâu là thuốc nên cứ thấy bác sĩ cho đơn là mua hết. Người bệnh cần biết, nếu là thuốc sẽ có chữ Visa hoặc SĐK, TPCN sẽ có chữ: Đây không phải là thuốc, không có tác dụng thay thuốc mà cân nhắc khi mua.
Không "nhập nhèm" giữa thuốc và TPCN
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình