ThS.BS Võ Tuấn Khoa tư vấn về đái tháo đường và các bệnh nội tiết
Đúng 14g, ThS.BS Võ Tuấn Khoa - BV Nhân dân 115 bắt đầu đăng đàn tư vấn, giải đáp thắc mắc cho bệnh nhân xoanh quanh vấn đề đái tháo đường và các bệnh nội tiết.
Để giải đáp về những vấn đề này, chiều thứ năm (21/6), ThS.BS Võ Tuấn Khoa - Khoa Nội tiết - BV Nhân dân 115 sẽ tư vấn với bạn đọc AloBacsi về bệnh ĐTĐ và các bệnh nội tiết.
Từ bây giờ, quý bạn đọc có thể gửi câu hỏi đến email tuvan@alobacsi.vn để được BS Khoa giải đáp.
NỘI DUNG TƯ VẤN TRỰC TIẾP:
- Huy Phạm - xitruu...@gmail.com
Bác sĩ cho em hỏi: Em đi tiểu thì kiến đen bu nhưng đi xét nghiệm ở nhiều nơi thì lượng đường trong nước tiểu không có và lượng đường trong máu là 5,6. Vậy em bị bệnh gì và nên uống thuốc gì ạ? Xin cảm ơn.
ThS.BS Võ Tuấn Khoa:
Chào bạn,
Thông thường, trong nước tiểu không có chất đường, đa số các trường hợp do đường trong máu cao thì đường mới xuất hiện trong nước tiểu. Kiến là côn trùng rất thích chất ngọt. Do vậy khi hiện diện đường trong nước tiểu có thể làm thu hút kiến đến.
Việc kiến bu là một hiện tượng phải chú ý. Tuy nhiên bạn có thể lấy một ít nước tiểu để bên ngoài một lát xem kiến có bu lần nữa không. Ngoài ra, việc xét nghiệm lượng đường trong máu và trong nước tiểu để xác định trong trường hợp này. Kết quả của bạn là bình thường. Muốn chắc thì có thể lặp lại lần hai.
Thân ái,
- Nguyen Phung Trung Trinh - Bình Định
Chào bác sĩ, em tên là Trinh năm nay 28 tuổi em mới có 1 bé. Bé em năm nay đã 5 tuổi bé phát triển bình thường về thể chất và tinh thần. Em mới phát hiện vùng cổ phải hơi to nên cũng đi khám ở BV Nội Tiết Hà Nội và kết quả bình thường.
Em lại dẫn bé đi siêu âm (ở Bình Định) với kết quả phình tĩnh mạch cảnh trong phải.em xem trên mạng thì bệnh này có liên quan về tim. Bác sĩ cho em hỏi vậy em nên đi khám ở đâu? Bệnh có nguy hiểm về những đâu trong cơ thể? Có phương pháp điều trị không? Làm sao để phân biệt tĩnh mạch và động mạch? Mong hồi âm sớm nhất từ bác Sĩ
Thông tin thêm: Thùy phải d= 7.2× 21×9.4 mm Thùy trái d= 8.2×21×9.4mm Tĩnh mạch cảnh trong phải d #9.5 mm Nghiệm pháp Valasava d#11.7mm.
ThS.BS Võ Tuấn Khoa:
Chào em,
Vùng cổ hơi to có nhiều lý do như cơ vùng cổ phát triển, tổ chức mỡ dưới da, hạch, tuyến giáp, khí quản, thực quản… Với kết quả từ các đồng nghiệp Hà Nội, nhiều khả năng không có bênh lý tuyến giáp.
Cách đơn giản để phân biệt động mạch và tĩnh mạch là sờ vào động mạch có hiện tượng nảy mạch do động mạch có vai trò dẫn máu đi khắp cơ thể nên cần một áp lực đẩy, còn tình mạch có vai trò hồi lưu máu về tim nên áp lực rất thấp không thể sờ thấy. Một số người có thể thấy động mạch nảy mạnh mà không cần bắt và cũng có khi tĩnh mạch nổi rõ ở tay hoặc chân.
Động mạch cảnh trong là một trong các động mạch quan trọng cấp máu cho não, khi bị phình thì thành mạch có thể mỏng và đôi khi có thể vỡ ra gây nguy hiểm. Tuy nhiên, để xác định chắc chắn có phình động mạch cảnh thì em nên đưa cháu đến các bệnh viện có chuyên khoa mạch máu để khám và xem xét chụp hình mạch máu có cản quang để xác định.
