Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS Nguyễn Lưu Giang tư vấn: Phình động mạch não, nhận biết và điều trị thế nào?

14g ngày 12/6, ThS.BS Nguyễn Lưu Giang - Trưởng đơn vị Can thiệp DSA, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Cần Thơ tư vấn về cách nhận biết và điều trị phình động mạch não. Mời bạn đọc cùng đón xem.

ths bs nguyen luu giang tu van phinh dong mach nao nhan biet va dieu tri the nao - anh 1

Phình động mạch não là sự phình to của một phần thành mạch máu não tại nơi thành mạch máu bị yếu. Nếu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, động mạch phình to rồi vỡ có thể gây đột quỵ, tổn thương não, thậm chí tử vong.

Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này cũng như cách điều trị và đề phòng tái phát, AloBacsi đã mời ThS.BS Nguyễn Lưu Giang - Trưởng đơn vị Can thiệp DSA, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ tư vấn giao lưu với bạn đọc.

NỘI DUNG TƯ VẤN

Phình động mạch não là một tình trạng nguy hiểm, có thể dẫn tới đột quỵ. Xin bác sĩ cho biết, phình động mạch não có nguyên nhân là gì?

ThS.BS Nguyễn Lưu Giang trả lời:

Thuật ngữ phình động mạch “aneurysm” bắt nguồn từ Hy Lạp có nghĩa là sự giãn khu trú dạng túi hoặc dạng hình thoi của động mạch. Biến chứng đáng sợ nhất của phình động mạch não là vỡ phình gây xuất huyết màng não, xuất huyết não, nặng nề hơn cả là bệnh nhân có thể tử vong do các biến chứng sau xuất huyết.

Phần lớn phình động mạch não không có liên quan đến các bệnh lý bẩm sinh mà xuất hiện trong quá trình phát triển, do đó rất hiếm gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nguyên nhân gây ra phình động mạch đến nay vẫn còn là một ẩn số, người ta nhận thấy phình động mạch não xuất hiện ở những nơi thành mạch máu chịu tác động của dòng máu lớn nhất, ví dụ như chỗ chia đôi của mạch máu.

Người ta cũng nhận thấy rằng phình động mạch não xuất hiện nhiều ở những nhóm bệnh nhân có tăng huyết áp; hút thuốc lá; lạm dụng rượu bia và có những bất thường về giải phẫu mạch máu não.

ths bs nguyen luu giang tu van phinh dong mach nao nhan biet va dieu tri the nao - anh 2
Hình chụp túi phình bằng máy MRI. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Cần Thơ cung cấp

ths bs nguyen luu giang tu van phinh dong mach nao nhan biet va dieu tri the nao - anh 3
Hình chụp túi phình bằng máy chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền DSA. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Cần Thơ cung cấp

Túi phình thường xuất hiện ở những vị trí nào trên não?

ThS.BS Nguyễn Lưu Giang trả lời:

Tim co bóp tống máu lên não qua hai hệ thống động mạch là hệ động mạch cảnh và hệ động mạch đốt sống.

Các động mạch cảnh nằm phía trước cổ và có thể sờ thấy mạch đập ngay dưới cằm. Động mạch cảnh đi vào trong hộp sọ cấp máu cho 2/3 trước của não (gọi là tuần hoàn trước).

Các động mạch đốt sống đi dọc theo cột sống và không thể sờ thấy ở ngoài da. Hai động mạch đốt sống đi vào trong sọ và hợp lại với nhau tạo thành động mạch nền cấp máu cho 1/3 sau của não và thân não (gọi là tuần hoàn sau).
 
Như đã nói, phình động mạch não thường xuất hiện ở điểm phân nhánh của mạch máu do nơi đây chịu tác động mạnh của dòng chảy. Trong đó phần lớn 85 - 95% các trường hợp túi phình sẽ xuất hiện ở hệ động mạch cảnh và 5 - 15% xuất hiện ở hệ động mạch đốt sống.

Do các mạch máu não nằm giữa các lớp của màng não và nằm sâu trong não, do đó khi vỡ sẽ gây chảy máu màng não và/hoặc trong não và để lại hậu quả nặng nề.


