Hotline 24/7
08983-08983

Thời điểm nào tốt nhất để xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục ở nam giới?

Dấu hiệu nhận diện, các xét nghiệm và thời điểm cần làm để phát hiện các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở nam giới là những thắc mắc được ThS.BS Lê Anh Tuấn - Khoa Nam học - Bệnh viện Bình Dân giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Những bệnh lây truyền qua đường tình dục nào thường gặp ở nam giới?

Đầu tiên xin được hỏi BS, những bệnh lây truyền qua đường tình dục nào có thể xảy ra ở nam giới? Trong đó, bệnh nào là thường gặp nhất thưa BS?

ThS.BS Lê Anh Tuấn trả lời: Các bệnh lây truyền qua đường tình dục còn được gọi là nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục. Bệnh có thể lây truyền trong bất kỳ hình thức sinh hoạt tình dục nào. Ở nam giới, một số bệnh lây truyền qua đường tình dục và gợi ý theo từng triệu chứng của bệnh nhân bao gồm:

- Hội chứng tiết dịch niệu đạo: bệnh nhân sẽ có tình trạng tiết dịch mủ ở vùng niệu đạo, thể hiện là giọt mủ ở lỗ tiểu của nam giới, thường gặp nhất vào buổi sáng.

- Hội chứng viêm niệu đạo: bệnh nhân có thể bị ngứa, rát buốt đường tiểu. Trong hội chứng viêm niệu đạo thường gặp nhất là vi khuẩn lậu và nhóm Chlamydia.

- Ngoài ra, một số nam giới xảy ra tổn thương loét ở vùng cơ quan sinh dục hoặc loét vùng hậu môn khi quan hệ đồng giới qua đường hậu môn, nhóm bệnh thường gặp là giang mai, herpes… Khi những tình trạng nhiễm trùng đường niệu đạo phát triển nhiều hơn như lậu, Chlamydia sẽ gây ra bệnh lý kèm theo ở đường tiểu như viêm tinh hoàn, viêm vùng chậu.

- Một số tình trạng thường gặp nữa do tiếp xúc da kề da khi quan hệ tình dục như ghẻ, rận mu.

- Bên cạnh đó còn một số tình trạng thường gặp nhưng ít để ý đó là viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C cũng lây qua đường tình dục, đường máu.

- HIV cũng là bệnh lý có thể lây qua đường tình dục.

2. Dùng khăn tắm, nhà vệ sinh ở khách sạn có mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục?

Quan hệ tình dục không an toàn liệu có phải là con đường duy nhất dẫn đến việc mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục không thưa BS?

- Bởi vì thực tế, nhiều người lo lắng, việc đi vệ sinh tại nơi công cộng, sử dụng khăn tắm tại các khách sạn khi đi công tác, du lịch cũng có thể làm lây nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục. Quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào ạ?

ThS.BS Lê Anh Tuấn trả lời: Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) chỉ lây nhiễm khi có quan hệ tình dục. Tuy nhiên, một số bệnh lý như lậu, Chlamydia, bệnh nhân quan hệ, tiết ra dịch âm đạo hoặc dịch niệu đạo, có thể lây nhiễm khi tiếp xúc. Nhưng trên thực tế rất khó để lây nhiễm nếu chỉ tiếp xúc tại nhà vệ sinh, khăn tắm. Bởi vì khi nhóm vi trùng này thường dễ chết khi tiếp xúc với bề mặt khô.

Việc quan hệ tình dục qua đường miệng, bằng tay hoặc các bệnh lý khác như HIV, viêm gan B, viêm gan C phần lớn đều lây qua đường tình dục, đường máu, hiếm khi lây qua đường tiếp xúc, trừ khi có vết thương trên tay.

3. Bệnh lây truyền qua đường tình dục có ảnh hưởng sinh sản ở nam giới?

Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tổng thể nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng, thưa BS?

- Tình trạng này xảy ra ở nam giới trẻ tuổi, liệu có nguy cơ vô sinh, hiếm muộn hay suy giảm chất lượng, số lượng tinh trùng?

ThS.BS Lê Anh Tuấn trả lời: STDs gây tổn thương cơ quan sinh dục, đều có nguy cơ ảnh hưởng khả năng sinh sản theo cơ chế giảm chất lượng tinh trùng, tắc các đường dẫn tinh ở nam giới, và gây tắc đường dẫn trứng ở người phụ nữ. Ngoài ra, quan trọng nhất là ảnh hưởng đến sức khỏe. Thường, khi phát hiện bệnh STDs nhiều người suy sụp, lo lắng và kéo theo hàng loạt vấn đề tâm lý khác. Song song đó còn ảnh hưởng gián tiếp đến công việc và cuộc sống, nhất là ở những bệnh nhân trẻ tuổi.