Thân,
- L Anh - TPHCM
Chào bác sĩ,
Con 22 tuổi, nữ. Con bị bướu cổ đa nhân. Với kết quả xét nghiệm như sau: Thùy (P) : DAP=17mm. Có 2 nhân echo kém. KT 1# 6x8mm, KT2 #4x3mm, giới hạn rõ Halo sign (-), không thấy vi vôi hóa, phân bố mạch máu ngoại vi và bên trong. Ngoài ra có 1 nang nhỏ, d#4mm, echo trống, vỏ mỏng không chồi vách.
Thùy trái (T): DAP = 16mm. Cực dưới có một nhân echo kém, KT 39x8mm, giới hạn không rõ, không thất vôi hóa bên trong, không tăng sinh mạch. Eo giáp= 4mm. Vận tốc mạch giáp dưới = 20cm/s. Tuyến nước bọt dưới hàm và mang tai 2 bên không thấy bất thường. Không thấy hạch phì đại ở vùng cổ và dưới hàm 2 bên.
Kết luận: Nhân giáp 2 thùy/ phình giáp.
Nang giáp keo nhỏ thùy phải. TSH = 1.181.
BS bảo con có bướu giáp nhỏ lắm, 6 tháng sau hãy quay lại tái khám. Mà dạo này, con hay mệt mỏi trong người, cảm giác tê cổ bên phải, mỏi cổ. Có khi đau nhói hoặc là ngứa lên tai phải. Đau bên trên lưng và vai phả, đau hàm phải. Và 1 tháng nay, con thấy nuốt đau, thấy như có vật nào trong họng về bên phải. Lâu lâu đau nhói trong cổ họng về phía phải. Nên con không dám nói chuyện nhiều (vì đau ), biếng ăn do đau họng, tê lưỡi và cảm giác mệt mỏi.
Đi khám Tai mũi họng, bác sĩ nói viêm họng, đã điều trị 1 tháng nhưng không hết. Bác sĩ có nói là viêm họng nhẹ thôi, đau tai là do phản xạ. Có thể do bướu giáp làm loạn cảm họng. Con thấy trên Internet, người ta ghi triệu chứng của K giáp cũng gần giống vậy. Và thường thì K có tăng sinh mạch máu.
Vậy theo kết quả siêu âm thùy phải có mạch máu bên trong và ngoại vi. Đó có phải là "tăng sinh mạch" không bác sĩ? Con có bị K giáp không ạ? Xin cảm ơn.
ThS.BS Võ Tuấn Khoa:
Chào em,
Dựa trên kết quả siêu âm thì em có thể bị bướu giáp đa nhân, chức năng bình giáp. Bướu giáp này nhiều khả năng là lành tính vì lý do sau:
+ Dấu hiệu siêu âm cho thấy lành tính: giới hạn rõ, không vi vôi hóa
+ Các nhân có kích thước tương tự nhau
Chỉ làm thêm xét nghiệm chọc hút tế bào tuyến giáp để xác định ung thư tuyến giáp khi:
+ Chỉ có một nhân đơn độc hoặc nhiều nhân nhưng trong đó có một nhân to lên bất thường
+ Dấu hiệu siêu âm gợi ý: bờ không đều, có vi vôi hóa, Halo sign (+), chồi sùi trong nang
Trong trường hợp này không cần uống thuốc, chủ yếu là theo dõi tiến triển của bướu giáp trong 6-12 tháng. Em chỉ khám sớm trong 3 trường hợp sau đây:
+ Thứ nhất: mới bắt đầu có thai
+ Thứ hai: cổ lớn nhanh kèm khó nuốt, nghẹt thở…
+ Thứ ba: run tay, hồi hộp, mệt, sụt ký…
- Lê Thu Trang - lethu...@gmail.com
Chào bác sĩ.
Cách đây 1 năm em phát hiện bị cường giáp, nhưng anti TPO lúc đó >7000. Sau đó dùng thuốc kháng giáp được hơn 1 tháng thì xuất hiện suy giáp, em ngừng dùng thuốc thì những tháng sau kiểm tra định kỳ đều bình giáp và anti TPO giảm dần.