Bệnh nhân có cảm nhận gì để cảnh báo là mạch máu não của mình có vấn đề không? Những người nào có nguy cơ cao, nên tầm soát bệnh lý mạch máu não?

ThS.BS Nguyễn Lưu Giang trả lời:

Theo một thống kê thì số người mang túi phình động mạch não trong dân số là khá cao, ước tính khoảng 3.2%, tức là trong 100 người thì có hơn 3 người là có mang túi phình ở trong não. Một thực tế là hầu hết những người mang túi phình lại thường không có triệu chứng nên khó phát hiện, chỉ khi phình mạch não vỡ ra gây chảy máu não thì lúc đó triệu chứng mới bắt đầu rầm rộ.

Chỉ số ít những túi phình lớn hoặc nằm gần các cấu trúc thần kinh thì sẽ có những triệu chứng nhận biết như: sụp mi - mở mắt không được một bên hoặc hai bên; nhìn mờ; co giật nửa mặt hoặc đau nửa mặt; đôi khi gây ra những cơn thiếu máu não do phình chèn ép động mạch não.

Chúng ta thấy tỷ lệ người mang phình động mạch não là khá lớn, vậy có cần tầm soát không? Câu trả lời là có, nhưng không phải ai cũng cần tầm soát phình động mạch não. Những đối tượng có nguy cơ cao cần phải tầm soát là: có ít nhất 2 người họ hàng thân thiết (bà con ruột thịt) mang túi phình; những người có các bệnh lý như thận đa nang; bệnh lý mô liên kết (ehler danlos); những bệnh nhân lớn tuổi và tăng huyết áp; những bệnh nhân có tiền căn chảy máu não do vỡ phình động mạch não.

Khi nào tầm soát? Tầm soát trước tuổi 20 là không được khuyến cáo vì túi phình ở trẻ em là rất hiếm, tầm soát âm tính không có nghĩa là trong quá trình phát triển sẽ không có túi phình nên cần phải tầm soát lại. Một nghiên cứu, hình ảnh học lặp lại sau 5 năm những trường hợp tầm soát âm tính thì phát hiện thêm 7% xuất hiện túi phình mới.

Lứa tuổi nào thì ngưng tầm soát? Luôn nhớ rằng mục đích của tầm soát là cải thiện sức khỏe và tuổi thọ bệnh nhân. Tình trạng sức khỏe bệnh nhân là yếu tố quyết định có tiếp tục tầm soát túi phình hay không.

ths bs nguyen luu giang tu van phinh dong mach nao nhan biet va dieu tri the nao - anh 4
BS Lưu Giang trả lời kỹ càng từng câu hỏi, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh phình động mạch não.

Khi túi phình động mạch não bị vỡ, người bệnh sẽ rơi vào tình trạng như thế nào?


ThS.BS Nguyễn Lưu Giang trả lời:

Tỷ lệ vỡ phình động mạch não là 8 - 10/100.000 dân/năm. Khi vỡ phình động mạch não thì có 10% bệnh nhân tử vong trước khi vào viện; 10% tử vong trong những ngày đầu; 46% tử vong trong 30 ngày đầu mặc dù được điều trị tích cực. Còn những bệnh nhân sống sót thì để lại di chứng thần kinh từ nhẹ đến nặng.

Một số bệnh nhân sẽ có dấu hiệu cảnh bảo túi phình sắp vỡ là đau đầu. Bệnh nhân sẽ cảm thấy đột ngột bị đau đầu dữ dội rồi tự hết - thông thường bệnh nhân nghĩ không có chuyện gì xảy ra nên họ sẽ không đến bệnh viện khám bệnh. Triệu chứng này do túi phình giãn lớn hoặc chảy máu trong thành của túi phình.

Đến khi túi phình vỡ bệnh nhân sẽ có triệu chứng đau đầu, đau cổ gặp trong 97% các trường hợp. Thường xuất hiện đột ngột, dữ dội (bệnh nhân thường than là đau đầu dữ dội nhất mà họ từng bị), sợ ánh sáng, cứng gáy. Nếu nặng bệnh nhân có thể rối loạn ý thức từ ngủ gà cho đến hôn mê sâu, kèm theo yếu liệt nửa người hoặc không.


Để chẩn đoán phình động mạch não có những phương pháp nào?