4. Dấu hiệu nào cảnh báo các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở nam giới?

Đâu là những dấu hiệu nhận diện bệnh lây truyền qua đường tình dục? Và các triệu chứng này thường bộc phát ra ngoài sau giao hợp bao lâu?

ThS.BS Lê Anh Tuấn trả lời: Dấu hiệu nhận diện còn tùy thuộc vào mỗi loại bệnh, bởi đây là hệ thống rất nhiều bệnh lý. Chẳng hạn như bệnh viêm nhiễm đường niệu đạo ở nam giới sẽ có các triệu chứng ngứa rát buốt, tiết dịch ở lỗ tiểu; ở phụ nữ thường ngứa âm đạo, có thể tiết dịch ít. Ngoài ra bệnh nhân có những vết loét ở cơ quan sinh dục.

Có những bệnh lý tưởng chừng như không liên quan như viêm tinh hoàn; đau tức vùng bụng, vùng chậu sau khi quan hệ tình dục không an toàn nhưng đây thực sự là các bệnh lý do viêm đường tiết niệu sinh dục gây ra. Những bệnh lý như HIV, herpes, viêm gan B, viêm gan C thường không có triệu chứng, trừ giang mai có thể có vết loét trên bộ phận sinh dục.

Thời điểm phát hiện các bệnh lý cũng tùy thuộc vào mỗi bệnh. Triệu chứng viêm niệu đạo do lậu hoặc Chlamydia trung bình khoảng 2 tuần sau quan hệ tình dục không an toàn. Giang mai có thể đến 90 ngày (3 tháng) mới có dấu hiệu. Bệnh lý do herpes, viêm gan B, C thường không xuất hiện triệu chứng để nhận thấy, có thể bệnh nhân nhiễm rất lâu. Ví dụ như herpes có thể nhiễm đến vài năm mới bùng phát triệu chứng loét trên bộ phận sinh dục.

5. Cần làm xét nghiệm gì để chẩn đoán các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở nam giới?

Khi xuất hiện triệu chứng nghi ngờ, nam giới nên đến cơ sở y tế nào để được thăm khám?

ThS.BS Lê Anh Tuấn trả lời: Hiện nay hầu hết các bệnh viện đều có bộ xét nghiệm cơ bản để chẩn đoán HIV, giang mai, lậu, Chlamydia. Tuy nhiên, với các xét nghiệm chuyên sâu như PCR để đánh giá 13 tác nhân lây truyền qua đường tình dục thì tại TPHCM chỉ có một số cơ sở thực hiện, điển hình như Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Da liễu TPHCM. Đối với các xét nghiệm thông thường chỉ cho kết quả gợi ý nhiễm trùng.

- Cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán bệnh lây truyền qua đường tình dục, thưa BS?

ThS.BS Lê Anh Tuấn trả lời: Khi bệnh nhân có triệu chứng, đầu tiên sẽ làm xét nghiệm nước tiểu và dịch niệu đạo. Ngoài ra, bệnh nhân còn được xét nghiệm máu để đánh giá HIV, giang mai. Rất tiếc là hiện nay virus herpes, HPV gây sùi mào gà không xét nghiệm được, ở nam giới người ta cũng không đề nghị xét nghiệm, ở nữ giới sẽ xét nghiệm HPV tại cổ tử cung. Nam giới chỉ xét nghiệm khi có tổn thương herpes hoặc sùi mào gà trên da.

Vì vậy, chủ yếu sẽ xét nghiệm dịch niệu đạo, xét nghiệm máu, HIV, giang mai. Bên cạnh đó, nếu chưa chích ngừa viêm gan thì nên xét nghiệm viêm gan B, viêm gan C.

- Xét nghiệm thời điểm nào để kết quả chính xác nhất kể từ khi tiếp xúc mầm bệnh hoặc quan hệ tình dục không an toàn ạ?

ThS.BS Lê Anh Tuấn trả lời: Quan trọng là thời điểm nào chúng ta xét nghiệm. Nếu bệnh nhân chỉ mới có hành vi nguy cơ hôm qua, và hôm nay đi xét nghiệm thì thường sẽ không ra kết quả. Tuy nhiên chúng tôi vẫn khuyến cáo với các bệnh nhân, khi đến các cơ sở y tế thì nên xét nghiệm. Sau đó, nếu muốn yên tâm hơn thì 3-4 tháng sau để làm xét nghiệm lại. Các bệnh như giang mai, HIV thời điểm tốt nhất để xét nghiệm là 3 tháng sau khi có quan hệ tình dục không an toàn, nếu âm tính thì gần như 99% là an toàn.

6. Người bạn tình nên thăm khám như thế nào?

Nam giới mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, người bạn tình cần thăm khám thế nào, làm xét nghiệm gì thưa BS?