Vài tháng trở lại đây thì Hoocmon tuyến giáp vẫn bình thường, nhưng anti TPO vẫn giữ mức trên 1000. Em muốn hỏi bác sĩ là có thể chẩn đoán bệnh của em chính xác là gì, và có cần thiết phải dùng thuốc gì để điều trị cho Anti TPO về mức bình thường không ạ? Và có ảnh hưởng gì đến vấn đề sinh sản không ạ? (Gần 1 năm nay em không dùng thuốc gì ạ).
Xét nghiệm máu của em về tuyến giáp thì TSH, FT3, FT4 đều bình thường, anti TPO ~1200.
Em chân thành cảm ơn!
ThS.BS Võ Tuấn Khoa:
Chào em Trang,
Các bệnh lý tuyến giáp nhất là phụ nữ thường có cơ chế chung là phản ứng miễn dịch, do vậy cùng một triệu chứng có thể do nhiều bệnh và một bệnh có thể biểu hiện thành nhiều triệu chứng, đôi khi gây khó khăn trong chẩn đoán.
Hội chứng cường giáp, hội chứng này phần lớn do 3 nguyên nhân sau:
- Basedow (95%)
- Viêm giáp bán cấp: Lúc đầu có thể cường giáp kèm đau vùng cổ, có thể có sốt, sau đó suy giáp và về bình thường. Bệnh thường tự hết trong vòng 18 tháng, không cần điều trị đặc hiệu
- Viêm giáp tự miễn (còn gọi viêm giáp Hashimoto): Thường bệnh không có triệu chứng gì đặc hiệu, diễn tiến vài năm đưa đến suy giáp. Ngoài ra có vài trường hợp, trong diễn tiến bệnh có thể có những đợt cường giáp tự phát nhưng tự hết và dần dần cũng đưa đến suy giáp.
Kháng thể anti TPO có thể hiện diện trong cả 3 bệnh trên, tuy nhiên thường dương tính cao và kéo dài trong viêm giáp Hashimoto.
Trường hợp của em với anti TPO cao, nhiều khả năng là viêm giáp Hashimoto giai đoạn bình giáp (chức năng tuyến giáp bình thường) nên cần theo dõi xét nghiệm TSH, FT4 mỗi 6-12 tháng. Nên khám lại nếu em dự tính có thai hoặc mới mang thai vì tình trạng thai kỳ có thể làm thay đổi bệnh lý tuyến giáp tiềm tàng
Thân,
- Dương Văn Hùng - 52 tuổi - TPHCM
Tôi có đi xét nghiệm tổng quát ở Đại học y dược TPHCM, bác sĩ có đưa thuốc uống, nhưng lượng đường vẫn không giảm, nay tôi muốn mua thuốc mạnh hơn để uống, bác sĩ giúp tôi với.
Hiện tại lượng đường của tôi cao, tôi bị tiểu đường nay đã 10 năm. Hiện tại tôi đang dùng thuốc: 1.Glimepiride Stada 4mg 2. Metformin (Panfor SR 500mg)
ThS.BS Võ Tuấn Khoa:
Chào anh Hùng,
Để xác định đường huyết cao thì ngoài xét nghiệm đường máu, cũng nên làm thêm xét nghiệm HbA1c (lượng đường máu trung bình trong 3 tháng trước đó tính từ thời điểm xét nghiệm). Nếu HbA1c cao (VD > 7%) thì có thể xác định đường huyết thực sự cao.
Để kiểm soát đường huyết người bệnh cần tuân thủ 3 vấn đề sau đây:
- Ăn uống lành mạnh
- Tập vận động
- Tuân thủ thuốc điều trị
Trường hợp của anh nên gặp BS chuyên khoa Nội tiết để điều chỉnh ăn uống, hướng dẫn tập thể lực. Do thời gian bị đái tháo đường lâu nâm, nên nhiều khả năng anh cần dùng thêm nhiều loại thuốc để kiểm soát đường huyết (2-4 loại)
Thân ái.
- Trần Thị Phúc - Kiên Giang
Chào bác sĩ, tôi 45 tuổi. Đi khám tại trung tâm ung bướu TPHCM thì bác sĩ đề nghị mổ, phình giáp hạch 2 bên từ 5_25cm. Vậy xin hỏi bệnh này chi phí mổ khoảng bao nhiêu? Sau phẫu thuật thì bệnh có hết hẳn không ạ? Chân thành cảm ơn.