ThS.BS Nguyễn Lưu Giang trả lời:

Để chẩn đoán bệnh nhân mang phình động mạch não chưa vỡ không phải là điều dễ dàng vì bệnh nhân thường không có triệu chứng. Những bệnh nhân mang phình động mạch não chưa vỡ thường được phát hiện một cách tình cờ khi đến bệnh viện khám và chụp - chiếu vì bệnh lý khác hoặc được phát hiện trong các chương trình tầm soát như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đang thực hiện.

Đối với những bệnh nhân đến tầm soát đột quỵ thì chúng ta cần một phương tiện chẩn đoán chính xác và không phải làm tổn hại sức khỏe hoặc nguy cơ, rủi ro xuất hiện (tiêm thuốc tương phản). Để đáp ứng nhu cầu đó thì phương tiện chụp tầm soát chẩn đoán phình động mạch não được lựa chọn là MRI mạch máu não không tiêm thốc tương phản. Với hệ thống chụp MRI 3 tesla, có thể chụp mạch máu não không tiêm thuốc tương phản mà vẫn thấy rõ ràng các cấu trúc mạch máu não. Chúng tôi cũng đã từng phát hiện những túi phình khoảng 2 mm trên hệ thống MRI này - mà trước đây có thể bị bỏ sót mặc dù có tiêm thuốc tương phản.

Đối với các trường hợp phình động mạch não vỡ, sau khi bác sĩ thăm khám nghi ngờ vỡ phình động mạch não thì đầu tiên bệnh nhân sẽ được làm CT scan không tiêm thuốc để đánh giá xem có tình trạng chảy máu não hay không. Sau đó bước kế tiếp có thể làm CT mạch máu não (có bơm thuốc tương phản) hoặc MRI mạch máu não.

Nhưng tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán phình động mạch não vẫn là chụp mạch máu não số hóa xóa nền (DSA). Trên hình chụp DSA có thể cho chúng ta biết chính xác bệnh nhân có bao nhiêu túi phình; kích cỡ và các thông số cần thiết; đồng thời có thể gợi ý về các quyết định điều trị.

ths bs nguyen luu giang tu van phinh dong mach nao nhan biet va dieu tri the nao - anh 5
BS Giang khuyến cáo những người bệnh có các yếu tố nguy cơ cao như tăng huyết áp, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia nên sớm tầm soát bệnh lý phình động mạch máu não.

Với các tình trạng của túi phình chưa vỡ, bị rò rỉ, bị vỡ, các bác sĩ sẽ làm những gì để cứu bệnh nhân?

ThS.BS Nguyễn Lưu Giang trả lời:

Bệnh nhân mang phình động mạch não nói chung thì tỷ lệ vỡ hàng năm là 1,9%. Con số này còn phụ thuộc vào độ tuổi (càng lớn tuổi nguy cơ vỡ càng cao), giới (nữ cao hơn nam), tiền căn tăng huyết áp (huyết áp càng cao nguy cơ vỡ càng tăng), kích thước túi phình (phình càng lớn càng dễ vỡ), vị trí phình động mạch não (hệ động mạch đốt sống dễ vỡ hơn) và tiền sử có vỡ phình động mạch não. Việc xác định phình động mạch não chưa vỡ cần phải điều trị vẫn còn chưa được thống nhất. Các bác sĩ sẽ cân nhắc vào những yếu tố làm tăng nguy cơ vỡ mà bệnh nhân đang có và sự đồng thuận của bệnh nhân và thân nhân người bệnh mà quyết định điều trị.

Còn những bệnh nhân mang túi phình đã vỡ gây chảy máu trong não thì việc điều trị loại bỏ túi phình ra khỏi vòng tuần hoàn càng sớm càng tốt là vấn đề không cần bàn cãi.

Việc điều trị phình động mạch não có hai phương pháp là mổ clip túi phình (bác sĩ ngoại thần kinh sẽ mở hộp sọ, bóc tách các tổ chức não để bộc lộ mạch máu mang túi phình, sau đó sử dụng kẹp chuyên dụng để kẹp ngang cổ túi phình) và can thiệp nội mạch (bác sĩ đặt ống thông từ động mạch đùi lên các động mạch mang túi phình, sau đó sử dụng một ống thông nhỏ hơn để đi vào túi phình và sử dụng các dụng cụ chuyên dụng để bít túi phình).