ThS.BS Lê Anh Tuấn trả lời: Nếu người bạn tình là phụ nữ thì cần xét nghiệm dịch âm đạo. Đồng thời cũng cần phải khám phụ khoa để kiểm tra các vét loét hay sùi mào gà có thể nằm sâu trong âm đạo. Bởi vì khác với nam giới cơ quan sinh dục lộ ra ngoài hoàn toàn, còn phụ nữ nằm rất sâu nên cần đến các cơ sở y tế có khả năng khám như Bệnh viện Da liễu, hoặc chuyên về Phụ khoa để soi vùng âm đạo như Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ… Bên cạnh đó, người phụ nữ cũng nên xét nghiệm máu để kiểm tra HIV, giang mai, đặc biệt là viêm gan B, viêm gan C.

7. Bệnh lây truyền qua đường tình dục được điều trị như thế nào?

Hiện nay có những phương pháp nào điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục ở nam giới thưa BS? Trong quá trình điều trị, cần lưu ý những gì để đạt hiệu quả tối ưu?

ThS.BS Lê Anh Tuấn trả lời: Hiện nay đã có nhiều cập nhật liên quan đến điều trị STDs. Các bệnh lý lậu, Chlamydia, vết loét do herpes có thể điều trị bằng thuốc. Đối với vết loét do giang mai có thể dùng thuốc chích. Đối với sùi mào gà có thể sử dụng các công cụ để đốt, song song đó bôi thêm thuốc để lành tổn thương. Viêm gan B, viêm gan C hiện nay đã có phác đồ điều trị riêng.

Để đảm bảo hiệu quả điều trị điều quan trọng nhất là phải điều trị đồng thời cho cả hai người (người bệnh và cả người bạn tình). Bởi vì trái ngược với nam giới, STDs (điển hình như lậu, Chlamydia) ở người phụ nữ thường không có triệu chứng, các vết loét, sùi mào gà cũng rất âm thầm, nằm sâu trong âm đạo. Vì vậy, nếu chỉ điều trị cho một người sẽ rất khó khỏi, có thể tái phát.

Bên cạnh đó, trong quá trình điều trị không được quan hệ tình dục. Nếu quan hệ tình dục trong thời điểm này có thể làm nhiễm thêm các vi trùng khác, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

8. Bệnh lây truyền qua đường tình dục có điều trị khỏi hoàn toàn?

Bệnh lây truyền qua tình dục ở nam giới có thể điều trị khỏi hoàn toàn không thưa BS? Nguy cơ tái phát ra sao và những yếu tố nào thúc đẩy nguy cơ tái phát?

ThS.BS Lê Anh Tuấn trả lời: Đây là thắc mắc rất thường gặp của nhiều bệnh nhân. Thực tế, một số bệnh có thể điều trị hết, như viêm niệu đạo do lậu, Chlamydia nguyên nhân từ vi trùng, dùng kháng sinh có thể điều trị khỏi; hay giang mai dùng kháng sinh, theo dõi cũng có thể điều trị hết. Tuy nhiên, sau khi khỏi, nếu bệnh nhân có hành vi nguy cơ - quan hệ với người mắc bệnh lậu, Chlamydia, giang mai thì vẫn có khả năng tái phát. Đặc thù của những căn bệnh này là không tạo ra kháng thể bền vững. Do vậy, sau khi khỏi bệnh cần phải có lối sống tình dục an toàn để tránh tái phát.

Tuy nhiên có một số bệnh lý không thể điều trị khỏi. Ví dụ như herpes gây tổn thương vết loét, khi điều trị làm lành thương nhưng virus vẫn tồn tại trong người, đào thải theo thời gian nhưng quá trình đào thải chưa được nắm rõ. Đôi khi virus có thể theo bệnh nhân suốt đời, thỉnh thoảng khi sức đề kháng suy giảm có thể làm tái phát vết loét. Những bệnh lý như viêm gan B, HIV chỉ điều trị giảm, không có phác đồ điều trị hoàn toàn.

9. Phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục như thế nào?

Làm thế nào để ngăn ngừa mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, thưa BS?

ThS.BS Lê Anh Tuấn trả lời: Để ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trước tiên mỗi chúng ta phải có thái độ quan tâm và có trách nhiệm với cuộc sống, tôn trọng một vợ - một chồng. Khi có quan hệ tình dục không an toàn thì nên sử dụng biện pháp bảo vệ, an toàn nhất là bao cao su.

Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng, ngay cả khi sử dụng bao cao su vẫn có khả năng lây truyền các bệnh qua đường tình dục (trong tình huống rách bao cao su; hoặc người bạn tình có sùi mào gà - dịch âm đạo sẽ chảy dọc xuống và tụ quanh gốc dương vật). Tựu chung, biện pháp tốt nhất là tôn trọng một vợ - một chồng và quan hệ tình dục an toàn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X