ThS.BS Võ Tuấn Khoa:
Chào chị Phúc,
Bướu giáp đa nhân (còn gọi là phình giáp đa hạt) thường chỉ định mổ trong các trường hợp sau:
- Ung thư hoặc nghi ngờ ung thư tuyến giáp
- Bướu lớn gây khó nuôt, chèn ép
Khi mổ, BS sẽ cắt phần nhân giáp ảnh hưởng. Sau mổ, bệnh có thể hết hẳn, tuy nhiên cần theo dõi tình trạng tái phát hoặc suy giáp suy mổ.
Chị có thể liên hệ với khoa Ngoại lồng ngực mạch máu - BV Nhân viên 115 để hỏi thêm thông tin về chi phí mổ.
Thân ái,
- Nguyen Thi Anh Thu - anhthu...@gmail.com
Em bị tiểu đường tuýp 1 đã 3 năm bây giờ chuẩn bị lập gia đình. Dạo gần 3 tháng nay lượng đường huyết của em khá cao và cũng hay bị hạ đường huyết vào buổi sáng, xét ngiệm hba1c thì 12.8mm/l. BS cho em hỏi nếu em muốn có con thì không biết sẽ có ảnh hưởng gì không, làm cách nào để tránh di truyền từ mẹ sang con, và khi em muốn có con thì loại sữa nào là thích hợp nhất cho em ạ? Em cảm ơn.
ThS.BS Võ Tuấn Khoa:
Chào em Anh Thu,
Tôi rất chia xẻ bệnh tình của em. Bệnh đái tháo đường thường có hai loại:
- Típ 1 (5%) do cơ thể thiếu hoàn toàn chất insulin
- Típ 2 (95%) do thiếu một phần insulin hoặc giảm tác dụng của insulin đối với cơ thể
Em bị đái tháo đường típ 1 nên cần phải dùng insulin suốt đời, kể cả lúc mang thai.
Để chuẩn bị mang thai thật tốt, em phải nên gặp BS chuyên khoa Nội tiết để giúp em một số việc quan trọng sau:
- Kiểm soát đường huyết thật khắc khe ngay trước, trong lúc mang thai bằng các trị liệu insulin phù hợp và tích cực.
- Tầm soát một số biến chứng và ổn định trước khi mang thai như biến chứng mắt, biến chứng thận vì biến chứng này có thể nặng lên bất ngờ trong thời gian mang thai.
- Có thể ngưng một số thuốc có thể ảnh hưởng đến phát triển thai.
Khi cha hoặc mẹ bị đái tháo đường thì có thể di truyền cho con khoảng 15%, riêng đái tháo đường típ 1 có thể cao hơn. Tuy nhiên còn nhiều yếu tố tác động lên sự xuất hiện đái tháo đường.
Khi em mang thai, em có thể uống loại sữa nào mà không ảnh hưởng nhiều đến kiểm soát đường huyết của em là được.
Thân ái,
BS Võ Tuấn Khoa thường xuyên tham gia các hoạt động tư vấn với bệnh nhân về bệnh đái tháo đường
- Hoa Mai - hoa mai...@gmail.com
Chào bác sĩ,
Em năm nay 26 tuổi, phát hiện bệnh ưng thư K giáp và đã mổ năm 2013. Hiện nay đang điều trị thuốc I131, mỗi năm uống thuốc 1 lần, và thuốc Levothyrocine. Năm nay em dự tính kết hôn, bác sĩ cho em hỏi, bệnh này có thể điều trị khỏi hoàn toàn được không? Thời gian sống của bệnh này là bao lâu? Em chân thành cảm ơn bác sĩ.
ThS.BS Võ Tuấn Khoa:
Chào em,
Ung thư tuyến giáp có hai loại:
- Ung thư dạng nhú: Có thể chữa khỏi hoàn toàn sau 5-10 năm (thường gặp).
- Ung thư dạng tủy: Mức độ ác tính cao hơn, tiên lượng xấu hơn.
Trường hợp của em, nhiều khả năng là ung thư dạng nhú nên điều trị thường kết hợp mổ, xạ trị và uống Levothyroxin. Thông thường xạ chỉ cần vài đợt và sau đó là uống Levothyroxin. Em có thể kết hôn bình thường nhưng nếu muốn có con thì không chỉ định xạ hoặc em chờ sau khi xạ từ 6-12 tháng. Ngoài ra, cần nhớ là phải duy trì Levothyrox liên tục kể cả khi có thai. Em cần đến BS chuyên khoa Nội tiết để tư vấn trước khi mang thai
Thân,
- Dương Tiến Đạt - Kpv...@gmail.com
Bác sĩ ơi, bệnh tiểu đường có nguy hiểm tới tính mạng người bệnh? Bệnh này có thể điều trị dứt điểm hay không. Các nguy cơ mà người bệnh tiểu đường type 2 có thể gặp phải? Xin cảm ơn.