Cả hai phương pháp đều có ưu và nhược điểm của nó. Ví dụ phẫu thuật là phương pháp xâm lấn nhiều hơn vì phải mở sọ và bóc tách tổ chức não cũng như có những túi phình khó tiếp cận được, nhưng lại tỷ lệ loại bỏ túi phình cao hơn, ít tái phát. Còn phương pháp can thiệp nội mạch lại ít xâm lấn hơn, nhẹ nhàng hơn, có thể tiếp cận được hầu hết các túi phình ở các vị trí khác nhau nhưng tỷ lệ tái phát lại cao hơn.


Điều trị phình mạch máu não bằng can thiệp nội mạch chống chỉ định trong trường hợp nào?


ThS.BS Nguyễn Lưu Giang trả lời:

Điều trị phình mạch máu não bằng can thiệp nội mạch không có chống chỉ định tuyệt đối, nó có một số chống chỉ định tương đối (nếu có vẫn có thể cân nhắc thực hiện can thiệp) mà thôi.

Các chống chỉ định tương đối như: bệnh nhân dị ứng với thuốc cản quang; suy thận; túi phình có cổ rộng (đối với các trường hợp đã vỡ); bất thường về mạch máu gây khó khăn cho việc tiếp cận mạch máu (hẹp, tắc động mạch đùi - chậu; phình động mạch chủ bụng; bóc tách mạch máu ở hệ cảnh hoặc đốt sống).

Còn phần lớn các trường hợp phình động mạch não điều có thể điều trị bằng can thiệp nội mạch được với tính hiệu quả và an toàn khá cao.

ths bs nguyen luu giang tu van phinh dong mach nao nhan biet va dieu tri the nao - anh 6

ths bs nguyen luu giang tu van phinh dong mach nao nhan biet va dieu tri the nao - anh 7
Hình chụp túi phình trước và sau khi can thiệp. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S cung cấp

Sau khi xuất viện, bệnh nhân tiếp tục điều trị tại nhà như thế nào, cần chú ý gì trong sinh hoạt ạ? Bao lâu thì bệnh nhân nên quay lại bệnh viện để kiểm tra lại?

ThS.BS Nguyễn Lưu Giang trả lời:

Những bệnh nhân có vỡ phình động mạch não đã được điều trị khi xuất viện có thể sẽ có: đau đầu kéo dài; thay đổi tính tình (hay buồn, vui, cáu gắt); động kinh; di chứng về thần kinh như yếu liệt tay chân),… Thân nhân cần theo dõi bệnh nhân có các dấu hiệu sau đây cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện kiểm tra như: đau đầu nhiều hơn; cứng gáy; nôn ói; yếu/liệt tay chân mới xuất hiện hoặc nặng hơn; rối loạn ý thức; rối loạn về thị lực; sốt.

Sau khi xuất viện người bệnh cần tuân thủ sử dụng thuốc đúng theo toa của bác sĩ, tái khám định kỳ, kiểm soát huyết áp, không hút thuốc lá; không sử dụng rượu bia vì sẽ làm tăng nguy cơ tái xuất huyết, hạn chế các hoạt động hàng ngày như làm việc nặng; lái xe… trong vòng 3 - 6 tuần.

Những bệnh nhân phình động mạch não sau điều trị sẽ được hẹn chụp lại mạch máu não sau 6 tháng và sau đó là sau 1 năm.


Người có tiền sử bị phình động mạch não có được đi máy bay không? Những hoạt động nào họ không nên tham gia?

ThS.BS Nguyễn Lưu Giang trả lời:

Hiện tại, các hãng hàng không thương mại thực hiện rất nhiều việc để đảm bảo an toàn cho chuyển bay bao gồm cả việc điều áp trong cabin để ngăn ngừa tình trạng thiếu oxy. Nhưng áp suất trong cabin lúc nào cũng sẽ thấp hơn bình thường và thường bị thay đổi khi máy bay thay đổi độ cao. Chính hai vấn đề là áp suất trong cabin và sự thay đổi áp suất có thể ảnh hưởng để hành khách (đặc biệt là những người có bệnh tim mạch hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính).

Vậy những bệnh nhân được chẩn đoán phình động mạch não có được đi máy bay không? Đối với những bệnh nhân có phình chưa vỡ thì vẫn có thể đi máy bay an toàn, bệnh lý này không nằm trong danh sách các bệnh lý có nguy cơ khi bay. Trên thế giới, đến nay họ chỉ ghi nhận rất ít các trường hợp vỡ phình động mạch não trên máy bay.

Đối với những phình động mạch não đã được điều trị phẫu thuật hoặc can thiệp nội mạch có thể gây ra một số sự cố như dịch chuyển vị trí của kẹp mạch máu hoặc các vật liệu nút mạch làm tăng nguy cơ vỡ lại, do đó một số tác giả khuyến cáo hạn chế đi máy bay đối với những trường hợp như vậy. Tốt nhất sau một vài tháng mới đi máy bay.

Những bệnh nhân mang phình động mạch não không nên hoạt động thể lực gắng sức; làm việc nặng; tránh tức giận hay stress lâm lý vì điều này có thể làm tăng huyết áp và gây vỡ phình động mạch não.

Những bệnh nhân đang trong độ tuổi sung sức cần chú ý việc “quan hệ vợ chồng” bởi điều này cũng có thể làm tăng nguy cơ gây vỡ túi phình.


Những người đã từng có túi phình trước đây có thể có thêm những túi khác không ạ? Họ phải làm gì để phòng ngừa đột quỵ?


ThS.BS Nguyễn Lưu Giang trả lời:

Những bệnh nhân mang túi phình đã được điều trị thì vẫn có nguy cơ xuất hiện túi phình mới và ngay cả những người tầm soát lần đầu không có túi phình thì vẫn có thể xuất hiện túi phình mới. Vì vậy việc tầm soát đột quỵ nên được thực hiện lại mỗi 5 năm để tránh bỏ sót.

Như đã nói ở trên, những bệnh nhân mang túi phình động mạch não chưa cần phải điều trị thì nên kiểm soát tốt huyết áp; không hút thuốc; hạn chế rượu bia; hạn chế những hoạt động gắng sức; tái khám và chụp kiểm tra theo y lệnh của bác sĩ.

Một người có thể mang nhiều túi phình với kích thước khác nhau, khoảng 20-30% bệnh nhân sẽ có nhiều túi phình (trong đó: 75% bệnh nhân có 2 túi phình; 15% có 3 túi phình; 10% trên 3 túi phình). Cần xác định túi phình nào vỡ trước sẽ can thiệp trước, sau đó tiến hành điều trị túi có nguy cơ vỡ sau.

ths bs nguyen luu giang tu van phinh dong mach nao nhan biet va dieu tri the nao - anh 8

Hy vọng qua những chia sẻ của ThS.BS Nguyễn Lưu Giang - Trưởng đơn vị Can thiệp DSA, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Cần Thơ, mọi người sẽ hiểu rõ hơn về cách nhận biết các triệu chứng, phương pháp điều trị và tầm soát sớm bệnh lý phình động mạch não khi có yếu tố nguy cơ.

AloBacsi chân thành cảm ơn BS Nguyễn Lưu Giang.

TÁI KHỞI ĐỘNG CHƯƠNG TRÌNH TƯ VẤN ĐỘT QUỴ

Tiếp nối những thành công của chương trình tư vấn đột quỵ năm 2018, bắt đầu từ 1/5 đến hết tháng 12/2019, AloBacsi tiếp tục
phối hợp với nhãn hàng NattoEnzym của Công ty Dược Hậu Giang tái khởi động chuyên đề “Không còn nỗi lo đột quỵ” với tiêu chí: Tư vấn - giải đáp câu hỏi hàng ngày; Tổ chức các chương trình truyền hình trực tuyến, livestreams trò chuyện với bác sĩ về các vấn đề đột quỵ và Tổ chức các sự kiện thực tế tại các TP lớn như TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ...

Mời bạn đọc có các thắc mắc về đột quỵ, tai biến mạch máu não... gửi câu hỏi về email: tuvan@alobacsi.vn để được các bác sĩ, chuyên gia trong ngành tư vấn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X