ThS.BS Võ Tuấn Khoa:
Chào em,
Đái tháo đường là tình trạng đường huyết tăng cao trên mức bình thường lâu ngày sẽ dẫn đến các biến chứng trầm trọng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ cấp, loét chân, mù mắt, suy thận mạn.
Bệnh đái tháo đường thường có hai loại:
- Type 1 (5%) do cơ thể thiếu hoàn toàn chất insulin
- Type 2 (95%) do thiếu một phần insulin hoặc giảm tác dụng của insulin đối với cơ thể
Hiện nay, y học hiện đại chưa có cách chữa dứt điểm bệnh đái tháo đường, tuy nhiên việc kiểm soát đường huyết tốt sẽ giảm thiểu các biến chứng của bệnh.
Người bệnh đái tháo đường có thể gặp một số biến chứng có thể nguy hiểm tính mạng.
Biến chứng cấp:
· Hôn mê tăng đường huyết do nhiễm xê-tôn hay tăng áp lực thẩm thấu máu.
· Hôn mê hạ đường huyết quá mức.
Biến chứng mạn:
· Nhồi máu cơ tim cấp.
· Đột quỵ não cấp
· Loét chân…
· Suy thận mạn.
- Hoàng Thị Thu Thuỷ - thuthuy...@gmail.com
Thưa bác sĩ, kết quả xét nghiệm của tôi là: TSH: 6.56, FT4: 15.6, T3: 1.35, Anti TPO: 199.4. Xin hỏi bác sĩ tôi bị bệnh gì? Xin cảm ơn.
ThS.BS Võ Tuấn Khoa:
Thưa bạn Thủy,
Với kết quả của bạn có thể bạn bị tình trạng suy giáp nhẹ. Tuy nhiên, bạn cần đến BS chuyên khoa Nội tiết để khám và làm thêm một số xét nghiệm như siêu âm tuyến giáp.
Tùy tình trạng người bệnh và mức độ suy giáp mà BS sẽ xem xét quyết định có cần điều trị hay không hay tiếp tục theo dõi.
Thân,
- Hanh Nguyen - hanhng...@gmail.com
Chào BS,
Ba tôi 78 tuổi, được chẩn đoán là bị ung thư tuyến giáp dạng nhú. Hiện đã cắt bỏ toàn bộ khối u, sau khi mở đã kiểm tra lại không có hạch, Iốt trong máu tốt. Bác sĩ yêu cầu uống Iốt phóng xạ. Nhưng tôi đang lo ngại sức khỏe ông cụ không đảm bảo vì ông có thêm bệnh tiểu đường, suy thượng thận, viêm phổi tắt nghẽn mãn tính. Liệu rằng có đủ sức khỏe để uống Iốt phóng xạ K và việc điều trị bằng Iốt phóng xạ có gây ra biến chứng, tác dụng phụ gì không? Xin cảm ơn.
ThS.BS Võ Tuấn Khoa:
Chào quý vị,
Ung thư tuyến giáp dạng nhú là loại ung thư chiếm tỷ lệ cao của ung thư tuyến giáp nhưng tiên lượng thường tốt, bệnh có thể khỏi hẳn sau 5-10 năm.
Việc điều trị thường kết hợp phẫu thuật (là chính) có thể kết hợp xạ trị và uống thuốc Levothyroxin sau đó để ngừa tái phát bệnh.
Nếu ung thư giai đoạn sớm, việc mổ có thể lấy gần hết tế bào ung thư có thể chưa cần xạ trị và sau đó thì uống Levothyroxin sau đó để ngừa tái phát bệnh.
Ở người bệnh cần phải xạ trị, thì thông thường phải ưu tiên ổn định tình trạng nội khoa trước rồi mới thực hiện xạ trị chứ không phải là chống chỉ định. Tuy nhiên quí vị nên hỏi ý kiến của BS chuyên khoa Y học hạt nhân để biết thêm thông tin.
- Hà Thị Oanh - haoanh...@gmail.com
Xin chào bác sĩ!
Thưa bác sĩ, ba cháu mổ để thông đường tiểu, sau khi rút ống thông tiểu lại xuất hiện hiện tượng tiểu không kiếm soát. Ba cháu phì đại tuyến tiền liệt và đã mổ 03 lần trong 01 năm. Ba cháu 67 tuổi và bị tiểu đường typ 2. Mong bác sĩ tư vấn, cảm ơn bác sĩ ạ.
ThS.BS Võ Tuấn Khoa:
Chào bạn Oanh,
Hiện tượng tiểu không kiểm soát này của ba bạn có thê do 2 nguyên nhân:
- Tổn thương dây thần kinh kiểm soát việc đi tiểu do biến chứng bệnh đái tháo đường
- Các tổn thương đường tiểu liên quan cuộc mổ tuyến tiền liệt
Hiện tại việc quan trọng là phải kiểm soát đường huyết ổn định và em nên khám lại chuyên khoa Tiết niệu sớm.
- Phung Loc - ptloc...@gmail.com
Kính chào bác sĩ,
Tôi là một người bị tiểu đường type 2 đã trên10 năm và năm nay tôi 74 tuổi, nam giới. Xin hỏi bác sĩ là hàng ngày tôi đo đường huyết bằng máy đo cá nhân hiệu Accu Chek Mobile nhiều lần, tôi lấy máu trên đầu ngón tay ở cùng một thời điểm (trong vòng 15 giây), nhưng kết quả đều cho các chỉ số khác nhau. Như vậy chỉ số nào là chính xác. Cảm ơn Bác sĩ
ThS.BS Võ Tuấn Khoa:
Chào quý vị,
Ngày nay máy thử đường huyết cá nhân trở nên phổ biến và người bệnh đái tháo đường có thể sử dụng dễ dàng để theo dõi mức đường huyết của mình. Tuy nhiên, cần hiểu rõ một số nguyên tắc trong sử dụng để có kết quả chấp nhận:
· Que sử dụng phải còn trong hạn dùng
· Một số máy cần chỉnh mã số tương ứng mã số que thử
· Ngoài ra, que thử phải được bảo quản đúng cách để không hư
Trường hợp của quý vị, thông thường máu dùng để thử là máu mao mạch ở đầu ngón tay. Thường kết quả đo được sẽ thấp hơn máu tĩnh mạch lấy ở phòng xét nghiệm. Do mỗi lần lấy máu thì máu mao mạch sẽ khác nhau và que thử cũng không phải lúc nào giống hệt nhau nên nếu thử liên tiếp thì thường kết quả sẽ chênh lệch thì bình thường. Nếu lệch nhiều > 40 mg/dL thì cần xem xét lại.
- Huong Tran - huongtran...@gmail.com (có hình ảnh)
Chào bác sĩ, tôi năm nay 48 tuổi bị bướu đa nhân đã mổ và cắt toàn bộ tuyến giáp được 2 năm và bị suy tuyến cận giáp sau mổ. Hiện tại tôi đang phải bổ sung thuốc levothyroxin 100mcg/ ngày và ngày 2 viên canxi sandoz nhưng thuốc canxi này rất khó uống. Xin hỏi tôi có thể dùng loại canxi viên nén thay thế được không và loại nào là tốt nhất để đỡ hại thận và liều lượng có thể giảm được không? Rất mong được sự hỗ trợ của bác sĩ. Xin cảm ơn.
Chào bạn,
Levothyrox là thuốc đặc trị điều trị tình trạng suy giáp, còn Calcium Sandoz cũng là thuốc đặc trị tình trạng suy cận giáp. Việc dùng hai thuốc này cho suy giáp và suy cận giáp là liên tục suốt đời.
Đối với suy cận giáp sau mô, thường calcium phải bổ sung ở liều cao nên có thể có tác dụng phụ gây táo bón khi uống. Việc dùng loại Calcium nào là không quan trọng miễn là không có tình trạng co rút chân tay là được. Calcium Sandoz là loại viên sủi nên có thể gây khó chịu ở dạ dày khi uống đối với một số người. Do vậy bạn có thể đổi loại khác. Tuy nhiên phải bổ sung vitamin D cùng với việc uống Calcium thì mới hiệu quả.
- Huynh Vo - huynhvokt@gmail.com
Chào bác sĩ,
Cách nay 3 tháng em có siêu âm kêt quả chuẩn đoán basedơw, xét nghiệm máu chỉ số tsh t3 t4 bình thường chỉ số anti TPO 217.9. Bác sĩ chỉ định không uống thuốc.
Tháng sau tái khám bác sĩ làm các xét nghiệm cũng bình thường và TPO131,6. Kết luận bướu giáp lan tỏa lành tính. BS cũng không cho em uông thuốc. Tháng sau em tái khám và siêu âm chỉ số tsh và t4 bình thường, chỉ số TP135,8. BS kết luận em bị viêm giáp Hashimoto và chỉ định uống thuốc theo dõi kiểm tra định kỳ 1 tháng một lần.
Trên siêu âm có ghi "mặt sau cực trên có đám giảm âm, bờ không đều, ranh giới không rõ, kích thước khoảng 6mm"..
Bác sĩ cho e hỏi liệu có phải em bị viêm giáp không? Em uống thuốc thấy người hơi bồn chôn, khó ngủ.. em muốn rất phân vân. Mong bác sĩ giúp đỡ em. Em cảm ơn Bs!
ThS.BS Võ Tuấn Khoa:
Chào em,
Các bệnh lý tuyến giáp nhất là phụ nữ thường có cơ chế chung là phản ứng miễn dịch, do vậy cùng một triệu chứng có thể do nhiều bệnh và một bệnh có thể biểu hiện thành nhiều triệu chứng, đôi khi gây khó khăn trong chẩn đoán.
Hội chứng cường giáp, hội chứng này phần lớn do 3 nguyên nhân sau:
- Basedow (95%)
- Viêm giáp bán cấp: Lúc đầu có thể cường giáp kèm đau vùng cổ, có thể có sốt, sau đó suy giáp và về bình thường. Bệnh thường tự hết trong vòng 18 tháng, không cần điều trị đặc hiệu
- Viêm giáp tự miễn (còn gọi viêm giáp Hashimoto): Thường bệnh không có triệu chứng gì đặc hiệu, diễn tiến vài năm đưa đến suy giáp. Ngoài ra có vài trường hợp, trong diễn tiến bệnh có thể có những đợt cường giáp tự phát nhưng tự hết và dần dần cũng đưa đến suy giáp.
Kháng thể anti TPO có thể hiện diện trong cả 3 bệnh trên, tuy nhiên thường dương tính cao và kéo dài trong viêm giáp Hashimoto.
Đối với trường của em thì tôi khuyên nên đến BS chuyên khoa Nội tiết khám.
- Thanh Bình – tblh...@gmail.com
Xin cho em hỏi có nên dùng thực phẩm chức năng Glucosamine cho người có tiền căn gia đình có Đái tháo đường type 2?
ThS.BS Võ Tuấn Khoa:
Chào bạn,
Glucosamin là thực phẩm chức năng dùng cho một số trường hợp thoái hóa khớp ở người lớn tuổi (thường từ 60 trở lên). Không có mối liên hệ giữa gia đình có người đái tháo đường và dùng thuốc.
Lưu ý: glucosamin có thể làm tăng nhẹ đường huyết ở người đái tháo đường nên cần theo dõi khi dùng.
- Vũ Văn Thiên - vvt...@...vn
Cách đây một tuần tôi xét nghiệm tại phòng khám có kết luận: Giữa thùy trái có một nhân đặc, echo, giới hạn rõ, bờ không đều, không vôi hóa, không tăng sinh mạch máu, kt = 4x4 mmm. Nhân giáp thùy trái không điển hình lành tính(TỈRADS4A) và đề nghị PNA/SÂ nhân thùy trái.
Xét nghiệm chỉ số T3 3.17, t4 : 1.44, TSH: 1.72.
Đồng thời chọc sinh thiết kết luận: ít cụm tế bào nang tuyến tạo nhú và biến đổi nhân. " PHÙ HỢP: NGHI NGỜ CARCINOM TUYẾN GIÁP DẠNG NHÚ". Kết quả siêu âm kết luận: căn cứ xét nghiệm này bác sĩ chỉ định mổ. Tôi rất băn khoăn có nên mổ hay không vì có người cho rằng u nhỏ không nên mổ mà uống thuốc, xin tư vấn của chuyên gia. Xin cảm ơn.
ThS.BS Võ Tuấn Khoa:
Chào bạn,
Kết quả siêu âm cho hình ảnh gợi ý ung thư tuyến giáp (TIRADS 4A) và do vậy cần phải làm chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ. Tuy nhiên, kết quả là “nghi ngờ ung thư tuyến giáp”.
Trường hợp của bạn cũng thường gặp khi khám bệnh. Theo tôi, BS cần hỏi thêm một số yếu tố góp phần ung thư tuyến giáp như:
- Tiền căn xạ trị vùng đầu mặt
- Tuổi rất trẻ hoặc rất già
- Theo dõi siêu âm tuyến giáp thấy tiến tiển kích thước của nhân giáp rất nhanh
- Hoặc siêu âm có hạch cổ…
Như vậy, nếu còn nghi ngờ, có thể bạn đề nghị BS cần làm lại chọc hút tế bào tuyến giáp lần thứ hai tại một cơ sở khác để tham khảo thêm hoặc làm xạ hình tuyến giáp tìm hình ảnh nhân lạnh. Sau đó, tùy kết quả này có thể xem xét cách điều trị tiếp theo như phẫu thuật hay theo dõi tiếp một thời gian
Thân,
- Phan Thi Thuy Trang - TPHCM
Thưa bác sĩ, em đi khám ở BV Ung Bướu được làm xét nghiệm máu và kết quả như thế này mong bác sĩ giải thích giùm e. Em chưa hiểu cho lắm.
TSH 0.022 (0.27-4.94uIU/mL)
FT4 1.92 (0.7-1.7ng/dL)
TRAb(Anti-TSHR) <0.300 (<1.22IU/L)
Cho em hỏi kết quả này như thế nào vậy ạ? Hiện tại bác sĩ hẹn em 10 ngày làm xét nghiệm lại và em đang mang thai được 3 tháng không có uống thuốc. Xin cảm ơn bác sĩ.
ThS.BS Võ Tuấn Khoa:
Chào bạn,
Ở một số phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu, do sự thay đổi nội tiết tố nên có thể làm thay đổi một số xét nghiệm về tuyến giáp như FT4, TRAb. Ngoài ra, các triệu chứng khi mang thai cũng trùng với các triệu chứng của cường giáp như mệt mỏi, nhịp tim nhanh…
Trường hợp của bạn, qua xét nghiệm cho thấy tình trạng cường giáp. Tuy nhiên, hiện tượng này có thể do một số nguyên nhân sau đây:
- Thay đổi xét nghiệm chức năng tuyến giáp xảy ra trong 3 tháng đầu thai kỳ. Nếu là trường hợp này thì không cần điều trị, chờ qua 3 tháng thử lại thì các xét nghiệm sẽ về bình thường.
- Thai hành, cũng chờ cho qua 3 tháng đầu sẽ hết các triệu chứng.
- Bệnh tuyến giáp thực sự (thường là Basedow). Trường hợp này thường TRAb (+) cao tuy nhiên không phải lúc nào cũng điển hình.
Theo tôi, bạn cần chờ 2-4 tuần để thử lại xét nghiệm chức năng tuyến giáp lần nữa.
Việc dùng các thuốc kháng giáp cho phụ nữ mang thai cho thấy an toàn (dùng propylthiouracil trong 3 tháng đầu và sau đó chuyển qua Thiamazole từ tháng thứ tư) nên bạn có thể yên tâm.
Bạn có thể xem thông tin bài viết của tôi: Phụ nữ mang thai cẩn trọng với nhiễm độc giáp
LỊCH TƯ VẤN TUẦN 3 THÁNG 6 CỦA ALOBACSI
Chiều thứ 2: BS Lan Hương tư vấn nội tổng quát
Chiều thứ 3: BS Lan Hương tư vấn nội tổng quát
Chiều thứ 5: GLTT: Giải đáp thắc mắc về sản phụ khoa
Chiều thứ 5: BS Tố Uyên tư vấn nội tổng quát
Thứ 6: GLTT: Giải đáp câu hỏi về đái tháo đường và bệnh nội tiết
Chiều thứ 6: BS Lan Hương tư vấn nội tổng quát
Sáng thứ 7: BS Đoàn Mạnh Khải tư vấn làm đẹp và chăm
sóc da
Sáng CN: ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương tư vấn bệnh tiêu hóa - gan mật. Ghi chú: Trước mỗi buổi tư vấn AloBacsi sẽ đăng số điện thoại BS trực và khung giờ cụ thể tại mục Chat với bác sĩ và fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời, mời quý bạn đọc theo dõi. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình